Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con – Biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé

(CDC Hà Nam)

 

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được triển khai trong nhiều năm qua ở Việt Nam.Tại tỉnh Hà Nam, nhờ triển khai Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con những năm gần đây đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

          Để hạn chế và đẩy lùi dịch HIV/AIDS trong nhóm phụ nữ mang thai, loại trừ tình trạng trẻ em bị lây nhiễm HIV từ mẹ, những năm qua, Ngành Y tế đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của Bộ Y tế và UBND tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giữ vai trò đầu mối cùng các đơn vị có liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con. Qua đó, các hoạt động phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con từ tỉnh đến cơ sở đã được triển khai đồng bộ từ việc giám sát, tư vấn, điều trị theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng nhiều hình thức thông qua các chương trình chăm sóc sức khoẻ, các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng; Tổ chức các buổi tập huấn, nói chuyện, tọa đàm, thảo luận nhóm, thăm và tư vấn hộ gia đình… đặc biệt là trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hàng năm, qua đó tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ cao dễ tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn triển khai giám sát, rà soát số liệu HIV/AIDS/TV 

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tạp chí, sách nhỏ… cho tuyến cơ sở, tuyên truyền cho người nghiện chích ma túy, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và hàng nghìn học sinh, thanh niên được tuyên truyền về tác hại, các biện pháp phòng, chống lây truyền HIV/AIDS; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh các huyện/thành phố, lồng ghép trong các buổi thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình… để tuyên truyền mạnh mẽ các kiến thức về dự phòng lây truyền HIV. Cùng với hoạt động truyền thông trực tiếp thì sự phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam, … đã kịp thời chuyển tải các nội dung, thông điệp phòng chống HIV/AIDS, kịp thời phản ánh và biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình, những câu lạc bộ có hoạt động tích cực về công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Song song với công tác truyền thông, việc tập trung thực hiện, triển khai các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn, xét nghiệm HIV miễn phí tại cộng đồng cho phụ nữ mang thai, cung cấp các dịch vụ y tế… cũng được đặc biệt chú trọng. Đến nay, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã thu hút ngày càng nhiều phụ nữ mang thai, người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tham gia. Trong năm 2018 và 2019, toàn tỉnh có hơn 4.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 05 trường hợp. Đến nay, tất cả các trường hợp mang thai thực hiện quy trình dự phòng lây truyền đều đạt được kết quả tốt. Chị NTV. ở Phủ Lý tâm sự: “Khi mang thai tôi mới biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Lúc đó tôi hết sức hoảng loạn và thương con vô cùng, nhưng sau khi được cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn, động viên kịp thời và hướng dẫn các biện pháp dự phòng lây truyền HIV nên con tôi sinh ra vẫn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác”.

Qua trao đổi, BsCKI. Ngô Thanh Hùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cho biết: lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) trong thời gian mang thai, sinh con và cho con bú là một trong ba đường lây chính của HIV. Nếu người mẹ bị nhiễm HIV không được can thiệp dự phòng thì tỷ lệ LTMC sẽ từ 25% đến 40% nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng HIV (ARV) trong thai kỳ và điều trị ARV cho con sau sinh thì nguy cơ LTMC chỉ còn từ 2% đến 6%, thậm chí là 0%. Do đó, dự phòng LTMC là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Bs Hùng cho biết thêm, hiện nay Chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở tỉnh ta đang cung cấp các dịch vụ như: tư vấn, xét nghiệm cho bà mẹ mang thai, cung cấp thuốc điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm HIV; tư vấn chăm sóc sau sinh cho mẹ và bé… Vì vậy, các phụ nữ mang thai hãy đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện để được chăm sóc, dự phòng và bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé một cách tốt nhất.

Mặc dù các biện pháp đều được triển khai đồng bộ, song thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cảnh báo HIV có thể bùng phát và lây truyền ra cộng đồng và trẻ em khi mà các tệ nạn mại dâm, ma túy đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ cho công tác phòng chống HIV/AIDS ngày càng hạn chế đã gây khó khăn trong tổ chức các chương trình, hoạt động. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn trước mắt và tập trung thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS xuống dưới 0,3%, hướng tới loại trừ trẻ nhiễm HIV lây từ mẹ, kết thúc dịch HIV vào năm 2030 thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

          Mậu ngọ

Bài viết liên quan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 13/01/2022

Ngọc Nga

Những hệ lụy khi trẻ uống quá nhiều sữa tươi

CDC Hà Nam

Bản tin công tác phòng, chống dịch sáng ngày 17/11/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận