Tránh những sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh

(CDC Hà Nam)

Trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu giấc có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh. mẹ có biết rằng, đôi khi những thói quen tưởng như vô hại của mình nhưng lại là sai lầm khiến con trằn trọc khó ngủ, gắt ngủ hoặc có những giấc ngủ không hề đem lại lợi ích sức khỏe?

Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Các bé có thể ngủ tới 20 tiếng/ngày. Nếu để trẻ mất ngủ, ngủ không đủ giấc, không ngon giấc, trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn, cân nặng, chiều cao phát triển chậm hẳn.

Tạo không gian quá yên tĩnh

Mẹ biết rằng việc tạo không gian yên tĩnh cho giấc ngủ của con là cần thiết tuy nhiên, nếu quá yên tĩnh “không một tiếng động” thì cũng không tốt. Thực tế, nhiều bé sẽ ngủ ngon hơn nếu trong phòng có những âm thanh đều đều như tiếng quạt máy, tiếng nhạc nhẹ nhàng… hoặc nếu bé thấy thoải mái với ánh sáng dịu nhẹ, mẹ có thể để đèn ngủ cho bé.

Bỏ qua thói quen ngủ của con

Thói quen trước khi ngủ không những giúp bé được thư giãn trước khi vào nôi mà còn là cách gắn kết tình cảm mẹ con tuyệt vời. Khoảng 1 tiếng trước giờ mẹ muốn bé ngủ (6 đến 7 giờ tối là lúc thích hợp cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi), bắt đầu tập cho bé thói quen ngủ. Tắm nước ấm rồi bế con về phòng ngủ và thay quần áo trong phòng tối và mở nhạc nhẹ nhàng. Đọc sách và cho bé bú trong vòng tay mẹ. Khi bé sắp buồn ngủ, mẹ có thể đặt bé lên giường.

Cho bé lên giường không đúng lúc

Trẻ sơ sinh và trẻ em thường thèm ngủ vào những giờ nhất định. Mẹ có thể dựa trên những dấu hiệu buồn ngủ của con và thiết lập lịch ngủ phù hợp với từng bé. Quan trọng là, mẹ nên đặt bé xuống giường khi bé buồn ngủ, không phải là khi đã ngủ say.

Bỏ qua dấu hiệu cho thấy bé cần ngủ

Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi sẽ phát đi tín hiệu cho thấy sự mệt mỏi và cần được ngủ. Vài dấu hiệu đó thường gặp như: dụi mắt, ngáp dài, lười vận động, làu bàu, bực mình và ít quan tâm đến xung quanh. Nếu mẹ bỏ qua giai đoạn dễ đi vào giấc ngủ này, cơ thể bé sẽ không tiết ra chất melatonin để dịu lại nữa. Thay vào đó, tuyến thượng thận của bé sẽ tiết ra hóc môn cortisol gây căng thẳng và khiến bé không được thư giãn. Lúc này, bé sẽ quấy khóc, gắt ngủ.

Để bé quá phụ thuộc vào mẹ để ngủ

Chúng ta đều biết rằng 3 giờ sáng, khi đã hoàn toàn kiệt sức thì bạn sẽ làm mọi thứ để dỗ bé con ngủ lại, thường là ru ngủ, ôm ấp, đi lại, xoay vòng, hát, xoa lưng cho bé … Khi được 3 đến 4 tháng tuổi, thói quen này sẽ khiến bé hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Quan trọng là đặt bé xuống giường khi bé thấy buồn ngủ nhưng vẫn chưa ngủ hẳn để bé học cách tự ngủ lại mỗi khi tỉnh giấc. Mẹ có thể bắt đầu khi bé được 6 hoặc 8 tuần tuổi để phát triển khỏe mạnh hơn.

Cho bé ngủ giường quá sớm

Theo các chuyên gia, mẹ đừng chuyển bé sang giường ngủ trước khi bé trèo ra ngoài nôi được, hoặc mẹ nên để bé ngủ ở nôi cho đến khi được 2 tuổi, lúc bé sắp đi được. Một bên cũi có thể được dùng để làm rào cản cho giường khi bé chưa hiểu hoặc không vâng lời mẹ.

Cho bé tự lựa chọn thời gian ngủ

Nhiều người thường nghĩ rằng con sơ sinh ngủ được là tốt rồi, bé ngủ càng lâu càng tốt và đỡ phải dỗ dành. Theo các chuyên gia, đồng hồ sinh học chính là sức mạnh đánh thức bé dậy dù cho bé ngủ trễ vào hôm qua nhiều thế nào. Như vậy nghĩa là, khi mẹ để bé ngủ trễ hơn, mẹ đang làm cho con mệt hơn vào ngày mai, làm con không ngủ đủ giấc của mình.

Để bé gặp những khó chịu nhỏ nhặt

Bố mẹ phải hết sức tinh tế trong việc phát hiện ra nguyên nhân vì sao con khóc quấy không chịu ngủ. Bé có thể khó chịu về những lí do hết sức nhỏ nhặt như có sợi tóc thít chặt quanh ngón tay, ngón chân bé hay quần áo quá thô ráp, bức bối, nệm không được êm ái hoặc bé không thích cách bố mẹ bế bé…

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Thời tiết thay đổi, cần nhớ 4 cách chăm sóc trẻ để phòng bệnh

Ngọc Nga

Tỷ lệ mắc ung thư vú ở nam giới đang ngày một gia tăng, hãy nắm rõ 5 triệu chứng bệnh này

Ngọc Nga

Cách đơn giản giúp cải thiện viêm lợi tại nhà

Ngọc Nga