Hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm dịch COVID-19 tại hộ gia đình

(CDC Hà Nam)
  1. Thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe

1.1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch

  1. Tại các thời điểm sau:

– Ngay sau khi về nhà.

– Sau khi ho, hắt hơi.

– Sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như cửa, tay nắm cửa, công tắc điện, bồn cầu…

– Sau khi đi vệ sinh.

– Sau khi vệ sinh cho trẻ, người ốm.

– Trước khi ăn.

– Trước và sau khi chế biến thực phẩm.

– Sau khi tiếp xúc với động vật, vật nuôi

– Khi bàn tay bẩn.

  1. Thời gian rửa tay: ít nhất 30 giây.
  2. Quy trình rửa tay: 6 bước

1.2. Khi ho hoặc hắt hơi:

– Che kín mũi, miệng bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy.

– Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng.

– Rửa sạch tay với xà phòng và nước sạch.

1.3. Các hành vi vệ sinh cá nhân khác.

– Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; không khạc nhổ bừa bãi.

– Súc miệng, súc họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên.

– Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

– Thay và giặt sạch quần áo đi làm, đi chơi hoặc đến chỗ đông người ngay sau khi về nhà (nếu có thể).

  1. Thực hành vệ sinh chung và các quy định phòng, chống dịch COVID-19

2.1. Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Luôn đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà.

2.2. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Giữ khoảng cách tối thiểu và luôn đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc.

2.3. Không tụ tập đông người tại nhà; hạn chế đến nơi đông người, giữ khoảng cách tối thiểu với người xung quanh; không khạc nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi ra môi trường.

2.4. Vệ sinh nhà cửa:

– Lau nền nhà: quét sạch nhà trước, sau đó dùng cây lau nhà lau toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa thông thường hoặc hóa chất khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

– Lau bề mặt vật dụng (đặc biệt là mặt bàn ghế, khung giường, tủ quần áo, tay nắm cửa và các vật dụng khác trong nhà,…): dùng giẻ hoặc khăn lau thấm các chất tẩy rửa thông thường như: (i) chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc (ii) pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước) hoặc (iii) các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc (iv) 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc (v) cồn 70% lau các bề mặt cần lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Thời gian cách ly sau khi khử khuẩn ít nhất là 30 phút.

– Nếu nền nhà hoặc bề mặt vật dụng bẩn, cần làm sạch nền nhà, bề mặt bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.

– Khi có khách đến nhà, nên lau khử khuẩn cho các đồ dùng, vật dụng ở những vị trí khách có tiếp xúc ngay khi khách rời đi (nếu có thể).

– Sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa.

– Thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.

2.5. Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà:

– Thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.

– Sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa.

2.6. Thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền và cơ quan y tế địa phương.

2.7. Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên điện thoại di động hoặc trên máy tính (sử dụng ứng dụng NCOVI tải từ trang web: https://ncovi.vn).

2.8. Đối với hộ gia đình có người già, người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính thì hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, khi có biểu hiện bệnh thì gọi điện đến các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng NCOVI.

2.9. Cập nhật thông tin hàng ngày về dịch COVID-19 trên các trang thông tin điện tử (website) chính thức của Bộ Y tế (https://ncov.moh.gov.vn; https://suckhoedoisong.vn), hoặc ứng dụng NCOVI trên điện thoại di động, hoặc từ cơ quan y tế địa phương; không thông tin, tuyên truyền sai lệch về tình hình dịch coVid-19.

2.10. Tự theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu thấy có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì cần báo ngay cho người nhà biết và (i) đeo khẩu trang kể cả khi ở trong nhà; (ii) lập tức giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với mọi người; (iii) không đi làm, không bán hàng, không cung cấp dịch vụ, không đi du lịch, không đi học và thông báo cho nhà trường, nơi làm việc; (iv) gọi cho cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế (điện thoại: 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn và (v) nếu cần thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng (nếu có thể).

2.11. Thông báo ngay cho tổ trưởng dân phố hoặc cán bộ y tế cấp xã nếu nghi ngờ có người thuộc diện phải theo dõi sức khỏe hoặc cách ly.

2.12. Khi có trường hợp bệnh xác định, nghi ngờ mắc bệnh, cách ly tại nhà thì thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền, tổ dân phố, các cơ quan y tế địa phương.

2.13. Lưu ý khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú:

– Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp tại gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2 mét.

– Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.

– Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang đúng quy định, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

– Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế cấp xã hoặc cán bộ quản lý được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

– Thông báo ngay cho cán bộ y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

– Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.

– Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

– Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

– Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, ưu tiên sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn phòng, đặc biệt các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và phòng vệ sinh. Hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID- 19

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Việt Nam phát hiện ca bệnh Covid- 19 thứ 34

CDC Hà Nam

Ê buốt răng do đâu và cần phải làm gì để khắc phục?

Ngọc Nga

Bộ Y tế khẩn cấp tìm hành khách trên 7 chuyến bay có người mắc COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận