Điểm báo ngày 29/5/2019

(CDC Hà Nam)
Hơn 16.200 trẻ ở TP.HCM chưa được tiêm chủng mở rộng; Nhiều phường, xã trọng điểm sốt xuất huyết ở Hà Nội bắt đầu gia tăng mật độ muỗi; Mắc bệnh “não chảy xuống mũi”, bé trai người dân tộc được tái sinh nhờ lòng hảo tâm; Cảnh báo: Gần 97% số ca ung thư phổi tại Việt Nam có hút thuốc lá…
Hơn 16.200 trẻ ở TP.HCM chưa được tiêm chủng mở rộng
Chỉ có 75% trẻ ở TP.HCM tiêm ngừa vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1”; 25% lọt sổ là nguy cơ lớn mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM ngày 28.5 cho biết sau 3 tháng thực hiện tiêm vắc xin “5 trong 1” ComBE Five ngừa 5 bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B) trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tại TP.HCM đã có 23.316 mũi tiêm, gồm: 11.670 mũi 1, 8.073 mũi 2 và 3.573 mũi 3.
Qua ghi nhận có 1.321 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm (chiếm tỉ lệ 5,7%); không có ca tai biến nặng.
Với 23.316 liều tiêm vắc xin Com BE Five được tiêm thì tương đương 5% số trẻ của TP.HCM được tiêm chủng vắc xin chương trình mở rộng.
Trong khi đó, có đến 70% trẻ được tiêm chủng vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” dịch vụ.
Như vậy, hiện TP.HCM có 75% trẻ được tiêm ngừa vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1”, còn lọt sổ 25% trẻ chưa được tiêm phòng các loại bệnh này. Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB, viêm gan B và bại liệt trong thời gian tới nếu trẻ em không được tiêm đúng lịch.
Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo các bậc phụ huynh có con dưới 1 tuổi cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng lịch tiêm bắt buộc do Bộ Y tế quy định. Trẻ trên 1 tuổi thì cha mẹ cần xem lại sổ tiêm để biết đã tiêm đầy đủ cho con hay chưa. Phụ huynh có thể chọn vắc xin tiêm chủng mở rộng (miễn phí) hoặc dịch vụ (trẻ tiền) để hoàn thành mũi tiêm phòng bệnh cho con trẻ.
Trung tâm y tế dự phòng cũng lưu ý, theo điều 8, Nghị định 176/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đới với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. (Thanh niên, trang 9).
Nhiều phường, xã trọng điểm sốt xuất huyết ở Hà Nội bắt đầu gia tăng mật độ muỗi
Trong 1 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội tăng 64 trường hợp so với tuần trước đó. Giám sát tại các xã, phường trọng điểm cũng cho thấy, nhiều khu vực đang gia tăng chỉ số nguy cơ gây dịch…
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần vừa qua (từ 20 đến 26-5), hầu hết các dịch bệnh trên địa bàn thành phố đều có số mắc giảm so với các tuần trước đó, riêng bệnh SXH đang có dấu hiệu gia tăng.
Cụ thể, trong tuần ghi nhận 83 trường hợp mắc SXH (tăng 64 ca so với tuần trước). Lũy tích năm 2019, Hà Nội đã ghi nhận 326 trường hợp mắc SXH, chưa có tử vong.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vì vào các tháng mùa hè, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Đáng chú ý, kết quả giám sát véc tơ truyền bệnh SXH tại một số khu vực trọng điểm về bệnh này trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch SXH.
Trước tình trạng đó, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè nói chung, đồng thời tổ chức giám sát côn trùng, giám sát véc tơ truyền bệnh và tiến hành vệ sinh môi trường để chủ động phòng chống SXH, không để dịch bùng phát. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Mắc bệnh “não chảy xuống mũi”, bé trai người dân tộc được tái sinh nhờ lòng hảo tâm
Ngay khi sinh ra, bé Rơ Chăm Khang (ở Gia Lai) đã có bất thường trên gương mặt, thay vì não nằm trên hộp sọ thì cháu lại mắc căn bệnh hiểm não thoát vị chảy xuống vùng hốc mũi, chèn ép khiến trẻ không thể phát âm, ăn uống bình thường…
Các bác sĩ khoa Thần kinh – Bệnh viện Nhi Trung ương vừa “tái sinh” sự sống cho một bé trai người dân tộc Gia Rai mắc phải căn bệnh hiếm gặp là thoát vị não vùng mũi – trán. Không chỉ mắc bệnh cực hiểm mà hoàn cảnh của bệnh nhân này cũng rất đặc biệt.
Bệnh nhi là bé Rơ Chăm Khang (5 tuổi, ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Theo lời kể, cả nhà bé đều là người dân tộc, không biết tiếng Kinh. Bố của em bị câm điếc bẩm sinh, mẹ không có công ăn việc làm. Ở địa phương, gia đình Khang thuộc diện “siêu nghèo”, giá trị cả căn nhà của em ở chỉ là vài miếng tôn cũ dựng thành.
Ngay từ khi sinh ra, Rơ Chăm Khang đã có khối u trên mũi, nó lớn dần theo khuôn mặt và gây ảnh hưởng lớn rới sức khỏe nhưng bé không được điều trị. Cộng thêm tình trạng thiếu ăn nên Khang bị suy dinh dưỡng, dù đã 5 tuổi mà chỉ nặng 13k. Một người em của Khang đã mất từ rất nhỏ không rõ lý do.
Có lần bé ốm nặng quá, bố mẹ vay mượn khắp làng được ít tiền, bắt xe vào TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh cho con nhưng đến nơi thì cũng hết tiền và lại không nói được tiếng Kinh nên không điều trị được, đành quay về.
Lần khác, nghe nói có một tổ chức từ thiện về khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em tại một bệnh viện ở Đà Nẵng, một người hàng xóm tốt bụng của gia đình Rơ Chăm Khang đưa con xuống viện điều trị đã quyết định đưa mẹ con Khang đi cùng. Song các bác cũng chỉ thăm khám rồi cho bé ít tiền để tàu xe đi về.
Thế nhưng một cơ may đã đến với bé Rơ Chăm Khang, giúp bé có cơ hội được tái sinh sự sống. Khi hai mẹ con Khang đang lang thang ở bệnh viện tại Đà Nẵng thì may mắn gặp được nhân viên của Viện Geothe Việt Nam. Biết hoàn cảnh, tổ chức nhân đạo này đã tìm hiểu và liên hệ với Bệnh viện Nhi Trung ương, cho tiền và mua vé máy bay đưa Khang ra Hà Nội để phẫu thuật.
Tại đây, bệnh nhi được TS Lê Nam Thắng, Phó trưởng khoa Thần kinh – Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán mắc thoát vị màng não vùng mũi – trán, tức não bị “rò rỉ”, sa xuống vùng hốc mũi, “kết” thành một khối u trên sống mũi. Càng lớn, tổ chức não càng tụt xuống khiến gương mặt bé biến dạng, lúc nhập viện khối u đã to ngang quả ổi găng, đẩy hai nhãn cầu ra xa.
Đặc biệt, nếu không được mổ kịp thời, nguy cơ tử vong với bé có thể xảy đến bất cứ lúc nào bởi chỉ cần một nhiễm trùng vùng mũi họng, vùng trước mũi đều có thể gây tổn thương, viêm màng não.
Biết hoàn cảnh khó khăn của bé Rơ Chăm Khang, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định sắp xếp ngay lịch mổ cho bé, đồng thời Phòng Công tác xã hội của bệnh viện quyết định kêu gọi tài trợ toàn bộ chi phí tiền phẫu thuật cho bé ngoài tiền bảo hiểm y tế chi trả (khoảng hơn 100 triệu đồng).
Bác sĩ Lê Nam Thắng cho biết, thông thường với những bệnh này cần thực hiện 2 đợt phẫu thuật nhưng vì gia đình không có điều kiện đi lại nên bác sĩ Thắng quyết định mổ liền trong 1 lần.
Suốt 7 tiếng đồng hồ, với những trang thiết bị hiện đại nhất, các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa thần kinh, chỉnh hình nhi… của bệnh viện đã tái tạo nền sọ, dùng chính sụn xương của bé để tạo hình lại hốc mắt, hốc mũi cho bệnh nhi đặc biệt này. Đến nay, 10 ngày sau phẫu thuật, bé Rơ Chăm Khang đã hồi phục tốt, tăng được 3 kg, ăn uống, thở tốt hơn và đang tập phát âm bình thường. Dự kiến, bé sẽ được xuất viện trong 3-5 ngày tới.
Thương cảm với hoàn cảnh của bé Khang và gia đình, Phòng Công tác Xã hội – Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang tiếp tục kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để xây cho gia đình bé một căn nhà cấp 4 che nắng che mưa và giúp em có thể được đến trường như bao bạn nhỏ khác. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Thứ trưởng Bộ Y tế cho trẻ uống vitamin A hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng
 Sáng 28-5, thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, các chuyên gia về dinh dưỡng của Bộ Y tế đã cho trẻ em ở TP Thanh Hóa uống vitamin A, hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng (ngày 1 và 2-6).
Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến chiều cao thấp của thanh niên Việt Nam.
Thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ; cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em, khả năng sinh sản, năng suất lao động của người lớn.
Năm 2019, Viện Dinh dưỡng đã cấp 14 triệu viên đa vi chất miễn phí cho phụ nữ mang thai, để phòng thiếu vi chất cho bà mẹ và trẻ em, được triển khai tại 85 huyện nghèo trong cả nước. Viên đa chất dinh dưỡng có chứa 20 loại vi chất dinh dưỡng, các bà mẹ mang thai cần uống thường xuyên, đều đặn 1 viên/ngày.
Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi ở 41 tỉnh, thành; uống bổ sung vitamin A cho trẻ tư 6 đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao); bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã, phường trong toàn quốc.
Phát biểu tại lễ phát động “Ngày vi chất dinh dưỡng toàn quốc năm 2019”, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn còn cao (năm 2017 tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13,4%; suy dinh dưỡng thể thấp còi là 23,8%). Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em Việt Nam hiện còn cao.
Do vậy, cần phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện các giải pháp trong công tác phòng chống duy dinh dưỡng; đặc biệt là phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trong thời gian tới, để thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng ban hành”.
Cũng tại lễ phát động này, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Viện Dinh dưỡng đã phát đi thông điệp, kêu gọi trong “Ngày vi chất dinh dưỡng” (ngày 1 và 2-6 hàng năm), các bà mẹ đưa trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A tại các điểm uống ở xã, phường.
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, là món quà nhân văn trong Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6). Theo kế hoạch, Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay sẽ có hơn 6 trẻ em dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ em từ 24 đến 60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn được tẩy giun(Tuổi trẻ, trang 14).
Cảnh báo: Gần 97% số ca ung thư phổi tại Việt Nam có hút thuốc lá
 Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2019, có chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi
Thuốc lá, thủ phạm gây ra 90% ung thư phổi, 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên thế giới
Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá), Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Hàng năm được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5.
Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Theo WHO, trên thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Việt Nam, theo số liệu của bệnh viện Ung bướu trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao
Đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua
Theo Bộ Y tế, Luật PCTH của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012, quy định các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về PCTH của thuốc lá; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về PCTH của thuốc lá.
Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá năm 2019, đồng thời nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi Luật PCTH thuốc lá, tại công văn số 2090/KCB-BYT, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành đoàn thể TW cùng phối hợp tiếp tục phổ biến và chỉ đạo thực thi nghiêm quy định của Luật PCTH thuốc lá.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định về cấm hút thuốc lá nơi làm việc, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá trong việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị, treo biển cấm hút thuốc tại các khu vực có quy định cấm theo quy định của Luật PCTH thuốc lá.
Đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác PCTH thuốc lá.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc. Giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan Bộ, ngành, Đoàn thể và các đơn vị trực thuộc.
Thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Luật PCTH của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các Nghị định khác có liên quan đến lĩnh vực PCTH thuốc lá; Lồng ghép nội dung kiểm tra việc thực hiện Luật PCTH của thuốc lá vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ, ngành, Tổ chức chính trị xã hội.
Ngoài ra, các bộ, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5/2019.
Các địa phương rà soát, xem xét không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá
Cũng liên quan đến việc thực Luật PCTH của thuốc lá, tại công văn số 2089/KCB-BYT, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các địa phương tăng cường thực thi Luật PCTH của thuốc lá và hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2019
Bộ Y tế cho biết, Luật PCTH của thuốc lá được Quốc hội ban hành năm 2012, quy định, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.
Tại công văn trên, Bộ Y tế UBND các địa phương cùng phối hợp tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật PCTH của thuốc lá. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị tại địa phương tăng cường sự phối hợp trong công tác PCTH của thuốc lá.
Đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Treo biển cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm khác theo quy định của Luật PCTH thuốc lá.
Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trong các hội thảo, hội nghị.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, xem xét không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá (như tại các khách sạn, nhà hàng…).
Chỉ đạo lồng ghép phong trào xây dựng Làng văn hoá – Sức khoẻ với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành/lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá vào công tác kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý. Nội dung tập trung vào kiểm tra việc tuân thủ quy định treo biển báo cấm hút thuốc, tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm, việc ban hành nội dung PCTH thuốc lá trong kế hoạch hoạt động hằng năm, việc đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Yêu cầu thanh tra, công an và các lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định của Luật PCTH thuốc lá theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các Nghị định liên quan. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).29

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/03/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận