Ngày 8/3 hàng năm là dịp để tôn vinh cái đẹp, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội, trong cuộc sống. Đây cũng là lúc người phụ nữ được hạnh phúc đón nhận tất cả sự quan tâm ưu ái của toàn xã hội, của gia đình, cộng đồng và người thân.
Trong không khí phấn khởi của những ngày mùa xuân, Công đoàn cơ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức chương trình kỷ niệm ôn truyền thống115 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2025) và 1985 Khởi nghĩa Hai Bà Trưng;
Để ghi nhớ, để biết ơn, để tự hào về một chặng đường lịch sử vẻ vang của phong trào phụ nữ quốc tế nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Hôm nay, chúng ta cùng ôn lại truyền thống của ngày quốc tế phụ nữ.
Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ 19. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909. Tuy nhiên, đến ngày 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Cùng với thế giới kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, ở nước ta dịp 8/3 còn có một ý nghĩa vô cùng trọng đại, đó là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng Hai vị nữ tướng anh hùng đầu tiên của dân tộc (nổ ra vào tháng 3 năm 40). Nợ nước, thù chồng, Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát (thuộc Hà Nội ngày nay). Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà thành công, đất nước được độc lập, Hai Bà lên làm Vua đóng đô ở Mê Linh và được suy tôn là Trưng Vương. Dưới sự cầm quân của Hai bà đã xuất hiện nhiều nữ tướng anh hùng, tài giỏi như Thánh Thiên, Bát Nàn, Thiều Hoa, Diệu Tiên…Những người phụ nữ đã tạo nên một thời đại Hai Bà Trưng với những đóng góp vô cùng to lớn cho lịch sử dân tộc. Và không chỉ với Việt Nam, trong lịch sử thế giới Hai Bà Trưng cũng là những bậc nữ nhi anh hùng đầu tiên đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Hai Bà được vinh danh là những người phụ nữ mở nước.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, phụ nữ Việt Nam đã viết tiếp vào trang sử truyền thống của con cháu Bà Trưng bà Triệu những trang vàng chói lọi. Đó là những tấm gương đã hóa thành những tượng đài bất tử trong tâm hồn người Việt như: Mẹ Suốt, Chị Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Định và bao nữ anh hùng liệt sĩ khác để lại tuổi xuân trong mưa bom bão đạn, để tâm hồn thơm thảo kết thành cây trái hòa bình của ngày hôm nay. Như vậy, từ lâu phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ nước và xây dựng đất nước. Họ giữ gìn bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc, là người sản sinh ra những thế hệ anh hùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Họ không chỉ là người nội trợ mà còn là lực lượng lao động đóng góp tài năng, trí tuệ công sức trong nhiều lĩnh vực đời sống.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay có nhiều cơ hội tốt đẹp, không ít phụ nữ Việt Nam đã phấn đấu vươn lên, vượt khó, trau dồi, rèn luyện cho mình những hành trang mới sánh bước cùng cộng đồng khu vực và thế giới. Phụ nữ chúng ta đang ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, mạnh dạn trong kinh tế thị trường.
Có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam ngày càng được trưởng thành về mọi mặt. Trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế họ được đánh giá là những người tài năng, trí tuệ, khéo léo và giàu đức hy sinh. Họ là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao giỏi, chuyên gia kinh tế xuất sắc, họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà.
Tiếp nối huyền thoại 10 cô gái Lam Hạ, là những tấm gương nghị lực, tinh thần bất khuất, quật cường cho các thế hệ phụ nữ noi theo; nữ CNVCLĐ toàn tỉnh đã phấn đấu khẳng định trên nhiều lĩnh vực;
Hiện nay nữ viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh soát bệnh tật tỉnh Hà Nam có 60 chị em chiếm trên 60 % trong đơn vị.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của Trung tâm, đội ngũ nữ viên chức của đơn vị đã góp phần trên các lĩnh vực hoạt động và từng vị trí công tác. Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò của nữ viên chức, người lao động, Ban Giám đốc Trung tâm và Công đoàn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật luôn quan tâm phát triển công tác Nữ công, tạo mọi điều kiện đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ, đưa cán bộ nữ vào quy hoạch các vị trí lãnh đạo quản lý…
Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Trung tâm, BCH Công đoàn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong đó có Ban Nữ công tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và giao lưu dã ngoại …nhằm tăng cường sự đoàn kết, tạo bầu không khí phấn khởi, gắn bó hơn giữa các đoàn viên công đoàn, với sự hỗ trợ kinh phí từ Công đoàn và Trung tâm.
Phong trào“Giỏi việc Nước – Đảm việc nhà” luôn được Ban Nữ công quần chúng triển khai sâu rộng, có hiệu quả. 100% nữ cán bộ viên chức tích cực hưởng ứng tham gia phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, chính sách về Bình đẳng giới trong nữ đoàn viên.
Sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám đốcTrung tâm các Khoa/phòng, sự đồng hành, hưởng ứng nhiệt tình của nữ đoàn viên, CNVCLĐ, truyền thống hôm nay sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích, giúp chị em có thêm động lực để chăm sóc bản thân tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Đinh Hạnh