Điểm báo ngày 17/2/2022

(CDC Hà Nam)
Gia tăng trẻ mắc COVID-19: Bảo vệ nghiêm ngặt nhóm trẻ có bệnh nền; TP. HCM: tăng cường 300 bác sĩ trẻ cho trạm y tế phường, xã; Mỗi năm tăng hơn 3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; Nước ta có thêm 34.723 ca Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố trong 24 giờ qua…

Gia tăng trẻ mắc COVID-19: Bảo vệ nghiêm ngặt nhóm trẻ có bệnh nền

Các chuyên gia nhận định, tỉ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn người lớn, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ mắc COVID-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì…
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Cả nước ghi nhận 165 trẻ tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: “Những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19”.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết tính đến ngày 7/2, trong tổng số 516.163 ca mắc COVID-19 của TPHCM có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 tại TPHCM cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách li tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện bệnh viện đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19. Thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Thống kê cho thấy Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ nặng, nguy kịch.

TS Nguyễn Trọng Khoa cho hay: “Rất may số tử vong ở trẻ em rất ít. Tuy nhiên chúng ta phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này nhiễm COVID-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn”.

Không chủ quan

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 cho biết: “Tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Bệnh nhìn chung nhẹ hơn người lớn nhưng không được chủ quan”.

Bác sĩ Hiếu đưa ra các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mạn; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

Đối với việc điều trị, chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh cần phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng, điều trị các triệu chứng thông thường và tránh lây nhiễm chéo trong gia đình. “Lợi ích điều trị tại nhà, đó là trẻ được chăm sóc trong vòng tay người thân, không bị thay đổi môi trường sống, ít ảnh hưởng tới tâm lí và hạn chế quá tải y tế không cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Nâng cao năng lực, kĩ năng thực hành y khoa

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ để phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kĩ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh khác phù hợp.

“Các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, bố trí phòng cách li tạm thời tại các trường học, phòng học dự phòng trong tình huống có học sinh nghi nhiễm, nhiễm SARS-CoV-2”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói thêm.

Các chuyên gia y tế cho rằng y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kĩ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết… Đối với các cơ sở điều trị tầng 2 và tầng 3 cần nâng cao năng lực điều trị nhi khoa mắc COVID-19, chuẩn bị sẵn một số cơ sở vật chất, trang thiết bị về hồi sức nhi trong trường hợp nhu cầu hồi sức cấp cứu tăng. (Tiền phong, trang 3).

 

TP. HCM: tăng cường 300 bác sĩ trẻ cho trạm y tế phường, xã

Sáng 16-2, Sở Y tế TPHCM tổ chức lễ đón bác sĩ trẻ về tăng cường y tế cơ sở năm 2022. Tham dự buổi lễ ở điểm cầu chính tại UBND quận 12 có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Buổi lễ được kết nối trực tuyến đến 21 điểm cầu tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tại các điểm cầu này có các đồng chí tham dự: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội Chính Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu tại lễ đón bác sĩ trẻ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ, hôm nay, TPHCM có 2 sự kiện quan trọng, nhiều ý nghĩa khi vừa tổ chức lễ tiễn các bạn trẻ lên đường nhập ngũ và lễ đón các bác sĩ trẻ về cơ sở, tăng cường nhân lực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, một về cơ sở làm nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên hoan nghênh các bác sĩ trẻ bằng tình cảm trân quý và gửi lời cám ơn chân thành, chúc các bác sĩ trẻ luôn có nhiều năng lượng, vượt mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ, TPHCM đã qua những ngày tháng căng thẳng, cam go và khốc liệt khi ứng phó với đại dịch Covid-19. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố đã khẩn trương triển khai kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, TPHCM xác định chiến lược về y tế là trụ cột, bao trùm, xuyên suốt, làm nền tảng cho các chiến lược, kế hoạch khác, với mục tiêu là nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ điều trị người mắc Covid-19 tại cộng đồng; bảo đảm người dân được tiếp cận chăm sóc y tế sớm nhất, thuận tiện nhất… (Tiền phong, trang 7; Thanh niên, trang 5).

 

Mỗi năm tăng hơn 3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế

Ngày 16-2, nhân kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập (16/2/1995 – 16/2/2022), Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về quá trình thực hiện, đưa các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp vào đời sống. Nổi bật là hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH từng bước hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng. Dẫn chứng là, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên 15,1 triệu người vào cuối năm 2021 (gấp gần 6,6 lần). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách), lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp hơn 240 lần so với năm 2008), bình quân mỗi năm tăng hơn 100.000 người.

Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 – năm đầu tiên thực hiện chính sách, lên 13,4 triệu người vào cuối năm 2021, bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.

Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Từ năm 1995 đến hết năm 2021, toàn ngành đã giải quyết cho 135,7 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 5 triệu lượt người hưởng).

Với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, những năm qua đã có hơn 8,7 triệu người hưởng; còn chính sách BHYT có hơn 2,21 tỷ lượt người được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, hiện nay, hằng tháng, ngành BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với số người hưởng năm 1995).

Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành BHXH Việt Nam chú trọng cải cách thủ tục hành chính. Số lượng thủ tục hành chính giảm từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 25 thủ tục vào cuối năm 2021; 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành đạt kết quả ấn tượng. Ngành hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT. Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc…

Những kết quả đạt được của ngành BHXH thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, người lao động được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, có lương hưu khi tuổi già… (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tiếp nhận thiết bị phát hiện, chẩn đoán nhanh bệnh lao

Tại Hà Nội, ngày 16-2, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trao tặng thêm các thiết bị phát hiện, chẩn đoán nhanh bệnh lao và thuốc điều trị lao với tổng trị giá khoảng 3 triệu USD cho Bệnh viện Phổi trung ương.

Hiện tại, Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới với 172.000 người mắc lao và hơn 10.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm. Tại nước ta, mỗi năm có khoảng 40% ca mắc lao mới không được phát hiện và điều trị.

Để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong việc phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao, đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong đợt này, USAID đã trao tặng 38 máy chẩn đoán lao nhanh, 90.000 bộ xét nghiệm kèm theo và 10 máy X-quang kỹ thuật số siêu nhẹ có kết hợp trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, USAID còn trao tặng thuốc điều trị cho 15.000 bệnh nhân lao tiềm ẩn với liệu trình điều trị 3 tháng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Nước ta có thêm 34.723 ca Covid-19 tại 63 tỉnh, thành phố trong 24 giờ qua

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 34.737 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca nhập cảnh và 34.723 ca trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó). Trong khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng, thì số ca mắc Covid-19 tử vong giảm mạnh, còn 66 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 15-2 đến 16h ngày 16-2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 34.737 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca nhập cảnh và 34.723 ca trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (gồm có 25.026 ca tại cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (3.888), Thái Nguyên (2.497), Hải Dương (1.598), Quảng Ninh (1.536), Hải Phòng (1.487), Phú Thọ (1.332), Ninh Bình (1.316), Nam Định (1.281), Vĩnh Phúc (1.274), Bắc Ninh (1.209), Nghệ An (1.188), Hòa Bình (974), Thái Bình (836), Bình Định (805), Thanh Hóa (781), Sơn La (770), Lào Cai (769), Đà Nẵng (743), Bắc Giang (711), Hưng Yên (648), thành phố Hồ Chí Minh (620), Quảng Nam (606), Yên Bái (595), Quảng Bình (574), Lạng Sơn (552), Hà Tĩnh (417), Khánh Hòa (412), Tuyên Quang (395), Quảng Trị (391), Đắk Lắk (384), Lâm Đồng (362), Phú Yên (316), Bà Rịa – Vũng Tàu (298), Gia Lai (275), Cao Bằng (269), Bình Phước (264), Thừa Thiên – Huế (258), Quảng Ngãi (245), Hà Nam (229), Đắk Nông (179), Kon Tum (171), Điện Biên (166), Cà Mau (128), Lai Châu (122), Bình Thuận (119), Hà Giang (118), Đồng Nai (87), Bạc Liêu (78), Bình Dương (76), Vĩnh Long (69), Bến Tre (65), Bắc Kạn (56), Tây Ninh (31), An Giang (27), Đồng Tháp (24), Sóc Trăng (19), Long An (18), Cần Thơ (15), Trà Vinh (13), Hậu Giang (12), Kiên Giang (11), Ninh Thuận (10), Tiền Giang (4).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Thái Nguyên (tăng 1.203 ca), Quảng Ninh (tăng 290 ca), thành phố Hồ Chí Minh (tăng 279 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Lạng Sơn (giảm 232 ca), Hải Dương (giảm 209 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (giảm 196 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 28.869 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.606.824 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.396 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.599.624 ca, trong đó có 2.246.338 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (517.097), Bình Dương (293.277), Hà Nội (179.931), Đồng Nai (100.228), Tây Ninh (88.867).

Về tình hình điều trị, có thêm 6.882 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.249.155 ca. Ngoài ra, hiện có 2.826 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 2.122 ca thở ô xy qua mặt nạ, 315 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 79 ca thở máy không xâm lấn, 292 ca thở máy xâm lấn và 18 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 15-2 đến 17h30 ngày 16-2, nước ta ghi nhận 66 ca tử vong tại: Thành phố Hồ Chí Minh (2), Hà Nội (15), Thanh Hóa (10 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (5), Quảng Nam (4), Vĩnh Long (4), Bình Thuận (3), Bắc Giang (2), Bình Định (2), Đồng Tháp (2), Hòa Bình (2), Lạng Sơn (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Cà Mau (1), Đồng Nai (1), Gia Lai (1), Ninh Bình (1), Phú Thọ (1), Phú Yên (1), Quảng Bình (1), Quảng Ngãi (1), Tây Ninh (1), Thái Nguyên (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 82 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.188 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Không chủ quan dù tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 tử vong thấp

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ; tỷ lệ tử vong thấp hơn người lớn, song có ghi nhận tử vong và tiềm ẩn nguy cơ trẻ diễn biến nặng, nguy kịch. Học sinh trở lại trường, đặc biệt là học sinh từ 5-11 tuổi chưa tiêm vaccine, nguy cơ mắc COVID-19 rất cao, đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ có bệnh nền, thừa cân, béo phì. Làm thế nào để phòng ngừa cho trẻ em là điều mà nhiều phụ huynh đang lo lắng.

Tỷ lệ tử vong chiếm 0,42%

Khi khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về cho trẻ tới trường, nhiều phụ huynh cho biết, trẻ mắc COVID-19 thường triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với người lớn, đặc biệt trẻ nặng, nguy kịch và tử vong thấp. “Tôi nghĩ con đã tiêm 2 mũi vaccine nên ủng hộ việc cho con đến trường trở lại”, một phụ huynh ở quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ. Theo nhiều phụ huynh có con học tiểu học ở 12 quận nội thành của Thủ đô đang khá lo lắng khi các con chuẩn bị đến trường vì các con chưa tiêm, nhiều anh chị lớn sau khi đến trường đã mắc COVID-19.

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ mắc COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/2, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13 – 17 tuổi 0,11%; 6 – 12 tuổi 0,1% và 0 – 2 tuổi 0,18%.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) TS Nguyễn Trọng Khoa, tính đến ngày 7/2, trong tổng số 516.163 ca mắc COVID-19 của TP Hồ Chí Minh có 32.429 F0 là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, chiếm tỉ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48 ca/tổng số ca tử vong cộng dồn 20.379 người (chiếm 0,23% tổng số ca tử vong). Tỉ lệ tử vong/mắc 0,15%. Qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Hiện bệnh viện này đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19, thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có tổng 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ nặng, nguy kịch. BS Nguyễn Mạnh Trường, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo ghi nhận trẻ em mắc COVID-19 bệnh nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, tại Khoa Nhi vẫn tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở oxy mask, có những trường hợp phải thở máy.

Theo ghi nhận, trẻ em mắc COVID-19 có tử vong. Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ, tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Thở máy, lọc máu do hậu COVID-19

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gần đây gặp một số trường hợp nặng và tử vong, do trẻ này nằm trong nhóm nguy cơ cao. Các bệnh nhi nguy cơ cao khi mắc COVID-19 thường tiến triển nặng hơn nhóm khác và gặp một số biến chứng đáng lo ngại. Ngay cả khi khỏi COVID-19, nhiều trẻ gặp phải hội chứng hậu COVID-19 khá nặng nề.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương thường có khoảng 6-10 trẻ nhập viện cấp cứu vì hậu COVID-19. Các cháu vào nhập viện trong tình trạng rất nặng. Sáng 16/2, tại Khoa Điều trị tích cực của Bệnh viện, có 2 bệnh nhi đang điều trị hậu COVID-19 tại đây. Một bé ở Bắc Giang (8 tuổi) và 1 cháu ở Hải Phòng (7 tuổi) trước đó nhiễm COVID-19, sau khi khỏi bệnh, các cháu có những dấu hiệu bệnh nặng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc, suy giảm chức năng tim mạch, huyết áp giảm, có rối loạn đông máu.

“Các cháu được chấn đoán hội chứng Mis-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em) và được tiến hành điều trị theo phác đồ Mis-C Bộ Y tế ban hành. Cả hai cháu đều phải thở máy, riêng bé ở Hải Phòng phải điều trị chống sốc, lọc máu, sử dụng nhiều thuốc vận mạch… Sau điều trị, sức khỏe cháu tiến triển tốt, bé ở Bắc Giang đã cai thở máy, dừng thuốc vận mạch, được theo dõi chức năng tim mạch. Sau 1-2 ngày nữa tình trạng ổn có thể ra viện và tiếp tục theo dõi nội trú, sau 1 tháng chúng tôi sẽ kiểm tra đánh giá chức năng tim mạch của cháu. Cháu bé ở Hải Phòng đến sáng nay chức năng thận được cải thiện, bỏ được lọc máu, tuy nhiên cháu vẫn còn thở máy”, TS. Đậu Việt Hùng, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm đa hệ ở trẻ em là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Vì vậy, việc tiêm chủng có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, tuy tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc COVID-19 rất ít, song phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này nhiễm COVID-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh mở cửa, thích ứng linh hoạt an toàn với dịch, số ca mắc trong cộng đồng sẽ còn cao, việc tiêm vaccine cho trẻ là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với trẻ 5-11 tuổi, để phòng, chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhóm lứa tuổi này khi các em mắc COVID-19.

Để giảm nguy cơ trẻ mắc COVID-19, các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, nhắc nhở tuyên truyền các em thực hiện 5K, bố trí phòng cách ly tạm thời tại các trường học… Y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện. (Công an nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Bệnh viện 30-4: Khai trương phòng khám điều trị hội chứng hậu COVID-19

Sáng 16/2, Phòng khám Y học Cổ truyền (YHCT) điều trị hội chứng hậu COVID-19 tại Bệnh viện 30-4 đã chính thức đi vào hoạt động.

Theo Đại tá Vũ Hải Nam, Giám đốc Bệnh viện 30-4, đợt dịch COVID-19 thứ 4 vừa qua đã tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Hiện tại tình hình COVID-19 đã tạm thời kiểm soát, số ca nặng nhập viện và tử vong do SARS-CoV-2 gây ra liên tục giảm. Tuy nhiên bệnh để lại hậu quả nặng nề với hội chứng COVID kéo dài và có các triệu chứng mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, mất vị giác, khứu giác, đau cơ, đau khớp, mất ngủ…Các ứng dụng chữa bệnh bằng phương pháp YHCT của Việt Nam vốn có từ lâu đời, được phổ biến rộng rãi với nhiều các bài thuốc, vị thuốc cùng với các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh và điều trị bệnh hiệu quả cho nhân dân. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hậu COVID-19 trong tình hình hiện tại, Bệnh viện 30-4 khai trương phòng khám hậu COVID-19 kết hợp phương pháp YHCT và Y học hiện đại để kịp thời phục vụ cho Cán bộ chiến sỹ và nhân dân trong khu vực. Mục đích là điều trị giảm nhẹ, và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19. BS Đỗ Thanh Liêm, Trưởng khoa YHCT phụ trách Phòng khám hậu COVID-19 của BV 30-4 cũng cho biết, trong thời gian gần đây, số ca xin vào Bệnh viện điều trị hậu COVID-19 gia tăng với nhiều triệu chứng như: đau đầu, giảm trí nhớ, mệt mỏi, hụt hơi, đau nhức cơ khớp…Nhiều bệnh nhân bị mất vị giác kéo dài. Hội chứng hậu COVID-19 làm suy giảm rõ rệt chất lượng của cuộc sống của bệnh nhân. Việc ứng dụng phương pháp Đông y có nhiều biện pháp không dùng thuốc như xoa bóp, châm cứu, dưỡng sinh, để giải quyết cho các triệu chứng trên của người bệnh hậu COVID-19 cho thấy rất có hiệu quả.

Cũng theo BS Liêm, qui trình điều trị cho thấy, có bệnh nhân nhẹ thì điều trị 1 vài tuần. Có người bệnh nặng thì thực sự phải cần chiến lược điều trị lâu dài. Ngoài ra, còn cần phải kết hợp nhiều chuyên khoa: hô hấp, tim mạch, tiêu hoá, trị liệu… Đặc biệt khoa YHCT của Bệnh viện hiện đã xây dựng những bài tập thở cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân tổn thương phổi khi bị COVID-19. Đồng thời xây dựng chế độ thực dưỡng YHCT, gồm cả bài thuốc và món ăn giúp bệnh nhân hồi phục cả về cơ thể và tinh thần. (Công an nhân dân, trang 4).  

 

Cách triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả cho trẻ em

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tập trung đánh giá một cách toàn diện, khoa học khách quan và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất được tổng hợp gần đây, tỷ lệ biến chứng nặng do Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chỉ ở mức 5% so với 10% ở người lớn. Tuy nhiên, tình trạng viêm đa cơ quan gặp ở nhóm này và điều trị không hề đơn giản. Ngoài ra, các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ không nhỏ hội chứng hậu Covid-19 cũng ghi nhận ở trẻ em, theo đó, trẻ có biểu hiện mệt mỏi hoặc nhanh mệt khi làm việc, học tập, khó tập trung (dấu hiệu sương mù não). Đây là trở ngại lớn đối với việc học tập và thời gian các triệu chứng này tồn tại khá dài, từ vài tuần đến vài tháng sau đó. Trước sự lây lan mạnh của các biến thể, trong khi nhóm trẻ lớn và người lớn đã được bảo vệ bằng vắc-xin nhưng vẫn duy trì khả năng lây nhiễm, số trường hợp mắc ở lứa tuổi nhỏ ngày một tăng, kèm theo số lượng trường hợp nặng và nguy kịch cũng tăng theo, do đó, các địa phương chịu áp lực lớn trong quyết định mở cửa trở lại của các trường học. Không ít trường vừa mở cửa đã ngay lập tức phải đóng vì số ca mắc trong trường học tăng cao.

Tại Mỹ, kể từ khi vắc-xin phòng Covid-19 được cung cấp cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào đầu tháng 11/2021, nhiều gia đình đã xếp hàng để đưa trẻ em đi tiêm phòng trước khi đi du lịch và tụ tập vào kỳ nghỉ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chỉ ra lợi ích của việc tiêm chủng vượt xa các nguy cơ rủi ro có thể gặp phải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã rà soát cơ sở dữ liệu về các tác dụng phụ và không tìm thấy bất kỳ báo cáo nào về tình trạng biến cố bất lợi nặng của những trẻ từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Một số bang tại Mỹ đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh. Toàn bộ dữ liệu tiêm chủng sẽ được thu thập, bao gồm số lượng học sinh được tiêm chủng đầy đủ, được tiêm một mũi và chưa được tiêm chủng, sau đó phụ huynh của các học sinh chưa được tiêm chủng sẽ được nhà trường vận động, khuyến khích để đưa các em đi tiêm.

Nhiều nước ở châu Âu cũng đã tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, nhưng mỗi quốc gia lại theo đuổi các chiến lược rất khác nhau. Pháp và Đức chỉ ưu tiên tiêm chủng cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, gồm trẻ bị thừa cân hoặc có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, trong khi Đan Mạch tiêm chủng cho tất cả trẻ em. Trở ngại lớn nhất vẫn thuộc về các bậc cha mẹ. Việc thiếu dữ liệu về sự ảnh hưởng của vắc-xin đối với trẻ em là lý do chính cho sự chần chừ quyết định tiêm chủng, một số bậc cha mẹ đã lo ngại về các báo cáo liên quan đến tác dụng phụ hiếm gặp của vắc-xin ở người lớn… Trước tình hình đó, Pfizer và BioNTech đã thông báo không có lo ngại về an toàn nghiêm trọng nào liên quan đến vắc-xin đã được xác định trong các thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù thời gian triển khai khác nhau, nhưng hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều chuẩn bị kế hoạch thu hút sự quan tâm của phụ huynh cùng các em nhỏ đối với việc tiêm chủng.

Tại châu Á, Singapore đã phê duyệt vắc-xin Pfizer-BioNTech/Comirnaty Covid-19 để sử dụng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Còn hầu hết các quốc gia châu Phi có sự chậm trễ, khó khăn trong việc triển khai vắc-xin phòng Covid-19 ở đối tượng hơn 18 tuổi, cho nên khi triển khai trên đối tượng trẻ em còn gặp nhiều trở ngại hơn nữa. Việc triển khai tiêm chủng chậm do nhiều nguyên nhân như quỹ vắc-xin hạn chế, những lo ngại chung quanh sự an toàn và không chắc chắn của vắc-xin, không có khả năng tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương kịp thời, các vấn đề chung quanh chiến tranh và xung đột… Đặc biệt, yêu cầu bảo quản của vắc-xin Pfizer là phải được lưu giữ ở nhiệt độ âm sâu (-90 đến -60°C), trong khi thiếu nguồn kinh phí để cung cấp và duy trì dây chuyền lạnh cũng là trở ngại lớn khiến cho vắc-xin này chỉ được tiêm cho trẻ em ở một số ít quốc gia châu Phi…

Tại nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. Hiện nay Bộ Y tế đang tập trung đánh giá toàn diện cũng như thường xuyên tham khảo Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm từ các nước đang tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Từ kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới triển khai vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, chương trình tiêm chủng tại Việt Nam cần tiến hành với kế hoạch và chiến lược phù hợp. Trước tiên, cần tăng cường hợp tác với các cộng đồng để quảng bá vắc-xin là đáng tin cậy thay vì chỉ yêu cầu cộng đồng tin tưởng. Thông qua nỗ lực đó, cần tập trung xây dựng độ tin cậy của vắc-xin. Chính các thầy thuốc là nguồn thông tin đáng tin cậy về thông tin vắc-xin phòng Covid-19, bản thân họ cũng cần có nhận thức đầy đủ nhất về giá trị của vắc-xin và từ đó lan tỏa thông tin, nhưng họ không phải là nguồn duy nhất. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng điều quan trọng là phải dựa vào chuyên môn và tiếng nói của các đối tác tại cộng đồng.

Phương tiện truyền thông xã hội cũng là một cách hiệu quả để tiếp cận thanh thiếu niên có thể tự quyết định xem họ có muốn tiêm vắc-xin Covid-19 mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Thanh thiếu niên cũng có thể ảnh hưởng đến cha mẹ và các thầy thuốc cũng cần sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp quan trọng này.

Công tác chuẩn bị về chuyên môn không khác nhiều so với giai đoạn triển khai cho trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, công tác tập huấn, lập kế hoạch và triển khai cần phải làm một cách thận trọng. Theo đó, cán bộ y tế không chỉ dừng lại ở tư vấn cho đối tượng tiêm chủng mà cần tư vấn cả cho cha mẹ của trẻ để có thể theo dõi trẻ tại nhà một cách cẩn trọng và sẵn sàng hỗ trợ khi được yêu cầu.

Đáng chú ý, hiện nay các bậc cha mẹ nhận được rất nhiều thông tin về bệnh ở trẻ em cũng như vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Không ít thông tin trong đó bị sai lệch về vắc-xin Covid-19 có thể khiến họ cảm thấy quá tải. Các bậc cha mẹ nên tin tưởng vào truyền thông chính thống và có thể trò chuyện với con cái về thông tin của phương tiện truyền thông và đánh giá thông tin đó. Và họ có thể nói chuyện với trẻ về cách tiêm vắc-xin có thể bảo vệ cho bản thân và những người khác. Tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên là rất quan trọng để tăng cường sức khỏe và thể chất của họ, cũng như tiến gần hơn đến việc chấm dứt đại dịch. (Nhân dân, trang 5).

 

Số ca mắc COVID cao, bệnh nhân chuyển nặng có tăng không?

Số người mắc COVID-19 liên tục tăng, bệnh nhân chuyển nặng có gia tăng hay không? Ghi nhận của PV Báo SK&ĐS tại một số địa phương.

Thanh Hóa: Bệnh nhân COVID nặng gia tăng

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 của tỉnh Thanh Hóa tăng cao, trung bình 700-800 ca mắc mỗi ngày.

ThS. BS Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau Tết, bên cạnh sự gia tăng số lượng ca mắc COVID-19 nhẹ không triệu chứng, các ca COVID-19 nặng phải nhập viện cũng tăng cao.

Hôm qua, 14/2, Bệnh viện có 254 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong đó có 34 bệnh nhân nặng và nguy kịch (gồm 30 bệnh nhân thở oxy mask, gọng kính; 03 bệnh nhân thở ô xy nồng độ cao HFNC và thở máy xâm lấn); có 77 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nhẹ.

Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, 15/2, số bệnh nhân nhập viện điều trị tăng lên 300 ca, trong đó bệnh nhân nặng và nguy kịch là 49 trường hợp (gồm 45 trường hợp thở oxy mask, gọng kính; 01 trường hợp thở HFNC; 03 trường hợp thở máy xâm lấn), bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng mức độ trung bình tăng từ 77 ca lên 103 ca bệnh.

Hiện, Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 Thanh Hóa đang điều trị cho 16 bệnh nhân COVID-19 là phụ nữ mang thai, 67 trường hợp người cao tuổi trên 65 tuổi và 120 bệnh nhân có bệnh nền hoặc nguy cơ khác.

Phần lớn các ca bệnh nặng là những trường hợp mang thai, người cao tuổi có bệnh nền. Do vậy, bác sĩ Dũng khuyến cáo người dân không nên chần chừ việc tiêm vaccine COVID-19.

Tính từ đầu đợt dịch lần 4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 30.783 bệnh nhân COVID-19; trong đó có 26.579 người điều trị khỏi được ra viện; 39 bệnh nhân tử vong.

Về công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 địa phương này đã tiếp nhận 5.589.148 liều vaccine phòng COVID-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm chủng với 2.384.531 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,6%, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 đạt tỷ lệ 98,2%; tỷ lệ trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 99,3%; tiêm đủ mũi đạt 98,2%; đã có 330.284 người tiêm mũi bổ sung và 123.757 người tiêm mũi nhắc lại.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh việc khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5k, không tập trung đông người, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiêm mũi 3 vaccine COVID-19, đồng thời tổ chức các tổ tiêm lưu động khẩn trương tiêm vét vaccine tại nhà cho những người chưa được tiêm đủ vaccine vì lý do sức khỏe không thể đến nơi tiêm tập trung; đảm bảo không bỏ sót người đủ điều kiện mà không được tiêm vaccine.

Bên cạnh đó triển khai và mở rộng việc điều trị COVID-19 tại nhà cho những bệnh nhân không triệu chứng tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: Quá tải bệnh nhân COVID-19 nặng

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Nghệ An đang diễn biến hết sức phức tạp, số lượng bệnh nhân không ngừng tăng, đặc biệt là bệnh nhân nặng đã gây nên tình trạng quá tải cho các cơ sở điều trị. Ngành y tế Nghệ An đã tăng cường các giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Cách đây hơn 10 ngày, Trung tâm bệnh nhiệt đới, thuộc Bệnh viện HNĐK Nghệ An – Đơn vị tuyến cuối tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch của tỉnh Nghệ An còn nhiều giường trống.

Tuy nhiên, sau Tết nguyên đán, số lượng bệnh nhân nặng tăng đột biến. Một tuần trở lại đây, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 30 đến 40 bệnh nhân nặng từ tuyến huyện và 2 bệnh viện dã chiến chuyển đến điều trị, từ đó đã dẫn đến tình trạng quá tải.

Mặc dù, trung tâm đã bố trí cả phòng nghỉ tạm, phòng làm việc của nhân viên y tế để làm phòng điều trị cho bệnh nhân nhưng cũng không đáp ứng đủ giường bệnh cho bệnh nhân.

BS Bùi Tiến Hoàn – Phó khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Trung tâm được giao chỉ tiêu 100 giường bệnh, tuy nhiên đến thời điểm này, số giường bệnh thực kê là 150 giường, nhưng do bệnh nhân nặng sau Tết tăng cao nên hiện nay không còn giường trống”.

Theo báo cáo của Trung tâm bệnh nhiệt đới Nghệ An đến 8h sáng 15/2, trung tâm đang điều cho 198 bệnh nhân COVID-19 (02 F1), trong đó có 18 bệnh nhân nguy kịch (Thở máy xâm nhập: 02; Thở máy không xâm nhập: 02; Thở oxy dòng cao HFNC: 02). Ngoài ra, còn có 95 bệnh nhân nặng theo dõi; 85 bệnh nhân trung bình; 34 bệnh nhân có thai và hậu sản, 21 trẻ em; Ung thư: 05; Chạy thận chu kỳ: 10.

Trong số bệnh nhân điều trị ở đây có 12 bệnh nhân trên 90 tuổi; 15 bệnh nhân 80 – 89 tuổi; 15 bệnh nhân 70 – 79 tuổi; 14 bệnh nhân 60 – 69 tuổi. Nhiều bệnh nhân già yếu và không có khả năng tự sinh hoạt.

Số lượng bệnh nhân nặng tăng lên đồng nghĩa với áp lực công việc của nhân viên y tế cũng tăng theo, mỗi nhân viên y tế phải làm bằng 3 bằng 4 lẫn bình thường.

“Vì lượng bệnh nhân trong toàn tỉnh tăng cao, theo đó số bệnh nhân nặng cũng tăng nên dẫn đến tình trạng quá tải. Trong khu vực điều trị bệnh nhân nặng nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ thay quần áo, ăn uống, đi vệ sinh… bình thường 1 nhân viên y tế chỉ chăm 1 người bệnh, nhưng hiện nay 1 nhân viên y tế phải chăm 4-5 bệnh nhân, làm việc luôn tay, luôn chân không có thời gian nghỉ, áp lực là rất lớn”. TS Quế Anh Trâm, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (BV HNĐK Nghệ An) chia sẻ.

Theo báo cáo của ngành y tế Nghệ An tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 35.566 ca mắc COVID-19, phần lớn trong số này được phát hiện trong vòng 1 tháng qua; Lũy kế số bệnh nhân (BN) điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 16.699 BN. Lũy kế số BN tử vong là 62 BN. Số BN hiện đang điều trị là 18.805 BN.

Hiện nay, mỗi ngày trung bình Nghệ An ghi nhận số F0 đã vượt 2.000 ca. Đơn cử trong 24h qua (từ 06 h ngày 14/2 đến 06h ngày 15/2), Nghệ An ghi nhận 2.287 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 581 ca cộng đồng…các chuyên gia nhận định, số người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn rất lớn. Do không làm xét nghiệm diện rộng và phần lớn ca bệnh lại không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không phát hiện ra.

Trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành y tế Nghệ An đã đề nghị các địa phương tăng cường rà soát, phát hiện các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp có triệu chứng để phân loại người mắc. Vận động người trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước khai báo y tế.

Khánh Hòa: Người mắc COVID-19 chuyển nặng… thấp!

Tỉnh Khánh Hòa, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay số ca mắc COVID-19 rất cao. Tuy nhiên số bệnh nhân chuyển biến nặng lại ít, chủ yếu triệu chứng nhẹ, không triệu chứng. Địa phương này cũng triển khai điều trị F0 tại nhà từ rất sớm, các túi thuốc được cấp phát kịp thời nên bệnh nhân nhanh chóng trở về âm tính.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa, các phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó kết hợp động viên tâm lý, trang bị các kiến thức về dịch bệnh cho bệnh nhân.

Song song với đó, mức độ bao phủ vaccine COVID-19 ở địa phương diễn ra nhanh chóng. Tiêm chủng an toàn cho mọi đối tượng nên người dân cũng tự tin, thích ứng an toàn với COVID-19.

Thống kê đến hết ngày 13/2, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở Khánh Hòa là 2.671.274 liều. Trong đó mũi 1 là 1.089.386 người, mũi 2 là 1.078.306 người, mũi 3 là 700.903 người.

Tính theo độ tuổi thì tỷ lệ tiêm chủng ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên mũi 1 đạt tỷ lệ 102,29%; mũi 2 đạt tỷ lệ 101,69%; mũi đạt tỷ lệ 73,55%. Trẻ em độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 114.641 em, đạt tỷ lệ 100,32%; mũi 2 là 109.220 người đạt tỷ lệ 95,58%.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hòa cũng thông tin, trong đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến hết ngày 14/2, số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 64.253 ca. Hiện chỉ có 01/09 huyện, thị xã, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới đó là Trường Sa.

Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 thì đã có 62.870 ca được điều trị khỏi, ra viện. Đến hết ngày 14/2, chỉ còn 1.420 đang điều trị trong các cơ sở y tế. Trong đó chủ yếu là nhẹ và không có triệu chứng. Ngoài bệnh nhân ở cơ sở y tế, số bệnh nhân đang điều trị tại nhà ở Khánh Hòa là 1.229.

Dù bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay ở Khánh Hòa đều nhẹ, không có triệu chứng nhưng ngành y tế địa phương vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để điều trị, cấp cứu khi có bệnh nhân chuyển nặng hoặc tình huống bất thường xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Thủ tướng đề nghị Pfizer sớm cung ứng 22 triệu liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pfizer quan tâm thúc đẩy càng sớm càng tốt việc cung ứng 22 triệu liều vaccine dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam ngay trong những ngày tới, cố gắng hoàn thành hợp đồng cung cấp trong tháng 4, chậm nhất là tháng 5/2022.
Đêm 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có điện đàm với ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer. Đây là cuộc trao đổi thứ hai của Thủ tướng với người đứng đầu Pfizer kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao Tập đoàn Pfizer và cá nhân Ngài Chủ tịch Pfizer thời gian qua đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan của Việt Nam để hoàn thành cung ứng sớm và đầy đủ 51 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam theo đề nghị của Việt Nam tại cuộc điện đàm với Thủ tướng ngày 20/8/2021.

Với sự hợp tác chặt chẽ của Tập đoàn Pfizer và sự hỗ trợ kịp thời về vaccine của các nước, trong đó có Chính phủ Hoa Kỳ, Việt Nam đã triển khai thành công chiến lược vaccine thần tốc, chuyển sang chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả COVID-19, khôi phục các hoạt động sản xuất và phục hồi kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng chúc mừng những kết quả nghiên cứu và phát triển thành công các loại vaccine và thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer, đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua Việt Nam đã nhập vaccine của Pfizer tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, đến nay, mũi 1 đạt tỉ lệ gần 96%, mũi 2 đạt gần 90% và đây là sự cố gắng rất lớn. Điều này giúp trẻ em yên tâm và an toàn hơn khi đi học trở lại.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ em và tiếp tục thực hiện hiệu quả việc mở cửa lại trường học an toàn, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch, Giám đốc điều hành Pfizer quan tâm thúc đẩy càng sớm càng tốt việc cung ứng 22 triệu liều vaccine dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam ngay trong những ngày tới, cố gắng hoàn thành hợp đồng cung cấp trong tháng 4, chậm nhất là tháng 5/2022.

Thủ tướng cũng đề nghị Pfizer thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về quá trình phát triển các loại vaccine mới, đồng thời sớm cung ứng, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị chống lại các biến chủng virus mới. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn Pfizer triển khai chuyển giao và hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam và những đánh giá tích cực của Thủ tướng Phạm Minh Chính dành cho Tập đoàn Pfizer.

Ông Albert Bourla cho biết Pfizer cũng như cá nhân ông hết sức ấn tượng về những nỗ lực, thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine hiệu quả, tạo ra sự thay đổi bước ngoặt đối với sức khỏe của người dân Việt Nam.

Ông Albert Bourla khẳng định sẽ nỗ lực hết sức và tăng tốc việc thực hiện hợp đồng, cung cấp sớm nhất vaccine dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cho Việt Nam, cố gắng cung cấp trong những tuần tới với tiến độ nhanh nhất có thể.

Ông Albert Bourla cũng cho biết Pfizer có thể hợp tác với Việt Nam trong chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/2/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/6/2021

CDC Hà Nam