Điểm báo ngày 27/9/2021

(CDC Hà Nam)

Số ca mắc Covid-19 ở TPHCM giảm nhiều; Dịch bệnh lùi dần ở TPHCM: Nhịp sống mới trở lại; Béo phì làm triệu chứng COVID-19 tiến triển nghiêm trọng; Bình thường mới ở TP.HCM sau 30.9 như thế nào?; Hà Nội xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng

Số ca mắc Covid-19 ở TPHCM giảm nhiều

Ngày 26-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, đã có buổi kiểm tra, làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá rất cao sự tận tụy của các thầy thuốc tại trung tâm đã nỗ lực vượt bậc cứu chữa các ca bệnh nặng, giúp họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Thứ trưởng cũng cho biết, sau ngày 30-9, TPHCM sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch. Trước mắt, ngành y tế thành phố sẽ tái cơ cấu hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng chống dịch. Tính toán kỹ bệnh viện nào có thể “rút quân” và Trung ương có thể rút từ từ và chuyển giao cho các bệnh viện của thành phố. Khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa…, y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất. Do đó, về mặt y tế cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu.

Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (đặt tại Bệnh viện Quốc tế City) từ ngày đi vào hoạt động đến nay đã tiếp nhận và điều trị hơn 500 bệnh nhân nặng. Đến nay có hơn 200 bệnh nhân nặng xuất viện.

* Ngày 26-9, Bộ Y tế thông tin cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đang được kiểm soát tích cực khi số ca mắc mới và tử vong đều giảm khá nhiều.

Ở 23 tỉnh thành đang giãn cách xã hội, số ca mắc mới trong 7 ngày qua giảm 9,8% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TPHCM, Long An). Trong khi đó, cả nước ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó. Qua xét nghiệm đã phát hiện 40.577 ca mắc trong cộng đồng, giảm 11,7% so với tuần trước đó. Trong số các địa phương, TPHCM có 37.884 ca mắc mới trong cộng đồng (giảm 4.236 ca); Bình Dương 1.257 ca (giảm 533 ca) và Long An 72 ca (giảm 158 ca).

Đến nay, cả nước đã tiêm được khoảng 38 triệu liều vaccine (đạt trên 72% so với tổng số vaccine được phân bổ) trong đó khoảng 30  triệu người đã tiêm 1 mũi (chiếm 41,1% dân số từ 18 tuổi trở lên) (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

Dịch bệnh lùi dần ở TPHCM: Nhịp sống mới trở lại

Nỗ lực thực hiện tổng hợp các giải pháp chống dịch trên địa bàn TPHCM đang mang lại thành quả khả quan khi số ca bệnh giảm dần, số ca tử vong giảm sâu ở các tầng điều trị. Các hoạt động kinh tế, xã hội đang từng bước quay trở lại giai đoạn bình thường mới.

Những thành quả quan trọng

Trong giai đoạn cao điểm, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận khoảng trên dưới 6.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, số ca tử vong ở mức cao, đỉnh điểm lên tới 340 trường hợp vào ngày 22/8. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, TPHCM đã thực hiện tổng hợp nhiều giải pháp, tăng cường xét nghiệm diện rộng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, tăng khả năng đáp ứng điều trị, đặc biệt là nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà…

Đến nay, cuộc chiến chống dịch đã đạt được những thành quả khả quan, mỗi ngày trên địa bàn thành phố chỉ còn khoảng 4.000 trường hợp được phát hiện mới mắc COVID-19, trong khi đó số ca tử vong đã giảm sâu chỉ còn 123 trường hợp (ngày 25/9). Mỗi ngày, số người được điều trị khỏi ngày càng nhiều, hiện đã có gần 190.000 người xuất viện về với gia đình. Bên cạnh đó, thành phố đã tiêm chủng được gần 9,5 triệu mũi vắc-xin ngừa COVID-19, cơ bản hoàn tất tiêm mũi 1 và đang đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người dân để sớm bao phủ vắc- xin, đạt miễn dịch cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 đang diễn ra theo chiều hướng rất khả quan ở cả 3 tầng điều trị. Cụ thể, với nhóm F0 tại cộng đồng hiện đã được quản lý, chăm sóc, điều trị hiệu quả. Việc sử dụng túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho các F0 tại nhà đã góp phần giảm tỷ lệ bệnh diễn tiến nặng, cơ bản chặn đứng tử vong ngoài cộng đồng.

PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y- Đại học Y Dược ( TPHCM) đang trực tiếp điều hành chương trình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” trên địa bàn quận 8, quận 10 và quận Bình Tân chia sẻ, so với giai đoạn đầu tháng 8, đến nay tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt. “Tại quận 8, số ca bệnh tử vong vì COVID-19 chỉ còn vài trường hợp xảy ra trên bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền” – PGS Vương Thị Ngọc Lan nói.

Tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, giai đoạn cao điểm bệnh viện điều trị hơn 700 bệnh nhân COVID-19, nhóm bệnh nặng tử vong ở mức cao. Tuy nhiên, đến ngày 26/9 tại đây chỉ còn 430 bệnh nhân đang điều trị. Trao đổi với PV Tiền Phong, BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Số ca bệnh nhập viện đang giảm nhanh, đặc biệt số ca tử vong giảm sâu, gần đây chỉ còn vài trường hợp tử vong là nhóm đã rơi vào nguy kịch, hồi sức trong thời gian dài trên những người có bệnh lý nền và chưa được chích vắc- xin”.

Tại các trung tâm hồi sức COVID-19 đang nhận những tín hiệu vui với số ca xuất viện ngày càng nhiều, số bệnh nhân tử vong ngày càng giảm. PGS.TS Lê Minh Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược (TPHCM) phụ trách đặt tại Bệnh viện Quốc tế City, cho biết: “Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19 nặng. Đã có hơn 200 trường hợp người bệnh nguy kịch được cứu sống ngoạn mục và xuất viện”.

Tình hình khả quan cũng đang diễn ra tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách. PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: “Hiện trung tâm có hơn 350 bệnh nhân nặng, công tác điều trị tuần qua đã có những tín hiệu khả quan với số lượng bệnh nhân tử vong giảm”.

Trước những tín hiệu đáng mừng của cuộc chiến chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Có lẽ, tới thời điểm này chúng ta bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống”. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau ngày 30/9, TPHCM sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Ði chợ dã chiến: Mừng lắm

Trưa cuối tuần, đoạn đường dài gần 500 mét trên đường Tản Đà (quận 5) nhộn nhịp từ sáng sớm bởi người dân đến mua thực phẩm tại phiên chợ “dã chiến”. Sau thời gian dài ở nhà, hôm nay bà Ngô Thị Ánh (58 tuổi) mới được xách giỏ tự đi chọn thực phẩm.

Sau khi xuất trình giấy đi chợ và mã QR chứng minh đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, bà Ánh được “đóng dấu” nhận biết, nhận một menu với 135 mặt hàng: “Suốt nhiều tuần qua, tôi chỉ có thể đặt mua thực phẩm qua mạng. Hôm nay được đi chợ, tự tay lựa chọn rau củ, thịt cá… nên mừng lắm” – bà Ánh nói. Đây là mô hình chợ “dã chiến” do UBND quận 5 thực hiện nhằm giúp người dân trực tiếp mua sắm, lựa chọn mặt hàng cần thiết sau thời gian dài giãn cách. Người dân khi tới chợ sẽ mang theo phiếu đã được địa phương phát trước đó. Trong chợ, có nhân viên phụ trách đo thân nhiệt, kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc-xin và đóng dấu xác nhận đủ điều kiện vào chợ. Chủ tịch UBND quận 5 Trương Minh Kiều cho biết: “Sau thời gian dài giãn cách liên tục trong nhà, người dân cần có cơ hội đi ra ngoài thư giãn, mua sắm nhu yếu phẩm, thay đổi không khí… Đi chợ “dã chiến”, bà con có thể trực tiếp chọn lựa sản phẩm và mua bán trong giới hạn phòng chống dịch cho phép, kết hợp việc thực hiện nghiêm 5K. Các chợ sẽ luân phiên nhau từ phường này đến phường khác, tập trung ưu tiên hơn cho những khu vực, phường mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19. Tiêu chí chợ không lợi nhuận nên giá hỗ trợ cho người dân”. Mới đây, TP Thủ Đức cũng tái khởi động một số công trình xây dựng trên địa bàn sau thời gian giãn cách xã hội. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, việc tái khởi động này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn kéo dài, diễn biến phức tạp trên địa bàn TP HCM nói chung, TP Thủ Đức nói riêng. Theo ông Tùng, nhiều tuần qua, khu vực quận 2 cũ và quận 9 cũ giữ được “vùng xanh” nên thành phố quyết tâm khởi công một số công trình tại các khu vực này. Từ đó, tạo đà cho các hoạt động kinh tế tiếp tục sau ngày 1/10 tới cũng như tạo công ăn việc làm, tăng tốc độ triển khai, thi công các dự án, sớm đưa nhiều dự án đi vào hoạt động (Tiền phong, trang 4).

Béo phì làm triệu chứng COVID-19 tiến triển nghiêm trọng

Trải qua những ngày giãn cách, học trực tuyến tại nhà, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều gia đình. Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, trong mùa dịch, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bồi bổ quá mức cho con với hi vọng làm tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, đây lại là một sai lầm nghiêm trọng.

Tăng cân quá đà phá hỏng hệ miễn dịch

Từ sau tết tới nay, do dịch bệnh nên trẻ em, người lớn phải học tập và làm việc tại nhà. Việc thay đổi chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thiếu hụt các hoạt động thể chất… là những nguyên nhân khiến cả trẻ em và người lớn đều tăng cân. Phổ biến là các trường hợp tăng từ 3 – 5kg, cá biệt có một số trường hợp tăng từ 9 – 10kg trong thời gian từ tết tới nay. GS Khánh cho biết, với những trẻ đã thừa cân, béo phì, nạp năng lượng quá mức có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của trẻ. Với những trẻ cân đối, được nuông chiều thói quen ăn uống giai đoạn này có thể tạo thành đà tăng cân trong thời gian tới.

Việc thừa cân không chỉ gây khó khăn cho tim, não mà còn khiến sự tăng tiết hoóc-môn mất kiểm soát. Do đó không những không nâng cao mà khả năng phòng bệnh của hệ miễn dịch còn bị phá hỏng. Căng thẳng, stress cũng là một trong những yếu tố nguy cơ khiến tăng cân, đặc biệt ở người lớn. Ở nhà quá lâu trong một không gian chật hẹp, ít giao tiếp khiến nhiều người có cảm giác buồn chán và tìm tới đồ ăn như một cách giải tỏa tâm lý. Bác sĩ, TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng khẳng định, COVID-19 đang tác động tới vấn đề kiểm soát cân nặng. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu nghiên cứu nào về tác động của các đợt dịch gây ra, song tại Ý và Nhật Bản, đã có thống kê, khoảng 1/3 dân số bị tăng cân trong mùa dịch.

“Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,… bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài”, TS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Lâm sàng, tiết chế, Bệnh viện Nhi T.Ư cho hay.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh.

Điều đáng lo ngại chính là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu, xương khớp… Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn.

Để khắc phục tình trạng tăng cân, béo phì trong thời gian nghỉ dịch, giãn cách, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng để xây dựng bữa ăn hợp lý cho gia đình. Với trẻ thừa cân, béo phì, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế các loại chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Ngay cả trong thời gian giãn cách, hạn chế ra ngoài, các gia đình vẫn có thể khuyến khích, tăng cường hoạt động thể dục trong nhà để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo và tạo sức bền cho trẻ.

Cải thiện tầm vóc, trí tuệ thế hệ tương lai

Bộ Y tế mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều đơn vị chuyên môn, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Trong đó, một trong số các mục tiêu quan trọng là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11% và khu vực nông thôn ở mức dưới 7%); trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 13%); người trưởng thành 19-64 tuổi ở mức dưới 20% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 17%).

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp Chiến lược, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, cần huy động sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay hướng tới mục tiêu nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để có nhận thức đúng và đủ về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. ​Ở giai đoạn 1, chương trình sẽ triển khai chuỗi hoạt động bao gồm chuỗi sự kiện thăm trường mẫu giáo tại Hà Nội và TPHCM, hoạt động tương tác nâng cao nhận thức trên mạng xã hội “Em bé khoẻ – Gia đình vui”, các nghiên cứu khoa học và các diễn đàn trao đổi (Tiền phong, trang 15).

Bình thường mới ở TP.HCM sau 30.9 như thế nào?

Chỉ còn 4 ngày nữa, TP.HCM sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới khi nhiều hoạt động sản xuất, kd, dịch vụ được mở cửa song hành với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid- 19.

Một trong những thông tin được người dân chờ đợi nhất chính là tháo bỏ các chốt khu vực nội ô, rào chắn trên nhiều tuyến đường, khu dân cư.

Thống kê sơ bộ, toàn TP.HCM từ sau ngày 23.8 thiết lập hơn 800 chốt kiểm soát; các lực lượng như CSGT, cảnh sát cơ động, quân đội… túc trực 24/24 giờ.

Trong tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 25.9, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thông tin lãnh đạo TP.HCM đã thống nhất việc tháo dỡ rào chắn, chốt chặn khu vực nội ô và chuyển sang hướng kiểm soát mới, các chốt kiểm soát cửa ngõ vẫn tiếp tục duy trì. Định hướng của lãnh đạo TP.HCM vẫn đang được các sở, ngành thảo luận, cân nhắc trước khi có thông báo chính thức.

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 26.9, lãnh đạo một số Đội CSGT – TT thuộc công an các quận 1, 7, Bình Thạnh, Gò Vấp cho biết vẫn đang chờ chỉ đạo của Công an TP.HCM, trước mắt tiếp tục duy trì kiểm tra giấy đi đường và khai báo di chuyển nội địa qua mã QR (QR Code) tại các chốt kiểm soát.

Nhiều địa phương cũng đã chủ động lên kế hoạch gỡ bỏ rào chắn trên địa bàn theo chủ trương của lãnh đạo TP.HCM. Chủ tịch UBND Q.5 Trương Minh Kiều thông tin Q.5 sẽ tháo dỡ hàng rào, dây giăng tại các tuyến hẻm, đường nội bộ của quận thuộc vùng xanh trước; các chốt kiểm soát trên tuyến đường liên quận thì vẫn duy trì. “Q.5 không gỡ hết mà sẽ gỡ từ từ. Nếu tháo gỡ rầm rộ, nhiều người dân sẽ có tâm lý chủ quan, thờ ơ”, bà Kiều thông tin.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết trước mắt Q.Gò Vấp sẽ tháo gỡ rào chắn trên các tuyến đường nội bộ trong khu dân cư; hàng rào, dây giăng trước hẻm, ngõ. Riêng các chốt kiểm soát, Q.Gò Vấp có thể vẫn duy trì các chốt trên tuyến đường chính phục vụ công tác kiểm tra.

Còn ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin lộ trình tháo chốt, rào chắn, phương án kiểm soát mới sau ngày 1.10 vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu cụ thể, khi ban hành chính thức thì sẽ thông tin rộng rãi.

Công bố thẻ xanh Covid trước 1.10

Hiện kế hoạch phục hồi kinh tế TP.HCM sau ngày 30.9 chưa được công bố, nhưng nhiều quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch riêng, nhất là trên cơ sở kết quả pc Covid- 19.

Lãnh đạo Huyện ủy Bình Chánh cho biết H.Bình Chánh xây dựng lộ trình 4 giai đoạn rút ngắn hơn so với TP, dự kiến từ ngày 1.1.2022 bắt đầu pt kinh tế – xã hội gắn với ứng dụng CNTT, sớm hơn nửa tháng so với kế hoạch chung của TP.HCM là từ 15.1.2022.

Một vấn đề rất đáng chú ý, bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP nêu 3 điều kiện để được cấp thẻ xanh Covid gồm: xét nghiệm âm tính Covid-19, tiêm vắc xin, hoặc từng mắc Covid-19 nay đã khỏi bệnh và không tiếp xúc với F0 trong 14 ngày.

Theo đó, trong lộ trình “mở cửa”, vấn đề thẻ xanh Covid được người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chờ đợi, nhưng đến nay vẫn chưa rõ về cách thức thể hiện, biện pháp kiểm soát, giới hạn đi lại, nhất là khi dữ liệu về tiêm vắc xin, F0 khỏi bệnh, xét nghiệm, khai báo di chuyển nội địa đang “tản mát” ở nhiều sở, ngành.

Về vấn đề này, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho biết Sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành tại TP.HCM và cơ quan T.Ư tham mưu về một chỉ thị thực hiện sau ngày 1.10; trong đó có chi tiết hướng dẫn về thẻ xanh Covid. Theo ông Từ Lương, đây là vấn đề người dân rất quan tâm nên Sở TT-TT đề xuất công bố cụ thể trước ngày 1.10 để người dân chuẩn bị. Trở lại TP.HCM ra sao

Thời gian qua, nhiều người ld về quê, bây giờ có nhu cầu quay lại TP.HCM làm việc. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người dân rời TP.HCM trước dịch, nay có nhu cầu trở lại… Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề nan giải vì TP.HCM đang thực hiện giãn cách với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.

Ở góc độ địa phương, lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp cho biết sẽ tạo điều kiện người dân quay trở lại theo các quy định của ngành y tế, song đến thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể. Trước mắt, tinh thần chung là các trường hợp quay trở lại TP.HCM cần có xét nghiệm âm tính Covid-19, những trường hợp chưa được tiêm vắc xin sẽ được tổ chức tiêm.

Về kế hoạch đón lao động quay trở lại, ông Phan Công Bằng cho biết Sở GTVT đang tham mưu xây dựng phương án tổ chức giao thông nội bộ và giao thông liên vùng, trong đó có nội dung vận chuyển công nhân, sinh viên, học sinh về quê nay quay lại TP.HCM. Ông Bằng cho biết việc đi lại giữa các tỉnh cần có ý kiến của các địa phương và Bộ GTVT; sau khi phương án cụ thể đi lại được ban hành thì công tác phối hợp với các địa phương không có gì vướng mắc.

Về việc người dân TP.HCM đi về quê bằng phương tiện cá nhân sau ngày 30.9, đại diện Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, người dân chỉ có thể về quê khi các tỉnh giáp ranh cũng đồng ý cho phép di chuyển qua địa bàn.

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (Công an TP.HCM) cho hay đến nay vẫn chưa có văn bản của UBND TP.HCM về việc cho người dân tự về quê bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô). Riêng các trường hợp người dân đi theo tổ chức của hội đồng hương, Ủy ban MTTQ VN, UBND các tỉnh thì vẫn đang triển khai, tổ chức theo đoàn, có đăng ký, có sự kiểm soát.

Theo phương án lưu thông do Sở GTVT TP.HCM đang lấy ý kiến, đối với phương tiện vận tải hàng hóa thì chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa khi lưu thông vào khu vực phong tỏa tại các chốt kiểm soát trong phạm vi TP.HCM. Đối với xe vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi thì kiểm soát qua giấy nhận diện có gắn mã QR. Riêng đối với xe cá nhân, lực lượng trực chốt kiểm soát khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ sẽ kiểm tra thông qua mã QR khai báo di chuyển nội địa trên website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc ứng dụng VNEID (Thanh niên, trang 4).

Hà Nội xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng

Theo Chỉ thị 22 của UBND TP.Hà Nội vừa công bố, TP.Hà Nội cho phép khôi phục các hoạt động sản xuất, kd, dịch vụ, cho hoạt động shipper công nghệ; song chưa khôi phục các hoạt động vận tải công cộng. TP.Hà Nội áp dụng phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn, và việc tiếp tục điều chỉnh dựa vào hoàn thành tiêm chủng vắc xin mũi 2 cho toàn bộ người dân TP.Hà Nội trong độ tuổi  tiêm chủng.

Đáng chú ý, Chỉ thị 22 không đề cập cụ thể đến kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh cụ thể của TP trong bối cảnh bình thường mới. Thay vào đó, TP.Hà Nội yêu cầu các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp chủ động phê duyệt kế hoạch sản xuất đáp ứng an toàn, gửi UBND phường, xã để quản lý, giám sát. Đồng thời, Sở Công thương, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, các hoạt động xây dựng tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, theo báo cáo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm được UBND TP.Hà Nội trình và được HĐND TP.Hà Nội thông qua, TP.Hà Nội đề ra 2 kịch bản tăng trưởng: kịch bản cơ sở GRDP quý 3 giảm 0,81%, quý 4 tăng 6,98% và dự báo cả năm đạt 4,54%. Kịch bản thấp là GRDP quý 3 giảm 0,98%, quý 4 tăng 5,15% và cả năm dự kiến đạt 3,97%.

Trên cơ sở này, TP.Hà Nội cũng xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025: Kịch bản 1 là GRDP tăng 7,5% (trong đó 2022 – 2025 GRDP phải tăng bình quân từ 8,25 – 8,4%). Kịch bản 2 là GRDP tăng từ 6,5 – 7,0% (kịch bản là đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, quý 3 – 4/2021 mới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đến giữa hoặc cuối năm 2022 mới thực hiện tiêm vắc xin đạt mức miễn dịch cộng đồng; dịch bệnh được kiểm soát từ năm 2023…) (Thanh niên, trang 5).

Quận 7 ra mắt Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế

Ngày 26-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận 7 tổ chức ra mắt Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế quận 7 (gọi là Trung tâm).

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM.

Cùng dự trực tuyến tại các điểm cầu có các đồng chí là lãnh đạo các tỉnh, thành: Hòa Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Dương, Gia Lai, Hải Dương, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, Đà Nẵng

Tại buổi ra mắt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao quận 7 đã tiên phong triển khai thí điểm Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế quận.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Trung tâm là sự chuẩn bị cho một kế hoạch rất quy mô của TPHCM. Đó là khi TPHCM trở lại giai đoạn “bình thường mới”, chuyển từ chỗ không có dịch Covid-19 sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát và hiệu quả.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, khâu quan trọng nhất trong giai đoạn sắp tới là khâu kiểm soát dịch bệnh. “Muốn an toàn thì phải kiểm soát”, đồng chí nhấn mạnh và đánh giá quận 7 đã kiểm soát được dịch bệnh trên 3 trụ cột là tiêm vaccine, an sinh xã hội và quản lý F0.

Về sự ra đời của Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế quận 7, đồng chí Nguyễn Văn Nên tin tưởng TPHCM sẽ có kinh nghiệm và nền tảng để nhân rộng ra toàn Thành phố.

Ngay sau lễ ra mắt, Bí thư Thành ủy TPHCM đã thăm hỏi, động viên đội ngũ xây dựng Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế quận 7.

Tại đây, Bí thư Thành ủy TPHCM trân trọng ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin đã cùng quận 7 xây dựng Trung tâm. Đồng chí khẳng định, đây là sự đóng góp rất lớn để TPHCM mở ra mũi khác khi bước vào một tiến trình, một giai đoạn “bình thường mới”, giai đoạn người dân sống trong môi trường có dịch Covid-19.

Trước đó, báo cáo tại buổi ra mắt, Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái thông tin, quận 7 là một trong những địa phương được TPHCM chọn thí điểm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục phát triển kinh tế, dần đưa cuộc sống người dân trên địa bàn quận trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm “An toàn thì mới mở cửa, mở cửa thì phải an toàn”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”, lấy người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt trong giai đoạn “bình thường mới”, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 7 đã nghiên cứu, thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế quận 7.

Theo Bí thư Quận ủy quận 7, trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm sẽ thực hiện tốt công tác kiểm soát chặt chẽ được tình hình dịch bệnh trên địa bàn, giúp lãnh đạo đưa ra được quyết định đúng đắn trên nền hệ thống dữ liệu đã được phân tích đầy đủ, chính xác. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn quận 7 vừa kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục phát triển kinh tế.

Về lâu dài, Bí thư Quận ủy quận 7 khẳng định, Trung tâm tiếp tục là nòng cốt, là giải pháp xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/4/2021

CDC Hà Nam

Sốt xuất huyết Dengue và bệnh Chikungunya do muỗi đốt có biểu hiện như nào?

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 05/3/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận