Bất ngờ co giật, đau đầu nghĩ ngay đến u não

(CDC Hà Nam)
Nếu một người trưởng thành chưa bao giờ co giật mà tự dưng co giật, phải nghĩ ngay đến u não và khẩn trương đến cơ sở y tế thăm khám. Bệnh lý u não lành tính hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị sớm.

U não phát hiện sớm dễ chữa khỏi

Từ 2h sáng 16/5, chị Đinh Thị Tuyết đưa con trai 10 tuổi – cháu Trương Văn Kiên từ Vân Đồn (Quảng Ninh) lên BV Việt Đức khám miễn phí u não.

Chị Tuyết cho biết, cách đây 2 năm, cháu Kiên thường xuyên kêu đau đầu. “Cơn đau thường đến bất chợt, mỗi lần như vậy cháu đều kêu “mẹ ơi con đau lắm”.

Chị Tuyết đã cho con tới Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám, sau khi chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán cháu bị nang dưới nhện, bệnh lành tính, không phải dùng thuốc.

Tuy nhiên,cơn đau đầu đến thường xuyên khiến cháu Kiên không tập trung học tập được nên gia đình chị Tuyết rất lo.

Tại buổi khám miễn phí tại BV Việt Đức, bác sĩ kết luận nang dưới nhện của cháu Kiên là một dạng lành tính, không phải dùng thuốc, khi nào đau đầu quá thì cho cháu uống thuốc giảm đau.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, BV Việt Đức chẩn đoán bệnh cho người bệnh

Giống như cháu Kiên, cháu Nguyễn Ngọc Hiếu, 6 tuổi, ở Thái Bình cách đây 5 tháng bất ngờ bị co giật. Theo mẹ cháu Hiếu– chị Bùi Thị Thanh, trước đó cháu không ốm, không sốt, chỉ thỉnh thoảng kêu đau đầu. Cho con vào bệnh viện ở Thái Bình chụp não, bác sĩ thấy cháu có một nang trong não và có dấu hiệu động kinh.

Qua thăm khám tại BV Việt Đức, bác sĩ thấy trong não của cháu Hiếu có nang dịch. Tuy nhiên, theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, BV Việt Đức, nhiều người thấy có nang dịch thì nghĩ ngay đến đây là điều “bất thường” và lo lắng sợ mình mắc bệnh nặng.

“Nang dịch là lành tính và chỉ mổ khi có triệu chứng, do vậy người dân không nên quá lo lắng. Nang dịch trong não là bệnh phổ biến. Trường hợp của cháu Hiếu, nếu cháu có biểu hiện đau đầu, buồn nôn cũng không có gì nguy hiểm”- PGS Hệ nói.

Cách đây chưa lâu, BV Việt Đức phẫu thuật u não kích thước 6cm cho một nữ bệnh nhân, 2 tuần sau ca mổ, bệnh nhân này đã trở lại cuộc sống sinh hoàn bình thường. “U não phát hiện sớm dễ chữa khỏi. Có u não lành tính, không vào chỗ hiểm thì điều trị có thể khỏi hoàn toàn”, Phó Giám đốc Đồng Văn Hệ nói.

Tỷ lệ u não ác tính ở trẻ em rất cao

Mỗi năm, BV Việt Đức khám và điều trị cho khoảng 3.000 người mắc bệnh u não, trong đó 80% là người lớn (ở độ tuổi từ 30-60) và 20% là trẻ em. U não có 2 loại, u não lành tính và u não ác tính.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, trẻ em mắc u não có mức độ ác tính cao hơn so với người lớn và đứng thứ 2 trong số các bệnh lý ung thư ở trẻ em. U não ở trẻ em hay gặp ở vùng hố sau và thường là ác tính. Tại BV, bệnh nhi phẫu thuật u não nhỏ nhất là cháu bé 2 tháng tuổi.

