Điểm báo ngày 25/6/2020

(CDC Hà Nam)
Không để làn sóng thứ 2 của Covid-19 tràn vào Việt Nam; Thêm 3 ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh, Việt Nam có bệnh nhân thứ 352; Chuyện lần đầu mới kể từ điều dưỡng cận kề bệnh nhân 91

Không để làn sóng thứ 2 của Covid-19 tràn vào Việt Nam

Chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không có chuyện ‘mở cửa ào ạt’, không vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Chiều 24.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thêm 3 ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Kuwait

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng khẳng định không có chuyện “mở cửa ào ạt”, không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà chúng ta phấn đấu được trong thời gian qua. Do đó, phải nâng cao tinh thần cảnh giác để không vấp phải sai lầm trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu tăng tần suất chuyến bay để đưa người Việt Nam, các nhà đầu tư, chuyên gia, công nhân lành nghề vào Việt Nam, cũng như đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập nếu nước đó chấp thuận, nhưng cần quy định rõ hơn quy trình, thủ tục giải quyết cũng như công khai hóa, không để tình trạng lấy lý do phòng dịch mà gây khó khăn cho các đối tượng khi nhập cảnh.

Nhấn mạnh đến việc chưa mở cửa đón khách du lịch, Thủ tướng nêu rõ, mọi chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều được vào Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp, và giao Bộ Y tế chủ trì xử lý vấn đề này cùng Bộ Ngoại giao. Trong đó, Thủ tướng lưu ý ngành y tế, các ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 theo dõi, bám sát mọi diễn biến, kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch trong quá trình chỉ đạo giai đoạn tới.

Đối với việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng yêu cầu tính toán cụ thể về thời điểm và nhấn mạnh tinh thần đề cao cảnh giác cũng như lưu ý Bộ Y tế bảo đảm duy trì năng lực, sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống đối với các tình huống dịch bệnh. UBND TP.HCM, TP.Hà Nội cũng như các tỉnh có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế được chỉ đạo lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết với các đối tác khi vào Việt Nam. Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, TP tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt đối với bà con về nước. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng được yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở, phòng dịch chặt chẽ tại các cơ sở cách ly.

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 thông báo có thêm 3 ca mới mắc Covid-19 tại Việt Nam, là các bệnh nhân (BN) thứ 350, 351 và 352. Trong đó, BN 350 (nam, 36 tuổi, địa chỉ tại H.Hưng Hà, Thái Bình) là hành khách trên chuyến bay QH9092 từ Kuwait (quá cảnh Qatar) nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 16.6 (trước đó đã ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 trên chuyến bay này). Hiện BN đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Hai BN còn lại là BN 351 (nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại H.Như Xuân, Thanh Hóa) và BN 352 (nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đều là hành khách từ Kuwait về trên chuyến bay KU1513, nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 18.6; được cách ly tập trung tại Hưng Yên ngay sau khi nhập cảnh. Hai BN này đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội).

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đến 18 giờ ngày 24.6, đã 69 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 6.318 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. 329/352 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh; 23 BN đang điều trị. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3).

 

Thêm 3 ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh, Việt Nam có bệnh nhân thứ 352

Chiều tối 24/6, Bộ Y tế cho biết, ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, nhập cảnh qua đường hàng không và đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Bệnh nhân 350 (BN350) là nam giới, 36 tuổi, địa chỉ tại huyện Hưng Hà, Thái Bình. Đây là hành khách trên chuyến bay QH9092 từ Kuwait (quá cảnh Qatar) nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16/6/2020 (trước đó đã ghi nhận 8 trường hợp bệnh COVID-19 trên chuyến bay này). Hành khách này được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 17/6/2020 là âm tính với SAR-CoV-2. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 23/6/2020 là dương tính với SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.

Bệnh nhân 351 (BN351), nữ giới, 46 tuổi, địa chỉ tại huyện Như Xuân, Thanh Hoá.

Bệnh nhân 352 (BN352) là nhân nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá.

Ngày 18/06/2020, hai người này từ Kuwait về nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài trên chuyến bay KU1513. Họ được cách ly tập trung tại tỉnh Hưng Yên ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 22/6/2020, họ được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6/2020 là dương tính với SAR-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2.

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 24/6 đã 69 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam có tổng cộng 212 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 329/352 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,3% tổng số ca bệnh.

Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

23 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định, trong đó tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bà Rịa có số bệnh nhân đông nhất- hiện đang điều trị 8 trường hợp.

Tính đến chiều ngày 24/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2;3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 18 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy cử 1 đội cơ động phản ứng nhanh xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hỗ trợ quản lý, điều trị các bệnh nhân dương tính là công dân Việt Nam từ Kuwait trở về. (Tiền phong, trang 3; Nhân dân, trang 8).

 

Chuyện lần đầu mới kể từ điều dưỡng cận kề bệnh nhân 91

Không ngại lây nhiễm, các điều dưỡng BV Chợ Rẫy hết lòng với công việc và đã góp phần cứu sống bệnh nhân người Anh.

“Chiều 22-5, bệnh nhân (BN) phi công người Anh được chuyển từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM qua BV Chợ Rẫy và tôi là người tiếp nhận BN này” – chị Lê Thị Hồng Thắm, 28 tuổi, điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc BV Chợ Rẫy, kể.

Chăm sóc bệnh nhân lúc hôn mê thì cực, lúc tỉnh táo thì khổ

Kể từ ngày đó, chị Thắm dành trọn thời gian trong BV để chăm sóc BN nặng gần 90 kg nằm mê man, bất động ngày đêm, từ việc truyền dịch cho tới tiêm thuốc, từ việc theo dõi nhịp thở cho tới vệ sinh cơ thể…

Nếu làm ca sáng, chị Thắm cặm cụi chăm sóc BN từ 7 giờ tới 14 giờ, ca chiều từ 15 giờ đến 21 giờ và ca đêm từ 21 giờ tới 7 giờ sáng hôm sau. Chị Thắm luôn theo dõi sức khỏe sát sao và báo bác sĩ mỗi khi có chuyện bất thường.

“Sợ thì có sợ do BN đã nhiễm COVID-19. Bởi vậy, tôi tự nhủ không được chủ quan và hết sức thận trọng trong việc phòng hộ cũng như kiểm soát nhiễm khuẩn mỗi ngày” – chị Thắm chia sẻ.

Do mức độ lây nhiễm có nguy cơ cao nên chị Thắm không dám nói với người thân vì sợ mọi người lo lắng. Chị âm thầm với công việc và thầm mong BN mau hồi phục. Cho dù BN hôn mê nhưng mỗi lần tiêm, mỗi lần truyền dịch hoặc thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, chị Thắm vẫn nói nhỏ vào tai BN với hy vọng BN vẫn nghe được.

“Và điều kỳ diệu đã tới. Sức khỏe BN hồi phục từng giờ, từng ngày, cho tới khi mở mắt, động tay động chân và tỉnh táo hẳn. Vậy là công sức của tất cả nhân viên y tế đã được đền đáp” – chị Thắm chia sẻ.

Chăm sóc BN mê man có nỗi cực riêng, chăm sóc BN tỉnh táo cũng có nỗi khổ riêng. Nhớ lần đầu mở khí quản cho BN, do BN không biết chị Thắm đang làm gì nên khó chịu và căng thẳng. BN lại nói tiếng Anh giọng Scotland rất khó nghe nên chị Thắm gần như chẳng hiểu gì. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, chị Thắm cố gắng giải thích và dần dà BN cũng hiểu. Từ hiểu tới thông cảm, từ thông cảm dẫn đến mối quan hệ giữa điều dưỡng và BN tốt hơn.

Học tiếng Anh, dạy tiếng Việt cho bệnh nhân

“Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất mà tôi đối mặt. Do hạn chế tiếng Anh nên đôi khi việc tôi làm khiến BN không vui. Do vậy, tôi mày mò học thêm tiếng Anh mỗi khi rảnh rỗi. Những câu tiếng Anh tôi học đầu tiên là “Tôi có thể giúp đỡ gì cho ông?”, “Tôi sẽ cố gắng làm những gì để ông cảm thấy thoải mái nhất”… Tôi cũng cố gắng học những từ chuyên môn y khoa để có thể hiểu và giải thích cặn kẽ cho BN” – chị Thắm cho biết.

Sau khi BN tỉnh táo, tập vật lý trị liệu là phương pháp hết sức quan trọng. Với vốn liếng tiếng Anh vừa học được, chị Thắm giải thích để BN hiểu việc cần thiết phải tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động tay, chân sau thời gian dài nằm trên giường bệnh.

“Tôi phát âm không chuẩn, câu cú cũng chẳng đúng ngữ pháp, vậy mà BN vẫn hiểu và làm theo. BN cũng nhờ tôi dạy những từ tiếng Việt đơn giản như “ngồi”, “đi”, “ăn”, “nghỉ”… Đôi lúc tôi nín cười vì cách phát âm ngọng nghịu của BN” – chị Thắm nói.

“Có thể nói 26-5 là ngày đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của BN người Anh và là ngày tôi không thể quên, bởi sau bốn ngày được chuyển từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (22-5) qua BV Chợ Rẫy, BN có dấu hiệu hồi phục” – BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu – BV Chợ Rẫy, chia sẻ.

“Tôi nhớ rất rõ tối 26-5, một bác sĩ và hai điều dưỡng trố mắt nhìn nhau và muốn hét to khi thấy những ngón tay BN động đậy sau hai tháng nằm mê man. Ánh sáng cuối đường hầm đã le lói và là tia hy vọng lớn lao cho thấy BN đã vượt qua giai đoạn nguy kịch” – BS Linh chia sẻ thêm.

Cũng có thể nói nụ cười của nhân viên y tế trong đêm 26-5 rất đẹp, bởi họ gần như trút bỏ được nỗi lo lắng đeo nặng trên người kể từ khi tiếp nhận BN phi công người Anh.

Những ngày tiếp theo, công việc của điều dưỡng thêm vất vả khi phải chăm sóc một BN “khó tính”. Vượt qua mọi rào cản và trở ngại, điều dưỡng đã giúp BN phi công người Anh hồi phục từng ngày, từng ngày…

“Đến ngày 12-6, sau khi rút nội khí quản, câu đầu tiên BN thốt ra là “Fantastic” (tuyệt vời). Đúng vậy, BN phi công người Anh được bác sĩ Việt Nam cứu sống quả là một thành tích tuyệt vời. Càng tuyệt vời hơn, những điều dưỡng nhỏ bé đã góp công sức to lớn đưa BN từ cõi chết trở về cuộc sống thực tại” – BS Linh trải lòng. (Pháp luật TP.HCM, trang 12).

 

Đảm bảo thuốc chất lượng tốt, tiết kiệm được quỹ BHYT và chi phí của người dân

Việc mua sắm, thanh toán BHYT đối với thuốc biệt dược gốc, nhằm “mục tiêu kép” đảm bảo chất lượng nguồn thuốc tốt, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm quỹ BHYT và chi phí của người dân.

Sáng 23/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… về chính sách, thanh toán từ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thuốc biệt dược gốc nhằm mục tiêu kép vừa đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm được quỹ BHYT và chi phí của người dân.

Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho rằng, trước hết cần làm rõ các khái niệm về biệt dược gốc, thuốc generic. Cụ thể, khái niệm “biệt dược gốc” đang sử dụng ở Việt Nam hiện nay còn mù mờ, chưa rõ ràng, dịch nghĩa không chính xác. Khái niệm thuốc generic thì lúng túng trong định danh.

Còn trên thế giới, biệt dược gốc được gọi là thuốc phát minh do các doanh nghiệp dược giữ bản quyền 20 năm. Sau thời gian này, theo quy định về bảo hộ sáng chế dược phẩm của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), năm 1994, các thuốc phát minh sẽ hết thời hạn bảo hộ bản quyền và phải công khai công thức để những DN khác sản xuất thuốc generic, tạm gọi là thuốc tương đương thuốc phát minh (biệt dược gốc).

Giá biệt dược gốc cao gấp 4-18 lần thuốc generic

Hiện nay, thị trường dược phẩm của Việt Nam có quy mô trên 5 tỷ USD, 22.000 loại thuốc. Số thuốc phát minh (biệt dược gốc) đang lưu hành là 755 loại, trong đó có khoảng 150 loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và đã có các thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic) do các nước có công nghiệp dược phát triển nhất sản xuất (nhóm 1). Qua thống kê, các loại thuốc phát minh (cả trong thời gian bản quyền và hết bản quyền) đắt hơn thuốc tương đương thuốc phát minh từ 4-18 lần, trung bình là gấp 7-8 lần.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, trong các năm 2018-2019, mỗi năm, quỹ BHYT thanh toán cho tiền thuốc tân dược khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó riêng thuốc phát minh là 11.500 tỷ đồng, chiếm 26,5%.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy xu hướng sử dụng thuốc phát minh ở Việt Nam vẫn cao so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các chuyên khoa ung thư, tim mạch, tiêu hoá. Một số địa phương có thanh toán BHYT cho thuốc phát minh chiếm tỷ lệ cao như TP. Hồ Chí Minh chiếm 44,5%, Hà Nội 38,9% do có nhiều bệnh viện tuyến cuối; thói quen của nhiều bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc phát minh mà chưa cân nhắc đến yếu tố chi phí hiệu quả…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thêm tỷ lệ sử dụng thuốc phát minh trong điều trị ung thư tại Việt Nam khoảng 38%, còn ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, Đức là 20%. Giá thuốc phát minh dùng điều trị ung thư trung bình cao gấp 7-8 lần so với thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính nếu thay thế khoảng 150 loại thuốc phát minh đã hết thời gian bảo hộ 20 năm, đang lưu hành tại Việt Nam bằng thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1 sẽ tiết kiệm thêm nhiều nghìn tỷ đồng cho quỹ BHYT.

Bác sĩ chọn thuốc phát mình vì cảm giác yên tâm, người dân có tâm lý “thuốc càng đắt càng tốt”

Các ý kiến trong cuộc họp đã phân tích và đánh giá quá trình thực hiện chính sách mua sắm và thanh toán thuốc luôn là một quá trình cọ xát giữa BHYT, bệnh viện và các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Các chuyên gia y tế cho rằng quá trình thực hiện mua sắm, thanh toán thuốc là quá trình “cọ xát” giữa bảo hiểm y tế, bệnh viện và các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc.

Tuy nhiên, do giá thuốc phát minh cao gấp nhiều lần thuốc tương đương thuốc phát minh nên phần lớn các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm vẫn muốn duy trì cung cấp, lưu hành dù nhiều loại đã hết bản quyền, đã có thuốc tương đương thuốc phát minh.

Trong khi đó, các công ty này không đưa ra các nghiên cứu chứng minh thuốc phát minh có tác dụng điều trị tốt hơn hẳn thuốc tương đương thuốc phát minh. Ngược lại, cũng chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định thuốc tương đương thuốc phát minh có tác dụng điều trị tương đương bằng hoặc tốt hơn thuốc phát minh.

Mặc dù vậy, nhưng nhiều bác sĩ vẫn có thói quen chọn những thuốc phát minh để có cảm giác yên tâm hơn, như trao đổi của Thứ trưởng Trần Văn Thuấn. Còn người dân khi chữa bệnh thường có tâm lý “thuốc càng đắt càng tốt”. Thời gian vừa qua, Bệnh viện K cũng đã có một số nghiên cứu cho thấy không có khác biệt về hiệu quả điều trị giữa một số thuốc phát minh và thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1.

Tuy nhiên, việc chỉ định dùng thuốc cần dựa trên 2 yếu tố: hiệu quả và tiết kiệm cho người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh nghèo

Các ý kiến đồng tình với nguyên tắc chúng ta phải đảm bảo nguồn thuốc tốt nhưng không để tình trạng chi phí quá mức cần thiết cho thuốc phát minh, nhất là những loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và có nhiều loại thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1. Chúng ta cần có một lộ trình giảm việc sử dụng thuốc phát minh không cần thiết để tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT và người dân.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, sớm hoàn thiện đề án hợp tác giữa Việt Nam và các DN dược phẩm của châu Âu, Hoa Kỳ để tăng cường sản xuất thuốc tại Việt Nam, nhất là rút ngắn quá trình sản xuất thuốc phát minh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế khuyến cáo 7 biện pháp để không đổ bệnh mùa nắng nóng

Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 40 độ C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa.

Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

– Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

– Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

– Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

– Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cảnh báo nắng nóng kéo dài đến đầu tháng 7

Ngày hôm nay (24/6), nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ; riêng khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ 13h trưa nay phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ.

Dự báo: Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ngày mai (25/6), ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ; riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-19 giờ.

Khu vực Hà Nội: Ngày mai (25/6), có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ.

Cảnh báo, đợt nắng nóng ở Bắc Bộ, Hà Nội và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7.

Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài trong nhiều ngày kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ngày mai (25/6), chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 9-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến

Ngày 23/6 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo về triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các vụ, cục Bộ Y tế và trên 20 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được chỉ định tham gia Đề án. Đề án được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 về việc phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp. Và qua dịch bệnh COVID-19 càng thấy tầm quan trọng của khám chữa bệnh từ xa.

“Qua dịch COVID-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công– bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là một ví dụ điển hình”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

ề án xây dựng theo nguyên tắc: Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới. Trong đó, bệnh viện viện tuyến Trung ương phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, thực hiện thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ thầy thuốc tuyến dưới theo nguyên tắc một thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều thầy thuốc tuyến dưới, nhiều thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ cho một thầy thuốc tuyến dưới…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc xây dựng Đề án xuất phát từ hai mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương. Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết… “Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng.

Và để thực hiện được điều này, các bệnh viện phải dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện về chuyên môn và các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung đó. Để thực hiện được điều này, các cơ sở y tế phải nêu cao trách nhiệm, góp phần thay đổi chất lượng cho y tế cơ sở. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp như tuyến dưới gặp ca bệnh khó có thể đưa lên hệ thống thông tin tới tất cả các cơ sở y tế. Bệnh viện có chuyên môn phù hợp sẽ có các hỗ trợ để bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khuyến khích các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn: “Các bác sĩ tuyến trên nên bớt chút thời gian kết bạn với các bác sĩ tuyến dưới. Tiếc gì mà không kết thêm một người bạn để hỗ trợ nhau về chuyên môn…”.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công hai ca ghép thận

Ngày 24-6, TS, BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa thực hiện thành công hai ca ghép thận. Đặc biệt, cả hai bệnh nhân này đều bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo ba lần/tuần.

Cụ thể, bệnh nhân thứ nhất là ông T.R. (sinh năm 1959, trú tại phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo 4, 5 năm. Nhập viện ngày 11, mổ 28-5, thận được ghép từ người cho là Ngô Thế N. (sinh năm 1992), không cùng huyết thống.

Bệnh nhân hai là Trần Thanh L. (sinh năm 1983, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân đã chạy thận tạo 10 năm. Nhập viện ngày 11, mổ 29-5, thận được ghép từ người cho là cha ruột, ông Trần Thanh H. (sinh năm 1957).

Cả hai bệnh nhân đều bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo ba lần/tuần. Bệnh nhân suy tim, thiếu máu, không đi tiểu được, huyết áp cao.

Các bệnh nhân có chỉ định ghép thận, sau khi trải qua các bước sàng lọc và xét nghiệm, có kết quả thận tương hợp có thể hiến cho hai bệnh nhân, bệnh viện tiến hành hội chẩn các ê-kíp, hội đồng ghép thận bệnh viện và quyết định phẫu thuật cho hai bệnh nhân. Ê-kíp gồm các bác sĩ khoa nội thận, thận nhân tạo, gây mê hồi sức, ngoại tiết niệu, huyết học… thực hiện các công đoạn: gây mê hồi sức, phẫu thuật lấy thận, rửa thận, ghép thận. Các ê-kíp phối hợp nhịp nhàng và thực hiện thành công mỗi ca phẫu thuật sau hơn sáu tiếng đồng hồ.

Sau hơn một tuần thực hiện ghép thận, tình trạng sức khỏe hai bệnh nhân ổn định, ăn uống được, các thông số và chức năng thận tiến triển tốt, những chỉ số xét nghiệm bình thường, bệnh nhân tiểu được 3-4 lít/ngày. Hiện, cả hai bệnh nhân sức khỏe ổn định và đã được xuất viện. Hai người hiến thận tình trạng sức khỏe tốt, chức năng thận bình thường và đã được ra viện trước đó.

Theo TS, BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện Đà Nẵng cho biết thêm: Trong hai ca ghép, có một cặp ghép khó (bệnh nhân T.R) với nhiều tình trạng bệnh kèm như tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường, viêm gan C, suy tim, hẹp niệu đạo nên cácê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức phải tập trung cao độ trong phẫu thuật và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ sau phẫu thuật. (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 30/7/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận