Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19: Thêm cơ hội được bảo vệ liên tục

(CDC Hà Nam)
BsCKII Trương Mạnh Sức

Hiện dịch COVID-19 đã “hạ nhiệt”, số người nhiễm bệnh giảm sâu – Điều đó cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, thực tế này đang dẫn đến tình trạng nhiều người có tâm lý chủ quan, thờ ơ và tỏ ra không mặn mà với việc tiêm vắc xin liều nhắc lại. Dịch COVID-19 chưa phải đã chấm dứt, vắc xin phòng COVID-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, người đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Đặc biệt, vi rút SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính nguy hiểm của các biến thể. Vì vậy, việc tiêm liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoàn toàn cần thiết để không mất cơ hội được bảo vệ liên tục. Phóng viên Sức khoẻ Hà Nam đã có cuộc trao đổi với BSCKII Trương Mạnh Sức – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xung quanh vấn đề này.

PV: Tại nước ta hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, đặc biệt đã trở lại cuộc sống bình thường mới. Vì thế, nhiều người dân thắc mắc có thực sự cần thiết phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại không, thưa ông?

BSCKII Trương Mạnh Sức: Tình hình dịch COVID-19 trên cả nước nói chung và tại tỉnh Hà Nam nói riêng hiện đang có chiều hướng giảm số ca mắc một cách rõ rệt. Điều này chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quan trọng nhất phải kể đến hiệu quả của việc tiêm vắc xin.

Theo các nhà chuyên môn, nhà sản xuất vắc xin phòng COVID-19 và thông qua đánh giá lâm sàng cho thấy, vắc xin COVID-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng miễn dịch sẽ giảm, vì vậy, người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn có thể bị tái nhiễm. Sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và 2) thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ còn 50% (nhất là với chủng Omicron). Nếu tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 và đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm, nếu xuất hiện chủng COVID-19 mới thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong. Vậy nên, câu hỏi vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại có thực sự cần thiết không, tôi cho rằng vẫn rất cần thiết trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

PV: Nhiều người cho rằng, đã mắc COVID-19 và tiêm 2 mũi vắc xin là đủ vì kháng thể tồn tại trong cơ thể suốt đời, nên không cần tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19. Điều này có đúng, thưa ông?

BSCKII Trương Mạnh Sức: Tôi xin nhấn mạnh, vắc xin phòng COVID-19 khác với một số vắc xin như: vắc xin đậu mùa, sởi, bại liệt có miễn dịch rất bền vững, gần như suốt đời, vắc xin viêm não Nhật Bản B cũng có miễn dịch rất cao, tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 hoàn toàn khác, người được tiêm vắc xin sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch sẽ giảm dần, người đã tiêm rồi vẫn có thể nhiễm COVID-19 và nguy hiểm hơn cho người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già…

Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vắc xin phòng COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ‘ưu thế’ trên thế giới.

PV: Khi vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang có những biến chủng và diễn biến khó lường, chưa biết thời gian tới sẽ ra sao thì “lá chắn” phòng COVID-19 cho người dân có phải vẫn là vắc xin? Vậy, xin ông cho biết lợi ích thiết thực của việc tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19?

BSCKII Trương Mạnh Sức: Hiện dịch COVID-19 có những dấu hiệu giảm, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn, đã và đang khuyến cáo người dân tiêm mũi thứ 4, tiến dần đến việc tiêm chủng phòng COVID-19 hằng năm như cúm mùa. Tuy nhiên, dịch COVID-19 chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn cho nên người dân cần tiêm vắc xin để được bảo vệ liên tục. Hơn nữa, nhiều người vẫn đang thuộc đối tượng nguy cơ cao như có các bệnh nan y, bệnh lý nền nặng, do đó tiêm vắc xin mũi 4 không chỉ bảo vệ bản thân người tiêm mà còn bảo vệ người thân, cộng đồng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nữa.

