Phủ Lý đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(CDC Hà Nam)

Chỉ tính từ giữa tháng 9 đến nay, dịch sốt xuất huyết bùng phát trở lại khi thời tiết diễn biến mưa – nắng thất thường, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố có từ 5 đến 7 ca sốt xuất huyết mới. Tăng cường công tác truyền thông, giám sát phát hiện sớm các ca bệnh… là những biện pháp được các đơn vị chức năng của thành phố triển khai hiện nay.

 Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Theo chân đoàn cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch sốt xuất huyết tại thôn 1, xã Phù Vân mới đây cho thấy, các cán bộ, nhân viên y tế thành phố, Trạm y tế xã Phù Vân và thôn 1 đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để phát tờ rơi tuyên truyền dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết DENGUE; tổ chức giám sát đánh giá vec tơ sốt xuất huyết ở nhiều hộ dân trong khu vực có dịch; kiểm tra các dụng cụ, đồ vật có chứa nước ngoài trời có nguy cơ phát sinh loăng quăng, bọ gậy Aedes….

Không phải hộ dân nào cũng hợp tác, cũng sẵn sàng phối hợp với các nhân viên y tế giải phóng những vật dụng phế thải, chứa nước có nhiều khả năng có loăng quăng, bọ gậy Aedes; hoặc cho đoàn giám sát vào điều tra vec tơ sốt xuất huyết, bắt muỗi trong nhà. Chị Lê Thị Bắc, nhân viên y tế thôn 1, xã Phù Vân nói: “Thôn 1 là thôn đông dân của Phù Vân, ngoài hơn hai nghìn nhân khẩu còn có thêm hơn 1000 sinh viên của các trường Đại học, công nhân khu công nghiệp thuê trọ. Có tuần,  có 4-5 trường hợp mắc sốt xuất huyết DENGUE. Lực lượng nhân viên y tế thôn không nhiều, nhưng cũng phải phối hợp với trạm y tế, Trung tâm Y tế thành phố tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để động viên, nhắc nhở nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Vì thế, khi có trường hợp nào bị mắc bệnh, chúng tôi đến nhà hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại gia đình, bảo đảm an toàn cho các hộ dân xung quanh”

Đến khu nhà trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Khoái, thôn 1, nhiều sinh viên đang được nghỉ học ở nhà. Bà Hào đã mời các cháu ra nhận tờ rơi, nghe cán bộ y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời lưu ý tình hình dịch bệnh đang ở thời điểm phức tạp khi thời tiết có những thay đổi bất thường.

Bà Nguyễn Thị Khoái chia sẻ: “ Chúng tôi sẵn lòng để các cán bộ vào nhà kiểm tra, hướng dẫn mọi người cách phòng dịch. Mấy ngày qua, thấy mấy gia đình có người mắc sốt xuất huyết nằm viện, chúng tôi cũng rất lo lắng. Ở đây toàn các cháu sinh viên, nếu chẳng may bị bệnh, gia đình ở xa, các cháu sẽ phải một mình vào cơ sở y tế hoặc chăm sóc nhau, rất tội!”

Phải đi đến từng ngõ để thực hiện công việc của mình, những cán bộ y tế cơ sở thực sự vất vả. Y tá Phạm Văn Thắng, trạm y tế xã Phù Vân nói: “Chị chứng kiến rồi đấy, có không ít hộ gia đình người ta phản ứng không cho mình làm nhiệm vụ của mình. Họ trồng cây cảnh, các bể cảnh thường chứa nước, đó chính là các ổ loăng quăng, bọ gậy phát sinh dịch bệnh. Nhưng làm thế nào để họ hợp tác loại bỏ bồn chứa nước ấy là vấn đề!”

Dịch tấn công các cơ sở trường học

Hầu hết các cơ sở trường học trên địa bàn thành phố hiện nay đều có học sinh, trẻ em mắc sốt xuất huyết. Số học sinh sinh sống trên địa bàn các phường như Minh Khai, Trần Hưng Đạo, Phù Vân, Quang Trung, Liêm Chính chiếm tỷ lệ nhiều hơn, bởi đây là những địa bàn có nhiều người, nhiều gia đình có người mắc dịch. Theo bác sỹ Lê Tự Vượng, Trưởng Khoa Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có nhiều phụ huynh khi có con bị mắc sốt xuất huyết lo lắng hỏi tính chất của bệnh với trẻ em và băn khoăn liệu các cháu có bị thêm lần nữa không? Hiện nay, ở các cơ sở giáo dục đã có nhiều học sinh và giáo viên mắc sốt xuất huyết, vì vậy phụ huynh lo lắng con em mình đã bị rồi có mắc lại không là điều dễ hiểu.

Giải thích chuyện này, bác sỹ Lê Tự Vượng cho biết chủng virut Dengue sở hữu 4 loại huyết thanh tương đối giống nhau, chỉ khác nhau về kháng nguyên. Do đó, khi điều trị bệnh một lần, có thể chỉ có khả năng miễn dịch với chủng virut gây bệnh đó và vẫn có thể mắc phải sốt xuất huyết do các chủng khác gây nên. Thường thì khi đã mắc lần tiếp theo, người bệnh sẽ có triệu chứng nặng hơn, diễn biến bệnh nguy hiểm hơn.

Bác sỹ khuyến cáo phụ huynh theo dõi các biểu hiện bệnh của các con khi có triệu chứng sốt cao, có thể lên tới 40,5 độ C, đau đầu, phát ban, đau khớp, chảy máu. Tất cả các triệu chứng này ở trẻ em đều nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, khi đã được xác định mắc sốt xuất huyết, trẻ em cần được điều trị sớm, đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm. Theo bác sỹ, thời gian ủ bệnh đối với trẻ em thường kéo dài trong khoảng 1 tuần, cá biệt có những trường hợp tới 2 tuần. Thời gian này, trẻ không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng xuất hiện không rõ ràng. Tuy nhiên, thời gian hồi phục của trẻ rất nhanh, chỉ 1 đến 2 ngày khi trẻ có biểu hiện thèm ăn, đi tiểu nhiều. Trong vòng 7-10 ngày, các em sẽ hồi phục hoàn toàn.

Dù vậy, bác sỹ cũng rất lưu ý các bậc phụ huynh, do các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết có biểu hiện tương đối giống cảm cúm thông thường nên nhiều bố mẹ đã chủ quan, chỉ cho con uống thuốc giảm sốt như điều trị cảm. Làm thế bệnh của các cháu có khả năng tiến triển nặng hơn.

Theo Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý, từ đầu năm đến 15/8 trên địa bàn các phường, xã chỉ có 15 người mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đến 19/10, toàn thành phố có 231 trường hợp mắc sốt xuất huyết DENGUE. Nghĩa là, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, thành phố có thêm hơn 210 người mắc sốt xuất huyết. Bà Lại Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết, thời điểm này chính là đỉnh dịch. Số ca mắc tăng lên, diễn biến thời tiết cũng phức tạp hơn. Chúng tôi đã khẩn trương triển khai các bệnh pháp phòng, chống dịch ở cộng đồng theo chỉ đạo của UBND thành phố Phủ Lý. Trong hơn 1 tháng qua, ngày nào trung tâm cũng cử cán bộ y tế về các địa phương giám sát, đánh giá tình hình dịch, báo cáo cập nhật kịp thời tình hình dịch qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế. Tôi mong rằng, các phường, xã, tổ dân phố, các thôn làng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ, thực hiện các quy trình phòng chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn.

Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam: Xứng đáng vai trò tiên phong – then chốt trong phòng, chống dịch bệnh

Mậu Ngọ

Một số hình ảnh công tác phòng, chống dịch tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng

Mậu Ngọ

Phòng chống HIV/AIDS cần sự tiếp sức của cả cộng đồng

CDC Hà Nam