Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh Sởi

(CDC Hà Nam)

Ngày 15/3/2025, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh Sởi tại trụ sở Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế (chủ trì) và Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với sự tham dự của Lãnh đạo, cán bộ các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, Trung tâm thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; về phía địa phương, có sự tham dự của đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Bệnh viện tuyến tỉnh; các Viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố; một số cơ quan thông tấn, báo chí tại Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, qua các báo cáo của các đơn vị cùng các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự cho thấy bệnh Sởi vẫn đang gặp thách thức, khó lường, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Sởi giảm so với những năm trước. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia trên thế giới (gồm cả Việt Nam) ghi nhận các trường hợp mắc Sởi có xu hướng tăng cao từ cuối năm 2024 và tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2025; bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, gần đây đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn làm ảnh hưởng đến triển khai tiêm vắc xin phòng, chống Sởi.

Với sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, chính quyền tại địa phương; sự ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và phòng chống dịch bệnh Sởi đã đạt được những kết quả nhất định. Bộ Y tế đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực cố gắng của các y, bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở ở Trung ương và địa phương. Dự báo dịch Sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng. Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Sởi, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo; Sở Y tế và các đơn vị liên quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế triển khai thực hiện một số nội dung hoạt động sau:

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khẩn trương rà soát, đảm bảo nhân lực, hậu cần, kinh phí, vật tư, thiết bị để tổ chức ngay và đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi, phải hoàn thành trong tháng 3 năm 2025. Thường xuyên đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh Sởi, đặc biệt nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi thấp để tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát dịch Sởi trong thời gian tới. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng đảm bảo bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn; không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Đảm bảo triển khai an toàn, hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm/tiêm chưa đầy đủ mũi vắc xin Sởi. Tùy theo điều kiện thực tế, đặc thù của mỗi địa bàn để tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động tại các khu cộng đồng dân cư, tiêm chủng ngoài giờ hành chính, đặc biệt là nơi có trẻ bị tử vong do bệnh Sởi và rà soát lại quá trình chăm sóc, điều trị. Giao trách nhiệm cho chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế tăng cường rà soát, quản lý đối tượng tiêm chủng và không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Sởi, nhất là tại các nơi có nguy cơ bùng phát dịch, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bên cạnh đó, rà soát, phổ biến, triển khai Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật về giá dịch vụ y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập. Tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân bằng các biện pháp phù hợp với các đối tượng khác nhau, đặc biệt các thông tin đưa lên truyền thông cần chính thống; thông tin, tuyên truyền các loại hình truyền thông phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi; tổ chức hội nghị cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh Sởi cho các trường học, nơi đông dân cư, vận động tiêm chủng đầy đủ, cảnh báo nguy cơ biến chứng sau mắc bệnh Sởi. Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Sởi năm 2025 trên địa bàn, ưu tiên tiêm cho trẻ ở các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc Sởi, nơi có dân di biến động nhiều để xây dựng kế hoạch quản lý đối tượng; đồng thời phải tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi cho các trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin. Trên cơ sở tình hình mắc, nghi mắc Sởi tại mỗi địa phương để tăng cường phối hợp hiệu quả giữa chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan và bố trí nguồn lực áp dụng hình thức triển khai tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà nhằm nhanh chóng bao phủ vắc xin đạt được miễn dịch trong cộng đồng. Không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí, thiếu thiết bị, vật tư y tế, không đủ nhân lực y tế làm trì hoãn, chậm tiến độ tiêm bù, tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi; trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết các khó khăn này, cần báo ngay Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh Sởi trong cộng đồng, ngành Y tế chủ động áp dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc để vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều vắc xin phòng bệnh Sởi và đi khám, chữa bệnh kịp thời khi có các dấu hiệu mắc bệnh Sởi; không sử dụng việc khám, chữa bệnh Sởi bằng phương pháp không chính thống, không tự chữa, không nhờ thầy lang, thầy cúng chữa. Huy động sự tham gia các ban ngành và cộng đồng, phối hợp các biện pháp y tế và biện pháp xã hội trong công tác phòng, chống bệnh Sởi, đảm bảo quyền được bảo vệ sức khỏe của trẻ em, tất cả các cháu mắc sởi, nghi mắc Sởi không chỉ được chăm sóc y tế, mà còn đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm, không để xảy ra tình trạng các trẻ mắc Sởi, nghi mắc Sởi diễn biến xấu do thiếu chăm sóc y tế, không đủ dưỡng chất. Ứng dụng mạng xã hội, thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật qua mạng xã hội, tăng cường hoạt động khám chữa bệnh từ xa, phân công bác sĩ có kinh nghiệm tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, đặc biệt ưu tiên cho các trạm y tế xã, y tế thôn bản ở khu vực vùng núi, đi lại khó khăn.

Đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tỉnh, thành phố tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi kịp thời. Chủ động phối hợp với các địa phương cập nhật kết quả đánh giá nguy cơ, xác định các khu vực nguy cơ cao để đề xuất các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng phù hợp với diễn biến thực tế. Khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhất là đối với việc tiêm chủng cho nhóm đối tượng được bổ sung trong kế hoạch; kịp thời phân bổ vắc xin và thường xuyên giám sát hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức triển khai. Đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ trì, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và Cục Phòng bệnh nghiên cứu các bằng chứng khoa học trong công tác phòng, chống dịch bệnh để làm căn cứ rà soát các chính sách về y tế tự phòng.

Đề nghị Viện Dinh dưỡng: Tổng hợp nhu cầu vitamin A cho công tác điều trị từ các địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để cung cấp, hướng dẫn các địa phương sử dụng vitamin A phù hợp với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi.

Đề nghị Cục Phòng bệnh tiếp tục đôn đốc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo, tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp; tham mưu các giải pháp phòng, chống các bệnh có vắc xin dự phòng, nhất là bệnh Sởi. Rà soát các văn bản liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Phối hợp với các đơn vị liên quan và Sở Y tế các tỉnh, thành phố để đánh giá hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chủ động tham mưu bảo đảm nguồn lực, cơ sở pháp lý và giám sát, theo dõi và tham mưu xử lý các khó khăn trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh Sởi.

Đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Bệnh viện tuyến Trung ương Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trình, báo cáo Lãnh đạo Bộ ban hành cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi trước ngày 22/3/2025. Chỉ đạo tăng cường phòng, chống lây nhiễm, tránh lây chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất.

Đề nghị Văn phòng Bộ, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khoẻ Trung ương, Báo Sức khoẻ và Đời sống: Đẩy mạnh công tác truyền thông; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh và cung cấp các khuyến cáo, hướng dẫn để người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, đặc biệt là truyền thông các thông tin chính thống. Tập trung thông tin, tuyên truyền vận động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch; khuyến khích tiêm vắc xin phòng Sởi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Đề nghị các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế tổ chức triển khai các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các Viện, các đơn vị y tế địa phương giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có Công điện đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh Sởi; ngay khi Công điện được ban hành, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai ngay.

Xem chi tiết tại đây: 2.TBKL Hoi nghi PCD Soi 15032025.signed

 

Bài viết liên quan

Lô vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V đầu tiên sản xuất tại Việt Nam

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch chiều ngày 14/10/2021

Ngọc Nga

Hà Nam: Thông báo 21 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin