5 bệnh người cao tuổi hay gặp vào mùa lạnh

(CDC Hà Nam)

Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus… Miền Bắc đang chuẩn bị đón những đợt gió mùa lạnh, rét. Thời tiết mùa đông rất dễ khiến người cao tuổi mắc các bệnh về xương khớp, hô hấp, đột quỵ…

Các bệnh hay gặp vào mùa lạnh ở người cao tuổi

Bệnh cúm

Cúm với vai trò gây bệnh và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp là nguyên nhân làm bùng phát các đợt viêm phổi, viêm phế quản cấp ở người cao tuổi. Các nhiễm trùng ở tai, ở xoang là tình trạng gặp thường xuyên khi có các đợt cúm tấn công. Ở những người đã có hen hay COPD thì mỗi lần nhiễm cúm là gần như chắc chắn có cơn hen cấp hay đợt COPD kịch phát. Với COPD hay hen sau mỗi một đợt diễn biến cấp/kịch phát là thêm một lần chức năng hô hấp xấu đi, làm gia tăng mức độ nặng và dần dần dẫn đến mất kiểm soát trong điều trị.

Bên cạnh tác động trực tiếp đến tình trạng bệnh lý ở hệ hô hấp, Cúm còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến rất nhiều cơ quan. Đối với tim mạch, thông qua cơ chế kích thích hệ thống đáp ứng viêm, hệ thống miễn dịch làm tăng sinh các Cytokine (chất trung gian sinh ra từ quá trình đáp ứng viêm). Cùng với việc kích thích hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động mạnh. Dẫn đến hệ quả là tăng nhu cầu oxy nhưng lại làm giảm cung cấp oxy cho cơ tim, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ suy tim.

Tắc nghẽn phổi mạn tính

Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhóm A: khó thở nhiều, người gầy, thiếu oxy máu lúc nghỉ ít. Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhóm B: thiếu oxy máu và tăng carbonic nhiều, khó thở ít.

Trong giai đoạn nặng của COPD, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi chứa khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí làm nồng độ khí oxy trong máu bệnh nhân bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan đặc biệt là tim.

Những bệnh nhân đã có suy hô hấp, thông thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong gia đình, giao tiếp xã hội bị hạn chế, chất lượng công việc, tình cảm của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Bên cạnh đó, khoảng 60% các bệnh nhân COPD có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 tiếng/ ngày, càng làm gia tăng trầm cảm cho bệnh nhân.

Đột quỵ

Đây là tình trạng y tế khẩn cấp xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần não bộ bị gián đoạn hoặc giảm đi đáng kể. Điều này khiến cho các tế bào não không nhận đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để hoạt động nên bị tổn thương và chết dần.

Có hai loại đột quỵ chính: Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có sự xuất hiện của một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong mạch máu, làm tắc nghẽn dòng chảy của máu đến não. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu chảy vào mô não và gây tổn thương các tế bào não.

Viêm phế quản mạn tính

Do người cao tuổi có thể có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang có các bệnh lý nền, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cùng với tình trạng phổi bị lão hóa theo độ tuổi. Các triệu chứng viêm phế quản ở người cao tuổi thường bao gồm: Ho dai dẳng. Ho ra đờm màu vàng hoặc xanh hoặc ho ra máu. Cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh và nông. Thở khò khè. Sốt.

Viêm khớp

Viêm khớp gây đau khớp, cứng khớp và sưng tấy ở các khớp. Viêm khớp là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể trước bệnh tật hoặc chấn thương, xuất hiện phổ biến, đặc biệt là khi già đi.

Mặc dù hiện tại không có cách chữa dứt điểm bệnh viêm xương khớp nhưng một số phương pháp điều trị có thể làm giảm bớt triệu chứng. Trong đó, tập thể dục là một phương pháp giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tập thể dục giúp bôi trơn các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp.

Cách phòng ngừa và hạn chế mắc bệnh mùa lạnh ở người cao tuổi

Để phòng ngừa bệnh hay gặp mùa lạnh, người cao tuổi cần:

  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tại vị trí các khớp.
  • Duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải.
  • Chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng axit béo omega-3, các loại rau xanh, trái cây nhiều vitamin C. Thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
  • Tham gia các hoạt động phong trào mỗi ngày để duy trì sự linh hoạt hay thúc đẩy sức khỏe tim mạch.
  • Tập các bài thể dục dành cho người lớn tuổi như dưỡng sinh, thái cực quyền, thiền định.
  • Phòng ở phải thông thoáng nhưng ấm, không có gió lùa.
  • Khám sức khỏe định kỳ.

Ngọc Nga tổng hợp

 

Bài viết liên quan

HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC TRIỂN KHAI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ EM TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI

CDC Hà Nam

Trẻ kêu đau bụng – chớ xem thường

Ngọc Nga

Thông tin cần biết về vaccine phòng COVID-19 Pfizer tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi ở nước ta

Ngọc Nga