Cầm trên tay điếu thuốc và thỉnh thoảng lại đưa lên miệng hút phì phèo một tẹo, rồi lại nhả khói ra không gian… những hành vi đó tưởng chừng như không có vô hại gì và tốn kém lắm. Nhưng không, thuốc lá được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, gây ra cái chết của trên 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Không chỉ tác động đến sức khỏe cộng đồng, thuốc lá còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,…
Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, môi trường
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới và đứng thứ 3 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trung bình cứ 2 nam giới thì có 1 người hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá cao khiến người Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế.
Mỗi năm, thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong. Ước tính năm 2022, số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông và tự tử.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc. Trong đó, có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản,… Đặc biệt, có tới 90% bệnh nhân mắc ung thư phổi, lao phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có yếu tố liên quan đến thuốc lá.
Hút thuốc lá còn nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định thuốc lá là mối hiểm họa với sức khỏe môi trường và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất. Ngành công nghiệp thuốc lá cùng với cháy rừng hàng năm thải ra 84 triệu tấn khí CO2 trong bầu không khí và thải ra lượng khí độc hại cao gấp 10 lần so với các loại nhiên liệu, tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra, góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu và gây hiệu ứng nhà kính cho Trái đất. Chưa kể trên 7.000 chất hóa học tạo ra khi hút thuốc.
Xây dựng môi trường không khói thuốc lá
Thời gian qua, với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (THTL) trên địa bàn tỉnh Hà Nam có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người dân hút thuốc lá có dấu hiệu giảm dần. Nhằm tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về việc nâng cao ý thức thực thi Luật Phòng, chống THTL, xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá trong trường học, cơ sở y tế…
Anh Phạm Văn Thân (xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: “Trước đây, tôi hút thuốc lá rất nhiều, mỗi ngày hơn 1 bao. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và những người xung quanh, tôi cố gắng từ bỏ thói quen hút thuốc. Ban đầu cũng rất khó nhưng quyết tâm thì có thể làm được”.
Theo các chuyên gia y tế, người hút thuốc không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Khói và hơi thuốc lá là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe của người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Người không hút thuốc bị cao huyết áp hoặc cholesterol trong máu cao thậm chí có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi hít khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động góp phần gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim ở những người hít khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc cao hơn khoảng 25-30%. Hút thuốc thụ động còn thúc đẩy bệnh tật. Trẻ em sinh ra từ người hút thuốc có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn trẻ em sinh ra từ người không hút thuốc.
Khi người hút thuốc lá, khói thuốc có thể ám vào quần áo và những người tiếp xúc gần trở thành người hút thuốc lá thụ động. Điều đáng quan tâm là tác hại đối với người hút thuốc lá thụ động không kém gì so với người hút thuốc lá trực tiếp. Để bảo vệ sức khỏe cho những người thân trong gia đình, cộng đồng, cách duy nhất là xây dựng môi trường không khói thuốc mà trước hết là những người hút thuốc lá hãy nói không với thuốc lá ngay từ ngày hôm nay./.
Thanh Huyền