Điểm báo ngày 28/5/2020

(CDC Hà Nam)
Bác sĩ Việt Nam cấp cứu nhiều người bệnh nước ngoài mắc kẹt vì Covid-19, không có tiền điều trị; Bệnh nhân 19 và 84 ngày vượt cửa tử; Bác gái bệnh nhân số 17 – ca Covid-19 điều trị lâu nhất Việt Nam được công bố khỏi bệnh; Điều đặc biệt về ca bệnh phi công người Anh

Bác sĩ Việt Nam cấp cứu nhiều người bệnh nước ngoài mắc kẹt vì Covid-19, không có tiền điều trị

Ngày 27-5, Bệnh viện Việt Đức thông tin, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị nhiều người bệnh ngoại quốc bị “mắc kẹt” tại Việt Nam cần phải chăm sóc y tế với tinh thần trách nhiệm cao.

Chẳng hạn, nam thanh niên quốc tịch Mỹ tên M.J, sinh năm 1987, đang đi du lịch Việt Nam thì không may bị tai nạn giao thông tại Vĩnh Phúc gây chấn thương sọ não.

Bệnh nhân này được đưa vào phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức ngày 20-4. Do tổn thương sọ não nặng nên trong cấp cứu các bác sĩ đã lấy máu tụ, tháo một phần xương sọ để không bị chèn ép não và điều trị hồi sức cực.

Đặc biệt, visa của người bệnh đã hết hạn vào ngày 26-4-2020 trong khi chưa biết khi nào anh M.J có thể phục hồi và có khả năng ra viện, tiền viện phí chưa có vì không có người quen thân thích và lại hôn mê.

Trong hoàn cảnh đó, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tích cực hỗ trợ người bệnh: liên hệ đến Đại sứ quán Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế để liên hệ đến gia đình và tìm hướng giải quyết cho người bệnh.

Hiện tại, anh M.J đã chuyển sang nằm điều trị tại khoa Phẫu thuật thần kinh 1, không còn phải thở máy, dự kiến còn tiếp tục điều trị phục hồi chức năng để sau này xem xét khả năng về nước. Liên quan đến visa, Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao cũng cho biết do hoàn cảnh bất khả kháng, người bệnh được tiếp tục chấp nhận ở Việt Nam cho đến khi có thể xuất cảnh.

Trường hợp khác là nam bệnh nhân 52 tuổi R.D., quốc tịch Đức, đến Việt Nam du lịch từ ngày 28-2-2020. Ngày 30-4, người bệnh được đưa vào mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức với chẩn đoán thủng dạ dày.

Trong quá trình cấp cứu điều trị, ông R.D chưa có tiền viện phí, bệnh viện đã chủ động thông báo đến Đại sứ quán Đức tìm người nhà tại Đức để trợ giúp khi cần.

Bệnh viện cũng tạo điều kiện cho người bạn Việt Nam mà ông R.D. quen gần khu nhà thuê đến chăm sóc khi ông nằm viện mặc dù những ngày cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội và phải kiểm tra chặt chẽ khi ra vào bệnh viện. Ngày 24-5, ông R.D trở về Đức sau thời gian điều trị tại bệnh viện (An ninh thu đô, trang 2).

 

Bệnh nhân 19 và 84 ngày vượt cửa tử

Trong số 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh COVID-19 sáng qua có một trường hợp từng nhiều lần khiến các bác sĩ lo lắng, để rồi mừng vui khôn xiết. Đó là bệnh nhân số 19 có thời gian điều trị dài nhất với 84 ngày. Trải qua hơn 2 tháng rưỡi chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, khi được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân số 19, L.T.H (64 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) vẫn phải ngồi xe lăn.

Ba lần tim ngừng đập

Qua 7 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và được thông báo khỏi bệnh, bà vui đến tăng huyết áp. TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân 19 nặng nhất với các diễn biến khiến các y bác sĩ nhiều phen thót tim. “Bệnh nhân từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO (tim phổi nhân tạo), ngừng tim… Hơn 2 tháng chăm sóc bệnh nhân, các y bác sĩ đã rất vất vả và nỗ lực, theo dõi 24/24h, vệ sinh, chăm sóc chống loét do nằm điều trị dài ngày…”, TS Thạch cho biết.

Bác sĩ Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nói, việc một bệnh nhân đã từng rơi vào trạng thái chết lâm sàng rồi khỏi bệnh và hồi phục là niềm hạnh phúc lớn với các y, bác sĩ. Quá trình điều trị cho bệnh nhân 19 rất phức tạp. Từ ngày 6/3 tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân diễn biến nặng và phải thở máy, đến tối 18/3 phải áp dụng ECMO. Sau 20 ngày can thiệp ECMO, chức năng phổi mới dần ổn định.

Tuy nhiên sau khi ngưng ECMO 3 ngày, vào rạng sáng 8/4, bệnh nhân bất ngờ rối loạn nhịp tim và dẫn tới ngừng tim, buộc khoa Hồi sức tích cực phải huy động toàn bộ nhân lực cấp cứu. Sau đó, dù đã tái lập tuần hoàn cho người bệnh nhưng bệnh nhân bị suy đa cơ quan và phải mất rất nhiều thời gian để hồi phục. Các y, bác sĩ đã phải liên tục theo dõi sát sức khỏe, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, bởi các rối loạn có thể xảy ra bất kì lúc nào.

“Tôi thấy cảm động nhất là trong 1 tháng trời, các y bác sĩ đều phải mặc bỉm để vào chăm sóc, theo dõi và điều trị cho tôi. Tôi mang ơn họ nhiều lắm”, bà H. nói. Hằng ngày, các y tá, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực đều giúp bà tập đi lại. “Mong ước của tôi là sau khi ra viện, lúc nào khỏe mạnh, tôi sẽ đến cảm ơn tất cả mọi người trong bệnh viện”, bà nói trong thời khắc được công bố khỏi bệnh.

“Chúng tôi khó có thể tưởng tượng người ba lần tim ngừng đập, ngừng thở mà vẫn quay lại được với cuộc sống, vì bình thường có khi ngưng tim hai lần gia đình đã xin về nhà lo hậu sự”, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị COVID-19 nói.

Bệnh nhân nhiều lần xét nghiệm nhất

Khá lặng lẽ trong ngày được xuất viện, cô gái 24 tuổi N.T.Tr cho biết, cô cảm thấy bình thường khi xung quanh ai cũng vui vì được chữa khỏi. Nhìn vào mắt cô gái có thể thấy dường như nỗi lo còn ẩn hiện. Bởi lẽ chỉ 1 tháng trước thôi, cô cũng được công bố khỏi bệnh khi đang ở Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh. Lần đầu tiên đó, Tr. háo hức, vui mừng vì sau thời gian điều trị dài hơn mọi người cuối cùng cũng được khỏi bệnh.

Trong thời gian chữa bệnh cô đã trải qua 13 lần xét nghiệm nên lúc nào cũng mong kết quả âm tính để được về. Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau khi được xác định khỏi bệnh, xét nghiệm cho thấy cô tái dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ giải thích do cơ thể đào thải virus nên có thể vẫn còn virus trong người, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng ít.

Thêm một lần nữa nhập bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh với 4 lần xét nghiệm. Rồi cô được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị. Tại đây, Tr. được xét nghiệm thêm 5 lần, mới đủ điều kiện khỏi bệnh.

“Hơn 20 lần xét nghiệm rồi, với em được công bố khỏi bệnh thì vẫn chưa có gì chắc chắn, còn 14 ngày cách ly nữa, hết khoảng thời gian đó mà kết quả xét nghiệm vẫn âm tính em mới vui được”, Tr. nói. Cô bảo, khi bị dương tính lại không thấy bất ngờ hay bối rối, lo sợ gì nữa vì “em đã quen rồi”. Tr. là 1 trong 2 bệnh nhân dương tính lại có thời gian điều trị lâu nhất (Tiền phong, trang 15).

 

Bác gái bệnh nhân số 17 – ca Covid-19 điều trị lâu nhất Việt Nam được công bố khỏi bệnh

Sáng nay, 27-5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 6 bệnh nhân Covid-19, trong đó có ca bệnh số 19 là bác gái của bệnh nhân số 17 ở phố Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội). Cụ thể, 6 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày hôm nay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm: BN 19, BN 52, BN 291, BN 295, BN 308, BN 324.

Đáng chú ý nhất là trường hợp BN19 (64 tuổi, nữ, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội), đây chính là ca bệnh Covid-19 có thời gian nằm viện điều trị lâu nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này, vào viện từ ngày 6-3-2020.

Đặc biệt, bệnh nhân số 19 cũng là bệnh nhân nặng nhất trong số các bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, quá trình điều trị từng nhiều lần nguy kịch tưởng không thể qua khỏi.

Thông tin từ bệnh viện cho biết, bệnh nhân này đã từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO, từng ngừng tim 3 lần, các y bác sĩ của bệnh viện phải cấp cứu liên tục mới có thể tái lập tuần hoàn cho người bệnh.

Hiện tại, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nhiều lần âm tính với SARS-CoV-2, tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.

5 bệnh nhân còn lại được công bố khỏi bệnh cũng đều đã có nhiều lần liên tiếp xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo (An ninh thu đô, trang 2).

 

Điều đặc biệt về ca bệnh phi công người Anh

Hơn hai tháng qua là khoảng thời gian căng thẳng của các chuyên gia đầu ngành của y tế Việt Nam, của đội ngũ y bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh mắc COVID-19. 23 năm trong nghề, BS Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa Nhiễm D (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) mới chứng kiến một ca bệnh vô cùng đặc biệt như vậy. “Tất cả những “món” hồi sức cấp cứu tại Việt Nam đều được bệnh viện sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân này’’- bác sĩ Phong nói.

Từ khi bệnh nhân được can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), một nhóm chat online được thành lập, quy tụ các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp…tập trung theo dõi, hội chẩn. Đó là các chuyên gia đến từ hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy…

Rồi hàng loạt sự cố xảy ra, thậm chí chưa từng có trong phác đồ điều trị. Lần mở nội khí quản cho bệnh nhân, ống đặt nội khí quản loại đắt tiền, hiện đại nhưng khi đặt vào thì máu phun ra nhiều buộc các bác sĩ phải cầm máu và thay ống khác. Được vài ngày, lại tràn khí màng phổi, đặt ống dẫn lưu khí thì máu tiếp tục tràn ra…

Giai đoạn can thiệp ECMO, phải dùng thuốc kháng đông Heparin. Tuy nhiên, bệnh nhân bị rối loạn đông máu do COVID-19, mắc thêm hội chứng giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc Heparin. Nguy cơ chảy máu cao và đe dọa tính mạng nếu tiếp tục điều trị bằng thuốc này. Trong khi thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch chưa từng được sử dụng tại Việt Nam.

“Chúng tôi phải báo cáo lên Bộ Y tế để làm thủ tục nhập thuốc này từ Đức về chữa trị cho bệnh nhân người Anh. Thời gian chờ đợi thuốc về tới, gần 10 ngày là một khoảng thời gian vô cùng cân não để duy trì mạng sống cho người bệnh”, bác sĩ Phong nhớ lại.

Các bác sĩ cho biết, kể từ ngày nhập viện ngày 18/3, bệnh tình phi công người Anh chuyển biến nặng quá nhanh. Hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng quá mức khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công.

Phi công người Anh bị hội chứng “cơn bão Cytokine” (cơ thể tiết ra nhiều chất Cytokine) chống lại chính cơ thể người bệnh, gây ảnh hưởng đến các phủ tạng, trong đó phổi bị tổn thương nghiêm trọng.

Những ngày đầu bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp thở oxy qua mũi, đến ngày 25/3 phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Tình hình xấu hơn khi đến ngày 5/4 phải thở máy xâm lấn. Một ngày sau phi công người Anh phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm.

Không chạy ECMO bệnh nhân sẽ chết. Trong khi thuốc kháng đông tĩnh mạch chưa nhập về kịp, không có thuốc không chạy ECMO. Các bác sỹ hội chẩn, tìm hiểu thông tin tài liệu, quyết định sử dụng thuốc kháng đông bằng đường uống Xarelto dù thuốc này cũng chưa từng có trong phác đồ điều trị.

“Bệnh nhân đáp ứng được với thuốc trong 7 ngày đầu. Đến ngày thứ 8 bắt đầu có phản ứng, không ổn. Rất may thuốc kháng đông tĩnh mạch nhập về kịp lúc đưa vào điều trị và bệnh nhân đáp ứng tốt”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong thở phào khi nhớ lại.

Những tình huống xảy ra như vậy khiến không ít lần các bác sỹ trực tiếp điều trị  đứng tim. 6 tuần liên tiếp họ không được về nhà. Ở bệnh viện điều trị cho bệnh nhân, xong việc về khu cách ly để tạm nghỉ ngơi. Họ không còn khái niệm thời gian, gia đình.

“Với chúng tôi những tháng ngày này là một kỷ niệm khó quên. Rất căng thẳng, mệt mỏi, đầy vất vả nhưng cũng học được rất nhiều điều bổ ích cho chuyên môn”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nói (Tiền phong, trang 15).  

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/01/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận