Biến chứng cơ xương khớp do đái tháo đường

(CDC Hà Nam)
Nước ta nằm trong số quốc gia có tốc độ bệnh nhân đái tháo đường tăng cao trên thế giới. Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nếu không được kiểm soát tốt có thể gây biến chứng ở nhiều cơ quan trên cơ thể.

Các bệnh cơ xương khớp do biến chứng của ĐTĐ là vấn đề đáng lo ngại. Những biến chứng của bệnh ĐTĐ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh do những tác hại của nó đến khả năng lao động, sinh hoạt cũng như về thẩm mỹ, tinh thần… Bệnh ĐTĐ góp phần thúc đẩy bệnh ở cơ xương khớp xuất hiện sớm hơn, nặng hơn hoặc tiến triển nhanh hơn. Các biến chứng cơ xương khớp của bệnh nhân bệnh ĐTĐ thường do tổn thương thần kinh và mạch máu kết hợp với sự suy giảm đề kháng khiến cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn. Mặt khác, mật độ xương của bệnh nhân ĐTĐ thấp hơn 20-30% so với người bình thường. Do đó, những biến chứng của ĐTĐ có ảnh hưởng nhiều tới vấn đề xương khớp. Bệnh thường tiến triển âm thầm, lúc đầu, người bệnh chỉ có cảm giác khó khăn khi co duỗi ngón tay cho đến khi ngón tay hoàn toàn cong gập và đau buốt. Tổn thương gây xơ hóa và co rút cũng có thể xảy ra ở bàn chân. Việc điều trị các bệnh cơ khớp này rất khó khăn.

Các bệnh cơ xương khớp do biến chứng ĐTĐ thường gặp

Hội chứng bàn tay cứng: Hay còn gọi là hội chứng hạn chế vận động khớp với biểu hiện da tay bị dày lên, xơ cứng gần giống như bệnh xơ cứng bì. Hạn chế vận động khớp biểu hiện bằng các ngón tay không thể gấp và duỗi hết tầm vận động bình thường, xơ hóa các bao gân duỗi và gấp ngón tay. Ở mức độ nặng hơn, bệnh nhân không thể áp sát 2 lòng bàn tay vào nhau. Hội chứng này gặp khoảng 1/3 bệnh nhân ĐTĐ type 1.

Hội chứng khớp vai đông cứng.

Hội chứng khớp vai đông cứng.

Hội chứng ống cổ tay, ống cổ chân: Người bệnh có triệu chứng tê rần ở bàn tay hoặc bàn chân. Cảm giác tê càng tăng lên khi bệnh nhân đứng trong một số tư thế như: Buông thõng tay (hay chân), gập vùng cổ tay, cổ chân trong nhiều giờ liền. Đau tăng lên khi bệnh nhân phải gấp duỗi cổ tay như cầm sách, báo, đánh máy chữ, lái xe, sử dụng dao, đũa…

Hội chứng Dupuytren: Các gân gấp ở lòng bàn tay cũng dày lên do tình trạng xơ hóa, co rút (bệnh Dupuytren) khiến bàn tay và các ngón bị co rút, cong quặp lại như bàn chân chim, thường gặp ở ngón đeo nhẫn nhưng có khi lan rộng sang tận ngón trỏ. Nguyên nhân của tình trạng này là do các chấn thương rất nhỏ, kín đáo, xảy ra trên người bị ÐTÐ có sẵn biến chứng mạch máu nhỏ, các tổn thương ở gân trở thành sẹo xơ và làm cho gân rút lại dần.

Hội chứng ngón tay lò xo: Một dạng bệnh lý khác tương tự như bệnh Dupuytren nhưng đáp ứng khá tốt với các phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật là bệnh lý ngón tay cò súng (hay còn gọi là ngón tay lò xo). Đây là một biến chứng khá thường gặp do viêm bao gân gấp ngón tay. Bệnh nhân có cảm giác ngón tay như bị khóa cứng lại không thể duỗi ra bình thường được mà phải cố gắng bật mạnh ra hoặc lấy ngón tay khác bẻ ra. Ngón tay bị co gấp như hình cò súng vì bệnh nhân không thể tự mở bung ngón tay ra một khi đã cố gắng gập vào. Lúc gấp hay mở ngón tay, bệnh nhân có cảm giác như phải vượt qua nút chặn như khi bóp cò súng.

Hội chứng khớp vai đông cứng: Hay co rút khớp vai với triệu chứng hạn chế gần như hoàn toàn biên độ vận động của khớp vai, nhất là các động tác dạng và xoay vai. Triệu chứng đau thường nhẹ và không tương xứng khiến cho bệnh nhân hạn chế vận động. Đây là hội chứng thường gặp khoảng 20% bệnh ĐTĐ.

Hội chứng vai tay: Còn gọi là hội chứng đau loạn dưỡng thần kinh phản xạ (hội chứng Sudeck) có thể gặp và thường phối hợp với hội chứng đông cứng khớp vai. Người bệnh đau lan tỏa từ trên vai lan xuống đến bàn, ngón tay, đau rất nhiều kèm theo rối loạn vận mạch (tay sưng phù, da đỏ, tím…) và thiểu dưỡng cơ, teo cơ nếu ở giai đoạn muộn.

Viêm điểm bám gân vôi hóa: cũng hay gặp, tỷ lệ bệnh gấp 3 lần người bình thường không mắc bệnh ĐTĐ với biểu hiện đau vai rất đột ngột, dữ dội, hạn chế vận động khớp.

Hội chứng bàn tay cứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.

Hội chứng bàn tay cứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.

Lời khuyên của thầy thuốc

Các biến chứng của ĐTĐ gây ra cho cơ xương khớp làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ cần kiểm soát đường huyết tốt để ngừa biến chứng. Ổn định đường huyết là yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa các biến chứng cơ xương khớp ở bệnh nhân ĐTĐ. Bệnh nhân phải kết hợp các biện pháp điều trị (dùng thuốc, chế độ ăn uống và sinh hoạt, kiểm soát cân nặng) một cách khoa học. Từ bỏ các thói quen có hại trong ăn uống, sinh hoạt, lối sống: ăn nhiều đồ ngọt, làm quá sức hoặc quá lười, ngủ ít, dễ bị stress, uống rượu, hút thuốc… Người bệnh ĐTĐ nên chăm chỉ vận động, có chế độ ăn kiêng hợp lý và kiểm tra đường huyết thường xuyên để tránh gặp những biến chứng không đáng có. Tập các bài tập cho bàn tay, bàn chân, đảm bảo lượng máu cần thiết được tuần hoàn đến tay chân đầy đủ. Nếu thấy bàn tay có các biểu hiện bất thường như tê bì, khó co duỗi các ngón, sưng đau, đổi màu da…, người bị bệnh ĐTĐ cần đi khám bác sĩ ngay để điều trị kịp thời.

(Theo Suckhoedoisong.vn)

 

 

Bài viết liên quan

04 trường hợp vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2

admin

Tiếp tục thông tin về xét nghiệm 01 trường hợp nghi nhiễm nCov trên địa bàn tỉnh Hà Nam

CDC Hà Nam

Bản tin công tác phòng, chống dịch ngày 11/9

Mậu Ngọ

Để lại bình luận