Điểm báo ngày 06/7/2020

(CDC Hà Nam)
Máy thở điều trị Covid-19, vì sao mỗi nơi mỗi giá?; Hơn 11.000 người cách ly, tròn 80 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng; Thêm nhiều ca bệnh bạch hầu: Người ở TP.HCM có nguy cơ mắc không?; Gia Lai phát hiện 10 ca mắc bạch hầu, 1 ca tử vong

Máy thở điều trị Covid-19, vì sao mỗi nơi mỗi giá?

Máy thở là một trong những thiết bị được nhiều địa phương mua trong đợt đầu tư máy móc, thiết bị cho phòng chống dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm là giá mua máy mỗi nơi mỗi khác, thậm chí chênh nhau gấp đôi!

Đáng lưu ý, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Bộ Công an cũng đã vào cuộc, kiểm tra việc mua sắm máy thở tại nhiều địa phương.

Chênh nhau hàng trăm triệu đồng

Ngày 5.7, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết sau khi dịch Covid-19 bùng phát, UBND tỉnh này đã phê duyệt ngân sách để TBYT cần thiết phòng chống dịch. Cuối tháng 2, Sở Y tế mua 7 máy thở cao cấp kèm theo đầy đủ phụ tùng với giá 870 triệu đồng/máy và 7 máy nén khí di động giá 90 triệu đồng/máy, tất cả đều cùng Hãng GE (Mỹ). Hai loại máy này cấp cho 4 bệnh viện (BV) cách ly điều trị của Quảng Nam, gồm BV đa khoa (ĐK), BVĐK khu vực, BVĐK khu vực miền núi phía bắc (mỗi loại 2 máy), BVĐK Hội An (mỗi loại 1 máy).

Trước đó, dư luận cũng xôn xao việc BV Chợ Rẫy (TP.HCM) mua máy thở 850 triệu đồng/cái, trong khi cùng chủng loại BV Bạch Mai (Hà Nội) mua chỉ có 640 triệu đồng/cái, chênh nhau 210 triệu đồng/cái). Về việc này, bác sĩ (BS) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết BV Chợ Rẫy mua sắm 3 máy thở chức năng cao (Model: Carescape R860, Hãng sản xuất: GE Healthcare, xuất xứ: Mỹ) bằng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của BV theo hình thức mua sắm trực tiếp theo đúng hợp đồng trúng thầu số 7 ngày 18.10.2019 giữa BV Phổi trung ương và Công ty cổ phần thiết bị y tế Ánh Sao.

BV lập hồ sơ mua sắm trình BYT và được Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định. Số máy thở này BV mua trong kế hoạch mua sắm hằng năm phục vụ cho chuyên môn BV chứ không phải mua để chống dịch, không phải mua bằng kinh phí chống dịch.

Theo BS Thức, có sự chênh lệch giá nói trên là do máy trúng thầu cung cấp tại BV Chợ Rẫy có trang bị thêm cấu hình, tính năng kỹ thuật cho thiết bị để phục vụ nhu cầu chuyên môn. “Máy thở có chức năng thở không thì khác. Còn máy thở của BV Chợ Rẫy mua có chức năng đo ô xy trong máu, ô xy trong phế quản – phế nang, đo áp lực phế nang, theo dõi điện tim, phân tích huyết áp… Số tính năng này thì BV phải mua thêm”, BS Thức thông tin thêm.

Tại Đà Nẵng, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết BV có gần 80 máy thở được đầu tư từ trước đợt dịch Covid-19. Đến đầu mùa dịch (ngày 30.1.2020), BV được Sở Y tế cung cấp thêm 2 máy thở di động trong gói hỗ trợ 20 tỉ đồng thiết bị chống dịch từ UBND TP.Đà Nẵng.

Cả 2 máy thở đều do Sở Y tế TP.Đà Nẵng mua và chuyển về để BV sử dụng khi cần. Theo TS-BS Nhân, tiêu chí máy thở rất đa dạng, như: thở xâm lấn hay không xâm lấn, thở các mức áp lực, thở di động hay cố định, thở cần dòng ô xy hay không, thở bằng dòng khí nén, thở lưu lượng cao… “Tùy theo các option, công năng… mà giá máy thở dao động từ gần 200 triệu đồng lên đến gần 2 tỉ đồng/chiếc và tùy thương hiệu, nhà cung cấp… như một chiếc xe máy vậy”, TS Nhân nói.

Máy thở của Gia Lai có cấu hình cao nhất (?)

Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá máy thở mua cao nhất có lẽ thuộc về… Gia Lai. Theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE (trụ sở tại Hà Nội) cho khách hàng là BVĐK tỉnh Gia Lai về gói TBYT nhằm chống dịch Covid-19, có 11 TBYT được thẩm định với tổng giá tiền hơn 18,6 tỉ đồng. Trong số này có máy thở chức năng cao Carescape R860 của Hãng sản xuất GE Healthcare (Mỹ) với giá 1,45 tỉ đồng/máy. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Gia Lai chỉ duyệt gói thiết bị gần 8,6 tỉ đồng.

BVĐK tỉnh Gia Lai đã thu thập chào giá của 3 đơn vị là Công ty TNHH Tuyết Nga, Công ty TNHH kỹ thuật DTC và Công ty cổ phần TBYT Medisco, lấy kết quả thấp nhất để chọn giá. Trên cơ sở này, BVĐK tỉnh Gia Lai đã phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng giá trị trúng thầu gần 8,6 tỉ đồng để mua vật tư y tế chống dịch Covid- 19.

Có 3 nhà thầu tham dự là Công ty TNHH đầu tư phát triển Tùng Bách, Công ty cổ phần thương mại kỹ thuật Việt Nam và Công ty cổ phần TBYT Medisco. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần TBYT Medisco. Đến ngày 14.5.2020, BVĐK tỉnh Gia Lai thực hiện mua sắm TBYT chống dịch với tổng số tiền gần 8,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua tham khảo việc mua sắm từ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vào tháng 8.2019 đối với máy thở chức năng cao có cùng model “Carescape R860”, cùng hãng sản xuất “Healthcare (Datex Ohmeda)”, cùng xuất xứ “Mỹ”, cùng năm sản xuất 2019 thì có sự chênh lệch về giá. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa mua máy này vào tháng 8.2019 là 789,5 triệu đồng, còn BVĐK tỉnh Gia Lai mua vào tháng 4.2020 có giá 1,45 tỉ đồng.

Một lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai cho biết việc mua sắm TBYT, UBND tỉnh Gia Lai đã giao cho Thanh tra tỉnh kiểm tra; bên cạnh đó Bộ Công an cũng đang kiểm tra giá TBYT chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ đối với nhiều tỉnh thành.

“Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu chúng tôi nắm được là cùng loại máy thở nhưng máy của BVĐK tỉnh Gia Lai mua là máy Carescape R860 Metabolic-FRC – khí dung. Máy này có thêm những chức năng như đánh giá dinh dưỡng, công cụ thông khí bảo vệ phổi FRC (đo dung tích cặn chức năng), module phân tích khí, công cụ thông khí bảo vệ phổi PEEP và phần mềm kết hợp các chỉ số khí máu”, vị lãnh đạo này nói. Còn theo ông Phạm Bá Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai: “Máy thở mua về vẫn chưa sử dụng do Gia Lai chưa có BN mắc Covid- 19. Hiện toàn bộ máy đang bị niêm phong phục vụ cho công tác thanh tra. Việc mua máy cũng có thẩm định, giám sát nghiêm túc chứ không phải mình tự đi mua được đâu. Máy thở của Gia Lai so với các địa phương khác có cấu hình cao nhất, hơn 5 chức năng”.

Về máy Carescape R860 Khánh Hòa mua, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.7, BS Nguyễn Đông, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cho biết máy được Sở Y tế trang bị cho BV năm 2019 và BV đã sử dụng rất hiệu quả. “Hiện bệnh nhân vừa ra viện nên máy đang được “nghỉ”. Đây cũng là thiết bị của hãng sản xuất nổi tiếng nên máy hoạt động rất tốt, đến nay chưa gặp vấn đề gì, có thời gian BV sử dụng kéo dài liên tục 2 – 3 tháng để phục vụ bệnh nhân. Máy có thể dùng cho người lớn và trẻ em”, BS Đông nói.

Bộ Y tế đang xác định giá “thật”

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết: “Thiết bị do các địa phương tự tổ chức đấu thầu mua sắm thì chúng tôi không thể biết được lý do vì sao lại chênh lệch như vậy”. Tuy nhiên, ông Tuấn lại cho rằng: “Cùng một thiết bị (100% giống nhau về tính năng, thế hệ, nhà sản xuất…) nhưng cũng có thể giá mua khác nhau. Việc chênh lệch giá có thể do chính sách của hãng, chi phí vận chuyển… Tuy nhiên, chênh lệch này phải không quá lớn” và “Với cùng loại máy (xét nghiệm, máy thở…) nhưng nếu khác nhau về nhà sản xuất, thì sẽ có chênh lệch về giá. Việc thẩm định giá và so sánh để xác định giá hợp lý trong mua sắm TBYT khá khó khăn nhưng cũng có thể làm được. Bộ Y tế đang xác định giá “thật”, giá hợp lý của các TBYT được mua sắm, trước mắt là máy xét nghiệm”.

Ông Tuấn nói thêm: “Ví dụ như cùng mua mớ rau muống, giá khác nhau là hoàn toàn có thể, nhưng nếu rau nào bị đẩy cao bất hợp lý thì người mua vẫn có thể nhận ra được. Với thiết bị thì không đơn giản như mớ rau, nhưng vẫn có thể làm được và đòi hỏi phải có hiểu biết, kiến thức”. Cũng theo ông Tuấn, để có đánh giá tương đối về giá mua sắm TBYT như xét nghiệm, máy thở, trước hết yêu cầu các đơn vị phải báo cáo đầy đủ thông tin liên quan đến việc tham khảo giá máy, thẩm định giá…

Liên quan đến yêu cầu về đấu thầu, ông Tuấn khẳng định: đã mua sắm bằng tiền ngân sách là phải đấu thầu. Ngay cả chỉ định thầu thì cũng là một hình thức đấu thầu, vẫn có các quy định cần chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên ông Tuấn cũng lưu ý để mua được giá hợp lý, chủ đầu tư cần tìm mua tại nhà phân phối “gốc”, không mua của công ty trung gian. Ngoài ra, đơn vị thẩm định giá cũng đóng vai trò trong việc định giá thiết bị mua sắm (Thanh niên, trang 2).

 

Hơn 11.000 người cách ly, tròn 80 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi  sk là 11.466.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tới 18 giờ ngày 5.7, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca mắc bệnh Covid-19 mới.

Tính tới nay, đã 80 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam vẫn đang là 355 người, chưa có trường hợp nào tử vong, 340 bệnh nhân đã được chữa khỏi (chiếm 95,8%). 15 bệnh nhân còn lại đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế trong nước, tình hình sức khỏe ổn định, trong đó 3 người đã cho kết quả âm tính với vi rút từ 2 lần trở lên.

Cũng theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid- 19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.466, tăng thêm gần 1.000 người so với hôm qua. Trong số này, chỉ có 107 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 10.919 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác. Số người phải cách ly tại nhà là 440 người.

Đại tá Phan Văn Chương, Cục phó Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cho biết chiều 5.7, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã đón chuyến bay số hiệu VN672 đưa hơn 300 người từ Malaysia về nước.

Đây hầu hết là công dân Việt Nam bị kẹt ở Malaysia bởi dịch Covid-19. Ngay trong tối cùng ngày, các phương tiện do Quân khu 9 điều động đã đưa toàn bộ số hành khách trên về cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh Vĩnh Long và Trường quân sự Trà Vinh. Dự kiến vào ngày 9.7 sẽ có một chuyến bay nữa chở hơn 300 người từ Nga về SB Cần Thơ (Thanh niên, trang 3).

 

Thêm nhiều ca bệnh bạch hầu: Người ở TP.HCM có nguy cơ mắc không?

Trước tin một cháu bé 13 tuổi bị bệnh bạch hầu tử vong khi chuyển về TP.HCM điều trị, một số bạn đọc gọi đến báo Tuổi trẻ hỏi thông tin những người dân sống tại TP.HCM có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu hay không?

ThS Lê Hồng Nga – trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho rằng người dân TP.HCM có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu hay không phụ thuộc vào mỗi người dân của TP. ThS Nga khẳng định TP.HCM sẽ không có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu nếu mỗi người dân của TP đều đồng lòng tiêm chủng.

Lên kế hoạch tiêm vacxin bù

Đến nay TP.HCM mới có một ca mắc bệnh bạch hầu, trước đó ca này cũng mới đến TP.HCM. Qua điều tra dịch tễ cho thấy việc sinh hoạt, học tập của người này chỉ trong môi trường nội trú, không giao lưu với môi trường bên ngoài. Ca này mắc bệnh bạch hầu là do chích ngừa chưa đầy đủ.

Theo kế hoạch chung của chương trình mở rộng quốc gia, toàn quốc sẽ triển khai vắc xin Td (Uốn ván – bạch hầu) cho trẻ em dưới 7 tuổi tiêm thiếu hoặc bỏ sót mũi tiêm này. Hiện nay Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP đang tham mưu trình Sở Y tế ban hành kế hoạch để hoàn thành và sẽ triển khai tiêm vắc xin Td miễn phí cho tất cả trẻ em đủ tuổi tiêm vắc xin Td miễn phí vào khoảng tháng 10-2020. Hiện nay, TP đang điều tra, dịch tễ những trường hợp tiêm thiếu hoặc bỏ sót mũi tiêm này.

Mùa COVID-19 vừa qua, có vài tuần nước ta tạm phải ngưng hoạt động tiêm chủng do giãn cách xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình tiêm chủng của trẻ em dưới 1 tuổi, đã chậm một tháng so với tiến độ.

Vì vậy mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã triển khai kế hoạch tiêm bù và giao cho tất cả các trạm y tế phường, xã trong TP rà soát, thông báo và mời những người có con em chưa tiêm chủng đi tiêm chủng những mũi tiêm này, nhất là những vắc xin cơ bản như bạch hầu, ho gà, uốn ván phải tiêm chủng cho đầy đủ.

Như vậy, mỗi gia đình có trẻ em dưới 1 tuổi phải mở sổ tiêm ngừa của trẻ hoặc lấy mã số của trẻ gõ tên truy cập trong hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia xem trẻ đã tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván bắt buộc hay chưa? Nếu chưa thì phải đưa trẻ đi chích ngừa.

Đối với người lớn, chưa có thống kê nào về tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cho người ngoài tiêm chủng mở rộng. Tại nước ta việc tiêm chủng bạch hầu cho người lớn chưa phổ biến nên số người lớn không được bảo vệ đầy đủ đối với bạch hầu là không nhỏ.

Chích nhiều mũi

ThS Nguyễn Hiền Minh – phó giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm VNVC cho rằng người lớn ít tiêm nhắc lại văc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, đây là khoảng trống để mầm bệnh xâm nhập lại. Để đảm bảo hiệu quả của miễn dịch cộng đồng cần rà soát lại chương trình tiêm chủng của người dân.

Bên cạnh việc cơ quan y tế thực hiện các chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi miễn phí thì cần khuyến cáo người dân đưa trẻ và cả người lớn đi tiêm vắc xin phòng bệnh vì vắc xin có hiệu quả giảm theo thời gian nên ngay cả đã tiêm rồi cũng có thể không còn miễn dịch sau nhiều năm.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng như Hội Y học dự phòng Việt Nam đều khuyến cáo lịch tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván trong những độ tuổi như 4-7 tuổi, 9-12 tuổi và mỗi 10 năm một lần sau liều tiêm cuối cùng.

Trong trường hợp không nhớ đã được chích ngừa vắc xin phòng Bạch hầu hay chưa thì vẫn có thể tiêm vắc xin (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Gia Lai phát hiện 10 ca mắc bạch hầu, 1 ca tử vong

Ngày 5.7, Bệnh viện (BV) Nhi Gia Lai cho biết bệnh nhi V. (4 tuổi, ngụ xã Hải Yang, H.Đăk Đoa, Gia Lai) bị bệnh bạch hầu đã tử vong vào 2 giờ cùng ngày.

Trước đó, cháu V. nhập viện vào cuối giờ chiều 3.7 với các triệu chứng: sốt, ho, đau họng. Người nhà đã tự mua thuốc về cho cháu uống từ 6 ngày trước nhưng bệnh không giảm mà có chiều hướng nặng hơn nên đã chuyển cháu đến BV. Cháu V. được các bác sĩ của BV Nhi Gia Lai chẩn đoán bị viêm họng, amidal, thanh quản giả mạc, viêm phổi.

Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu V. bị giả mạc hầu họng trực khuẩn (Gram +) dạng hình chùy, được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu. Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp tối ưu để điều trị nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, cháu V. đã tử vong.

Chiều cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết trong số 26 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhi V. được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên xét nghiệm, có 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu. Trong đó có cha, mẹ và họ hàng, người quen của cháu V.

Trong sáng 5.7, BV Nhi Gia Lai tiếp tục tiếp nhận thêm 4 trường hợp có những triệu chứng như viêm họng, giả mạc, sốt từ làng Bông Hiot, xã Hải Yang. Các bệnh nhân nhập viện gồm 2 mẹ con có độ tuổi là 10 và 33 cùng hai bệnh nhân khác có tuổi 10, 11. Hiện BV đang triển khai khẩn trương các biện pháp điều trị tích cực, đồng thời đưa mẫu đi xét nghiệm để kiểm tra xem có bị bệnh bạch hầu hay không.

Cũng trong sáng 5.7, đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên cùng ngành y tế Gia Lai đã đến xã Hải Yang khảo sát, triển khai các biện pháp khẩn cấp dập dịch. Trước mắt, nhân viên y tế tập trung khám sàng lọc, điều trị kháng sinh dự phòng cho người dân xã Hải Yang; điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

Tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, xã Hải Yang, UBND H.Đăk Đoa đã thành lập chốt kiểm dịch, hạn chế người ra vào để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng thời, ngành y tế Gia Lai sẽ đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên hỗ trợ vắc xin để triển khai tiêm phòng cho người dân trong thời gian tới.

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 5.7, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo khẩn trương phun dung dịch khử khuẩn môi trường cho toàn xã Hải Yang, cho người dân trong làng uống thuốc dự phòng và khám sàng lọc cho toàn bộ người dân trong xã. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên vì nếu có thể, sẽ cho người dân sử dụng vắc xin để ngăn ngừa bệnh bùng phát, lây lan” (Thanh niên, trang 22).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/9/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 17/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 21/9/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận