Dưới đây là một số hệ lụy khi thức đêm muộn thường xuyên
Thức khuya nguy cơ giảm thị lực, thính giác
Nhiều người có thói quen thức khuya thường xuyên nhất là giới trẻ ngày nay. Vì nhiều lý do như: học tập, ôn thi, làm việc… nhưng cũng có người thức suốt đêm để vui chơi… điều này đều gây hại cho mắt và sức khỏe.
Bởi khi thức đôi mắt của con người, phải làm việc liên tục, càng kéo dài thời gian thức, đôi mắt càng phải làm việc nhiều hơn, đặc biệt là khi thức khuya vào ban đêm. Lượng ánh sáng không đủ cộng thêm ánh sáng xanh hoặc tím từ màn hình máy tính, điện thoại và một số thiết bị thông minh khác… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều tiết của mắt, khiến mắt khô, nhức và lâu dần gây suy giảm thị lực.
Không những thế khi thức đêm muộn thính lực cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Hệ thống mạch máu phải hoạt động không ngừng, điều này gây ra căng thẳng. Số lượng máu không đủ cung cấp cho hệ thống tai và ống nhĩ gây ù tai, đau tai và suy giảm thính giác.
Thức khuya nguy cơ cao béo phì
Việc thức đêm thường sẽ dẫn đến không đủ giấc. Việc ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm sẽ làm quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể bị xáo trộn và mỡ thừa trong cơ thể có xu hướng tăng lên. Các mô mỡ càng ngày càng dày lên trong cơ thể và gây ra tăng cân, béo phì.
Ngoài ra, việc thức đêm muộn khiến nhiều người có xu hướng muốn ăn đêm, ăn vặt. Điều này càng làm vấn đề tăng cân trở nên khó kiểm soát hơn. Một nghiên cứu cho thấy có tới 40% số người thức khuya có xu hướng ăn đêm. Lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể quá nhiều và quá gần thời gian ngủ khiến dạ dày không kịp tiêu hóa gây đầy bụng, khó tiêu, nếu duy trì trong thời gian dài có thể gây bệnh viêm loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
Khi thức đêm muộn khiến cơ thể con người cần nhiều thức ăn hơn để duy trì năng lượng, sự tỉnh táo để làm việc và học tập. Chính vì vậy, việc thức đêm muộn có nguy cơ tăng cân béo phì là điều dễ xảy ra.
Thức khuya có thể suy giảm trí nhớ, tổn thương da
Những hệ lụy quan trọng hơn là thức đêm khiến suy giảm trí nhớ. Vì thời gian ngủ là thời gian để bộ não nghỉ ngơi và ghi nhớ lại những hoạt động đã diễn ra trong ngày hôm đó. Khi thức khuya, sẽ tăng lượng thông tin cần ghi nhớ trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não.
Khi thức đêm, hệ thần kinh giao cảm trong cơ thể tiếp tục duy trì trạng thái hưng phấn và đến ngày hôm sau cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Nó gây ra hiện tượng chóng mặt, giảm trí nhớ, thiếu tập trung và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Chính vì thế thức khuya thời gian dài sẽ gây suy nhược thần kinh, mất ngủ và nhiều triệu chứng bất lợi khác.
Thức khuya gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ
Cũng như các cơ quan khác trong cơ thể, hệ thống tim mạch cũng cần nghỉ ngơi để phục hồi lại khả năng hoạt động. Khi thức đêm muộn, không đảm bảo ngủ tối thiểu 6h/ngày sẽ khiến cho chức năng của tim mạch và tăng hơn 20% nguy cơ đột quỵ.
Khi thường xuyên thức đêm muộn não cần được tưới máu nhiều hơn, áp lực bơm máu lên não càng tăng, khiến huyết áp tăng vọt, tạo một lực tác động lên thành mạch máu não lớn quá mức và hậu quả là vỡ mạch máu não. Khi một người trẻ đột quỵ, hệ lụy về sức khỏe, tinh thần, vật chất cho chính bản thân người bệnh và những người thân là điều khó có thể đo đếm được.
Lời khuyên của thầy thuốc
Việc thức khuya nhiều không chỉ ảnh hướng đến múi giờ sinh học tự nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Bởi vậy, dù với mục đích gì mà buộc phải thức đêm muộn, chúng ta cần phải có lịch trình làm việc hợp lý hơn, đảm bảo mình phải ngủ được ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Và trong giấc ngủ tối thiểu này chắc chắn phải là 1 giấc ngủ liền mạch, giấc ngủ sâu.
Nếu không đủ giấc ngủ tối thiếu thì nhất thiết phải nên ngủ một giấc trưa ngắn khoảng 20 đến 30 phút nữa. Một giấc ngủ ngắn buổi trưa sẽ giúp chúng ta lấy lại tinh thần nhanh chóng, tăng năng suất lao động, góp phần duy trì sự tỉnh táo cho buổi chiều. Nếu không thể ngủ trưa có thể thở đều một cách thư giãn và nhắm mắt ngồi yên hoặc cần ngủ bù vào buổi tối ngày hôm sau.
Khi thức đêm muộn sáng hôm sau thường mệt mỏi, uể oải. Để khắc phục sau khi ngủ dậy, dùng các ngón tay xoa lên bụng liên tục, từ trán ra sau gáy. Hoặc bất cứ lúc nào trong ngày, nếu cảm thấy nhức đầu, có thể dùng ngón tay mát xa phần thái dương ra sau gáy… sẽ khiến khí huyết lưu thông tốt hơn, đầu óc thoải mái, dễ chịu.
Có thể ngồi thiền trong 10 phút hoặc lâu hơn, miễn là cảm thấy thư giãn và thoải mái. Sau đó có thể uống một ly nước ấm giúp tỉnh ngủ hơn, mà điều này còn rất tốt cho sức khỏe .
Với những người có giờ giấc làm việc, giấc ngủ xáo trộn hãy thu xếp công việc, học tập giúp duy trì đồng hồ sinh học bằng cách.
Duy trì thời gian hoạt động và nghỉ ngơi, kể cả vào cuối tuần hay các ngày nghỉ. Ngoài ra, các bạn cũng không nên thức quá muộn. Khi ngủ, bạn nên chọn một không gian yên tĩnh, thoải mái để có được giấc ngủ sâu. Trước khi đi ngủ, chúng mình có thể tắm nước ấm để giúp cơ thể thư giãn và có được giấc ngủ ngon hơn.
Phan Hạnh