Điểm báo ngày 15/4/2022

(CDC Hà Nam)
Bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Tiêm đến đâu, an toàn đến đó; Tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, những điều cần biết; Số ca mắc giảm rất mạnh, Hà Nội tập trung phát hiện sớm biến thể SARS-CoV-2 mới có thể xâm nhập, lây lan…

Bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Tiêm đến đâu, an toàn đến đó

Ngày 14/4, tại Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng năm 2020”.

Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em

Tham dự Lễ phát động có ông Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đại sứ Australia tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và địa phương.

Quảng Ninh được chọn là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Trường THCS Trần Quốc Toản được chọn làm địa điểm mở đầu chiến dịch tiêm chủng. Với 160 em học sinh lớp 6 của trường được tiêm những mũi vắc xin Moderna đầu tiên, hệ thống y tế Quảng Ninh đã được Bộ Y tế tập huấn rất kỹ từ công tác chuẩn bị đến xử lý những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đã đạt tỷ lệ cao và Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác, bao gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Với ý nghĩa của việc hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2022 với chủ đề “Vắc xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người” và phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, tính đến ngày 27/1, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 3 của Quảng Ninh đã đạt 97% số người đủ điều kiện tiêm; đến nay, tỷ lệ mũi 1, mũi 2 cả người lớn và trẻ em từ 12-18 tuổi đều trên 99,8%. Công tác tiêm chủng được tỉnh triển khai đảm bảo nhanh, hiệu quả, an toàn.

Quảng Ninh đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, cao nhất để triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em, Đến nay, Quảng Ninh đã sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em với phương châm “Tiêm đến đâu, an toàn đến đó” để khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng đặc biệt mà Bộ Y tế đã xác định tổ chức đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, có hai loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần. Việc tiêm sẽ tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các tỉnh, thành triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng.

TPHCM: Từ 16/4 sẽ tiêm vắc xin cho trẻ

Hôm qua, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ÐT TPHCM, cho biết, từ ngày 16/4, TPHCM sẽ khởi động chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dự kiến sẽ tiêm cho 898.537 trẻ, trong đó 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang được nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học. Theo ông Trọng, chiến dịch tiêm phòng sẽ diễn ra vào sáng thứ 7 (16/4), triển khai trước tiên cho học sinh từ 11 đến dưới 12 tuổi tại một số trường THCS. Chiều thứ 7 và Chủ nhật, việc tiêm chủng sẽ dừng lại để ngành giáo dục và y tế đánh giá lại công tác tiêm chủng. Từ thứ 2 tuần tới (18/4), công tác tiêm chủng sẽ được tổ chức đồng loạt, theo nguyên tắc học sinh lớn trước, nhỏ sau từ lớp 5 đến lớp 1 và trẻ mầm non 5 tuổi.

Về mã định danh phục vụ công tác nhập liệu trước tiêm, ông Trọng cho hay, với học sinh có hộ khẩu ở tỉnh, nếu chưa lấy được mã định danh thì lập danh sách, Công an TPHCM sẽ hỗ trợ truy mã định danh. Trong trường hợp bất khả kháng không có mã định danh, việc tiêm chủng cho trẻ vẫn phải đảm bảo.

Sở GD&ÐT TPHCM cho hay, tính đến ngày 7/4 đã có 77,58% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, tỉ lệ đồng thuận cao nhất ở nhóm phụ huynh có con học lớp 6. Tỷ lệ số phụ huynh có con 5 tuổi đồng ý tiêm cho trẻ đạt 60,76%; phụ huynh có con học tiểu học đạt 74,18% và phụ huynh có con học lớp 6 đạt 88,32%. (Tiền phong, trang 1, Thanh niên, trang 13, Nhân dân, trang 8, Công an nhân dân, trang 1, Hà Nội mới, trang 7, Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, những điều cần biết

Hiện nay, tại một số quốc gia đang bắt đầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 4. Dưới đây là những thông tin cần biết xung quanh vấn đề này.

1. Vì sao cần tiêm mũi thứ 4?

Cơ thể con người không thể tiếp tục thúc đẩy phản ứng kháng thể mãi mãi, mà lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Theo đó, tế bào lympho B sẽ phản ứng đầu tiên trong lần đầu tiên tiếp xúc với mầm bệnh (hoặc vaccine). Các tế bào B được kích hoạt sẽ phân chia nhanh chóng và biệt hóa thành các tế bào plasma tạo ra các protein gọi là kháng thể.

