Không khí nóng và khô có thể làm vỡ mạch máu gây chảy máu mũi, còn gọi chảy máu cam; nhất là người miễn dịch yếu như già, trẻ nhỏ, bị viêm xoang.
Chảy máu cam là tình trạng phổ biến, hầu hết trường hợp nhẹ và có thể kiểm soát tại nhà. Không khí nóng và khô từ thời tiết, lò sưởi, phòng máy điều hòa, bếp lửa, sẽ hút hơi ẩm ra khỏi niêm mạc mũi. Các vết nứt nhỏ hình thành ở niêm mạc gây ngứa và khó chịu dẫn đến chảy máu. Tình trạng chảy máu cam phổ biến hơn vào mùa đông, do virus và vi khuẩn phát triển khiến hệ miễn dịch suy yếu.
Vào mùa hè, người đi bơi có thể bị dị ứng các hóa chất làm sạch nước bể bơi dẫn đến kích thích, xung huyết, chảy máu mũi. Người lớn tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, ở trong phòng có máy lạnh có thể bị tăng huyết áp đột ngột. Nhiệt độ trong phòng chênh lệch với môi trường bên ngoài cũng dễ làm vỡ các mạch máu mũi gây chảy máu.
Hầu hết trường hợp chảy máu cam chỉ kéo dài trong vài phút. Cách xử trí khi bị chảy máu cam là ngồi dậy, hơi nghiêng người về phía trước, bóp cánh mũi lại, bóp nhẹ nhàng 3-5 phút. Nếu máu vẫn chảy, làm tương tự nhưng giữ lâu hơn, bắt đầu với 5 phút sau, không hiệu quả hãy thử lại sau 10 phút nữa. Có thể đặt một ít đá lên sống mũi để làm co mạch giảm lưu lượng máu.
Trường hợp bóp cánh mũi liên tục ba lần mà máu vẫn không cầm, nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không xì mũi mạnh hay nhét bông vào mũi.
Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng khí; hạn chế ra ngoài trời vào các giờ nắng nóng cao điểm (từ 11h đến 14h). Đi ngoài đường nên bảo hộ bằng áo chống nắng, kính râm, mũ để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng. Hạn chế uống rượu gây kích ứng các mao mạch trong niêm mạc mũi.
Đối với trẻ em, để phòng ngừa chảy máu cam nên uống nhiều nước, nước trái cây. Trẻ không hoạt động quá sức trong thời tiết nắng, không chơi ngoài trời nắng, không đi chân đất. Tăng cường ăn rau xanh mát, hạn chế thực phẩm cay, nóng. Người già không nên đi lại nhiều dưới trời nắng, nên nghỉ ngơi.
Phan Hạnh (tổng hợp)