Điểm báo ngày 17/9/2020

(CDC Hà Nam)
Hai tuần, cả nước không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng; Thêm năm người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; Hơn 65000 ca mắc, 7 trường hợp tử vong: Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ biện pháp phòng sốt xuất huyết

Hai tuần, cả nước không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

Tối 16-9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 và là ngày thứ 14 liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng.

Đến nay, số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 1.063 ca, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 người. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) chỉ còn 32.417 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 471 người.

Về tình hình điều trị, trong ngày có thêm 5 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam và Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng). Như vậy, tới nay cả nước đã có 936 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, cùng với đó là 46 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 3 trường hợp có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch phải thở oxy hỗ trợ, trong đó một trường hợp nặng phải dùng ECMO. Hiện nay, số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 35 ca.

Để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực cung ứng các sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh; khẩn trương nghiên cứu để sản xuất các sinh phẩm xét nghiệm giá thành thấp nhất với độ chính xác cao để có thể sớm sử dụng tại cửa khẩu và tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các cửa khẩu, sân bay phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới…

Ngày 16-9, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 khi nối lại một số đường bay quốc tế.

Theo đó, Cục HKVN chỉ đạo các hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam. Khi bán vé, hãng hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp. Hãng hàng không phải gửi cho cảng vụ hàng không danh sách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước khi khởi hành và danh sách chi tiết hành khách 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay. Đặc biệt, Cục HKVN yêu cầu bố trí khoang riêng biệt cho hành khách quá cảnh từ nước thứ ba nhập cảnh vào Việt Nam, không ngồi cùng các hành khách từ 6 địa bàn vừa nối lại đường bay thương mại thường lệ với Việt Nam.

Cùng ngày, hàng ngàn người dân đã từ TP Đà Nẵng đến tỉnh Thừa Thiên – Huế sau khi địa phương này có thông báo về việc nới lỏng điều kiện cho người đến từ Đà Nẵng. Ghi nhận tại chốt kiểm tra liên ngành thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), nhiều người dân được lực lượng chức năng hướng dẫn dừng xe để xuất trình kết quả phê duyệt thông tin khai báo thông tin qua mạng để tiếp tục hành trình. Nếu trường hợp chưa khai báo trước qua mạng thì sẽ có lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ kê khai tại chốt kiểm tra.

Ngày 16-9, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tỉnh đã phê duyệt chủ trương cho hơn 5.600 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc trên địa bàn tỉnh. Các chuyên gia này sẽ được cách ly, kiểm soát dịch theo đúng quy định. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Thêm năm người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 16-9, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 32.417 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 471 người, số còn lại cách ly tập trung tại cơ sở khác và tại nhà, nơi lưu trú.

Trong ngày, có năm người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được công bố khỏi bệnh. Như vậy, trong tổng số 1.063 người nhiễm Covid-19, đến nay đã có 936 người được công bố khỏi bệnh. Ðáng chú ý, tính đến 18 giờ ngày 16-9, trong tổng số người bệnh mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có 46 người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến ba lần với SARS-CoV-2.

Cùng ngày, tại Ðà Nẵng, Hội Chữ thập đỏ TP Ðà Nẵng tổ chức cấp phát, chi trả tiền mặt hỗ trợ cho 113 hộ dân tại các phường Thuận Phước, Bình Hiên, Bình Thuận (quận Hải Châu), với tổng số tiền 318 triệu đồng. Những hộ gia đình được nhận hỗ trợ thuộc diện bị giảm, mất thu nhập, mất việc làm vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và chưa nhận được hỗ trợ từ nguồn của Chính phủ và các nguồn khác. Ðây là hợp phần bổ sung của Chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khuôn khổ Dự án ứng phó dịch Covid-19 do Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trước đó, 104 hộ dân tại ba phường: Nại Hiên Ðông, An Hải Bắc, Thọ Quang (quận Sơn Trà) được nhận hỗ trợ sinh kế với tổng số tiền 302 triệu đồng. (Nhân dân, trang 8).

 

Hơn 65.000 ca mắc, 7 trường hợp tử vong: Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ biện pháp phòng sốt xuất huyết

Bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm đến 15/9/2020 cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc, 07 tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa số mắc có xu hướng gia tăng.

Với phương châm coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm như: Ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế; Công văn chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hỗ trợ địa phương trọng điểm; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai phòng, chống dịch bệnh; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng, điều trị các tuyến; chỉ đạo tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 47 tỉnh, thành phố…

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Tiền phong, trang 2).

 

Hơn 1 triệu lượt người đã được xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết ngày 16.9, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, 14 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 do lây nhiễm cộng đồng.

Cùng ngày, thêm 5 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) được công bố khỏi bệnh. Đến 18 giờ ngày 16.9, trong số 1.063 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam từ đầu dịch, có 691 ca do lây nhiễm trong nước, 936 ca đã được điều trị khỏi, 35 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế, từ ngày 23.7 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 645.787 xét nghiệm trong tổng số hơn 1 triệu lượt xét nghiệm Realtime PCR từ đầu dịch.

* Không xét nghiệm, cách ly người ở các địa phương có dịch khi vào Thừa Thiên – Huế

Chiều 16.9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên – Huế thông báo, từ 0 giờ hôm nay 17.9, Thừa Thiên – Huế tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế người và phương tiện đến từ Hải Dương. Đồng thời, các phương tiện vận tải đi đến và đi qua Thừa Thiên – Huế (kể cả từ vùng có dịch) không cần đăng ký, phê duyệt như các hướng dẫn trước đây.

Công dân đi từ vùng có dịch vào tỉnh này cũng không cần xét nghiệm PCR, không yêu cầu cách ly bắt buộc; tuy nhiên phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đăng ký đến Huế tại địa chỉ https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/khaibao và xuất trình kết quả phê duyệt tại chốt kiểm tra liên ngành. (Thanh niên, trang 3).

 

Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bắt đầu tiếp nhận bệnh từ 2.10

Khoa Khám bệnh cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu tại Q.9 (TP.HCM) sẽ bắt đầu hoạt động tiếp nhận bệnh từ ngày 2.10.

Ngày 16.9, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, cho biết Khoa Khám bệnh cơ sở 2 BV Ung bướu tại Q.9 sẽ bắt đầu hoạt động tiếp nhận bệnh từ ngày 2.10.

Theo đó, bước đầu Khoa Khám bệnh cơ sở 2 sẽ triển khai trước 20 phòng khám. Những bệnh nhân xuất viện ở BV Ung bướu TP.HCM sẽ được hẹn tái khám tại cơ sở 2 và những bệnh nhân mới cũng có thể đến khám ở đây.

Mỗi ngày dự kiến nơi đây tiếp nhận 400 – 500 bệnh nhân đến khám, nếu bệnh nhân đến đông thì BV sẽ tăng cường nhân lực phục vụ. Những kỹ thuật xét nghiệm, siêu âm, X-quang và có thể là máy giải trình tự gien… BV cũng đã chuẩn bị xong về mặt nhân sự ở cơ sở 2.

Theo TS-BS Dũng, dự kiến vài ngày tới, Khoa Khám bệnh cơ sở 2 sẽ được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động và Bảo hiểm xã hội TP cũng sẽ chấp thuận nơi đây khám bảo hiểm y tế để thanh toán cho bệnh nhân.

Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được khởi công xây dựng ngày 26.6.2016, dự kiến hoàn thiện vào tháng 10.2017. Dự án có quy mô 1.000 giường. Cơ sở này là 1 trong 5 đề án đầu tư xây dựng mới 5 BV, viện thuộc tuyến T.Ư và tuyến cuối đặt tại TP do Thủ tướng phê duyệt năm 2014. Sau nhiều lần gia hạn do chậm trễ, đến nay cơ sở 2 này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ bệnh nhân ung thư. (Thanh niên, trang 4).

 

Miền Bắc không còn ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng

Đến thời điểm này, tất cả bệnh nhân Covid-19 nặng nhất đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều đã hồi phục tốt, không có trường hợp nào phải thở oxy…

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cả 2 bệnh nhân Covid-19 nặng nhất trong giai đoạn mới của dịch điều trị tại viện này hiện đều đã hồi phục tốt, sắp được xuất viện. Cụ thể:

Bệnh nhân Covid-19 số 1045 là cụ ông N.H.T, 72 tuổi, ở Hải Dương (BN1045) hiện đã cai hoàn toàn thở oxy, các tình trạng nhiễm trùng ổn định, không cần phải sử dụng kháng sinh.

Trước đó, BN1045 phải thở máy xâm nhập ngay sau khi vừa nhập viện do tình trạng suy hô hấp nặng, có tình trạng bội nhiễm nhiễm vi khuẩn.

Hiện bệnh nhân này đã có kết quả 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Chỉ cần thêm 1 lần xét nghiệm âm tính nữa là có thể được công bố khỏi bệnh.

Ca bệnh nặng thứ 2 là nữ bệnh nhân 58 tuổi ở Bắc Giang (BN793) từng phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) sau khi nhập viện vì Covid-19 hiện cũng đã hồi phục rất tốt, cai hoàn toàn thở oxy được 2 ngày.

Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 14-9 của bệnh nhân 793 vẫn còn dương tính yếu. Bệnh nhân cần chờ đủ 3 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 để có thể công bố khỏi bệnh.

Trước đó, BN793 là ca bệnh nặng nhất miền bắc trong giai đoạn mới của dịch Covid-19. Khi nhập viện, chức năng phổi của bệnh nhân này rất kém, có thời điểm phổi đông đặc đến 90% và phải chạy ECMO. Thậm chí, có những lúc hỗ trợ ECMO và thở máy cho bệnh nhân ở mức tối đa. (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Hà Nội triển khai phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới

Ngày 16-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ký ban hành công văn số 4522/UBND-KGVX, chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.

Không lơ là, chủ quan

Để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào thành phố, nhất là khi mở lại đường bay thương mại với một số nước, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố; không lơ là, chủ quan, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan trên địa bàn, đồng thời phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế.

Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. UBND thành phố yêu cầu, công tác tuyên truyền phải thực hiện dưới nhiều hình thức; nội dung tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ nhớ và bám sát thông điệp “5K” (đeo khẩu trang; khử khuẩn; không tập trung đông người; khai báo y tế; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác).

Trên địa bàn thành phố, các đơn vị, địa phương cần hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người; đối với các sự kiện thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương cũng cần thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ quan, đơn vị được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch; tăng cường tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến.

UBND thành phố cũng chỉ đạo, các hoạt động kinh doanh dịch vụ như karaoke, quán bar, vũ trường được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, thực hiện nghiêm các quy định khác về an ninh trật tự. Thành phố khuyến khích các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giữ khoảng cách chỗ ngồi và làm vách ngăn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; yêu cầu học sinh, sinh viên đeo khẩu trang trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và khi tham gia các hoạt động cần thiết khác.

Các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo các xã, phường, thị trấn duy trì triển khai có hiệu quả tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng” kết hợp với hoạt động “xung kích diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng”.

Tổ chức phòng dịch khi người nước ngoài nhập cảnh

Để chuẩn bị đối phó với những tình huống dịch bệnh, UBND thành phố giao Sở Y tế chỉ đạo, giám sát để phát hiện sớm ca mắc; khi xuất hiện ca mắc phải bao vây, khoanh vùng, xử lý dịch triệt để, tổ chức truy vết, xác định nhanh nhất những trường hợp F1, F2 để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định. Ngoài ra, Sở Y tế phải tiếp tục chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố; tạm dừng hoạt động cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm an toàn phòng chống dịch; rà soát trang thiết bị, dụng cụ, vật tư phòng, chống dịch, kịp thời mua sắm bổ sung để bảo đảm đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch.

Sở Y tế còn được giao chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội thành phố và UBND huyện Mê Linh tham mưu đề xuất UBND thành phố về việc sử dụng Bệnh viện dã chiến Mê Linh làm cơ sở cách ly đối với người tiếp xúc gần với người bệnh và đối tượng khác do Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố quyết định.

UBND thành phố giao Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội phê duyệt danh sách người nước ngoài nhập cảnh. Sở Y tế cần chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức phân luồng, bàn giao các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài về cách ly tại các tỉnh, thành phố khác khi có yêu cầu, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và thành phố.

UBND thành phố đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý theo đúng quy định và phối hợp chuyển cách ly tập trung về cách ly tại khách sạn. Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế, UBND quận, huyện, thị xã rà soát các khách sạn đủ điều kiện để tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét phê duyệt thành lập cơ sở cách ly tập trung để tiếp nhận cách ly tập trung người nhập cảnh.

Công an thành phố Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với các các lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực và các vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định; chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở cách ly tập trung dân sự, cách ly tập trung tại các khách sạn.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế giải quyết thủ tục hành chính đối với người nhập cảnh là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư, nhà quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; đồng thời phải phối hợp với các sở: Du lịch, Y tế lựa chọn các khách sạn, cơ sở lưu trú làm nơi cách ly tập trung, tổ chức kiểm tra các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định. (Hà Nội mớitrang 1.).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận