Điểm báo ngày 01/7/2020

(CDC Hà Nam)
Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng thế giới phòng, chống dịch bệnh; Thử nghiệm thành công văcxin Covid-19 giai đoạn 2; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự chương trình “Vinh quang trên tuyến đầu”

Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng thế giới phòng, chống dịch bệnh

Ngày 30.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Dịch bệnh còn có nhiều diễn biến phức tạp

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới.

Gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.

TS. Kidong Park – Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách đây 2 tháng WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế.

Theo đó, để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi – đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không? Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không?

Sau cuộc họp này, nhóm kỹ thuật của WHO sẽ xây dựng một văn bản hướng dẫn tạm thời để các quốc gia, vùng lãnh thổ cân nhắc trong việc mở cửa lại đường biên, nối lại các đường bay quốc tế. Trong văn bản này, WHO bổ sung thêm 2 căn cứ: Việc mở cửa phải dựa trên năng lực giám sát tại cửa khẩu; chỉ ưu tiên những hoạt động đi lại thực sự cần thiết.

Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng. Đặc biệt, phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;…

Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;…

Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vaccine. Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng thế giới chống dịch

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19. Hiện đã tiến hành thử nghiệm trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người;…

Nhấn mạnh với tinh thần tự lực, thời gian qua Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, máy thở 100% made in Vietnam đã xuất khẩu đi nhiều nước,… Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn tiếp tục được WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình này.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch COVID-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong phòng, chống dịch bệnh.

Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (kit thử). Trong số này có những loại kit thử rất tốt, độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đang bán trên thị trường thế giới, đặc biệt công nghệ xét nghiệm đơn giản mà nhiều nước không có. Phó Thủ tướng mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm này với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. (Lao động, trang 1; Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1).

 

Thử nghiệm thành công văcxin Covid-19 giai đoạn 2

50 con chuột trong giai đoạn thử nghiệm lần 2 văcxin Covid-19 đã đáp ứng miễn dịch, Việt Nam tiến thêm một bước gần hơn sản xuất văcxin phòng ngừa Covid-19.

Tiến tới xây dựng quy mô sản xuất hàng chục triệu liều

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) – Bộ Y tế cho hay, sau đợt tiêm thử nghiệm văcxin ngừa Covid-19 lần 2, 50 con chuột được tiêm thử nghiệm có đáp ứng miễn dịch. Với thành công bước đầu này, thời gian tới, đơn vị nghiên cứu sẽ hoàn thiện quy mô, hướng đến sản xuất văcxin sử dụng cho người. Đơn vị nghiên cứu sẽ tiến hành tiêm văcxin trên động vật và theo dõi hiệu quả bảo vệ. Quá trình thử nghiệm tiếp theo này có thể phải mất 8-9 tháng mới có thể “ra đời” văcxin hoàn chỉnh thử nghiệm trên chuột, sau đó mới sang người..

Trước đó, ngay khi có trình tự gene virus gây Covid-19 từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu văcxin Covid-19. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 2. Sau đó, các nhà khoa học đã tạo ra chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

Ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển văcxin Covid-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. Ở giai đoạn tiếp theo, văcxin dự tuyển sẽ được phát triển thành văcxin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Cần 9 – 12 tháng nữa

ThS Mạc Văn Trọng, Vabiotech cho hay, để cho ra đời văcxin hoàn chỉnh cần 9 – 12 tháng nữa. Hiện nhóm nghiên cứu đang nỗ lực gấp rút để đi đến đích. Việc hoàn thành nghiên cứu văcxin trong thời gian 18 – 24 tháng là một “kỳ tích” chưa từng có trong lịch sử nghiên cứu văcxin ở Việt Nam. Dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại văcxin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về văcxin cho Việt Nam, nhất là các văcxin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gene của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại văcxin mới.

Công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất văcxin Covid-19 là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ văcxin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các văcxin đại dịch.

Hiện, trên thế giới có hơn 80 quốc gia đang tập trung nghiên cứu văcxin Covid-19, 8 quốc gia đã thử nghiệm lâm sàng trên người. Tại Việt Nam, có nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu văcxin Covid-19, gồm: Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Văcxin và Sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Văcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, một số viện nghiên cứu, trường đại học… Tuy nhiên, hiện chỉ có Vabiotech là đơn vị đầu tiên thử nghiệm trên chuột và đã cho thành công bước đầu. (Khoa học & Đời sống, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14; Thanh niên, trang 3).

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự chương trình “Vinh quang trên tuyến đầu”

Tối qua, 30-6, tại Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội (Hà Nội) diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vinh quang trên tuyến đầu” nhằm tôn vinh những thành tựu nổi bật và đóng góp của các cấp, các ngành, tập thể và cá nhân trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là một trong những lực lượng xung kích trên tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng dự.

Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, cán bộ, chiến sĩ QĐND đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy cơ bị lây nhiễm, là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu, cùng các cấp, các ngành tích cực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Điều đó không chỉ thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong cuộc chiến chống đại dịch, mà còn tô thắm truyền thống trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; dù trong bất luận hoàn cảnh nào vẫn luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, hy sinh quên mình vì nhân dân phục vụ; xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của đồng bào, đồng chí cả nước, góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Quân đội trong phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là lực lượng quân y, bộ đội biên phòng; các cán bộ, chiến sĩ ở khu cách ly; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Bộ Quốc phòng và nhất là 100 tập thể và cá nhân được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang trên tuyến đầu” đã nỗ lực, cố gắng ngày đêm bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến còn phức tạp và có thể kéo dài, việc tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, cũng như không để xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, đó là nền tảng để đất nước ta khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế – xã hội và phát triển mạnh mẽ trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu. Để đồng hành cùng cả nước trong giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị toàn quân thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong toàn quân, không để gián đoạn, lơ là, chủ quan. (Nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bệnh nhân phi công người Anh sẽ về nước vào ngày 12-7

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết bệnh nhân phi công người Anh có thể hồi hương trên chuyến bay vào ngày 12-7 từ Hà Nội nếu đủ điều kiện sức khỏe.

Ngày 29-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh đề nghị cho bệnh nhân phi công người Anh (BN91) về nước trên chuyến bay ngày 12-7. Chuyến bay này của Vietnam Airlines dự kiến sẽ xuất phát từ sân bay Nội Bài, Hà Nội đến Anh đón công dân Việt Nam về nước.

Thứ trưởng Sơn cũng cho biết khi BN91 về nước sẽ có một êkíp bác sĩ đi cùng để hỗ trợ chăm sóc y tế.

BN91 đang phục hồi chức năng toàn diện

Tiểu ban điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho hay BN91 đang điều trị tại BV Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.

Bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 17 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Hiện sức cơ hai tay bình thường, sức cơ hai chân 4/5, bệnh nhân tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và bước được vài bước. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng; chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường; trao đổi oxy ở phổi cải thiện hơn.

Các bác sĩ tăng cường phục hồi chức năng ngày hai lần, cho bệnh nhân tập thổi hô hấp ký, xuống giường ngồi trên ghế.

Bệnh nhân hiện đã ngưng thuốc kháng nấm, chỉ dùng thuốc kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto, kết hợp với săn sóc tại chỗ vết loét cùng cụt.

Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để có thể đi lại an toàn khi di chuyển.

Đến nay, BN91 đã trải qua 103 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Chợ Rẫy, trong đó tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18-3 đến chiều 22-5 và tại Khoa hồi sức tích cực của BV Chợ Rẫy từ chiều 22-5 đến nay.

Thêm năm người khỏi COVID-19

Cùng ngày, thông tin từ Tiểu ban điều trị cho biết có thêm năm bệnh nhân (BN) COVID-19 tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) được công bố khỏi bệnh.

Đó là các BN 344, 346, 348, 351 và 352. Cụ thể:

BN344 (nam, 52 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 19-6. Quá trình điều trị đã có ba lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, lần 1 vào ngày 25-6, lần 2 vào ngày 27-6 và lần 3 vào ngày 28-6.

BN348 (nam, 39 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 19-6. BN đã có ba lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các kết quả xét nghiệm ngày 26 và 28-6 đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

BN351 (nữ, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 24-6. Quá trình điều trị có hai lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm các ngày 27 và 28-6 đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

BN352 (nữ, 30 tuổi quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 24-6. Các kết quả xét nghiệm ngày 26 và 28-6 đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện sức khỏe các BN ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tất cả sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Tính đến chiều 29-6, Việt Nam có tổng số 355 ca nhiễm, trong đó 335 người đã khỏi, còn 20 bệnh nhân đang điều trị. (Pháp luật TP.HCM, ngày 30/6, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/9/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 03/8/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận