Cách kiểm soát cao huyết áp và khi nào nên dùng thuốc?

(CDC Hà Nam)

Không được điều trị, huyết áp cao có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim và đột quỵ. Cao huyết áp có thể kiểm soát bằng thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục, dùng thuốc.

Cách kiểm soát cao huyết áp và khi nào nên dùng thuốc? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Tập thể dục – như đạp xe, đi bộ hoặc yoga tích cực – giúp kiểm soát huyết áp cao.

Dưới đây là một số lời khuyên thiết thực để giúp bạn kiểm soát mức huyết áp của mình, cùng với lời khuyên của chuyên gia về thời điểm nên cân nhắc dùng thuốc.

Theo dõi huyết áp tại nhà

Bước đầu tiên trong việc kiểm soát huyết áp cao là biết chỉ số huyết áp của mình và hiểu thế nào là chỉ số bình thường hoặc cao. Nhận thức đúng có thể giúp bạn theo dõi huyết áp theo thời gian và phát hiện bất kỳ thay đổi hoặc mô hình nào.

Chỉ số huyết áp có hai con số và được ghi giống như một phân số, với huyết áp tâm thu ở trên và huyết áp tâm trương ở dưới. Chỉ số huyết áp được đo bằng milimét thủy ngân (mm Hg):

• Huyết áp tâm thu, hoặc số trên, đo lượng áp lực trong động mạch khi cơ tim co.

• Huyết áp tâm trương, hoặc số dưới, chỉ áp lực trong các động mạch ở giữa hai nhịp đập của tim.

Nói chung, chỉ số huyết áp thấp hơn 120/80 mm Hg được coi là bình thường.

Bảng dưới đây mô tả phạm vi huyết áp, theo Hội Tim Mỹ:

Biết chỉ số huyết áp của mình

Huyết áp Tâm trương (mmHg)

(số trên)

Tâm thu (mmHg)

(số dưới)

Bình thường <120 <80
Tăng 120 – 129 <80
Cao huyết áp

(Tăng huyết áp giai đoạn 1)

130 – 139 HOẶC 80 – 89
Cao huyết áp

(Tăng huyết áp giai đoạn 2)

>140 HOẶC >90
Cơn cao huyết áp

(Cần chú ý y tế)

>180 VÀ/HOẶC >120

Theo dõi huyết áp tại nhà rất quan trọng đối với bất kỳ ai có chẩn đoán huyết áp cao hoặc đang bắt đầu điều trị huyết áp cao, nhưng không nên được xem đây là cách thay thế cho các lần khám bác sĩ trực tiếp.

Thay đổi lối sống

Nếu bạn lo lắng về mức huyết áp của mình, bước tiếp theo là đảm bảo chỉ số huyết áp không tăng quá cao. Điều này có thể được thực hiện với những thay đổi lối sống tích cực bao gồm hoạt động thể chất thường xuyên, điều chỉnh chế độ ăn và kiểm soát stress.

1. Đi bộ và tập thể dục thường xuyên

Khi đặt mục tiêu tập thể dục hoặc ăn kiêng, các chuyên gia đưa ra một vài hướng dẫn. Ví dụ, hầu hết người lớn cần đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Những môn tập được khuyến nghị là:

• Đi bộ nhanh

• Đi xe đạp

• Tập yoga tích cực

• Bơi

2. Ăn ít muối.

Đối với chế độ ăn, có một thay đổi mà nghiên cứu đã thấy là có thể tạo ra sự khác biệt lớn không chỉ đối với việc kiểm soát mà còn làm giảm huyết áp cao: Giảm lượng natri trong chế độ ăn.

Lượng muối tăng lên dẫn đến huyết áp tăng. Bánh mì, súp, pho mát, thực phẩm đóng hộp và thịt chế biến sẵn chỉ là một vài ví dụ về nhiều cách mà natri xâm nhập vào chế độ ăn uống của chúng ta.

Trên thực tế, 75% natri trong chế độ ăn đến từ việc ăn thực phẩm đóng gói và nhà hàng, trong khi chỉ có 11% đến từ việc thêm muối vào thực phẩm.

Nói chung, những người quan tâm đến huyết áp nên tuân theo chế độ ăn gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo có lợi cho sức khỏe. Các chuyên gia y tế đánh giá cao chế độ ăn DASH cho phần lớn những người bị huyết áp cao.

3. Kiểm soát căng thẳng và lo lắng.

Mặc dù ai cũng bị lo lắng và căng thẳng ở một mức độ nào đó tại một số thời điểm trong cuộc sống, song căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Quan trọng hơn, căng thẳng mãn tính thường dẫn đến những thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và ăn quá nhiều.

Quản lý căng thẳng có vẻ khác nhau đối với mọi người, nhưng suy cho cùng thì nó bắt nguồn từ điều gì là thực tế với bạn và hiểu những gì mang lại cho bạn niềm vui. Cho dù đó là thực hành lòng biết ơn, thử các kỹ thuật thư giãn như thở thiền hoặc cải thiện vệ sinh giấc ngủ, việc có thể kiểm soát các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống có thể giúp giảm huyết áp xuống mức bình thường.

Khi nào cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp cao

Nếu, sau khi thay đổi lối sống, huyết áp vẫn tăng cao hơn, có lẽ đã đến lúc cân nhắc dùng thuốc.

Có nhiều cách để kiểm soát huyết áp cao bằng thuốc:

• ACE, hay chất ức chế men chuyển angiotensin, hoạt động trên một hệ thống hormon gọi là hệ thống renin-angiotensin, chủ yếu nằm ở thận. Thuốc ngăn chặn việc sản sinh một enzym làm co mạch và thường là nhóm thuốc điều trị đầu tiên cho những người đang gặp khó khăn trong kiểm soát huyết áp.

• ARB, hay chất ức chế thụ thể angiotensin, cũng hoạt động trên hệ thống renin-angiotensin. Thông thường, nhóm thuốc này được sử dụng thay cho các thuốc ức chế ACE. Nhưng một số nghiên cứu đã gợi ý vì ARB có liên quan đến ít biến chứng hơn, nên chúng có thể được ưa chuộng hơn các chất ức chế ACE.

• Thuốc chẹn kênh canxi làm giãn mạch máu và giảm nhịp tim, có thể giúp kiểm soát huyết áp. Nhóm thuốc này là một lựa chọn phổ biến để điều trị tăng huyết áp giai đoạn 1 và được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị tăng huyết áp giai đoạn 2.

• Thuốc lợi tiểu loại bỏ nước dư thừa và làm cho thành động mạch bớt cứng hơn, có thể làm giảm huyết áp. Nhóm thuốc này thường được kê đơn cùng với các loại thuốc phổ biến khác như thuốc ức chế men chuyển ACE hoặc ARB.

Vì có nhiều loại thuốc, và các quyết định kê đơn được đưa ra trên cơ sở từng bệnh nhân, nên bất kỳ sự khởi đầu hoặc thay đổi nào đều cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ.

Thuốc cũng có thể cần thiết khi phải đối phó với sự kết hợp của huyết áp cao và một bệnh khác. Theo Hội Tim mạch học Mỹ, tất cả các loại thuốc được liệt kê ở trên đều được thấy là an toàn và hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường.

Nhưng đối với những người bị tăng huyết áp và có tiền sử đột quỵ, việc lựa chọn thuốc là vô cùng phức tạp.

Tăng huyết áp kết hợp với một số dạng bệnh tim cũng đòi hỏi một cách tiếp cận chuyên biệt. Trong những trường hợp này, điều trị thuốc, hoặc thay đổi từ điều trị thuốc này sang điều trị y tế thuốc khác, cần được thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa.

(Nguồn: dantri.com.vn)

Bài viết liên quan

Tăng cường đề kháng để bảo vệ sức khỏe sức khỏe phòng bệnh mùa thu

Ngọc Nga

7 thói quen phổ biến gây hại cho răng

CDC Hà Nam

Đại hội Công đoàn Ngành Y tế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028

Ngọc Nga

Để lại bình luận