5 cách giảm đau xương khớp khi trời lạnh ở người già

(CDC Hà Nam)

Nếu gặp phải tình trạng đau xương khớp khi trời lạnh, người cao tuổi có thể chườm nóng vào các khớp để làm giảm cơn đau. Tuy nhiên, nếu bị viêm cấp thì không nên chườm nóng.

Khi thời tiết lạnh, người cao tuổi thường gặp tình trạng đau nhức xương khớp đặc biệt là các khớp nhỏ nhỡ, khớp gối, đau cột sống thắt lưng, cột sống cổ… Người bệnh sẽ thấy các cơn đau tăng lên và cảm nhận rõ hơn ở các khớp đang bị tổn thương.

Vì sao trời lạnh bị đau nhức xương khớp?

Đau nhức các khớp là triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh. Biểu hiện thường gặp là đau nhức các khớp, tê bì chân tay, sưng nóng các khớp hoặc cứng khớp.

Nguyên nhân có thể kể đến gây đau nhức xương khớp khi trời lạnh bao gồm:

– Khi thời tiết lạnh, cơ thể có xu hướng dự trữ năng lượng và làm giảm lưu thông mạch máu. Điều này làm giảm lưu thông dịch đến các khớp và làm máu đi nuôi dưỡng các khớp bị kém dần đi. Từ đó gây nên tình trạng tổn thương sụn và màng dịch các khớp làm đau nhức xương khớp.

– Theo y học cổ truyền, khi thời tiết lạnh là nguyên nhân thuận lợi cho tình trạng phong hàn thấp xâm nhập vào cơ thể, khí huyết ứ trệ khiến lưu thông mạch máu kém dần đi và gây nên tình trạng đau nhức các khớp.

Cách giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh

Các cơn đau nhức xương khớp khi trời lạnh có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Người cao tuổi có thể áp dụng một số phương pháp để làm giảm cơn đau nhức xương khớp như:

– Trước hết, người già cần giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ, tay, chân và đặc biệt là tại các khớp. Mùa đông, người cao tuổi nên tắm bằng nước ấm. Việc giữ ấm cơ thể còn giúp người già không bị nhiễm lạnh – nguyên nhân gây ra các bệnh lý hô hấp và làm suy giảm hệ miễn dịch.

– Nếu có dấu hiệu đau nhức các khớp người già có thể sử dụng các loại chườm ấm như chườm ngải cứu, sẽ làm giảm đi tình trạng đau nhức khớp. Tuy nhiên, người cao tuổi cần lưu ý nếu bị viêm cấp tuyệt đối không nên chườm ấm hoặc dùng các loại dầu gió, điều này có thể làm nặng tình trạng viêm. Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau vì có thể làm tình trạng nghiêm trọng hơn.

– Người già cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng, tránh vận động quá sức gây ảnh hưởng lên khớp. Bên cạnh đó cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng bổ sung nhiều hoa quả, vitamin, uống nhiều nước. Đồng thời duy trì cân nặng phù hợp, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.

– Người cao tuổi cần lưu ý việc ăn nhiều thịt đỏ, thịt đông lạnh, sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá) cũng có thể ảnh hưởng và làm tăng tình trạng đau nhức xương khớp.

– Người cao tuổi nên duy trì tập luyện với các bài tập nhẹ nhàng để tốt cho xương khớp.

Nếu áp dụng các phương pháp trên nhưng tình trạng đau nhức xương khớp không cải thiện, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị phù hợp cho người bệnh.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Triệu chứng nhiễm cúm A/H5N1 và các giai đoạn tiến triển của bệnh

Ngọc Nga

Một số lời khuyên phòng bệnh tim mạch

Ngọc Nga

Hướng dẫn phòng tránh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, chợ…

Ngọc Nga