Khám sức khỏe định kỳ – “sợi dây” gắn kết doanh nghiệp với người lao động

(CDC Hà Nam)

Sức khỏe của người lao động (NLĐ) là nguồn tài sản vô giá của các DN. Có bảo vệ tốt sức khỏe NLĐ mới giúp các DN phát triển bền vững. Để có được sự phát triển đó, khám sức khỏe định kỳ (SKĐK) cho NLĐ là việc làm vô cùng cần thiết, bởi khám SKĐK sẽ giúp NLĐ được kiểm tra các vấn đề về sức khỏe, từ đó phát hiện sớm các bệnh, đặc biệt là các bệnh không có các biểu hiện ra bên ngoài ở giai đoạn sớm như: tim mạch, gan, mật, đường huyết, mỡ máu, huyết áp, sỏi thận… Đồng thời, giúp DN kịp thời kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của NLĐ để có kế hoạch sắp xếp vị trí việc làm phù hợp, góp phần nâng cao năng suất lao động, kinh doanh của DN.

Khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên của Công ty Công ty TNHH May Kim Bình

Luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội quy định rõ: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho NLĐ; đối với NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, NLĐ là người khuyết tật, NLĐ chưa thành niên, NLĐ cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần”. Bác sĩ Nguyễn Văn Trọng – Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Việc tổ chức khám SKĐK vừa giúp bảo vệ sức khỏe NLĐ, lại vừa giúp giảm được các chi phí y tế trong điều trị. Nhờ vậy mà tạo nên sự gắn kết, giúp “giữ chân” NLĐ ở lại cống hiến cho công ty, DN nâng cao năng suất công việc. Đồng thời giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn nghề nghiệp do sức khỏe của NLĐ không phù hợp vị trí công việc được giao”.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thời gian qua, số lượng NLĐ trong các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh được khám SKĐK đều tăng lên. Nếu như năm 2018 có 6.122 NLĐ được khám SKĐK, thì năm 2019 đã tăng lên 10.054 NLĐ được khám SKĐK, trong đó có 7.235 lượt lao động nữ (tăng 30% so với năm 2018). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, có nhiều DN mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khám SKĐK cho NLĐ; tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Trung tâm đã phối hợp với DN cùng toàn xã hội ưu tiên tập trung phòng chống dịch trước, việc khám SKĐK cho NLĐ lùi lại và sẽ tiếp tục triển khai khám khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế hoàn toàn.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Trọng cho biết: Năm 2019 Công ty TNHH Fabi Secret Việt Nam đã tổ chức khám SKĐK cho 3.850 lao động làm việc tại 2 nhà máy ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm và xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân. Chị N.T.L cho biết, do đặc thù công việc thường xuyên làm trong xưởng nên chị ít có thời gian đi khám sức khỏe tại bệnh viện, chỉ khi nào người có bệnh mới đi khám. Do vậy, khi DN quan tâm tổ chức khám SKĐK cho NLĐ, được các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thăm khám, tận tình tư vấn về chế độ ăn uống, chăm sóc bản thân, chị yên tâm hơn về sức khỏe của mình. “So với đi khám ở bệnh viện phải chờ đợi, làm thủ tục lâu thì khám sức khỏe tại DN, tâm lý tôi rất thoải mái. Tôi được đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, khám mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt… Đối với các bệnh thông thường, các bác sĩ tư vấn chăm sóc tại chỗ để NLĐ phòng ngừa và chữa trị.” – chị L chia sẻ.

Tương tự, anh L.M.T, công nhân Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam cho hay, trong lần khám SKĐK tại DN gần đây, anh mới phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ. Do phát hiện kịp thời và được các bác sĩ tư vấn cách điều trị, chế độ ăn uống hợp lý nên bệnh của anh đã giảm rõ rệt. Anh T mong muốn, các DN có chế độ tổ chức khám SKĐK 2-3 lần/năm; giúp NLĐ sớm phát hiện, điều trị bệnh để yên tâm làm việc. Còn Chị N.T.T, công nhân Công ty TNHH May Kim Bình phấn khởi: “Thông qua kết quả khám SKĐK cũng giúp cho Công ty nắm được tình hình sức khoẻ của NLĐ và đưa ra những định hướng nâng cao sức khoẻ, từ đó sắp xếp công việc phù hợp. Đồng thời cũng mang đến cho NLĐ sự chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ và tinh thần, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Chị Tuyết, phụ trách công tác ATVSLĐ tại Công ty Seyang chia sẻ: “Hằng năm, Công ty đều tổ chức khám SKĐK cho NLĐ. Vừa qua, 540 lao động làm việc tại Công ty đã được khám SKĐK. Đơn vị chúng tôi chọn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật – là cơ sở y tế uy tín, mang đến chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo kết quả khám chính xác cho NLĐ. Nhờ đó, NLĐ được chăm sóc sức khỏe tốt, yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với DN”.

Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa bệnh nghề nghiệp (BNN), bác sĩ Trọng cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và NLĐ về quản lý ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe và phòng chống BNN. Hàng năm, UBND tỉnh đều thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ; tăng cường thanh tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, NLĐ làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc BNN. Đoàn kiểm tra yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất củng cố, hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra ATVSLĐ, phòng chống BNN; bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; tổ chức huấn luyện về vệ sinh lao động, phòng chống BNN và sơ cấp cứu cho NLĐ; cải thiện điều kiện lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại…

Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống BNN cho NLĐ tại các DN, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm. Các cơ sở sản xuất, nhất là các đơn vị có nhiều lao động, có nguy cơ cao mắc BNN, hàng năm cần tổ chức tập huấn về ATVSLĐ; cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng BNN cho NLĐ. Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường lao động, ứng dụng các giải pháp an toàn nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tai nạn lao động, BNN. Chủ động phối hợp với cơ sở y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ, khám SKĐK để có chế độ điều trị kịp thời cho NLĐ. Bản thân NLĐ cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc BNN.

“Cùng với khám SKĐK, mỗi NLĐ cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc tích cực vận động, tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ tinh thần lạc quan… Đó chính là “chìa khóa” để có cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, đẩy lùi bệnh tật”, bác sĩ Trọng nhấn mạnh./.

Ngọc Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Kế hoạch giám sát sốt xuất huyết tại thành phố Phủ Lý

Ngọc Nga

WHO: Hơn 1.300 người được tiêm phòng khẩn cấp ngăn ngừa virus Ebola

CDC Hà Nam

Hà Nam: Thêm 7 trường hợp mới có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Để lại bình luận