Điểm báo ngày 02/6/2020

(CDC Hà Nam)
Thêm 14 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh; Hỗ trợ cách ly cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia nhập cảnh vào TP; Cảnh báo nguy cơ bệnh than quay lại; Cách ly một phụ nữ nghi nhiễm virus corona từ Trung Quốc vào VN qua đường mòn

Thêm 14 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Chiều 1-6, thông tin từ Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, cả nước có 14 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và 13 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN 316 (19 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 16-5. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 ba lần vào các ngày 20, 22 và 27-5.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu có 13 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có một bệnh nhân ba tháng tuổi.

Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm BN 272 (58 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam); BN 273 ( 30 tuổi, nữ, quốc tịch Việt Nam); BN 274 (3 tháng tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam – có năm lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2); BN 275 (nam, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 276 (nam, 36 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 279 (nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 280 (nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 281 (nữ, 30 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 283 (nữ, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 284 (nữ, 30 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 287 (nữ, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 288 (nữ, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam); BN 313 (nam, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam).

Hiện tại sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 293 trường hợp, chiếm tỷ lệ hơn 89% tổng số ca mắc (Nhân dân, trang 8).

Hỗ trợ cách ly cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia nhập cảnh vào TP

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, đơn vị này có nhận được một số văn bản từ các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM về việc hỗ trợ cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp (gọi tắt là chuyên gia) nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp cũng như thống nhất quy trình thực hiện cách ly y tế cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp (chuyên gia) nhập cảnh vào Việt Nam thông qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sở Y tế đề nghị Sở LĐ-TB-XH, Sở Ngoại vụ phối hợp với các Sở, ban ngành liên quân trên địa bàn TP tổ chức đánh giá, xét duyệt, thẩm định danh sách các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp được đề xuất để tham mưu UBND TP quyết định danh sách các chuyên gia sẽ được phép vào làm việc, gửi danh sách cho Bộ Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh) giải quyết.

Tùy vào tình hình thực tế tại các khu cách ly tập trung của TP, nếu các chuyên gia được phép nhập cảnh vào TPHCM để làm việc, các chuyên gia sẽ được cách ly tại các cụm khách sạn, resort thuộc khu cách ly tập trung của TP (cách ly có thu phí) hoặc được cách ly tại các khu cách ly tập trung của TP (không thu phí).

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tổ chức đưa các chuyên gia từ sân bay về các khu cách ly tập trung đã được chỉ định; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tổ chức kiểm tra, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo quy định. Sau thời gian cách ly tập trung 14 ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện tiếp tục giám sát y tế thêm 14 ngày khi các chuyên gia về nơi làm việc, lưu trú, cư trú trên địa bàn TP để đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng.

Sau khi kết thúc thời gian cách ly 14 ngày theo quy định, nếu các chuyên gia có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được tiếp tục làm việc, đồng thời được theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày theo quy định bởi cơ quan y tế địa phương nơi cư trú, lưu trú (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cảnh báo nguy cơ bệnh than quay lại

Thời gian qua, đơn vị chăm sóc vết thương, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) tiếp nhận một số ca bệnh có đặc điểm chung là bệnh lý nền (tiểu đường) với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau nằm vùng gáy, lưng… được các bác sĩ chẩn đoán xác định là bệnh “hậu bối”. Sau vài ngày diễn biến xuất hiện vỡ mủ nhưng thành nhiều nốt nhỏ trông giống tổ ong hoặc gương sen, đau nhức. Có trường hợp do điều trị không đúng hoặc tự ý đắp lá sẽ gây tổn thương lan rộng.

PGS, TS Nguyễn Đức Chính, người trực tiếp phẫu thuật cho các ca bệnh cho biết: “hậu bối” hay còn gọi là bệnh than, “cụm nhọt tổ ong”, “nhọt gương sen”. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do tụ cầu vàng, nếu không được xử lý, nhiễm trùng có thể lan đến các phần khác của cơ thể. Bệnh không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần sự can thiệp của bác sĩ. Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây chết người (Nhân dân, trang 8).

 

Cách ly một phụ nữ nghi nhiễm virus corona từ Trung Quốc vào VN qua đường mòn

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia – đã gửi văn bản khẩn đến Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Cao Bằng về việc tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM đã phát hiện một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 là một phụ nữ, sinh năm 1990.

Trước đó, vào tối 28-5, người này đi theo đường mòn, lối mở từ Trung Quốc vào tỉnh Cao Bằng, sau đó đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM triển khai các hoạt động phòng chống dịch tại thành phố và thông báo cho các đơn vị địa phương liên quan để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch (Tuổi trẻ, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo 11/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận