Do nhiệt độ lạnh và độ ẩm thấp trong thời tiết lạnh khiến da bị khô, nứt nẻ gây ngứa da. Dưới đây là một số biện pháp dễ áp dụng tại nhà giúp giảm ngứa da…
- Nguyên nhân gây ngứa da trong mùa lạnh
Ngứa là do sự giải phóng histamine, một chất hóa học được giải phóng trong cơ thể, gây đỏ và ngứa, khiến chúng ta gãi, có thể dẫn đến da bị kích thích.
Như vậy, ngứa da là một biểu hiện của dị ứng khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Thời tiết lạnh trong mùa đông cũng là một tác nhân gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ, mề đay gây ngứa da.
Bên cạnh đó, độ ẩm thấp trong mùa đông gây mất nước, tắm nước quá nóng cũng khiến da khô, nứt nẻ cũng gây ngứa da. Việc mặc quần áo bó sát, khó chịu cũng có thể dẫn đến ngứa da trong mùa này.
Hơn nữa, khả năng tiết mồ hôi và các chất hữu cơ của da giảm hẳn trong mùa lạnh khiến da dễ bị khô nẻ, ngứa. Một số tình trạng da như bệnh chàm và bệnh vẩy nến, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh đái tháo đường… có thể trở nên trầm trọng hơn vào mùa đông, gây ngứa da.
- Biện pháp ứng phó với ngứa da tại nhà
– Không tắm nước nóng: Mọi người đều thích tắm nước nóng đặc biệt là trong những tháng mùa đông, tuy nhiên, nước nóng có thể làm khô da. Thay đổi thói quen tắm như giảm thời gian tắm (chỉ nên tắm từ 5-10 phút) và sử dụng nước ấm sẽ ngăn làn da bị khô một cách tự nhiên, từ đó giảm ngứa da.
– Sử dụng mật ong: Mật ong được sử dụng như một phương thuốc tại nhà hiệu quả để giữ ẩm da, làm dịu ngứa do da khô hoặc nhiễm trùng.
Cách sử dụng: Nhúng một quả bóng bông vào mật ong ấm và áp vào khu vực ngứa da và giữ trong 10 đến 15 phút. Sau đó rửa sạch với nước ấm.
– Uống đủ nước: Nếu cơ thể bị mất nước, lớp da bên ngoài được gọi là lớp biểu bì sẽ khô. Do đó, để hạn chế tình trạng này, bạn nên tăng lượng nước cho cơ thể bằng cách ăn thực phẩm có hàm lượng nước nhiều như dưa chuột, cần tây, bông cải xanh, dâu tây và bưởi (đều chứa hàm lượng nước trên 90%)… hoặc uống trà thảo mộc ấm.
– Lô hội: Lô hội chứa vitamin B12, calci, magiê, kẽm và vitamin A, C, E. Ngoài ra, lô hội còn chứa các đặc tính chống viêm, chống vi khuẩn, virus và chống oxy hóa. Lô hội có thể làm dịu da ngứa và bị kích thích, điều trị phát ban hoặc ngứa do mụn trứng cá, da khô, dị ứng, côn trùng cắn hoặc bất kỳ nhiễm nấm và vi khuẩn nào.
Cách sử dụng: Lấy một lá lô hội tươi, lấy gel và áp trực tiếp lên làn da bị ảnh hưởng. Để tăng các đặc tính làm dịu, hãy giữ gel lô hội trong tủ lạnh và áp dụng trên da phát ban hoặc ngứa da.
– Giấm táo: Các đặc tính chống nhiễm trùng, giấm táo có thể giúp làm dịu ngứa da, đặc biệt đối với những người bị bệnh vẩy nến.
Cách sử dụng: Dùng giấm táo pha loãng bôi trên khu vực bị ảnh hưởng để giúp giảm ngứa da và cân bằng mức độ pH của da. Bạn cũng có thể thêm một vài muỗng giấm táo trong bồn tắm để làm dịu làn da ngứa.
– Sử dụng máy tạo độ ẩm: Thời tiết lạnh có thể khiến bạn phải sử dụng máy sưởi làm cho không khí trong nhà nóng, khô. Đây là nguyên nhân làm khô da, ngứa da và bong tróc.
Do đó, để hạn chế tình trạng này, bạn có thể sử dụng một máy tạo độ ẩm tại nhà để tạo thêm độ ẩm cho không khí, giảm khô và ngứa da. Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn giữ cho máy tạo độ ẩm sạch sẽ để tránh vi khuẩn và nấm.
Ngoài ra, bạn có thể ngăn ngừa ngứa da do khô da bằng sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi tắm, đeo găng tay khi phải tiếp xúc với hóa chất gây hại da, mặc quần áo cotton ấm thay vì sợi len (do dễ kích ứng gây ngứa) và sử dụng thực phẩm chứa omega 3 như cá hồi, quả óc chó, hạt lanh… để giúp giữ độ ẩm cho làn da từ bên trong.
Mậu Ngọ (tổng hợp)