Hôm nay (20/3/2025), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã ban hành công văn số 102/KSBT-BTN gửi các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch/bệnh sởi và triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi.
Theo nội dung công văn, để chủ động triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh và thực hiện Công điện số 23/CT-TTg ngày 15/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị:
1. Các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, của UBND tỉnh và của Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch, bệnh sởi tại đơn vị/địa phương và lưu ý một số nội dung như sau:
– Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch sởi trên địa bàn, thông báo kịp thời tới các đơn vị y tế dự phòng để phối hợp tiến hành điều tra ca bệnh, yếu tố dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
– Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người lao động và Nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; tăng cường rèn luyện thể dục; có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể; chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng bệnh cho bản thân và người thân theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Yêu cầu cán bộ, nhân viên, người lao động và Nhân dân khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe (sốt, ho, phát ban, viêm long đường hô hấp,…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.
2. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố:
– Chủ trì tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi trên địa bàn theo chỉ đạo của Sở Y tế, đảm bảo hiệu quả, an toàn. Yêu cầu kết thúc Chiến dịch trước ngày 31/3/2025. Tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai Chiến dịch theo quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
– Tăng cường, giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca nghi mắc/mắc bệnh sởi trong cộng đồng, trường học, công ty… và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan thành dịch, hạn chế các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Đặc biệt chú ý các trường hợp sốt, phát ban có hội chứng viêm long đường hô hấp ghi nhận tại các Công ty, cơ sở giáo dục…, thực hiện, quản lý ca bệnh, điều tra ca bệnh và xử lý theo quy định không để dịch bệnh lan ra cộng đồng.
– Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
– Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị theo quy định.
– Chỉ đạo Trạm Y tế các xã/phường/thị trấn và các điểm tiêm chủng trên địa bàn tiếp tục tăng cường rà soát, triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi, đặc biệt là tổ chức tốt Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và an toàn.
– Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóá chất, phương tiện, trang thiết bị đề đáp ứng khi có dịch xảy ra.
3. Thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế; báo cáo trực tuyến theo tài khoản của các đơn vị tại địa chỉ: https://baocaobtn.vncdc.gov.vn.
Xem nội dung công văn tại đây =====>>> 102 Vv tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động PCD bệnh sởi và triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi_0001