Tỷ lệ người bệnh Covid-19 được điều trị khỏi đạt 96,7%
Chiều 11-6, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã được điều trị khỏi, nâng tổng số ca khỏi bệnh của Việt Nam lên 321, chiếm tỷ lệ, 96,7%.
Ngày 11-6, Việt Nam bước sang ngày thứ ba liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới và cũng đã có 56 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18 giờ ngày 11-6, Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.226 ca, trong đó có 159 ca cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.722 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 345 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Chiều nay, BN303 (nam, sinh năm 1972, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Bệnh nhân vào viện ngày 15-5. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có hai lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Ngay sau khi bệnh nhân cuối cùng được công bố khỏi bệnh, khu cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đã được dỡ bỏ. Các bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân trong những ngày vừa qua sẽ tiếp tục thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Trong số 11 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có ba ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và có hai ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 5).
Phi công người anh mắc Covid-19 tỉnh táo hoàn toàn
Chiều 11-6, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, liên quan đến tình hình sức khỏe của phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91), sau một tuần cai ECMO, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện tốt lên từng ngày.
Bệnh nhân hiện tại tỉnh táo hoàn toàn, có thể nhớ cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình; vận động 2 chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại, sức cơ 2 chân cũng cải thiện 3/5 từ mức 1/5 của 1 tuần trước đó. Bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng… (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Việt Nam chỉ còn 11 bệnh nhân COVID-19
Tối 11/6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh tiếp tục có tiến triển tốt về sức khoẻ, vận động hai chi trên gần về mức bình thường, bệnh nhân đã có thể tự ngồi xe lăn, dự kiến sắp cai máy thở.
Tiểu Ban Điều trị cho biết sức khỏe bệnh nhân 91 tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực, đáng kinh ngạc. Về nhiễm trùng ở phổi do Burkholderia cenocepacia và Ralstonia Pickettii, mẫu cấy đờm gần nhất của nam bệnh nhân đã âm tính. Hai ngày qua, bệnh nhân được tập bỏ máy thở ngắt quãng và thời gian bỏ máy thở đang tăng dần, không còn sốt, thở chậm hơn với lượng oxy cung cấp chỉ 3 lít/phút.
Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, nhớ được cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình, đồng thời vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại.
Đặc biệt, sức cơ hai chân của bệnh nhân cũng cải thiện 3/5 từ mức 1/5 của một tuần trước đó và bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kế hoạch điều trị tiếp theo cho phi công người Anh là ngưng kháng sinh khi đã đủ liều, tiếp tục tập bỏ máy thở, tiếp tục dinh dưỡng đầy đủ, tập vận động phục hồi chức năng tích cực, phòng ngừa các nguy cơ nhiễm trùng mới và sau cùng là đánh giá việc rút cannule mở khí quản sau khi đã bỏ được máy thở để bệnh nhân có thể giao tiếp trở lại bằng lời nói.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 85 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, đồng thời cũng đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 321/332 bệnh nhân (chiếm 96,7% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi (hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy).
11 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 6 cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.
Tính đến chiều ngày 11/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 2 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 6 bệnh nhân dương tính với COVID-19. (Tiền phong, trang 2; Thanh niên, trang 3; Công an nhân dân, trang 1).
Tuyên dương những người “đi trước, về sau, chịu nhiều nguy hiểm nhất” trong cuộc chiến chống Covid-19
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, không phải các bác sĩ mà chính đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên là những người tiếp xúc bệnh nhân lâu nhất, gần nhất, nguy hiểm nhất.
Hôm nay, 11-6, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị biểu dương “Công nhân, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, hộ sinh giỏi” năm 2020 phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiện tại ngành Y tế Hà Nội có 26.680 công nhân viên chức lao động; số điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên là 11.788 người (chiếm tỷ lệ 44,18%). Trong hoạt động chuyên môn của ngành y, vai trò của Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Hộ sinh trong công tác khám chữa bệnh là không thể thiếu.
Bởi, ngoại trừ thời gian được các bác sĩ khám bệnh, kê đơn thì hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người tiếp xúc chính với người bệnh, từ: tiêm thuốc, cho uống thuốc, thay băng, giúp bệnh nhân hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, đỡ đẻ, thực hiện các xét nghiệm… cho đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh. (An ninh thủ đô, trang 6).
Việt Nam chỉ còn 11 bệnh nhân COVID-19
Các hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện yêu cầu của lãnh đạo thành phố về việc lưu thông tin khai báo bắt buộc đối với những trường hợp đến mua thuốc cảm cúm, hạ sốt, khó thở. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn ghi nhận tâm lý chần chừ, ngại kê khai thông tin của một số khách hàng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Xác minh dược tá “tuồn” thuốc bệnh viện ra ngoài bán
Sáng 11/6, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ đã có Công văn số 1859/SYT-TTr yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An kiểm tra xác minh việc dược tá của bệnh viện bị bắt vì nghi ngờ “tuồn” thuốc bệnh viện ra ngoài bán, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động của Khoa Dược bệnh viện. Báo cáo kết quả Thanh tra Sở trước ngày 18/6/2020… (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).