Ăn nhiều carbohydrate, thiếu ngủ, căng thẳng, nhiễm trùng, mất nước, dùng một số loại thuốc có thể khiến đường huyết tăng lên nhanh chóng.
Đường huyết tăng đột biến có thể gây nguy hiểm cho người bệnh như nhiễm toan ceton đái tháo đường, dẫn đến buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh, thậm chí co giật, hôn mê. Dưới đây là 9 nguyên nhân phổ biến khiến lượng đường trong máu vượt mức chuẩn.
Ăn nhiều carbohydrate
Lượng đường trong máu tăng lên sau ăn là điều bình thường. Tuy nhiên, ăn nhiều carbohydrate (tinh bột và đường), nhất là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có xu hướng làm tăng nhanh mức glucose, có thể dẫn đến các triệu chứng tăng đường huyết ở người bệnh.
Người tiểu đường nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao. Người bệnh nên kiểm tra đường huyết sau ăn hai giờ để xác định đường huyết có tăng đột biến hay không. Tham khảo ý kiến bác sĩ về lựa chọn thực phẩm và điều chỉnh thuốc để kiểm soát đường huyết tốt.
Tập thể dục nặng
Tập thể dục vừa phải khoảng 150 phút mỗi tuần giúp kiểm soát lượng đường trong máu do hoạt động thể chất có thể làm tăng độ nhạy của insulin, nhờ đó đường trong máu được hấp thụ tốt hơn. Hoạt động thể chất cũng giúp đưa đường vào tế bào ngay cả khi không có insulin. Tuy nhiên, một số bài tập cường độ cao như nâng tạ, chạy nước rút có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Những hoạt động này có thể khiến cơ thể giải phóng hormone căng thẳng adrenaline làm đường huyết tăng lên nhanh chóng.
Thiếu ngủ
Thời lượng, chất lượng giấc ngủ và giờ đi ngủ đều tác động đến lượng đường trong máu. Hiệu quả giấc ngủ kém, mất ngủ và thói quen đi ngủ muộn làm việc kiểm soát đường huyết sau ăn kém hơn vào bữa sáng hôm sau. Điều này có thể làm tăng đường huyết lên nhiều ở người tiểu đường.
Căng thẳng
Căng thẳng về thể chất và tinh thần có thể gây tăng đột biến đường huyết do cơ thể giải phóng hormone cortisol, gây ra giải phóng đường ngay lập tức vào máu. Theo thời gian, nồng độ cortisol tăng cao kéo theo lượng đường trong máu tăng nhanh.
Căng thẳng cũng có thể khiến một số người thèm ăn và ăn nhiều hơn, ví dụ một vài người ăn đồ ngọt, đồ ăn vặt như kem, khoai tây chiên… Tiêu thụ những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao trong những thời điểm căng thẳng, dẫn đến đột biến về lượng đường trong máu.
Một số thuốc
Thuốc có thể ảnh hưởng và có khả năng gây tăng đột biến lượng đường trong máu như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta… Người tiểu đường nên tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, hỏi ý kiến bác sĩ nếu dùng các loại thuốc điều trị bệnh khác, thuốc không kê đơn, thảo dược, thực phẩm bổ sung…
Nhiễm trùng
Mắc một số bệnh, nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… có thể dẫn đến giải phóng cortisol và các hormone gây căng thẳng khác, tác động đến việc ăn uống ăn, tần suất và mức độ hoạt động. Tất cả đều có khả năng gây tăng đột biến lượng đường trong máu. Nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm trùng huyết cao hơn mức trung bình đối với người bệnh tiểu đường.
Mất nước
Mất nước có thể khiến đường huyết tăng đột biến do đường trong máu trở nên cô đặc hơn và tăng nồng độ lên. Thời tiết nóng, tập thể dục quá sức, nôn mửa và tiêu chảy đều có thể dẫn đến mất nước ở người tiểu đường. Người bệnh nên uống đủ nước và bù nước nếu gặp các tình trạng này.
Hút thuốc
Nicotine, một chất hóa học trong thuốc lá có thể gây tăng lượng đường trong máu. Bỏ hút thuốc cải thiện độ nhạy insulin, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Đường huyết buổi sáng
Đường huyết tăng cao vào buổi sáng thường do ba nguyên nhân. Hiện tượng bình minh do hormone buổi sáng tăng cao. Insulin hết tác dụng do được uống trước khi ngủ và nồng độ insulin có thể giảm qua đêm khiến lượng đường tăng lên. Lượng đường trong máu thấp qua đêm gây ra sự gia tăng “phục hồi” vào buổi sáng. Người bệnh cần điều chỉnh thời gian dùng thuốc, thức ăn và thói quen theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gặp các tình trạng này.
Hồng Hạnh (tổng hợp)