Các kháng thể có thể đánh dấu những kẻ xâm nhập đáng ngờ để tiêu diệt và một số có thể liên kết với một phần của mầm bệnh để ngăn chặn nó lây nhiễm hoàn toàn vào các tế bào. Đây là kháng thể “trung hòa”.

Kháng thể trung hòa ngăn chặn trực tiếp virus xâm nhập tế bào và gây bệnh. Nhưng, các kháng thể sẽ suy yếu sau khi nhiễm bệnh, do lympho B tồn tại trong thời gian ngắn tạo ra kháng thể và sẽ chết đi nhanh chóng.

Dữ liệu từ Israel, quốc gia đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng tích cực bằng cách sử dụng vaccine mRNA Pfizer & BioNTech, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng của vaccine này giảm từ 95% xuống chỉ còn 39% trong suốt 5 tháng.

Từ những con số này, các nhà nghiên cứu thấy rằng: Theo thời gian, dù mất dần khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng vaccine vẫn giữ được khả năng ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng. Khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng có thể đang suy yếu, nhưng khả năng bảo vệ khỏi nhập viện dường như đang được duy trì.

Và bất kể loại vaccine nào, liều thứ 4 có thể làm tăng cao mức độ kháng thể “trung hòa”, điều này có thể ngăn chặn sự xâm nhiễm virus vào tế bào.

2. Ai cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4?

Mới đây, hãng Pfizer & BioNTech đã nộp đơn lên Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) để được cấp phép sử dụng liều khẩn cấp thứ 4 vaccine mRNA cho người lớn trên 65 tuổi.

Một phân tích hồ sơ của Bộ Y tế Israel được thực hiện trên 1,1 triệu người lớn từ 60 tuổi trở lên không có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 và đủ điều kiện tiêm liều vaccine COVID-19 thứ 4, cho thấy: Tỷ lệ nhiễm bệnh được xác nhận thấp hơn 2 lần và tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn 4 lần, ở những người nhận được 1 liều tăng cường bổ sung của vaccine Pfizer, được tiêm ít nhất 4 tháng sau lần tăng cường đầu tiên (mũi 3), so với những người chỉ nhận được một liều tăng cường.

Paul Hunter – Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia đồng tình với việc tiếp tục kế hoạch tiêm cho các nhóm dễ bị tổn thương (người lớn tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…).

3. Trí nhớ miễn dịch sẽ cứu chúng ta

Theo các nhà nghiên cứu, việc giảm nồng độ kháng thể sau khi nhiễm trùng (hoặc sau tiêm) là bình thường. Còn cứu cánh của chúng ta là trí nhớ miễn dịch.

Các nhà khoa học giải thích: Trong vòng một tháng hoặc lâu hơn, một số tế bào tạo kháng thể sẽ trở thành tế bào B nhớ lưu thông trong máu. Chúng không tạo ra kháng thể ngay, nhưng nếu chúng gặp virus hoặc protein của virus, các tế bào này sẽ nhanh chóng phân chia và trở thành tế bào plasma, tồn tại lâu dài, cư trú chủ yếu trong tủy xương và tiết ra một lượng nhỏ nhưng ổn định các kháng thể chất lượng cao. Những tế bào đó về cơ bản sống với chúng ta trong suốt phần đời còn lại.

Trí nhớ miễn dịch không chỉ phụ thuộc vào kháng thể. Ngay cả khi mức độ kháng thể giảm xuống, các tế bào B nhớ có thể nhận ra kẻ xâm lược quay trở lại, phân chia và nhanh chóng bắt đầu tạo ra các kháng thể để chống lại nó. Phản ứng của tế bào B nhớ được cải thiện theo thời gian, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo một nghiên cứu, 6 tháng sau khi tiêm vaccine, các cá thể trong nghiên cứu có số lượng tế bào B nhớ tăng cao, không chỉ phản ứng với SARS-CoV-2 ban đầu, mà còn với 3 biến thể khác đang được quan tâm.

Tiếp theo đó là tế bào T, trụ cột thứ 3 của trí nhớ miễn dịch. Khi tiếp xúc với một kháng nguyên, chúng sẽ nhân lên thành một nhóm các tế bào hiệu ứng hoạt động để quét sạch nhiễm trùng. Tế bào T gây độc nhanh chóng phân chia để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Nhiều loại tế bào T trợ giúp khác nhau tiết ra các tín hiệu hóa học kích thích các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch, bao gồm cả tế bào B. Sau khi mối đe dọa đã qua, một số tế bào này vẫn tồn tại dưới dạng tế bào T nhớ.

Với COVID-19, nhiễm trùng xảy ra nhanh chóng, nhưng phải mất một thời gian (thường 5-7 ngày) để gây bệnh nghiêm trọng. Điều đó cung cấp cho các tế bào T bộ nhớ một thời gian để thực hiện công việc của chúng. Khi tái tiếp xúc với virus hoặc kích thích tăng cường, các tế bào này sẽ phát triển rất nhanh. Như vậy, bạn có thể sẽ có khả năng miễn dịch bảo vệ trong nhiều năm, nếu có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và được tiêm vaccine đầy đủ.

4. Tiêm loại vaccine COVID-19 nào?

Trên thế giới, vaccine ưu tiên tiêm mũi 4 là Pfizer, Moderna hoặc Vaxzevria (AZ). Khuyến cáo thời điểm tiêm sau mũi 3 ít nhất 4 tháng.

Như vậy, mũi 4 chỉ nên cân nhắc sử dụng ở những người:

– Trên 65 tuổi, có bệnh nền (tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, béo phì, xơ gan, đái tháo đường, bệnh tự miễn, ung thư…)

– Người có suy giảm miễn dịch.

– Nhân viên y tế, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Số ca mắc giảm rất mạnh, Hà Nội tập trung phát hiện sớm biến thể SARS-CoV-2 mới có thể xâm nhập, lây lan

Sở Y tế Hà Nội ngày 13/4 thông báo ghi nhận 1.727 ca COVID-19, giảm 200 ca so với hôm qua. Lãnh đạo Sở này yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt phòng, chống dịch, đặc biệt phát hiện sớm biến chủng mới có thể xâm nhập, lây lan tại cộng đồng.

Đây là ngày ghi nhận số ca mắc thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.

1.727 bệnh nhân phân bố tại 301 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (122); Bắc Từ Liêm (101); Hà Đông (99); Hoàng Mai (95).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.528.480 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, toàn thành phố còn hơn 144.700 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 2.700 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 581 người, giảm 39 ca; số còn lại hơn 144.000 ca theo dõi cách ly tại nhà.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo đã tiêm được hơn 4,3 triệu liều nhắc lại (đạt 93%). Ngoài ra, có thêm gần 140.000 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trong hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 3 tháng đầu năm 2022 yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là phát hiện sớm những biến chủng mới có thể xâm nhập, lây lan tại cộng đồng; tiếp tục triển khai thực hiện tiêm phòng COVID-19 mũi nhắc lại đối với những trường hợp đã tiêm mũi 2 và chuẩn bị tốt kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi Bộ Y tế giao…

Đặc biệt, lãnh đạo Sở cũng yêu cầu CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đăng ký chữ ký số trong việc quản lý hộ chiếu vaccine cho người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Tiêm chủng để tránh hậu quả nặng nề do COVID-19

Dù biến chứng liên quan COVID-19 không nhiều như nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, nhưng ảnh hưởng lâu dài của bệnh lên nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 đã được khẳng định. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ để tránh các nguy cơ, biến chứng.

Nguy cơ tổn thương kéo dài

TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng phía Bắc cho biết, trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cũng tham gia vào chuỗi lây truyền COVID-19, vì vậy tiêm chủng là cần thiết, giúp cả xã hội sớm quay lại bình thường mới. “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm việc mật thiết với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng và thấy rằng số lượng trẻ em mắc COVID đang tăng theo thời gian. Trước đó, các phụ huynh giữ gìn nên số lượng trẻ mắc không cao. Nhưng sau đó, số ca người lớn tăng rất nhanh kéo theo tỉ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng với trường hợp nặng, vẫn có các em diễn tiến nguy kịch và tử vong. Như vậy với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong không nhỏ”, ông Thái nói.

Ông cho biết, qua thời gian làm việc với các bệnh viện nhận thấy tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, biến chứng bất lợi như viêm cơ tim không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vắc xin. “Nhóm tuổi chưa có vắc xin, dù giữ gìn đến mấy, tỉ lệ biến chứng vẫn cao. Nguy cơ này lớn hơn vô cùng nhiều so với nguy cơ tiêm vắc xin. Chúng tôi chưa có phân tích cuối cùng về tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 ở Việt Nam, nhưng có nhiều trẻ nhiễm virus trong thời gian vừa rồi. Tại các bệnh viện nhi, số trẻ phải điều trị tích cực, điều trị kéo dài tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương có hàng trăm trường hợp nặng, nhiều trẻ phải thở máy”, TS Thái nói. Số lượng trẻ trở thành F0 có thể tăng trong thời gian tới khi trẻ bắt đầu đi học trở lại, ông nhận định.

TS. Thái cho hay, trên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0, xuất hiện vấn đề là rất nhiều trẻ mắc COVID-19 có thời gian dương tính lâu. Điều này khác hẳn với người lớn, đặc biệt với người đã tiêm 3 mũi. Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày, phần lớn mọi người triệu chứng nhẹ nhàng, khỏi nhanh. “Nhưng trẻ em có nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, khò khè, thậm chí có nhiều trẻ khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, thời gian đào thải virus ở các trẻ này cũng rất lâu. Có trẻ 14-15 ngày vẫn còn dương tính”, TS Thái nói.

Những bằng chứng gần đây cho thấy tỉ lệ biến chứng nặng COVID-19 ở trẻ em không ở mức cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Tỉ lệ biến chứng nặng vẫn ở mức độ hết sức lo ngại, đặc biệt tình trạng viêm đa phủ tạng được ghi nhận thời gian qua, việc điều trị rất khó khăn. Ông Thái nhận định: “Tổn thương kéo dài liên quan đến sức khỏe của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho trẻ, gia đình và xã hội. Dù tỉ lệ này không cao so với người lớn cùng mắc COVID nhưng so với các bệnh khác vẫn cao”.

Cần thiết tiêm vắc xin cho trẻ em

Về phản ứng phụ của vắc xin đối với trẻ em, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay, vắc xin cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Tỉ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy ở các quốc gia khi triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Nhưng những phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ, quấy khóc cũng có và thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn. Những phản ứng này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể. “Điều này đã nằm trong tính toán. Việc điều chỉnh liều tiêm theo tuổi, cân nặng để có liều phù hợp để sinh được miễn dịch tối ưu nhất cũng đã được chuyên gia tính toán kĩ”, bà Hồng thông tin.

Về khả năng sốc phản vệ khi tiêm vắc xin với nhóm trẻ này, TS Thái nói rằng, tỉ lệ phản vệ rất nhỏ có thể xảy ra, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với nhóm trẻ lớn và người lớn. Theo các chuyên gia, điều này khó tránh, vì nguyên tắc có chất lạ đưa vào thì cơ thể vẫn có phản ứng nhất định. “Phản ứng khác như choáng ngất, sốt cao kéo dài ghi nhận ở một số quốc gia song tỉ lệ này thấp, ví dụ ở Australia hoặc Israel. Đấy là lí do chúng tôi thấy rằng việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ đang an toàn”, ông Thái nói. Theo ông, thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và với chủng Omicron, số tái nhiễm cao hơn, trong đó đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biểu hiện nặng như suy đa phủ tạng ở lần nhiễm sau. Cơ địa từng người cho thấy cần phải tiêm phòng dù đã nhiễm bệnh, để tránh nguy cơ tái nhiễm.

Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi đi học bị nhiễm bệnh có thể lây lan COVID-19 cho những người trong gia đình và trường học. Với nhiều trẻ em đã trở lại trường học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiêm phòng COVID-19 là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật nghiêm trọng, cũng như làm chậm sự lây lan của COVID-19. “Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta cần sử dụng vắc xin. Nếu chúng ta hiểu sai về vắc xin, về bệnh, không bảo vệ được trẻ thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước. Các chuyên gia liên tục làm việc để nghiên cứu các ảnh hưởng của vắc xin đến trẻ, chúng ta đảm bảo rằng mũi tiêm cho trẻ sẽ an toàn và hiệu quả”, ông Thái nói.

“Trẻ bị nhiễm COVID-19 cũng có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng ở tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Trẻ có các tình trạng bệnh lí tiềm ẩn có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hơn so với trẻ em khỏe mạnh”.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc (Tiền phong, trang 7).

Đinh Hạnh

 

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/8/2018

admin