WHO: Hơn 1.300 người được tiêm phòng khẩn cấp ngăn ngừa virus Ebola

(CDC Hà Nam)

Hơn 1.300 người có nguy cơ tiếp xúc với virus Ebola tại thành phố Goma của Cộng hòa Dân chủ Congo đã được tiêm chủng vắcxin khẩn cấp phòng ngừa bệnh này.

WHO: Hon 1.300 nguoi duoc tiem phong khan cap ngan ngua virus Ebola hinh anh 1

Tiêm vắcxin phòng chống virus Ebola tại Mbandaka, CHDC Congo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ngày 11/8 cho biết đã tiêm chủng vắcxin khẩn cấp cho hơn 1.300 người có nguy cơ tiếp xúc với virus Ebola tại thành phố Goma của Cộng hòa Dân chủ Congo, góp phần giảm bớt lo ngại về nguy cơ lây lan của căn bệnh này.

Dịch Ebola kéo dài 1 năm qua tại miền Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến ít nhất 1.800 người tử vong và trở thành đợt dịch tồi tệ thứ 2 trong lịch sử.

Các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan gặp nhiều khó khăn do làn sóng bạo lực của các nhóm du kích, cũng như sự thờ ơ của người dân.

Thành phố Goma có 2 triệu dân là một trung tâm trung chuyển giao thông đông đúc, cách thị trấn biên giới Gisenyi của Rwanda chỉ 7km.

Thành phố này đã được đặt trong tình trạng báo động trong vòng một tuần qua sau khi một thợ mỏ tử vong vì căn bệnh Ebola.

Người đàn ông này sống trong gia đình có rất nhiều thành viên và họ đã tiếp xúc với nhiều người trong thời gian gần đây.

WHO cho biết hầu hết những người bị nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp xúc người nhà của bệnh nhân nói trên, cùng các nhân viên y tế đã được tiêm phòng.

Kể từ ngày 2/8 vừa qua, WHO không phát hiện thêm trường hợp nào mắc bệnh Ebola tại Goma.

Việc sử dụng vắcxin phòng Ebola do hãng dược phẩm Merck bào chế đã chứng minh hiệu quả trong điều ngăn chặn căn bệnh sốt huyết này.

WHO cho biết tiêm phòng là một trong những công cụ giúp đẩy lùi dịch bệnh Ebola. Cho đến nay, loại vắcxin này cũng đã được sử dụng ở nhiều thành phố có mật độ đông đúc ở châu Phi.

Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài.

Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm.

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó chẩn đoán./.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

Bài viết liên quan

Hà Nam: Thêm 23 mẫu xét nghiệm SARS-COV-2 có kết quả âm tính

Mậu Ngọ

Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

Ngọc Nga

Công đoàn ngành Y tế tổng kết hoạt động công đoàn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận