Thiếu ngủ tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp

(CDC Hà Nam)

Ngủ ít hơn 7 tiếng có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch, góp phần gây ra tình trạng viêm, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.

Mọi cơ quan trong cơ thể được phục hồi, tái tạo năng lượng khi ngủ. Ngủ ít có thể kích hoạt quá trình viêm, mức protein phản ứng C (CRP) tăng cao. Cơ thể giảm sản xuất cytokine tế bào T (đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch) và các tế bào miễn dịch. Từ đó, cơ thể giảm đề kháng, ức chế phản ứng tự nhiên bảo vệ cơ thể trước virus, vi khuẩn, nấm…

Thiếu ngủ làm thay đổi cấu trúc DNA bên trong các tế bào gốc miễn dịch sản sinh ra tế bào bạch cầu, góp phần gây ra hoặc tăng mức độ viêm. Ngủ ít còn có thể ảnh hưởng đến nồng độ kháng thể sau khi tiêm vaccine, giảm hiệu quả phản ứng kháng thể với các kháng nguyên mới. Tình trạng này kéo dài dễ gây ra nhiễm trùng hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm phổi.

Ngủ không đủ giấc có thể làm giảm dung tích phổi và mức độ bão hòa oxy, khả năng làm sạch chất nhầy, các chất gây kích ứng đường thở cũng hạn chế. Theo thời gian, điều này tăng nguy cơ phát triển tăng áp động mạch phổi, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tim. Ở người có bệnh phổi như hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thiếu ngủ khiến triệu chứng bệnh trở nặng hơn. Nếu các vấn đề hô hấp không được điều trị có thể dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc trên khoảng 469.600 người trưởng thành, đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2023, cho thấy ngủ ít hơn 7-8 giờ mỗi đêm có nguy cơ ung thư phổi cao hơn 13%.

Nhịp sinh học trong cơ thể của mỗi người không giống nhau. Nhu cầu giấc ngủ cũng tùy thuộc vào từng thể trạng. Ngủ bù không giúp đảo ngược những tác động tiêu cực sau một đêm thức khuya. Tốt nhất người trưởng thành cần ngủ khoảng 7 giờ mỗi đêm, trước 22-23h để duy trì sức khỏe tốt. Buổi trưa chỉ nên nghỉ ngơi khoảng 30 phút, không ngủ sau 15h.

Giữ không khí trong phòng ngủ trong lành, hạn chế dùng chất dễ gây kích thích đường thở như nhang thơm, nến thơm, nước hoa xịt phòng, vệ sinh ga giường, đệm thường xuyên. Phòng ngủ cần được lắp quạt thông gió để lưu thông khí, duy trì độ ẩm khoảng 40-60% để giảm virus, nấm mốc. Các thiết bị quạt, điều hòa, máy lọc không khí cần được vệ sinh sạch sẽ định kỳ.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh dùng chất kích thích hoặc thiết bị điện tử trước giờ ngủ. Tăng cường vận động thể thao để giải tỏa stress. Tuy nhiên, không nên tập luyện với cường độ mạnh trong 4 giờ trước khi ngủ do có thể gây đau cơ, gia tăng hormone hưng phấn, khiến khó ngủ.

Nếu khó ngủ do bệnh lý, người bệnh cần điều trị nguyên nhân. Người bệnh hô hấp nên tuân thủ kế hoạch điều trị, tránh xa khói thuốc và các tác nhân gây dị ứng như mạt bụi, phấn hoa, khí độc… Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể cần dùng dụng cụ đẩy hàm hoặc đeo máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) theo tư vấn của bác sĩ để có giấc ngủ tốt.

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Vì sao hay bị đau đầu do thay đổi thời tiết?

Ngọc Nga

Các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

CDC Hà Nam

8 lý do khiến nhiều người thất bại trong việc giảm cân

Ngọc Nga