Vậy làm thế nào để phát hiện u não ở trẻ em? Theo Phó Giám đốc Đồng Văn Hệ, để cha mẹ nhận biết được dấu hiệu đau đầu ở trẻ là rất khó, nhưng thấy con bỗng dưng nôn thì cha mẹ phải hết sức chú ý. Cách đây chưa lâu, có một phụ huynh phát hiện con nôn liên tục đã lên mạng tìm hiểu.

Khi biết nôn là một trong những dấu hiệu của bệnh u não, chị đã đưa con tới bệnh viện thăm khám. Khi chụp cắt lớp não, phát hiện có một khối u lớn. Do vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, khi cha mẹ thấy con có biểu hiện bất thường phải đưa tới cơ sở y tế để thăm khám ngay.

Nhiều em nhỏ đến với chương trình khám miễn phí bệnh lý u não.

Bệnh u não có biểu hiện rất rộng, biểu hiện hay gặp là đau đầu, co giật. “Nếu người trưởng thành chưa bao giờ co giật, tự dưng có một ngày bị co giật thì 80% phải nghĩ đến u não, nên đi khám ngay, nếu không phải thì phải tìm nguyên nhân khác”- PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo.

Hoặc, có một ngày bỗng dưng bị méo mồm, điếc tai, yếu chân tay, mất tập trung cũng phải nghĩ tới u não và tới viện khám ngay. Đối với u vùng tuyến yên, biểu hiện là đau đầu, nhìn mờ. Vợ chồng lấy nhau nhiều năm nhưng không có con, cũng có thể do u tuyến yên; hoặc nam giới bỗng dưng sinh hoạt vợ chồng kém đi hay có dấu hiệu “bất lực” cũng phải nghĩ đến bệnh u tuyến yên.

Theo bác sĩ, thời gian và mức độ ảnh hưởng của u tới người bệnh phụ thuộc vào vị trí u và tốc độ phát triển của khối u. Các phương pháp điều trị não phụ thuộc vào loại u, kích thước u. Phẫu thuật là phương pháp lựa chọn đầu tiên với đại đa số u não, nhằm cắt bỏ hoàn toàn/tối đa u, bảo tồn được các vùng não có chức năng quan trong.

Chính vì triệu chứng không đặc hiệu của bệnh, nên các bác sĩ đưa ra lời khuyên, khi phát hiện cơ hiện cơ thể có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để phát hiện bệnh sớm và có can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện muộn sẽ dẫn tới biến chứng như động kinh, mù, liệt nửa người, không nói hoặc không nghe được, nặng là hôn mê và tử vong.

Dấu hiệu nguy cơ u não, cách nào chẩn đoán u não?

PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, khối u não trẻ em cũng như người lớn chẩn đoán không dễ dàng bởi u não có nhiều triệu chứng khác nhau, có những trường hợp triệu chứng mơ hồ, như trường hợp cháu bé này. Nôn là dấu hiệu hay gặp ở u não, nhưng thường kèm các biểu hiện khác. Có những bệnh nhân u não biểu hiện bằng nhìn mờ, một số trường hợp liệt tay liệt chân, méo mồm, liệt dây thần kinh khứu giác (không ngửi thấy mùi), liệt dây thần kinh thị giác (không nhìn được), có trường hợp mắt lác, nhìn một thành 2, nghe kém, ù tai, chóng mặt.

Những dấu hiệu khác, nặng hơn như: thay đổi tính nết, cáu giận, dễ bị kích thích.

Với u não, để chẩn đoán u lành hay u ác phải phụ thuộc vào sinh thiết.

Có khoảng 120 loại u não khác nhau, hầu hết là các khối u trong mô não, ngoài ra là u ở màng não, tuyến yên, dây thần kinh sọ não… Bất cứ dạng u não nào cũng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

Suckhoedoisong.vn

 

 

Bài viết liên quan

Dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần trong mùa thi

Ngọc Nga

Một số hình ảnh công tác phòng, chống dịch của CDC Hà Nam tại Khu Công nghiệp Đồng Văn 4

admin

Áp lực thi cử và những hệ lụy

CDC Hà Nam

Để lại bình luận