Ngoài ra, dù dịch có giảm và nhiều người nhiễm thấy sức khỏe bình thường, không triệu chứng nặng, nhưng những ảnh hưởng hậu COVID-19 là có và đang gây rất nhiều triệu chứng, hệ lụy khác nhau liên quan đến tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, cơ xương khớp, nội tiết… Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 203 triệu chứng hậu COVID-19. Cho nên vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại vẫn là “lá chắn” cần thiết.

PV: Theo nhiều người dân, họ không ngại tiêm thêm một mũi vắc xin, nhưng vì ngại tác dụng phụ mà họ cho rằng nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hiện tại cũng như lâu dài. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

BSCKII Trương Mạnh Sức: Chúng tôi ghi nhận có thực trạng người dân không muốn tiêm vắc xin phòng COVID-19 vì e ngại tình trạng tác dụng phụ như: gây ra tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục… Tuy nhiên, đây là những thông tin không có căn cứ. Y học là vấn đề khoa học nên được giám sát rất chặt chẽ.

Các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, khả năng tình dục và cũng không ghi nhận các tác dụng phụ tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ. Ngay cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hoa Kỳ), cơ quan kiểm soát bệnh tật uy tín hàng đầu thế giới cũng chưa đăng bất kỳ thông tin nào về những tác dụng phụ lâu dài như người dân đang truyền tai nhau. Tuy nhiên, những thông tin nghiên cứu về các ảnh hưởng của hậu COVID-19 thì đã được khẳng định, có 203 triệu chứng, trong đó có tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục…

Do đó, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng không căn cứ để đánh mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19.

PV: Trong đợt tăng cường tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại này, những đối tượng nào tại Hà Nam được tiêm, tiêm vắc xin gì và việc triển khai tiêm tại tỉnh ta đang thực hiện ra sao, thưa ông?

BSCKII Trương Mạnh Sức: Tại Hà Nam, đối tượng tiêm liều nhắc lại lần 1, gồm: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; đối với người đã tiêm mũi 1, mũi 2 bằng vắc xin Sputnik-V hoặc vắc xin Vero Cell thì tiêm mũi 3 mới hoàn thành mũi cơ bản; những trường hợp này phải tiêm mũi 4 (liều nhắc lại lần 1); đối với người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định; liều nhắc lại lần 1 được tiêm cách mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất là 03 tháng.

Với đối tượng tiêm liều nhắc lại lần 2, gồm: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm có nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các Khu công nghiệp. Thời gian tiêm liều nhắc lại  nhắc lại lần 2 là cách 04 tháng với liều tiêm nhắc lại lần 1. Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1: trì hoãn 03 tháng sau khi mắc COVID-19 sẽ tiêm liều nhắc lại lần 2. Loại vắc xin sử dụng là vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1).

Đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần lưu ý: Trẻ đã mắc COVID-19 trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 03 tháng.

Để hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và UBND tỉnh, Sở Y tế đã đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tích cực tham gia tiêm chủng đầy đủ khi có chỉ định. Cùng với đó, rà soát, lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng, nhất là các trường hợp chưa được tiêm, chưa tiêm đủ liều, bao gồm cả liều cơ bản, liều nhắc lại lần 1 và liều nhắc lại lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; đối với trẻ em từ 05 đến 17 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều cơ bản, nhất là trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chưa tiêm mũi 1.

Sở Y tế cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào lượng vắc xin được cấp và số đối tượng có chỉ định tiêm chủng chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn và chủ các doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền cho nhân dân tại địa phương và công nhân tích cực tham gia tiêm chủng; sử dụng vắc xin hiệu quả an toàn, không để vắc xin hết hạn phải hủy bỏ, tránh lãng phí (nhất là vắc xin đã giã đông).

Những ngày qua, việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh ta đã diễn ra an toàn, đúng đối tượng và không để lãng phí vắc xin.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

         Ngọc Nga (thực hiện)

Bài viết liên quan

Hà Nam: 50 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga

Hà Nam: Thêm 17 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga

Bản tin công tác phòng, chống dịch ngày 18/9

Ngọc Nga