Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng

(CDC Hà Nam)

Thuốc lá gây hại rất nhiều đối với sức khỏe con người. Hiểu được điều
này, nhiều người hút thuốc lá đã quyết tâm từ bỏ nó để bảo vệ sức khỏe bản thân,
gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, để từ bỏ được thuốc lá thì lại không hề dễ
dàng.


Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Lâm, ở thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh
Liêm), từ những ngày còn rất trẻ, anh đã bắt đầu hút thuốc lá, lúc đầu chỉ hút vài
điếu cho vui nhưng càng về sau càng hút thuốc lá nhiều hơn và thành thói quen,
nghiện thuốc lá. Anh Lâm bộc bạch: “Khi đó, nghe đài, ti vi tuyên truyền nhiều
về tác hại của hút thuốc lá nên tôi đã quyết định từ bỏ. Tôi tìm hiểu nhiều cách để
bỏ thuốc lá, như bằng cách nhai kẹo, hạn chế tiếp xúc… nhưng không hiệu quả.
Mấy lần đó bỏ xong, khi bạn bè mời tôi hút lại. Có thời điểm, tôi hút cả gói thuốc
một ngày”.
Thế nhưng, khoảng hơn 1 năm trước, anh Lâm đã có suy nghĩ khác đi khi
bạn thân bị ung thu phổi phải nhập viện điều trị. Qua chẩn đoán xác định, nguyên
nhân gây ra bệnh của bạn anh là do hút thuốc lá quá nhiều. “Chính từ vụ việc của
người bạn đã là động lực thôi thúc tôi phải quyết tâm từ bỏ thuốc lá và tôi đã làm
được”, anh Lâm chia sẻ. Những lần trước khi bỏ thuốc lá, anh Lâm có tâm lý trốn
tránh nơi có bạn bè hút thuốc lá với suy nghĩ mình không thấy sẽ không hút,
nhưng làm sao tránh hoài được. Qua kinh nghiệm, anh Lâm khẳng định: “Muốn
bỏ thuốc lá phải kiên quyết từ chối khi bạn bè mời với quyết tâm cao của bản
thân thì mới bỏ được”.
Còn chia sẻ về hành trình cai thuốc lá của mình, anh Trần Trung Tuấn, ở xã
Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) kể: “Tôi bỏ thuốc lá được là nhờ có kế hoạch và có ý
chí với tinh thần trách nhiệm của mình. Ban đầu, tôi chuyển hút thuốc từ loại
nặng sang loại nhẹ và giảm số điếu thuốc hút dần dần. Đặc biệt là việc hạn chế tụ
tập với những bạn bè nghiện thốc. Kiên trì như thế qua 6 tháng, tôi đã bỏ được
thuốc lá và gần 1 năm nay không hút lại”. Khi được hỏi động lực nào khiến anh
bỏ thuốc lá. Anh Tuấn cho biết: “Tôi được tuyên truyền ở đơn vị và sự động viên
của gia đình. Cha tôi đã nêu gương bỏ thuốc lá và tôi cũng quyết định bỏ để làm
gương tốt cho các con và cháu. Mình là cán bộ phải gương mẫu mới tuyên truyền
người khác được”.


Những người hút thuốc lá lâu năm đều cảm nhận rõ sức khỏe của mình “đi
xuống” vì khói thuốc. Ông Nguyễn Văn Minh, 61 tuổi, ở xã Kim Bình, thành phố
Phủ Lý, cho biết: Do hút thuốc lá lâu (hơn 30 năm) nên tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn
mãn tính, phải theo dõi, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Nam.
Bệnh này nguy hiểm, khi phát bệnh không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Vì
thế, từ ngày bệnh nặng hơn, cai thuốc lá là việc đầu tiên ông Minh quyết tâm làm.
Cả anh Lâm, anh Tuấn và ông Minh đều có một nhận định, để bỏ được
thuốc lá cần có quyết tâm, ý chí và trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo vệ
sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Hành động hút thuốc lá là đang tiêu
tiền vào thói quen có hại, phải bỏ tiền ra để mua vào bệnh tật cho cả gia đình.
Bên cạnh lợi ích về sức khỏe cho mọi người thì việc bỏ hút thuốc lá đã giúp giảm

chi phí ở các gia đình. Tuy số tiền mỗi ngày không nhiều nhưng kéo dài năm này
qua tháng nọ, mấy chục năm thì tính ra chi rất nhiều tiền cho thói quen không tốt
này. Thay vào đó, mình dùng số tiền trên chi tiêu vào việc ý nghĩa, thiết thực
hơn.Với thành công cai nghiện được thuốc lá, các trường hợp kể trên là những
tấm gương để bạn bè, đồng nghiệp, con cháu và những người xung quanh học tập
mà từ bỏ thói quen hút thuốc lá, giảm dần tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe
cộng đồng. Đồng thời cũng là minh chứng khẳng định rằng việc từ bỏ thói quen
hút thuốc lá luôn có thể thực hiện được.
Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây
tử vong hàng đầu. Phần lớn tác hại của khói thuốc lá là do Carbon oxyt, không chỉ
ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc lá mà còn gây nhiễm độc không khí đối
với những người không hút thuốc nhưng lại phải sống trong môi trường có nhiều
khói thuốc lá. Khói thuốc lá chiếm 4% khối lượng điếu thuốc, trong đó chứa những
chất nguồn gốc thực vật chưa cháy hết, các Hydrocacbua thơm như Benzopyrene
là chất gây ung thư mạnh nhất (mỗi điếu thuốc lá có 40 – 50mg chất này), thuốc lá
ẩm hay tắt càng có nhiều Benzopyrene.
Người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc các bệnh ung thư phổi, thanh quản, nhồi
máu cơ tim, xơ vữa động mạch… cao hơn nhiều so với người không hút thuốc lá.
Khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói do người hút thải ra không
khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng người hút hít vào phổi. Những người không
hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá vẫn có thể mắc các chứng bệnh của người
hút thuốc lá, như: Viêm phế quản mãn, giãn phế nang, ung thư phổi, nhồi máu cơ
tim, rối loạn khi thai nghén và sinh đẻ, các chứng bệnh của trẻ sơ sinh và một số
bệnh khác. Những phụ nữ có chồng hút thuốc lá thì tỷ lệ mắc bệnh phổi cao hơn so
với phụ nữ có chồng không hút thuốc.

Hút thuốc lá- nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi

Qua trao đổi, bác sĩ Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa
khoa tỉnh cho biết: Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh,
việc từ bỏ thuốc lá là rất cần thiết. Những người mới hút từ bỏ thuốc lá dễ dàng
hơn những người đã hút thuốc lá lâu năm. Do vậy, mọi người nên ý thức tránh xa
thuốc lá, hoặc mới sử dụng thuốc lá thì nên từ bỏ ngay. Bác sĩ Tuấn khuyến cáo:
Đối với những người nghiện thuốc lá lâu năm, việc cai thuốc lá phải được thực
hiện một cách kiên trì. Ban đầu là cắt giảm dần lượng thuốc lá trong ngày. Khi
lượng thuốc sử dụng ít đi thì việc từ bỏ sẽ dễ dàng hơn. Bởi cai thuốc lá đột ngột
rất dễ tái nghiện và tái nghiện nhiều lần sẽ khó bỏ. Vì một môi trường không thuốc
lá, tôi cho rằng, mỗi thành viên chúng ta hãy là một tuyên truyền viên tốt trong
công tác phòng, chống hút thuốc lá để bảo vệ chính chúng ta, những người thân
trong gia đình và cộng đồng.
Trên thực tế, việc cai thuốc lá đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của mỗi người.
Trước khi bỏ được thuốc lá, người hút thuốc lá không nên hút thuốc ở những khu
vực tập trung đông người, trong phòng kín, có nhiều trẻ nhỏ… Đặc biệt, nhằm có
một sức khỏe tốt, những người đang hút thuốc lá, đã bỏ thuốc lá, sắp bỏ thuốc lá
cần có quyết tâm hơn nữa, kiên quyết “nói không với thuốc lá” ở mọi lúc mọi nơi.
“Việt Nam là quốc gia nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá
nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4% (trung

bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc). Có 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên
hít phải khói thuốc lá tại nhà. Một tổng hợp từ Bệnh viện K cho thấy, tỷ lệ bệnh
nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%; không hút thuốc lá: 3,2%”.

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Chạm vào 9 đồ vật này mà không rửa tay, bạn có thể gặp ‘họa’ lớn

CDC Hà Nam

Tối 26/9, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh bắt đầu thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19

Ngọc Nga

Bệnh viện không được thu tiền áo vàng của người nhà bệnh nhân

CDC Hà Nam