Virus biến đổi làm tăng khả năng nhiễm bệnh
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 2/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số lượng, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh. Kết quả giải trình tự gene cho thấy chủng virus mới xâm nhập vào Việt Nam có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. GS.TS Nguyễn Thanh Long phân tích: “Về chỉ số lây nhiễm, lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8 – 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây. Đặc biệt lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng nhiều. Bên cạnh đó, có số lượng lớn người đến Đà Nẵng, đến các bệnh viện ở Đà Nẵng.
Từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất là ở cụm bệnh viện tại Đà Nẵng (800.000 người đi qua khu vực này. Có khoảng 42.000 người đã từng đến đây chữa bệnh). Tới đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và PGS.TS Lê Quang Cường , nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cùng chung nhận định, dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn lây lan. Đặc biệt, trong lúc này mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”: Bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đi trên phương tiện giao thông công cộng, trong chung cư phải có nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…
Tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia thống nhất cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, cần giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương.
Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị địa phương tiến hành rà soát, phân loại để cho phép cách ly trường hợp F1 tại nhà (nếu đủ điều kiện); khu vực dân cư nào có đông trường hợp F1 thì tiến hành phong tỏa cả khu; lấy mẫu sớm trường hợp F1 để xét nghiệm; khẩn trương hoàn thành bệnh viện dã chiến để điều trị các ca bệnh nhẹ…
Triển khai xét nghiệm trên diện rộng
Trưa 2/8, tại cuộc giao ban với lãnh đạo các Sở Y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các chuyên gia đánh giá, nguy cơ ở Quảng Nam cũng cao khi tỉnh này ngày càng phát hiện thêm nhiều ca nhiễm. “Nhưng vụ dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do khiến Bộ Y tế đã hành động quyết liệt. Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó” – quyền Bộ trưởng Long nói.
Ông đề nghị TPHCM lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này, xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này. Nơi nào đã có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TPHCM để khẳng định. Thành phố không được để tình trạng người dân phải đợi 3-4 ngày mới được xét nghiệm.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, uớc tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh gần 50.000 người. Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm/ngày. Ngành y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng; thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, tập huấn để đảm bảo an toàn sinh học cho các phòng xét nghiệm.
Về test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định, trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung. Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.
Ngày 2/8 đội điều tra giám sát dịch của Bộ đã kiểm tra xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng là nơi có 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có 2 bệnh nhân được xác định lây lan trong cộng đồng. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đội trưởng đội điều tra giám sát dịch của Bộ Y tế nói, hiện chưa có manh mối, không có nguồn lây, không có dấu vết. “Qua báo cáo rõ ràng tình hình rất nguy hiểm. Mầm bệnh đã chui vào cộng đồng, nguy cơ sẽ lan sang cả làng, cả xã. Chúng ta phải rốt ráo, thần tốc cách ly F1”, TS. Dương nhận định.
Ngày 2/8, Bộ Y tế cho biết có thêm 34 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 1 bệnh nhân 100 tuổi. Trong ngày có thêm 3 địa phương có ca mắc đầu tiên trong cộng đồng là Hà Nam, Khánh Hòa và Ðồng Nai. Như vậy Việt Nam đã có 620 bệnh nhân COVID-19.
Cùng ngày, Việt Nam có 3 ca tử vong do COVID-19. Bệnh nhân 524, nữ, 86 tuổi, quê Quảng Nam có bệnh nền suy tim, suy thận mạn tính. Ca bệnh 475, 83 tuổi, quê Ðà Nẵng, bị thoái hóa đa khớp nằm một chỗ 6 năm nay, đã phẫu thuật dạ dày. Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân 429, nữ, 53 tuổi có tiền sử suy tim, suy thận mạn 5,5 năm, đái tháo đường type 2, điều trị tại Bệnh viện Ðà Nẵng (Tiền phong, trang 4).
Ngăn chặn bằng được những ổ dịch mới
Chiều 2-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 với sự tham dự của đầy đủ các bộ, ban ngành, địa phương trong cả nước.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay công tác chuẩn bị kỳ thi cơ bản đã sẵn sàng; các địa phương đang tổ chức in sao đề thi. Bộ GD-ĐT đã họp với các địa phương và hầu hết các địa phương đồng ý thi như kế hoạch (từ ngày 8 đến 10-8). Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh. Sau khi đã cân nhắc các phương án, Bộ GD-ĐT đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt.
Đợt 1, gồm những tỉnh thành không nằm trong diện nguy cơ cao, sẽ thi theo kế hoạch. Đợt 2, tổ chức thi sau là những địa phương nguy cơ cao, như Đà Nẵng, Quảng Nam. Những thí sinh có nguy cơ mắc Covid-19 (thuộc diện F1, F2) chưa thể thi đợt 1, sẽ thi cùng đợt với các tỉnh có nguy cơ cao. Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học xét tuyển đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, trong đó những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bí thư Thành ủy TP Hải Phòng Lê Văn Thành đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT. Hà Nội, Hải Phòng vẫn tổ chức thi bình thường nhưng đo thân nhiệt thí sinh và thí sinh phải sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, nếu Đà Nẵng hết dịch kịp đợt thi thứ 2 thì sẽ thi; còn nếu lúc đó chưa hết dịch, đề nghị cho Đà Nẵng không tổ chức thi tốt nghiệp THPT, đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12; Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường đại học có phương án phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh Đà Nẵng được xét tuyển.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định của pháp luật.
Không tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có ổ dịch
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kể từ ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng ngày 25-7 đến nay, có nhiều ca nhiễm mới và nguy cơ dịch lan rộng không chỉ ở Đà Nẵng mà cả một số địa phương khác. Thủ tướng đánh giá cao Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế, trực tiếp là các y bác sĩ, lãnh đạo TP Đà Nẵng về tinh thần kiên quyết ngăn chặn dịch lây lan, trong đó có biện pháp tăng cường lực lượng tinh nhuệ của các bệnh viện lớn cả nước, của Bộ Y tế hỗ trợ Đà Nẵng. Nhiều địa phương đã đa dạng cách làm trong việc khoanh vùng kịp thời những ca dương tính. Thủ tướng cũng đánh giá cao Hà Nội, TPHCM đã kiên quyết truy vết bằng công nghệ thông tin, xét nghiệm trên diện rộng và bước đầu kiểm soát được dịch. Tuy vậy, do dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam diễn biến phức tạp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ 2 địa phương này với lực lượng tinh nhuệ nhất. Dịch sẽ càng lan rộng nếu không có biện pháp kịp thời, quyết liệt; tinh thần là không được chủ quan, lơ là.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ có chỉ thị thay thế Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 để phù hợp hơn với bối cảnh mới; phải chủ động hơn trong khoanh vùng dập dịch. Cùng với đó, sẽ quản lý chặt chẽ biên giới, tăng cường quản lý cách ly. “Mọi biện pháp phải được đặt ra và sẵn sàng dồn sức vào những nơi trọng điểm để phòng chống một cách tốt nhất; hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Tinh thần là thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực vào các ổ dịch, tranh thủ từng giờ từng phút để lấy mẫu xét nghiệm”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu kêu gọi người dân có nguy cơ phải đi xét nghiệm, nhất là những trường hợp ho sốt phải đi kiểm tra kịp thời; bình tĩnh, chủ động, kiên quyết trên mọi mặt trận để ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch thứ hai; không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới không được ngăn chặn. “Chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang dao động, bị động; tiếp tục tinh thần chống dịch như chống giặc. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi người mỗi ngôi nhà là một pháo đài. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi mình cư trú”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý, các địa phương chưa thuộc diện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội; không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có dịch và cần tính toán chặt chẽ trước khi quyết định; không làm thái quá, ngăn sông cấm chợ, tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có phương án cụ thể, chưa có ổ dịch; cần tính toán giãn cách, cách ly xã hội với quy mô hợp lý. Theo Thủ tướng, với những ổ dịch cụ thể thì phải làm kiên quyết trong phạm vi thôn xóm; còn không phải ổ dịch thì mở cửa hoạt động bình thường – trừ những ổ dịch lớn như ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu không để xảy ra các ổ dịch tại các bệnh viện, phải bảo vệ nhân viên y tế một cách tốt nhất; xử lý nghiêm những ai tung tin đồn gây hoang mang cho dư luận; tiếp tục kiểm soát nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ khu lưu trú; khởi tố tất cả những trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, nhất là những đường dây tổ chức nhập cảnh trái phép cho người nước ngoài vào Việt Nam (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Đà Nẵng làm sạch 3 bệnh viện lớn, Quảng Nam “chia lửa” chống dịch
Sau một tuần kể từ khi 3 bệnh viện lớn tại trung tâm Đà Nẵng bị cách ly, hàng nghìn người nhà bệnh nhân và bệnh nhân sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2 đã được đưa ra các khu cách ly bên ngoài.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 về bệnh viện dã chiến
Ngày 2.8, ông Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng – cho biết, đến thời điểm này tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện còn khoảng 250 bệnh nhân cùng 2.000 nhân viên y tế. Tuy nhiên, thời gian tới, số bệnh nhân này sẽ được tiếp tục đưa về các bệnh viện khác như Bệnh viện 199 của Bộ Công an tại quận Sơn Trà, Bệnh viện Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Bắc Quảng Nam…
“Chúng ta đã ghi nhận nhiều ca mắc tại Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng vì vậy nếu tiếp tục để bệnh nhân tại đây sẽ dễ gây ra tình trạng lây nhiễm chéo. Hơn nữa, ngay từ đầu, các Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cũng nhiều khoa phòng tại Bệnh viện Đà Nẵng không có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID. Vì vậy, tất cả các ca mắc COVID-19 sẽ được chuyển về các đơn vị chuyên biệt là 2 bệnh viện dã chiến là Hoà Vang, Tiên Sơn và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, dự kiến có thể thu dung 2.000 bệnh nhân” – ông Út cho hay.
Cụ thể, tại bệnh viện dã chiến Hoà Vang được trưng dụng từ chính Trung tâm Y tế Hoà Vang đã hoạt động từ ngày 31.8, đến nay đã tiếp nhận 38 bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ có thể điều trị bệnh nhân nhẹ, không có nhiều triệu chứng. Sở Y tế cùng các đơn vị hỗ trợ đang thiết lập các phòng hồi sức tích cực, chuyên khoa đặc biệt để nơi này có thể điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận 31 bệnh nhân mắc COVID-19. Thời gian tới khi bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được đưa vào sử dụng sẽ là nơi điều trị chính cho bệnh nhân mắc COVID-19.
“Riêng với 3 bệnh viện đang bị phong toả, sau thời gian cách ly theo quy định, chúng tôi sẽ cho khử trùng, làm sạch bệnh viện. Nhân viên y tế tại các đơn vị này cũng sẽ được đưa ra bên ngoài cách ly ở khách sạn để nghỉ ngơi, chuẩn bị nguồn lực để bổ sung cho bệnh viện dã chiến cũng như quay trở lại các cơ sở y tế để thực hiện chức năng khám chữa bệnh bình thường. Đây là 3 bệnh viện lớn của thành phố, việc giữ đúng chức năng của cả 3 để bảo vệ sức khoẻ người dân cũng quan trọng không kém việc điều trị cho bệnh nhân COVID” – ông Út cho hay.
Được biết hiện nay, 38 bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.
Không chỉ phân luồng bệnh nhân và cấp tốc xây dựng bệnh viện dã chiến, mới đây, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã giao Sở Y tế phải huy động nguồn lực, đảm bảo cung ứng đầy đủ công cụ, phương tiện, vật tư để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng bằng các phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng, tiến tới xét nghiệm cho tất cả người dân toàn thành phố khi đủ điều kiện…
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch COVID-19 của Bộ Y tế đang hoạt động tại Đà Nẵng – cho biết, sẽ tổ chức các chốt lấy mẫu tại những nơi có nguy cơ trước như tại khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Châu, các địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế. Bên cạnh đó các đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ, lấy mẫu thật nhanh, cả dịch hầu họng và mẫu máu, khi phát hiện mẫu xét nghiệm kháng thể dương tính là tiến hành bao vây ngay.
Quảng Nam vừa “chia lửa” vừa chống dịch
Nằm sát bên cạnh Đà Nẵng, trước tình trạng số ca mắc COVID-19 ở cộng đồng ngày càng tăng, tỉnh Quảng Nam cũng đã bàn phương án xét nghiệm trên diện rộng, đồng thời, chia lửa cùng với Đà Nẵng trong công tác nhận các bệnh nhân trở về Quảng Nam để điều trị.
Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam – cho biết, việc “chia lửa” cùng Đà Nẵng là điều rất cần thiết để các bệnh viện thực hiện các biện pháp giãn cách, tránh lây lan.
“Những bệnh nhân ở Đà Nẵng có bệnh nặng nhưng xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì được đưa về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hoặc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Người Quảng Nam bệnh nặng thậm chí nằm hồi sức nếu Đà Nẵng chuyển về thì chúng tôi cũng phải nhận, nếu quá tải thì các cơ sở tiếp tục thu dọn để hỗ trợ cùng “chia lửa” với Đà Nẵng đưa họ về điều trị” – ông Hai cho biết.
Dù vậy, Quảng Nam cũng đang phải chống dịch nên đối với những ca mắc COVID tại Quảng Nam, thay vì thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở đâu ở yên đó thì Sở Y tế sẽ chuyển những bệnh nhân rất nặng ra Huế, bệnh nặng thì vào Đa khoa Trung ương Quảng Nam, bệnh nhân không có bệnh nền và có sức khỏe tốt thì đưa vào khu điều trị ở Điện Nam – Điện Ngọc.
Khu cách ly ở Quảng Nam cũng được phân chia cụ thể ở các tuyến huyện, bệnh nhân F1 mà có dấu triệu chứng nghi ngờ thì đưa vào khu cách ly Trung tâm Y tế huyện để cách ly riêng. Đối với F1 không có biểu hiện gì thì ở khu cách ly tập trung ở huyện.
Liên quan đến việc mở rộng đối tượng xét nghiệm, Sở Y tế Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các trường hợp tiếp xúc với người mắc COVID – 19 và những người ở vùng có dịch về phải xét nghiệm. Các nhân viên xét nghiệm được huy động tham gia đội phản ứng nhanh hỗ trợ cho các địa phương tập trung và thực hiện kế hoạch tăng cường mở rộng xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam chịu trách nhiệm phân phối môi trường, vật tư để các đơn vị triển khai lấy mẫu, hạn cuối vào ngày 4.8.
“Sắp tới nhân lực y tế sẽ thiếu, chúng tôi dự tính sẽ huy động thêm nhiều tình nguyện viên là các đội ngũ y bác sĩ về hưu hay sinh viên y khoa, cả ngành Y tế của tỉnh và huy động các phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh để bổ sung lực lượng. Nếu ở mức độ triển khai rộng cần thiết thì Quảng Nam sẽ kêu gọi nhân lực từ các tỉnh chưa có dịch để hỗ trợ” – ông Hai nói (Lao động, trang 3).
Hà Nội: Thực hiện khai báo y tế, thiết lập phòng cách ly tại bến xe
Trước sự quay trở lại của dịch bệnh COVID-19, các bến xe, khu vực hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.Hà Nội đều đã tái kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Hành khách khi di chuyển phải khai báo y tế.
Thêm 30 trường hợp mắc COVID-19, Việt Nam có 620 ca bệnh. Bản tin lúc 18h ngày 2.8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 30 trường hợp mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam đến nay lên 620 Ban Chỉ đạo cho biết, trong số 30 trường hợp mắc mới, ghi nhận trên địa bàn Đà Nẵng (16) ca; Quảng Nam (9) ca, Đắk Lắk (2) ca, Đồng Nai (1) ca, Khánh Hòa (1) ca, Hà Nam (01) ca (Lao động, trang 3).
Đà Nẵng sẽ hỏa táng thi hài nhiễm COVID-19
Ngày 2/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các trường hợp tử vong liên quan đến COVID – 19 tại Đà Nẵng sẽ không được tổ chức tang lễ tại nhà mà phải tiến hành khâm liệm tại bệnh viện rồi hỏa thiêu ở Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, trong số 5 bệnh nhân tử vong liên quan đến COVID – 19, có 3 trường hợp tử vong ở Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Ung bướu) và 2 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ba trường hợp tử vong tại Đà Nẵng sẽ được khâm liệm để chuyển đến nhà hỏa thiêu.
Hai trường hợp tử vong tại Huế, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch tỉnh Thừa Thiên – Huế và Bệnh viện T.Ư Huế có trách nhiệm xử lý. Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu nhà tang lễ thành phố hỗ trợ việc bảo quản thi hài người bệnh liên quan đến COVID – 19 đã qua xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Theo quy định về xử lý thi hài người nhiễm và nghi ngờ nhiễm COVID – 19 của Bộ Y tế, người tử vong liên quan đến COVID – 19 có thể được mai táng hoặc hỏa táng; quy trình xử lý thi hài bệnh nhân được quy định nghiêm ngặt, vận chuyển đến nơi hỏa táng, mai táng bằng xe chuyên dụng.
Việc hỏa táng, mai táng phải thực hiện trong thời gian sớm nhất sau khi bệnh nhân tử vong. Toàn bộ khu vực hỏa táng, mai táng phải được phong tỏa, khử khuẩn trước và sau khi hỏa táng, mai táng.
Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng quy trình xử lý thi hài người nhiễm và nghi nhiễm COVID – 19. Bệnh viện Ung bướu vẫn đang xây dựng quy trình vì chưa tính toán đến trường hợp có người chết liên quan đến COVID – 19 khi đang điều trị tại đây.
Ngoài ra, theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, những trường hợp bệnh nhân đang điều trị trong khu phong tỏa (tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng) mà tử vong, thi hài cũng sẽ được xử lý như ca nhiễm COVID – 19.
Hiện nay, Đà Nẵng chỉ có Trung tâm hỏa táng An Phước Viên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) với 2 lò hỏa táng hiện đại. Trung bình mỗi ngày, trung tâm có thể hỏa thiêu tối đa 12 người (mỗi thi hài được hỏa thiêu 3 – 4 giờ) (Tiền phong, trang 5).
Ứng phó đại dịch Covid-19 giai đoạn 2: Ý thức cộng đồng quyết định thắng thua
“Trong các phiên họp, Chính phủ và Thủ tướng đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng và cốt lõi nhất quyết định đến sự thành bại trong cuộc chiến này chính là ý thức cộng đồng. Dù đội ngũ y, bác sĩ thừa hay thiếu, dù thiết bị có cao cấp, hiện đại đến mấy mà không có ý thức cộng đồng cũng dễ dẫn đến vỡ trận”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật chia sẻ với PV Tiền Phong chiều 2/8. Sau khi xuất hiện hàng loạt các ca lây nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương, không ít ý kiến cho rằng, hệ thống bệnh viện ở các địa phương này đã có sự chủ quan lơ là, mất cảnh giác, dẫn đến tình trạng lây lan nghiêm trọng như hiện nay?
Phải khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu hiện nay thật khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót trong phòng ngừa, ngăn chặn lây lan. Những cống hiến của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt đội ngũ y, bác sĩ trong phòng chống dịch thời gian qua rất đáng trân trọng.
Khi dịch bệnh xảy ra ở Đà Nẵng, theo tôi, đây là câu chuyện ngoài ý muốn. Có thể họ chủ quan, không nghĩ COVID-19 sẽ lại xảy ra khi gần 100 ngày không hề có một ca lây nhiễm ngoài cộng đồng nào. Cũng phải nói thêm rằng, việc phòng ngừa lây lan trong bệnh viện không hề đơn giản. Người bệnh nằm điều trị trong bệnh viện sẽ kéo theo người nhà bệnh nhân vào thăm hỏi, chăm sóc. Dù y bác sĩ có đeo khẩu trang phòng bị thường xuyên cũng khó tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm, rất khó đề phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp chủ quan, mất cảnh giác từ một số ca bệnh đầu tiên bị phát hiện. Điển hình như trường hợp đến khám bệnh, dù đã có triệu chứng ho sốt mà không phát hiện ra. Theo tôi điều này do trình độ chuyên môn của một bộ phận y, bác sĩ chưa thấu hiểu hết vấn đề. Khi có biểu hiện như vậy, lẽ ra cần phải nghĩ ngay đến dịch bệnh để khoanh vùng, nhưng họ lại chủ quan, chỉ coi như bị bệnh thông thường.
Chỉ trong một phút lơ đễnh cũng có thể dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Câu chuyện ở Bệnh viện Bạch Mai trước kia và ở Đà Nẵng hiện nay là một bài học lớn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh từ chính các bệnh viện trên cả nước.
Có thể nói, mức độ nghiêm trọng trong giai đoạn hai này càng trở nên báo động khi dịch đã lây lan trong cộng đồng, số ca mắc liên tục gia tăng và đã có những ca tử vong đầu tiên, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đúng là diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước như hiện nay đã rất nghiêm trọng rồi. Các ca mắc từ Đà Nẵng, Quảng Nam cũng xuất phát từ bệnh viện. Còn những người hiện đang nằm điều trị trong bệnh viện, họ đã gặp phải bệnh nền rồi, giờ lại đối mặt với COVID-19 sẽ càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với các nạn nhân và gia đình có người chết vì dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, các ca tử vong vừa qua đều già yếu, lại có những yếu tố bệnh nền nghiêm trọng liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
Một vấn đề nghiêm trọng nữa là đội ngũ y bác sĩ ở Quảng Nam, Đà Nẵng rất hạn chế. Bây giờ họ vừa phải chống dịch, ngăn chặn lây lan, vừa phải điều trị cho các bệnh nhân đang nằm điều trị trong bệnh viện là điều vô cùng khó khăn. Trong khi đó các bệnh viện ở đây hầu như lại bị phong tỏa. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị của các bệnh nhân đang nằm viện.
Tình hình dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại cũng sẽ tác động đến tâm lý của chính đội ngũ y, bác sĩ hiện nay. Việc chăm sóc của họ với bệnh nhân cũng giảm đi, vì bản thân họ cũng cảnh giác, đề phòng, dẫn đến tâm lý e ngại, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, việc chăm sóc điều trị cũng bị hạn chế phần nào. Chính vì vậy, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường đội ngũ y bác sĩ từ nơi khác đến Đà Nẵng, Quảng Nam vào dịp này.
Để hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, theo ông giải pháp nào là hiệu quả và cần thiết nhất trong giai đoạn này?
Trong các phiên họp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng và cốt lõi nhất quyết định đến sự thành bại trong cuộc chiến này chính là sự ý thức trong cộng đồng dân cư. Dù đội ngũ y bác sĩ thừa hay thiếu, dù thiết bị có cao cấp, hiện đại đến mấy mà không có ý thức cộng đồng thì cũng dẫn đến vỡ trận.
Với chỉ 100 người mắc, việc điều trị có thể sẽ dễ dàng, nhưng con số đó tăng lên 4, 5 lần, việc điều trị lúc đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như các nước phương Tây, trang thiết bị y tế hiện đại như vậy nhưng đến bây giờ nhiều nước cũng đã vỡ trận. Người dân không dám đến bệnh viện mà phải điều trị ở nhà. Đến bệnh viện lại không đủ đội ngũ y bác sĩ điều trị, chăm sóc. Nếu chúng ta cũng để vỡ trận như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm.
Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc, tuyên truyền, thuyết phục để người dân nêu cao ý thức, hạn chế thấp nhất lây lan cộng đồng. Thời gian qua cho thấy, có một bộ phận người dân thiếu ý thức, không khai báo y tế đầy đủ, khai báo thiếu trung thực làm công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh càng khó khăn, phức tạp hơn. Nhiều người cũng có tâm lý khai báo y tế thì bị cách ly tập trung, cũng có tình trạng bị cách ly tập trung còn trốn ra ngoài. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân đề cao ý thức phòng chống dịch là điều vô cùng quan trọng trong điều kiện hiện nay (Tiền phong, trang 3).
Bình Phước ghi nhận thêm 1 ca dương tính với bạch hầu
Ngày 2.8, tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết đã có thêm 1 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Bệnh nhân (BN) là Đ.K (5 tuổi, dân tộc S’tiêng, ngụ xã Lộc Thành, H.Lộc Ninh). Trước đó, ngày 24.7, BN có triệu chứng sốt, đau họng, ăn uống kém, người nhà mua thuốc về cho uống không bớt. Ngày 29.7, gia đình đưa đi khám và chuyển BN lên Trung tâm y tế H.Lộc Ninh để theo dõi bạch hầu. Ngày 30.7, BN được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, đến 1.8 thì có kết quả dương tính.
Trước đó, ngày 24.7, Bình Phước ghi nhận BN dương tính với bạch hầu đầu tiên là N.T.T.D (14 tuổi, dân tộc Tày, ngụ xã Đắk Nhau, H.Bù Đăng) (Thanh niên, trang 3).
Đẩy mạnh xét nghiệm, tăng tốc truy vết Covid-19
Ngày 2-8, tại Bộ Y tế, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo sở y tế 63 tỉnh thành trong cả nước và sự tham gia của lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng.
Quyết liệt và nhanh hơn nữa
Tại buổi giao ban, GS-TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp, nhất là tại Đà Nẵng, khi có một lượng người đi đến rất lớn: Trong một tháng qua (từ ngày 1 tới 29-7), có khoảng 1,4 triệu người tới Đà Nẵng, trong đó khoảng 800.000 người từng đến 3 bệnh viện trên địa bàn. Bộ Y tế đã cử một lực lượng rất lớn vào hỗ trợ Đà Nẵng dập dịch ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên. Đồng thời gửi một loạt công điện chỉ đạo gửi các địa phương, đề nghị tăng tốc truy vết tất cả người đã đến Đà Nẵng và xét nghiệm những người từng đến những điểm Bộ Y tế đã khuyến cáo, nhằm giám sát chặt chẽ.
Hiện nay, Hà Nội, TPHCM và một số địa phương đang giám sát gắt gao, khẩn trương những người về từ Đà Nẵng. “Nhưng dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước nên các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa” – ông Long nhấn mạnh và đề nghị các địa phương, kể cả chưa có ca nghi nhiễm, hay ca nhiễm, phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, để làm sao khi có ca bệnh, phải triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.
Liên quan tới công tác xét nghiệm, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, số lượng xét nghiệm đã cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4 (thời điểm có lượng xét nghiệm rất lớn) nhưng vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này vì cần “phải huy động tổng lực cho tình huống xấu nhất”. Bộ Y tế đã phối hợp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm, nhằm mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT). Chúng ta phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó.
BHYT thanh toán xét nghiệm Covid-19
Cũng liên quan tới công tác xét nghiệm, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, hướng dẫn mới nhất về thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 đã nêu cụ thể các trường hợp thuộc diện được BHYT thanh toán cụ thể là: người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị Covid-19 cũng sẽ được bảo hiểm thanh toán. Về giá xét nghiệm, liên bộ đã quy định thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp Real-time PCR có mức giá là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Còn thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp test nhanh mức giá thanh toán sẽ là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, Hà Nội có khoảng 72.000 người từ Đà Nẵng về và đã test nhanh hơn 50.000 người. Thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở ký hợp đồng với BHXH, có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Công suất tối đa của tất cả đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm/ngày. Đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng và thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, giá thành, tránh tình trạng mỗi địa phương một giá để các đơn vị tham khảo khi mua sắm.
Trước những kiến nghị của Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, Trung ương không cấp test nhanh mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả đơn vị có ký hợp đồng với BHXH trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung. Đối với các địa phương khác cần chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi nhưng phải phực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về vấn đề xét nghiệm, thanh toán chi phí.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị các địa phương cần thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương và cơ quan BHXH nắm được, từ đó chủ động trong việc phối hợp thực hiện (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Đắk Lắk: Giãn cách xã hội TP Buôn Ma Thuột 14 ngày
Tối 2-8, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành… trên địa bàn tỉnh về việc giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 3-8 đến ngày 16-8 trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện phong tỏa các tuyến phố có bệnh nhân mắc Covid-19 từ 0 giờ ngày 3-8, cho đến khi có thông báo mới…
Cùng ngày, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cũng cho biết, toàn tỉnh đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi có thông tin ông M.N. (người Nhật Bản, Giám đốc Công ty Hokkaido Lotus, đóng tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương) báo đã dương tính với virus SARS-CoV-2 ngay khi về tới Nhật. Hiện, kết quả xét nghiệm 14 người tiếp xúc gần với ông M.N. ở Lâm Đồng đều âm tính (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Tổng lực chi viện cho Đà Nẵng dập dịch
Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, BYT đã chi viện cho Đà Nẵng một lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu chưa từng có trong lịch sử phòng dịch của Việt Nam.
Chiều 2.8, báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch Covid- 19, GS Nguyễn Thanh Long, quyền BT BYT, cho biết sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24.7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Hệ số lây nhiễm ở Đà Nẵng cao gấp 5 lần ổ dịch Bạch Mai
“Đợt dịch lần này tốc độ lây nhiễm rất cao so với tháng 4.2020. Tại Đà Nẵng, dịch đã xuất hiện từ đầu tháng 7 và qua 4 – 5 chu kỳ lây nhiễm… Khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau và nhiều trường hợp mắc bệnh khác nhau đang ở ngoài cộng đồng, vì vậy việc truy vết F0 không khả thi, lây nhiễm trong cộng đồng khá cao”, ông Long nêu và cho biết Bộ Y tế đã chi viện cho Đà Nẵng một lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu chưa từng có trong lịch sử phòng dịch của Việt Nam.
Đáng chú ý, ông Long cho biết: “Có 6 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng chúng tôi chưa tìm hiểu được mối liên quan đến ổ dịch ở các bệnh viện (BV) Đà Nẵng. Dự đoán có một số ổ dịch trong cộng đồng đã tồn tại và có thể tiếp tục lây nhiễm”. Việc dịch xảy ra trong cao điểm mùa du lịch khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Thống kê từ 1 – 29.7, khoảng 1,4 triệu người đã từ Đà Nẵng trở về các địa phương, trong đó có khoảng 800.000 người đến khu vực có dịch, 46.000 người đến khám ở 3 BV được xác định là ổ dịch. Do đó, nguy cơ có thêm trường hợp mắc ở các địa phương như Quảng Nam, TP.HCM, Hà Nội là rất cao.
“Nếu như ổ dịch Bạch Mai có hệ số lây nhiễm khoảng 1,8 – 2,2 thì lần này hệ số lây nhiễm có thể từ 6 – 10”, ông Long cho biết và dự báo dịch sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan. Thêm vào đó, dịch đã tấn công vào 3 khoa yếu nhất của BV, với nhiều bệnh nhân nặng, nên mặc dù đội ngũ chuyên môn với các giáo sư đầu ngành đã tích cực cứu chữa nhưng vẫn không cứu được một số bệnh nhân và có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong (Thanh niên, trang 4).
Điều trị ca nhiễm COVID-19 nặng ra sao?
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đến ngày 2-8, bệnh viện đã tiếp nhận và đang điều trị cho 18 bệnh nhân nhiễm COVID-19 có bệnh nền rất nặng.Trong số đó có 12 bệnh nhân bị suy thận nặng, đang phải chạy thận nhân tạo, 3 bệnh nhân phải lọc máu liên tục. Ngoài ra có một số bệnh nhân gặp những biến chứng nặng từ bệnh nền như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mãn, suy tim…
Bệnh nhân 456 hồi phục tốt
Đặc biệt trong số này có bệnh nhân 456 được chuyển từ Đà Nẵng ra Huế hôm 30-7 trong tình trạng rất nặng, phải đặt nội khí quản nhưng đã hồi phục tốt. Theo các bác sĩ tham gia điều trị, hiện bệnh nhân 456 đã được ngưng lọc máu liên tục, rút nội khí quản và tự thở, huyết áp ổn định, các thông số về khí máu và điện giải trong giới hạn bình thường, tuy nhiên phổi vẫn còn hình ảnh viêm thâm nhiễm kẻ lan tỏa 2 bên.
Theo đại diện bệnh viện, các bệnh nhân chuyển viện từ Đà Nẵng ra Huế đa số đều có những bệnh lý nền rất nặng. Sau khi đưa ra Huế, các bác sĩ phải áp dụng nhiều phương pháp điều trị như lọc máu, thở máy, chạy thận nhân tạo… để giảm các chỉ số sinh hóa trong cơ thể người bệnh về gần với chỉ số bình thường.
Ngoài việc điều trị bệnh lý nền, các bác sĩ còn song song áp dụng phác đồ điều trị COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế một cách hợp lý vào từng trường hợp bệnh.
Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân, trong khu vực cách ly của bệnh viện cũng được phân luồng, bố trí các phòng chức năng đảm bảo cho việc tránh nguy cơ lây chéo COVID-19 giữa các bệnh nhân, bác sĩ…
“Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị lần này, có nhiều người bị nhiễm vi khuẩn đa kháng nên chúng tôi phải bố trí khu cách ly riêng, không để bệnh nhân đa kháng nằm chung với bệnh nhân thường nhằm tránh lây chéo” – một bác sĩ nói.
Ngoài việc sử dụng phác đồ điều trị song song các bệnh lý nền và COVID-19, các bác sĩ cùng có các phương pháp điều trị hỗ trợ như phục hồi chức năng, đảm bảo dinh dưỡng trong quá trình điều trị.
Thành lập đơn vị lọc thận nhân tạo
GS.TS Phạm Như Hiệp – giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế – cho biết bệnh viện cũng vừa thành lập đơn vị thận nhân tạo ngay tại khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng chuyển ra từ Đà Nẵng.
GS Hiệp cho biết trước đây khu cách ly điều trị COVID-19 không có đơn vị thận nhân tạo. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận thông tin từ Đà Nẵng là các ca bệnh chuyển ra Huế đều có tiền sử bị suy thận rất nặng phải chạy thận nhân tạo có chu kỳ, bệnh viện đã huy động trang thiết bị, vật tư… để thành lập đơn vị thận nhân tạo gồm 3 máy chạy thận nhân tạo kèm 3 máy Mini RO (máy lọc nước cho thận nhân tạo) ngay tại khu cách ly.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị các phòng chờ để lắp thêm máy chạy thận nhân tạo tại khu cách ly trong trường hợp số ca bệnh suy thận mãn tăng lên và Bộ Y tế hỗ trợ thêm máy chạy thận nhân tạo đưa về để cứu chữa bệnh nhân.
Theo ông Hiệp, để lắp một khu chạy thận nhân tạo với khoảng 8-10 máy trở lên thì phải mất gần cả tháng mới xong, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, bệnh viện đã nỗ lực hoàn thành chỉ trong vòng hai ngày.
“Muốn các máy chạy thận nhân tạo hoạt động thì phải có một hệ thống bơm nước với áp lực mạnh giúp máy Mini RO hoạt động. Đội ngũ kỹ thuật của bệnh viện đã sáng tạo dùng máy bơm cao áp dân dụng vào khu cách ly để giúp máy hoạt động” – ông Hiệp nói.
Chỉ trong hai ngày, đơn vị chạy thận nhân tạo này đã giúp chạy thận cho hàng chục lượt bệnh nhân. Bệnh viện đã bố trí nhiều đội ngũ y bác sĩ chạy thận nhân tạo cho nhiều bệnh nhân cả ngày đêm.
Hiện nay bệnh viện đã bố trí nhân lực thành nhiều kíp trực (khoảng 120 người) làm việc tại khu cách ly điều trị COVID-19, tránh tình trạng các bác sĩ, điều dưỡng bị quá tải, đuối sức. Tinh thần của các điều dưỡng, bác sĩ làm việc tại đây cũng rất tốt, nhiều người xung phong ở lại điều trị bệnh nhiễm COVID-19 đến khi hết dịch mới về nhà với người thân, gia đình (Tuổi trẻ, trang 7).