Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con

(CDC Hà Nam)

Dân trí “Mẹ ơi con không thích đồ chơi gì nữa, con chỉ cần mẹ về ôm con 1 cái thôi”, câu nói ngây thơ của con khiến lòng chị quặn thắt, nước mắt cứ chực trào ra.

Gia đình có 5 người thì ở 3 nơi

Cả ngày dài căng sức chống dịch trên tuyến đầu nhưng khi đêm về, tạm rời xa chiếc áo blouse, nữ điều dưỡng Phạm Bích Thuận – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lại trở về với cuộc sống riêng tư của người vợ, người mẹ như bao người phụ nữ khác.

Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Để phục vụ cho công tác chống dịch điều dưỡng Thuận đã ở lại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa cách ly vừa làm nhiệm vụ. Cũng chính vì vậy, mà gia đình chị có 5 người thì nay lại phải ở 3 nơi. “Tôi đã có 3 nhóc. Cháu lớn năm nay 10 tuổi, cháu nhỡ 7 tuổi và cháu út thì chỉ vừa 5 tuổi. Tôi trực chiến tại Bệnh viện nên các con được gửi về cho ông bà nội chăm; còn ông xã thì vẫn ở lại nhà để làm việc” – Nữ điều dưỡng mở đầu câu chuyện.

Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Nữ điều dưỡng Phạm Bích Thuận – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Suốt 1 tháng qua, sợi dây liên kết duy nhất của gia đình chị chỉ là những cuộc gọi điện thoại. Hai vợ chồng đều là người lớn, đều thông cảm cho nhau nên hầu hết thời gian rảnh chị dành để trò chuyện với các con. Như thường lệ, cứ đến 8 giờ tối, khi các con đều đã học bài xong, điều dưỡng Thuận lại bấm máy gọi về cho ông bà, để mẹ con trò chuyện với nhau.

Chị kể: “Vì đặc thù công việc, ban ngày tôi không thể gọi điện hay nghe máy, nên đành phải chờ đến tối. Cuộc gọi cũng chỉ kéo dài 15-20 phút vì lúc đấy đã khuya, nên tôi cũng chỉ kịp hỏi han vài ba câu, nhắc các cháu học bài và làm bài; dặn dò chị trông em thật ngoan và nhắc cả 3 đứa phải nghe lời ông bà”.

Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Suốt 1 tháng qua, sợi dây liên kết duy nhất của gia đình chị chỉ là những cuộc gọi..

Nhớ về khoảng thời gian vừa mới ở lại Bệnh viện, không đêm nào là chị không trằn trọc vì lo lắng cho gia đình. Chị lo cho chồng ở một mình sẽ vất vả, tất bật vì thiếu mất bàn tay quán xuyến của người nội trợ; chị lại càng lo hơn cho các con vì còn bé mà đã phải xa cả bố lẫn mẹ một thời gian dài, trong khi ông bà thì đã yếu.

Nhưng rồi cả nhà cũng cùng động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, dần dần thích nghi với nhịp sống mới. “Ngoài gia đình, thì ngay tại Bệnh viện, các y, bác sĩ chúng tôi cũng cùng động viên tương trợ lẫn nhau. Chính bản thân tôi cũng tự động viên mình phải cố gắng vì nhiều đồng nghiệp thậm chí còn vất vả hơn, nên giờ cũng đã thành quen với cuộc sống xa nhà” – Điều dưỡng Thuận nói.

Những lần lòng người mẹ quặn thắt vì con

Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Gọi là quen nhưng là phụ nữ phải xa chồng, xa con thì khó mà tránh khỏi những phút yếu lòng. Tâm sự với chúng tôi, chị kể rằng đã không ít lần lòng chị quặn thắt vì những câu nói của con: “Cháu lớn nhà tôi đã học lớp 5 nên cũng hiểu về dịch bệnh. Nghe TV, mọi người bàn tán nhiều có hôm gọi cho mẹ bất ngờ nói: “Mẹ ơi con không muốn mẹ bị bệnh chết”. Bé thứ hai lại bảo mẹ rằng: “Con không thích đồ chơi gì nữa, con chỉ cần mẹ về ôm con 1 cái thôi”. Bạn bé nhất là con trai, nghị lực hơn thường động viện mẹ, bảo mẹ cố lên hết dịch lại về với con”.

Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Cứ mỗi lần nhắc đến các con, nước mắt nữ điều dưỡng này lại trào ra vì thương, vì nhớ. Chị kể rằng, nhiều lúc nghĩ ngợi lại cảm thấy mình có lỗi với các con, vì quãng thời gian qua chưa thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ: “Nhiều lúc gọi video thấy con cứ thui thủi một mình tôi thương lắm. Có lần cháu út nhà tôi bị bỏng, tôi lại tự trách bản thân, khi mình đi chăm sóc mọi người nhưng con mình lại không chăm sóc được”.

Lúc hết dịch, tôi sẽ nấu cho các con một bữa cơm thật ngon

Đã nhiều ngày qua, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Nhịp sống thường ngày cũng đang dần trở lại. Những tín hiệu tích cực này như thắp lên ngọn lửa hy vọng cho các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, về một ngày đoàn tụ sẽ không còn xa.

Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con - 6

Nhấn để phóng to ảnh

Chia sẻ về thời khắc được gặp lại gia đình, giọng nữ điều dưỡng bỗng vui trở lại

Chia sẻ về thời khắc được gặp lại gia đình, giọng nữ điều dưỡng bỗng vui trở lại: “Lúc hết dịch, tôi sẽ về ngay với các con và nấu một bữa cơm thật ngon để cả nhà cùng ăn với nhau. Và khi mọi thứ đã thực sự an toàn, tôi sẽ đưa cả 3 nhóc đi nhà sách như đã hứa. Dịch bệnh chưa ai có thể nói trước được điều gì nhưng với những tín hiệu tích cực như những ngày qua, cũng đáng để chúng tôi hy vọng lắm chứ!”

Nguồn (dantri.com.vn)

Bài viết liên quan

Lý Nhân bảo đảm tốt mục tiêu bảo hiểm y tế học sinh

Ngọc Nga

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, hướng tới sự phát triển toàn diện ở trẻ em

Ngọc Nga

Những cô giáo tình nguyện trong các khu cách ly tập trung

Ngọc Nga

Để lại bình luận