Thời tiết chuyển dần sang lạnh, cơ thể rất dễ bị ho, viêm họng. Dùng lá hẹ tươi là biện pháp được nhiều người áp dụng nhằm làm giảm ho, giảm đau rát cổ họng.
Lá hẹ tươi tính ấm, vị cay ngọt và có công dụng ôn trung, kháng khuẩn, tiêu đờm, trợ khí có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng viêm họng.
Hơn nữa, các bài thuốc từ lá hẹ tươi có thể được sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.
- Uống nước lá hẹ tươi
Thành phần: Lá hẹ tươi 1 nắm vừa đủ.
Cách dùng: Lá hẹ tươi rửa sạch, cắt nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố, thêm nước ấm, lọc lấy nước cốt. Chia nước lá hẹ thành 2-3 phần, uống trong ngày, bảo quản trong tủ lạnh.
- Lá hẹ tươi chưng đường phèn
Thành phần: Lá hẹ tươi 100g, đường phèn vừa đủ.
Cách dùng: Lá hẹ tươi rửa sạch, cắt nhỏ. Đường phèn giã nhỏ. Cho hai nguyên liệu vào chén hoặc bát sạch, hấp cách thủy trong 30 phút. Chia lá hẹ chưng đường phèn thành 2 phần, ăn trong ngày.
- Cháo lá hẹ tươi
Thành phần: Lá hẹ tươi 100g, gạo tẻ 50g.
Cách dùng: Lá hẹ rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Gạo nấu thành cháo, nêm gia vị vừa ăn, cho lá hẹ vào, nấu thêm khoảng 2 phút.
Cháo lá hẹ có tác dụng xoa dịu cổ họng, giảm đau rát họng.
- Lá hẹ tươi hấp gừng
Thành phần: Lá hẹ tươi 250g, gừng tươi 25g.
Cách dùng: Lá hẹ rửa sạch, cắt nhỏ. Gừng tươi rửa sạch, thái lát mỏng. Cho nguyên liệu vào chén hoặc bát, bạn có thể thêm chút đường cho dễ dùng, rồi hấp cách thủy 30 phút. Liệu trình 5 ngày.
- Lá hẹ tươi kết hợp hoa đu đủ đực và hạt chanh
Thành phần: Lá hẹ tươi 15g, hoa đu đủ đực 15g, hạt chanh 10g.
Cách dùng: Các nguyên liệu trên đem xay nhuyễn, hấp chín. Để dễ uống, bạn có thể cho thêm đường khi hấp. Uống hỗn hợp mỗi ngày 3 lần.
- Lá hẹ tươi kết hợp nghệ và chanh
Thành phần: Lá hẹ tươi 100g, củ nghệ 20g, chanh 1 quả, đường phèn vừa đủ.
Cách dùng: Lá hẹ rửa sạch, cắt khúc ngắn. Nghệ nướng chín, bỏ vỏ, giã nát. Chanh cắt thành từng lát mỏng. Cho 3 nguyên liệu hấp cách thủy, sau đó chắt lấy nước uống 2 lần/ngày trước khi ăn.
- Chườm lá hẹ tươi vùng họng
Thành phần: Lá hẹ tươi 1 nắm
Cách dùng: Lá hẹ tươi rửa sạch, hơ nóng và áp trực tiếp lên vùng cổ. Cần chú ý lá hẹ không quá nóng để tránh bị bỏng. Khi lá hẹ nguội có thể thay bằng lá hẹ khác và làm liên tục trong vòng 15 phút giúp giảm đau họng, tan đờm.
Để tình trạng viêm họng nhanh chóng được cải thiện, bên cạnh việc dùng lá hẹ tươi, người bệnh cần kết hợp một số biện pháp:
- Có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
- Không uống nước đá, ăn thức ăn lạnh khi bị viêm họng.
- Khi thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng ngực, cổ họng.
Hồng Hạnh (tổng hợp)