Đấu trí giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 từ tay “tử thần”
“Cấp cứu liên tục, 30 phút ép tim mà chưa thấy BN biến chuyển gì, chúng tôi sợ mình sẽ thua. Lúc này chỉ biết cố gắng, cố gắng và cố gắng… Gần như toàn bộ nhân lực của khoa được huy động. Mãi đến hơn 40 phút sau, tim BN mới đập trở lại, mọi người nhìn nhau đều lộ rõ vẻ bơ phờ, mệt mỏi nhưng trong lòng sung sướng vô cùng…”- BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhớ lại giây phút anh cùng các đồng nghiệp giành giật sự sống cho BN19 từ tay “tử thần”.
Cuộc chiến sinh – tử lúc nửa đêm
Dịch COVID-19 bước sang giai đoạn 2 với sự xuất hiện của ca bệnh số 17 đánh dấu một giai đoạn nhiều sóng gió. Các bệnh nhân COVID-19 liên tục nhập viện, số ca bệnh có diễn biến nặng, tổn thương nghiêm trọng ở phổi xuất hiện nhiều hơn so với giai đoạn 1. Thực tế đó khiến công việc của nhân viên y tế áp lực hơn bội phần. Xa chồng con, gia đình, trong “chiến trường không tiếng súng” này, họ tình nguyện gác lại niềm riêng vì nhiệm vụ chung, luôn trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu”, ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Trong số các ca bệnh nặng, BN19 được đánh giá là BN có diễn biến vô cùng phức tạp. Bà là bác của BN17 – ca bệnh COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội (hiện đã được chữa khỏi), nhập viện ngày 7/3/2020 sau khi được xác định dương tính với SARS-CoV-2. 9 ngày sau khi nhập viện, BN19 bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Sau đó, BN nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn tiến bệnh vô cùng nghiêm trọng. Ngay lập tức các bác sĩ đã phải cho BN thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16/3. Tình thế mỗi lúc một nguy cấp, BN diễn biến xấu hơn, suy thận và phải lọc máu. Đến ngày 18/3, bệnh tình chuyển biến nặng, hô hấp rất khó khăn, tổn thương phổi lớn. Các bác sĩ đã quyết định đặt hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) cho BN để đảm bảo duy trì các chức năng sống mới mong có thể qua khỏi.
ECMO được biết đến là một kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để lấy máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp oxy và thải carbonic, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là một hệ thống hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể phức tạp. Theo lời chia sẻ của BS. Khiêm, dù trước đây, các bác sĩ đã làm khá nhiều ca ECMO thành công và có thể nói là đã “chắc tay” nhưng trước diễn biến nhanh chóng của BN19 khi thực hiện vẫn cảm thấy… hơi run. May mắn, cả ekip đã vượt qua tất cả, chỉ mất 30 phút để thiết lập được hệ thống ECMO cho BN19, trong khi bình thường phải mất hơn 1 tiếng chuẩn bị”- BS. Khiêm nói.
Mỗi ca bệnh luôn là một thách thức đặt ra cho các y bác sĩ. Nếu không theo dõi kịp thời, sát sao diễn biến của BN để xử lý ngay thì “thần chết” có thể lấy đi tính mạng của họ bất cứ lúc nào. Lần này, ECMO đã mang lại hiệu quả điều trị tốt cho BN19, bằng chứng là đến ngày 4/4, BN đã tự thở, cai được ECMO, tình trạng tốt dần lên. Những nỗ lực, cố gắng của các y bác sĩ đã được đền đáp xứng đáng bằng sự tiến triển của người bệnh.
Khi BN được rút ECMO, cả khoa Hồi sức tích cực ai cũng mừng rỡ vì nghĩ rằng mình đã đi được 70% – quá nửa chặng đường, BN sắp khỏi bệnh đến nơi rồi. Vui mừng lắm, song y học lại là vô hạn và luôn ẩn chứa những điều kỳ lạ nhiều khi đến khó hiểu….
Bởi lẽ không biết từ lúc nào, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm tấn công vào tim và gây nên những tổn thương cơ tim vô cùng nguy hiểm cho BN19 mà không ai có thể lường trước được. 0h45′ đêm 8/4, BN19 bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn rồi cứ thế rơi vào mê man, bất tỉnh… dù trước đó ít giây BN vẫn đang tỉnh táo, xem tivi. “Đó là một đêm khó quên, tôi vừa kết thúc ngày trực dài suốt 12 giờ đồng hồ…” – BS. Khiêm hồi tưởng. Dù lúc ấy đã gần 1h sáng, trong căn phòng nghỉ nhỏ bé của các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, vị bác sĩ trẻ vẫn ngồi đau đáu nghiên cứu những trang tài liệu nước ngoài về bệnh COVID-19. Anh muốn tìm hiểu xem ở các nước người ta điều trị bệnh ra sao, chữa khỏi thế nào, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Bỗng nghe tiếng gọi thất thanh của đồng nghiệp trong đêm khuya tĩnh mịch, BS. Khiêm vội bật dậy chạy ngay đến buồng bệnh. Anh không hề biết rằng, cũng chính từ giây phút ấy, anh cùng các đồng nghiệp của mình chính thức bước vào “đêm trắng” cam go, đấu trí để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19.
Là người trực tiếp tham gia ép tim cho BN19, BS. Khiêm cho biết: “Cấp cứu ngừng tuần hoàn là cấp cứu tối cấp trong y khoa. Chúng tôi 8 bác sĩ, điều dưỡng cứ thế thay nhau ép tim cho BN, ép đến 30 phút liên tục mà không có chuyển biến gì, chúng tôi sợ mình sẽ thua. Đôi tay ai nấy đều rã rời nhưng tất cả đều cố gắng 100% sức lực của mình với hi vọng tái lập tuần hoàn cho người bệnh”.
Nhưng kỳ thực, kẻ thù SARS-CoV-2 vô hình lại biến ảo thật khó lường. Lúc đó, gần như toàn bộ nhân lực của Khoa Hồi sức tích cực đã được huy động để hỗ trợ. Các bác sĩ cũng tính đến tình huống xấu nhất và đã trao đổi, giải thích rõ với người nhà. Mãi đến hơn 40 phút sau, nhịp tim BN mới đập trở lại, cũng là lúc ai nấy đều kiệt sức, bơ phờ nhưng cảm giác sung sướng vô cùng…
“Ca cấp cứu ép tim này rất “khủng khiếp”, nó “khủng khiếp” đến mức ám ảnh. Vài ngày sau đó, có lần tôi đi ngang qua phòng hành chính thấy anh em xem lại đoạn video ghi cảnh ép tim cho BN19 để rút kinh nghiệm chuyên môn mà vẫn giật mình lo sợ, tưởng như phải ép tim cho bà một lần nữa….” – chuyên gia Hồi sức tích cực nhớ lại.
Cùng tham gia ép tim nhiều lần cho BN19 trong “đêm định mệnh” ấy, BS. Mạc Duy Hưng nói rằng, cấp cứu ngừng tuần hoàn trong thời gian gần 1 tiếng đồng như trường hợp của BN19 là rất hiếm. Chúng tôi không bỏ cuộc và dùng mọi sức lực, trí tuệ của mình để dồn sức cứu BN. Cuối cùng, điều kì diệu đã xảy ra khi tim bà đập trở lại. Cả ekip vui mừng khôn xiết…
Thế nhưng đó chưa phải là tất cả. Với kinh nghiệm trong nghề, các bác sĩ hiểu rõ việc ngừng tuần hoàn làm BN phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: tình trạng nhiễm trùng tăng lên, suy thận, tổn thương phổi rất nhanh, BN lúc nào cũng trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Vậy là bao công sức điều trị trước đó như “đổ sông, đổ biển”, đội ngũ nhân viên y tế lúc này lại phải bước vào một cuộc chiến dài hơi để giúp BN19 hồi phục – điều mà theo các bác sĩ mô tả là chẳng khác gì “làm lại tất cả từ đầu”. Song không vì thế mà họ chùn bước, tất cả nhân viên y tế dù mệt mỏi vẫn cố gắng từng chút để giữ được thành quả.
3 vòng chăm sóc đặc biệt, “cứu nguy” cho bệnh nhân COVID-19
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho BN19 đêm 8/4 đó là sự theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện bất thường ở BN và có hướng xử trí nhanh chóng, chính xác, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.
Không chỉ với BN19, tại Việt Nam hiện nay, tất cả các bệnh nhân COVID-19 đều được chăm sóc toàn diện, chu đáo với sự tận tụy, ân cần nhất của đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ. BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến đầu chống dịch và cũng là tuyến cao nhất chuyên tiếp nhận những ca bệnh nặng. Hơn nữa, các diễn biến của bệnh nhân COVID-19 rất bất thường, nhanh chóng, gây tổn thương rất nhiều cơ quan, khiến BN nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, Lãnh đạo BV đã có sự chỉ đạo, bố trí sắp xếp khoảng 350 người chia làm 3 vòng: vừa điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, vừa làm công tác hậu cần….
Trong quá trình chăm sóc cho BN nặng, đội ngũ cán bộ y tế theo dõi chia làm 3 ca, thường xuyên bám sát 24/24h, cả hệ thống camera an ninh và chuyên môn theo dõi rất sát sao. Đó là chưa kể có các chuyên gia đầu ngành trong Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế thường xuyên bàn phương án điều trị các ca bệnh nặng; các chuyên gia về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng… luôn túc trực sẵn sàng hỗ trợ.
“Tình hình BN19 đêm ấy nguy hiểm đến mức nếu phát hiện muộn chỉ thêm một chút nữa thôi, bà có thể tử vong. Hoặc nếu có sống thì cũng để lại các di chứng tổn thương não trầm trọng, khả năng cao BN sẽ phải sống đời sống thực vật… Đến thời điểm hiện tại, có thể nói BN19 đã được cứu chữa thành công, sức khỏe hồi phục cả về tri giác, nhận thức. Đó là kết quả của quá trình theo dõi và phát hiện sớm, phối hợp tốt trong cấp cứu mà BN đã thoát “cửa tử”.”- BS. Khiêm nói. Cả kíp trực đêm hôm đó không ai chợp mắt nổi, đôi mắt đau đáu theo dõi liên tục từng chỉ số trên các máy móc thiết bị để kịp thời phát hiện bất thường dù là nhỏ nhất. Bằng sự tận tâm và trách nhiệm cao nhất, đến nay đã hơn 2 tháng qua đi, BN19 dần khoẻ hơn, bỏ thở máy, không phải thở oxy, đã tự thở khí phòng, nói chuyện được và tập đi dưới sự hỗ trợ của nhân viên y tế… Đó là may mắn với BN, người nhà, nhưng cũng là nỗ lực của cả ngành y tế – mà trực tiếp điều trị và chăm sóc là các điều dưỡng, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Bệnh nhân hồi phục là điều tuyệt vời nhất với chúng tôi…”
Nữ Điều dưỡng trưởng tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Thị Thường đã tâm sự đầy giản dị, chân thành như vậy khi được hỏi chị mong muốn điều gì nhất lúc này. Chị Thường xúc động nói: Hơn 40 phút ép tim là khoảng thời gian không hề dễ dàng. Cả ekip vừa ép tim vừa quan sát và khẩn trương truy tìm nguyên nhân khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn là gì. Ngay cả lúc tim BN đập trở lại, BN đã qua cơn nguy kịch, chúng tôi không ai dám đi ngủ, liên tục theo dõi trên màn hình monitor vì lo lắng biết đâu BN sẽ xảy ra biến cố. Bởi lẽ, trước thời điểm ngừng tuần hoàn, BN hoàn toàn tỉnh táo, bà nói chỉ hơi khó chịu một chút thôi nhưng không ngờ bệnh tình trở nặng chỉ trong tích tắc.
Cũng theo chị Thường, việc chăm sóc các BN nặng nói chung và bệnh nhân COVID-19 rất vất vả, nhưng mỗi lần nhìn thấy BN hồi phục thì các y bác sĩ rất phấn khởi và xem đó là động lực để tiếp tục cuộc chiến chống lại COVID-19.
“Có BN người nước ngoài nặng đến gần 100 kg, trong khi điều dưỡng, bác sĩ của chúng ta lại nhỏ bé. Làm thế nào để nữ điều dưỡng chỉ 45kg nâng đỡ BN ngoại quốc to lớn, cho họ ăn thế nào, tắm ra sao… là cả quá trình rất vất vả, cực nhọc. Có lúc đông BN, 4 điều dưỡng chăm sóc 5 BN nặng, các điều dưỡng đã phải cố gắng, hi sinh rất nhiều.
Chúng tôi thay phiên nhau theo dõi liên tục cho BN. Trung bình, chúng tôi làm việc trong phòng bệnh 12 tiếng liên tục để chăm sóc BN, hỗ trợ các bác sĩ trong việc đặt ống thở, đặt ống nội khí quản cho BN… Công việc khá vất vả và có nguy cơ lây nhiễm cao, thực tế có đồng nghiệp cũng đã bị lây nhiễm bệnh nên đôi khi chúng tôi cũng có sự căng thẳng nhất định…- nữ điều dưỡng chia sẻ.
Có thể nói, trong cuộc chiến chống COVID-19, nhiều điều dưỡng, hộ sinh đã cùng với các bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu không có ngày nghỉ, họ phải xa gia đình, xa con nhỏ, liên tục, miệt mài tham gia phòng chống dịch bệnh suốt nhiều ngày liền trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao. Bản thân chị Thường đã xa gia đình đi chống dịch 2 tháng nay chưa được về nhà. May mắn thay, gia đình thấu hiểu và chia sẻ với nỗi cực nhọc của chị, thỉnh thoảng chồng chị còn đưa con đến cổng BV để được nhìn mẹ từ xa. Nhớ lắm, thương lắm, nhìn con buồn rầu, gầy hẳn đi, người mẹ có chút chạnh lòng và tự trách mình không có thời gian chăm sóc con tốt hơn. Nhưng rồi chị nghĩ rằng vì sức khỏe của bao nhiêu người bệnh đang nằm chờ đợi, bệnh nhân cần mình nên mình phải tiếp tục cố gắng hơn nữa. Cùng tham gia trực tiếp với các bác sĩ tuyến đầu từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, Điều dưỡng trưởng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Doãn Thị Nguyệt cho biết, đến ngày 30/4 -1/5 vừa qua chị mới được về thăm gia đình. Chị cùng các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của BV đã tạm gác lại cuộc sống thường nhật, xa gia đình, người thân yêu để làm nhiệm vụ chống giặc COVID-19 ở nơi tuyến đầu. Họ thường trực 24/24h tại BV, tận tụy với công việc chăm sóc phục vụ người bệnh và phòng, chống dịch. Ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương không thiếu những cặp vợ chồng là điều dưỡng BV nhưng vẫn không được gặp nhau, không được gặp con… Họ chỉ biết ngậm ngùi nhìn nhau từ xa, nén tình cảm yêu thương trong lòng và biến nó thành động lực để tiến về phía trước.
Những điều dưỡng như chị Nguyệt, chị Thường và rất nhiều nhân viên y tế khác… chính là hình ảnh chân thực về những “nàng Florence Nightingale” – người phụ nữ với cây đèn âm thầm đến bên người bệnh, chăm sóc người bệnh khi họ cần. Đó cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nghề điều dưỡng luôn luôn hy sinh âm thầm lặng lẽ, tìm mọi cách xoa dịu nỗi đau của người bệnh, giúp họ chữa lành vết thương cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Đêm hạnh phúc và tình cảm đặc biệt của đôi vợ chồng người Anh…
Ở BV Nhiệt đới Trung ương có rất nhiều ca cấp cứu đặc biệt ngay giữa đêm khuya. Khi nhà nhà đang say giấc nồng thì các y bác sĩ vẫn cứ miệt mài, tận tụy “trắng đêm” bên bệnh nhân với cơ man máy móc, thiết bị để duy trì sự sống cho họ. Và có một đêm đặc biệt khác, nhưng đó là đêm của sự đoàn tụ và vui mừng với tất cả nhân viên y tế đã cứu sống đôi vợ chồng ngoại quốc mắc COVID-19.
Chia sẻ niềm vui với vợ chồng người Anh, BS. Đồng Phú Khiêm cho biết: “Chứng kiến giây phút BN khỏi bệnh, ra viện, chúng tôi thực sự hạnh phúc mà không có gì diễn tả được. Trong đợt dịch này có rất nhiều khoảnh khắc làm tôi không thể cầm được nước mắt và một trong những khoảnh khắc ấy chính là hình ảnh vợ chồng người Anh gặp nhau khi khỏi bệnh COVID-19. Chúng tôi rất vui vì những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, người bệnh được khỏi bệnh và trở về sum họp với gia đình. Quan trọng cộng đồng mình an toàn là vui rồi…”. 22h đêm 13/4/2020, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã làm thủ tục xuất viện “có một không hai” cho bệnh nhân COVID-19 người Anh Dixong John Garth (74 tuổi) để ông cùng vợ đáp chuyến bay về nước vào rạng sáng 14/4 do Chính phủ Anh bố trí dành riêng cho các công dân Anh. Hai vợ chồng ông đều là bệnh nhân COVID-19 nằm điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trước đó, bà Shan Coralie Barker – vợ ông đã được công bố khỏi bệnh vào đúng thời điểm ông rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh” suy hô hấp phải thở máy, khiến bà lo nhiều hơn vui.
BS. Khiêm cho biết, ông Dixong có tiền sử bệnh tật phức tạp, ung thư máu đã 10 năm nay. Lần này 2 vợ chồng ông sang Việt Nam thăm con trai nhưng chưa kịp gặp thì đã không may mắc bệnh COVID-19 và được đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Bà Shan cũng là một y tá kỳ cựu hơn 40 năm ở Anh, hơn ai hết bà hiểu rõ bệnh tình mà hai vợ chồng bà mắc phải. “Lúc đầu tôi rất sốc. Tôi dần bị nặng, ho nhiều, khó thở, viêm phổi… Nhìn vào gương tôi không nhận ra mình nữa và đã nghĩ mình sẽ chết. Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống tôi. Tôi nghĩ nếu không ở đây, chưa chắc tôi đã sống được” – bà chia sẻ.
Khi biết chồng mình được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, người phụ nữ ấy hiểu như thế là rất nguy kịch. “Nguy cơ mất mạng càng cao làm nỗi sợ càng tăng. Chúng tôi chưa bao giờ xa nhau, thế mà 10 ngày rồi tôi chưa được gặp anh ấy cũng không kịp nói lời tạm biệt…”- bà Shan nghẹn ngào nhớ lại.
Và đó cũng chính là khoảng thời gian mà đội ngũ y bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải giành giật sự sống cho chồng bà. Nữ y tá kể: “Mới nhìn thấy chồng, tôi rất shock vì anh ấy không còn tóc, tôi đã nói chuyện với bác sĩ để tôi được gặp chồng và mỗi ngày anh ấy tiến triển tốt lên đến khi ngừng thở máy. Tôi rất biết ơn nỗ lực của các y bác sĩ ở đây. Thật tuyệt vời, cận kề sinh tử mà chúng tôi vẫn còn sống. Tôi chỉ muốn nói cảm ơn rất nhiều….”.
Giờ phút này, khi đã về nước an toàn, vợ chồng bà Shan vẫn giữ mối liên lạc với các điều dưỡng, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bà vẫn thường nhắn tin và gửi hình ảnh cho họ xem về cuộc sống khỏe mạnh của hai vợ chồng bà. Điều bà luôn nhắc đi nhắc lại trong mỗi lần trò chuyện đó là sự biết ơn sâu sắc đến những thầy thuốc áo trắng thân thiện, tốt bụng ở đất nước Việt Nam đã hồi sinh sự sống cho cả 2 ông bà.
Và một điều nhỏ bé nhưng đặc biệt xúc động hơn nữa trong đêm ra viện, bà Shan đã lặng lẽ lưu giữ được hình ảnh một nữ điều dưỡng âm thầm đứng sau tấm cửa kính phía xa để chia vui với niềm vui đoàn tụ của vợ chồng bà.
Mãi về sau, khi hỏi về điều này tôi mới biết, người mặc bộ đồ bảo hộ kín mít kia chính là nữ điều dưỡng Vũ Thị Thùy Nhinh – điều dưỡng trực tiếp chăm sóc cho cả 2 vợ chồng bà trong những tháng ngày mắc COVID-19. Do đặc thù công việc phải túc trực chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 khác, chị Nhinh không thể ra ngoài buồng bệnh để tiễn vợ chồng bà Shan, chị đành đứng trong góc khuất, tranh thủ giây phút hiếm hoi nhìn qua cửa kính và vẫy tay tạm biệt.
Chừng ấy thôi cũng khiến bà Shan xúc động nghẹn ngào, bà nói rằng: “Cứ mỗi khi nhìn vào tấm ảnh này, tôi lại bật khóc…”! “Các y bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống vợ chồng tôi…”.
“Xúc động vô cùng khi thấy tình cảm của BN dành cho những điều dưỡng, bác sĩ chúng tôi. Họ thực sự rất đáng mến. Dù công việc phía trước còn gian nan, vất vả nhưng đó là sự động viên vô giá để chúng tôi cùng người bệnh vượt qua và chiến thắng đại dịch này…” – Nữ điều dưỡng Vũ Thị Thùy Nhinh chia sẻ.
Đáp ứng nhanh trong chẩn đoán, điều trị COVID-19
Trong đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã góp phần quan trọng vào công tác điều trị và phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt cho đến thời điểm này không có trường hợp nào tử vong vì COVID-19. Đây là thành tích được nhân dân trong nước và các nước trên thế giới đánh giá cao. Với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, bệnh viện đã chữa khỏi hơn 100 bệnh nhân COVID-19. Các BN khác đều ổn định và có tiến triển tốt.
Thời gian qua đã có 15 BN diễn biến nặng, trong đó 05 BN có diễn biến nguy hiểm đến tính mạng phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực với lực lượng y bác sĩ trực tiếp làm việc trong buồng bệnh, theo dõi liên tục người bệnh 24/24h. Chính vì thế đã cấp cứu kịp thời và thành công nhiều ca bệnh nặng, trong đó có BN19 tổn thương tim gây biến chứng ngừng tuần hoàn ngay trong đêm.
TS. Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc BV cho biết, để có được kết quả trên, ngay từ khi dịch bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, BV xây dựng kế hoạch phòng chống dịch chi tiết với các kịch bản khác nhau theo quy mô, diễn biến của từng mức độ nặng của bênh. Triển khai sớm công tác phân luồng người bệnh đến khám tại BV ngay từ trước Tết Nguyên đán. BV tổ chức các khu vực riêng rẽ để khám cho người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng hô hấp, cho người có yếu tố dịch tễ và cho các trường hợp khác. Trong khu vực điều trị cách ly, người bệnh được phân luồng vào các khu vực riêng tuỳ theo mức độ nguy cơ nhiễm COVID-19 và mức độ nặng của bệnh, bao gồm khu cách ly điều trị BN nghi nhiễm, khu BN nhiễm và BN nhiễm có biến chứng nặng để có biện pháp theo dõi và điều trị phù hợp. BV cũng sớm triển khai việc giảm tải, chuyển dần các BN thông thường đã được điều trị ổn định về tuyến cơ sở điều trị tiếp trước khi dịch bệnh xâm nhập. Vì vậy BV đã tập trung được mọi nguồn lực sẵn sàng phục vụ cho cho công tác thu dung, cách ly, điều trị người từ vùng dịch về, người nghi nhiễm và người nhiễm bệnh dịch COVID-19. Đặc biệt, công tác hậu cần được BV hết sức chú trọng. BV đã dự trù đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, máy móc trang thiết bị… đảm bảo đáp ứng nhanh, đầy đủ cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh COVID-19 và các trường hợp nghi nhiễm trong các tình huống cấp cứu khác nhau.
Trong đại dịch COVID-19, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã, đang phối hợp triển khai một số nghiên cứu nhằm tìm ra những phương pháp mới, cơ hội mới để cứu chữa người bệnh trong bối cảnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị như hiện nay. Các nghiên cứu gồm: Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của ghép tế bào gốc trung mô từ dây rốn (Vcell1) hỗ trợ điều trị hội chứng suy hô hấp cấp do virus COVID-19; Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục…
Với chức năng là tuyến cao nhất khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới; phòng chống dịch bệnh, trước đó, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã góp phần quan trọng vào sự thành công trong công tác phòng chống dịch đối với nhiều loại dịch bệnh mới nổi và tái nổi có diễn biến phức tạp, nguy hiểm như: dịch SARS năm 2003, cúm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1) năm 2009, dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp năm 2009; xây dựng kế hoạch chuẩn bị và diễn tập công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV…. Và nay là trong cuộc chiến đấu và chắc chắn sẽ giành chiến thắng với đại dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).
Triển khai thẻ khám chữa bệnh, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt
Thẻ khám bệnh là thẻ tích hợp 2 chức năng vừa là thẻ khám bệnh, vừa là thẻ thanh toán và được áp dụng cho tất cả người bệnh ngoại trú. Thẻ giúp xác định đúng người bệnh và thông qua thẻ, trong những lần tái khám, người bệnh dễ dàng truy xuất các thông tin cá nhân, thông tin thẻ BHYT, thông tin khám bệnh của những lần trước.
Chiều 18-5, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã khai trương ứng dụng thẻ khám bệnh – thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, mỗi ngày, BV khám và điều trị cho gần 10.000 lượt người bệnh nội và ngoại trú.
Vì vậy, việc tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh không chỉ mang ý nghĩa triển khai chỉ thị hạn chế thanh toán bằng tiền mặt mà còn là một trong những biện pháp chống “cò khám bệnh”, rút ngắn thời gian chờ đợi, hòa nhập với xu hướng 4.0 của ngành y tế và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Thẻ khám bệnh là thẻ tích hợp 2 chức năng vừa là thẻ khám bệnh, vừa là thẻ thanh toán và được áp dụng cho tất cả người bệnh ngoại trú. Thẻ giúp xác định đúng người bệnh và thông qua thẻ, trong những lần tái khám, người bệnh dễ dàng truy xuất các thông tin cá nhân, thông tin thẻ BHYT, thông tin khám bệnh của những lần trước.
Do vậy, khi tái khám, người bệnh chỉ cần mang thẻ là có thể tái khám mà không cần mang theo các giấy tờ khác. Thẻ khám bệnh còn tích hợp chức năng của thẻ ngân hàng giúp người bệnh thuận tiện trong quá trình thanh toán, giúp đơn giản hóa quy trình khám bệnh, chống mất cắp và lưu trữ tiền cho những lần tái khám.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc BV Chợ Rẫy sử dụng hệ thống CNTT để áp dụng vào quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt là ứng dụng thẻ khám bệnh – thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đã góp phần làm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng tính công khai minh bạch, tránh được tình trạng “cò” bệnh viện và làm cho quy trình khám chữa bệnh được hoàn chỉnh và đặc biệt hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong khám chữa bệnh.
Thời gian khám bệnh được rút ngắn, quá trình khám chữa bệnh linh hoạt và giảm phiền hà, không sử dụng quá nhiều giấy tờ và tiền mặt. Thời gian tới, ngành y tế sẽ nhân rộng mô hình này và triển khai một cách đồng bộ tất cả các hệ thống CNTT tại các BV, giúp liên thông tuyến cơ sở, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương.
Bên cạnh đó, tất cả những thông tin, giá trị xét nghiệm ở các BV tuyến dưới khi đã đáp ứng đủ điều kiện liên thông xét nghiệm giữa các BV tương đương thì sẽ được chuyển qua dữ liệu thẻ để sau khi người bệnh khám chữa bệnh xong, trở về tuyến cơ sở thì hồ sơ khám chữa bệnh này sẽ được đưa vào hồ sơ khám sức khỏe của người bệnh và qua đó, ngành y tế sẽ dễ dàng theo dõi và quản lý, cũng như có khuyến cáo người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Người nhập cảnh trái phép: nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng
Tối 19/5, Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Từ 24/4 đến nay Việt Nam đã có 52 ca bệnh là người nhập cảnh. Trước lo ngại về việc quá tải số bệnh nhân “nhập khẩu” từ nước ngoài, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, ngành y tế vẫn đủ năng lực ứng phó.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cho biết, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam kiên định nguyên tắc phòng dịch là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để. “Chúng ta đã thực hiện những nguyên tắc này một cách triệt để, triển khai sớm, quyết liệt. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm sát tốt, số ca nhiễm ít, tạo điều kiện tích cực để tập trung điều trị cho bệnh nhân, chưa có ca tử vong. Nếu tiếp tục làm tốt sẽ không bị làn sóng thứ 2, nếu có ca bệnh mới thì chỉ là ổ dịch nhỏ, có thể khống chế được”.
Việt Nam vẫn thực hiện chiến lược xuyên suốt từ đầu dịch cho đến nay là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để. Sau hơn 4 tháng, các hệ thống từ y tế, quốc phòng, quân đội… kể cả người dân đều đã có kinh nghiệm từ cách phòng tránh cho đến chấp hành các quy tắc chống dịch.
Do vậy, dịch bệnh được kiểm soát tốt, số ca nhiễm ít, chưa có người tử vong. Tuy nhiên ông Phu nhấn mạnh, tuyệt đối không chủ quan, phải phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch ngay, không để “đốm lửa nhỏ bùng phát thành đám cháy lớn”.
Hiện nay, nhiều ổ dịch tại các nước lân cận chưa được công bố. Trong khi tại các khu vực biên giới, người dân qua lại giữa hai quốc gia bằng đường mòn rất nhiều. “Do đó, chúng ta phải lường trước những trường hợp này. Tất cả những người nhập cảnh, cách ly, đều xét nghiệm ít nhất 2 lần, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe.
Hiện tại, khó có thể nói Việt Nam không còn nguy cơ có ca mắc trong cộng đồng. Chúng ta chỉ có thể nói nguy cơ thấp. Điều đó có nghĩa vẫn luôn có nguy cơ. Đặc biệt, khi bắt đầu với cuộc sống “bình thường mới”, tất cả các lĩnh vực phải có quy trình dịch tễ phù hợp để phòng, chống dịch COVID-19”, ông Phu nói.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, mặc dù đã sang ngày thứ 33 Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn.
Bởi lẽ chỉ một người nhập cảnh trái phép không được lực lượng canh gác biên giới và người dân phát hiện, nếu họ nhiễm virus thì đây chính là khởi điểm lây lan cho những người trong gia đình, làng xóm, từ đó lan rộng ra cộng đồng. (Tiền phong, trang 6).
Gia tăng số ca nhập viện do bị rắn cắn
TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết số ca nhập viện do rắn độc cắn gia tăng trong các tuần gần đây.
Hiện có 8 bệnh nhân bị rắn độc cắn đang được điều trị tại trung tâm này.
Theo BS Nguyên: “Trong số các ca nội trú tại Trung tâm chống độc, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu. Các ca nhập viện do bị rắn độc cắn xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm. Đây cũng là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc”.
BS Nguyên khuyến cáo: “Sai lầm lớn nhất khi bị rắn cắn là trì hoãn đến bệnh viện. Người bị nạn thường ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian (đắp lá, chích nặn máu tại vết cắn… để sơ cứu. Khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…), nạn nhân mới đến cơ sở y tế. Lúc này, tình trạng đã nặng hơn, khó khăn hơn cho điều trị và bình phục”.
Ngoài ra, các bác sĩ lưu ý, rắn độc có nhiều loại khác nhau, mỗi loại nọc độc có cơ chế gây độc khác nhau. Do đó, tùy thuộc nguyên nhân, nạn nhân bị rắn độc tấn công sẽ được điều trị phù hợp.
“Nếu không may bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách để nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế có đủ điều kiện điều trị (ví dụ: cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt, hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời”, chuyên gia chống độc lưu ý.
Chuyên gia cũng hướng dẫn: Người bị rắn độc cắn không nên tự đi lại. Vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Cần vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế sớm, đồng thời duy trì băng ép tại vết cắn. Nếu nạn nhân khó thở, cần hô hấp nhân tạo và tốt nhất có hỗ trợ bằng phương tiện y tế như: bóp bóng, máy thở xách tay. (Thanh niên, trang 15; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).19