Vệ sinh đúng cách khi bé bị tưa miệng

(CDC Hà Nam)

Tưa miệng ở trẻ là vấn đề thường gặp, chủ yếu do nấm candida albicans . Khi bị tưa miệng tổn thương tại miệng là những màng giả màu trắng ở niêm mạc miệng, mặt trên của lưỡi  khiến bé khó chịu, không chịu ăn, bó bú, khó nuốt…

 Khi bé bị tưa miệng nhiều bà mẹ nghe mách bảo đã lấy mật ong, cọng rau muống, vỏ cây dâu… để vệ sinh tưa miệng lưỡi cho bé. Và cho là có hiệu quả nhưng điều này không đúng, thậm chí còn nguy hiểm với trẻ nhỏ, những biện pháp trên không đảm bảo vệ sinh nên có thể gây hại cho bé. Vì vậy, việc vệ sinh đúng cách khi bé bị tưa miệng là vô cùng quan trọng.

Vì sao bé dễ bị tưa miệng

Tưa miệng là những màng giả màu trắng ở niêm mạc miệng, hay gặp ở lưỡi. Những màng giả này phát triển nhanh và ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, vòm họng. Rất khó bóc và khi bóc đi dễ chảy máu, đau rát.. khiến bé lười ăn, bú kém.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tưa miệng là do nấm candida albicans sống ký sinh trong miệng, khi gặp điều kiện thuận lợi trở thành tác nhân gây bệnh. Do bé có sức để kháng kém, bài tiết ít nước bọt và niêm mạc miệng ở môi trường toan, PH thấp… nên rất dễ mắc. Ngoài ra, ở các bé còn có thể lây từ các dụng cụ cho bé ăn uống như bát, cốc, chai sữa nhất là đầu vú cao su không sạch, vệ sinh vú mẹkém  trước sau khi cho trẻ bú,…

Cần làm gì khi bé bị tưa miệng?

Khi bé bị tưa miệng, nguyên tắc điều trị dùng thuốc chứa hoạt chất chống nấm như Nystatin dạng cốm, Daktarin dạng gel…theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh dụng cụ ăn, uống và bú của trẻ cẩn thận, vệ sinh vú mẹ trước và sau khi cho trẻ bú.

Cần lưu ý khi chăm sóc bé chúng ta phải thường xuyên rửa tay. Vệ sinh miệng cho bé cần được thực hiện đúng. Trước khi vệ sinh miệng cho bé cần rửa tay sạch, cho bé nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ. Sau đó dùng miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay trỏ hoặc đeo miếng gạc tưa lưỡi vô trùng.

Nhúng gạc vào dung NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội ( hoặc dung dịch thuốc bác sĩ chỉ định cho bé)  rồi chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng, đưa nhẹ ngón tay trỏ vào mặt trên của lưỡi và lau từ trong lưỡi kéo ra ngoài. Tiếp theo bỏ miếng gạc đó đi và lặp lại lần 2 nếu trẻ có nhiều mảng tưa bám (không để mảng tưa rơi vào miệng trẻ, không đưa ngón tay quá sâu vào họng của trẻ gây kích thích nôn trớ). Dùng miếng gạc khác lau mặt trong 2 bên má, trên vòm miệng và cuối cùng là phần lợi của bé.

Chú ý, vệ sinh miệng lưỡi bằng thuốc cho trẻ, trước mỗi bữa ăn 30 phút. Tuyệt đối không nên cạy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì có thể sẽ gây chảy máu, có khả năng nhiễm khuẩn rất cao. Không sử dụng các biện pháp vệ sinh miệng lưỡi cho bé theo mách bảo. Không sử dụng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc trị nấm lưỡi cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Phòng tưa miệng cho bé

Để phòng bệnh cần vệ sinh sạch sẽ khi bế bé và làm các động tác vệ sinh như tắm rửa, rửa mặt, vệ sinh miệng… đặc biệt vệ sinh vú mẹ cũng như các dụng cụ cho bé ăn, uống trước và sau mỗi bữa ăn.

Hằng ngày cần vệ sinh miệng cho bé bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội 2 lần/ngày. Khi có dấu hiệu bất thường bé quấy khóc, bú kém… thì cần đưa bé đi tới cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ với các bác sĩ y khoa để được khám và tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo khiến nguy hiểm cho bé.

CDC Hà Nam tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Những việc cần làm nếu chẳng may trở thành F0

Ngọc Nga

Làm thế nào để phòng tránh ung thư dạ dày?

Ngọc Nga

Trẻ sốt, cẩn trọng với viêm não Nhật Bản và cách phát hiện sớm

Ngọc Nga

Để lại bình luận