Phân loại thiếu máu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu máu xảy ra khi mức độ huyết sắc tố lưu hành của một người nào đó thấp hơn mức độ của một người khỏe mạnh cùng giới, cùng tuổi, cùng một môi trường sống. Bởi vậy, thực chất thiếu máu là sự thiếu hụt lượng huyết sắc tố trong máu lưu hành. Số lượng hồng cầu và hematocrit là một chỉ số phản ánh không trung thành của thiếu máu vì nồng độ huyết sắc tố trung bình của mỗi hồng cầu, thể tích trung bình của hồng cầu dễ thay đổi theo tính chất thiếu máu và do những tác động của những yếu tố khác.
Có nhiều loại thiếu máu, có nhiều cách để phân loại thiếu máu, tuy nhiên cần dựa vào những cơ sở sau đây để phân loại thiếu máu: Hình thái hồng cầu: (hồng cầu to, nhỏ; hồng cầu nhược sắc, bình sắc), nguyên nhân, vị trí (trong tủy xương, ngoài tủy xương).
Thiếu máu là hội chứng hay gặp.
Nguyên nhân
Tại tủy xương: Thiếu dinh dưỡng, giảm sản xuất tại tủy xương như suy tủy, mắc một số bệnh máu ác tính.
Ngoài tủy xương: Mất máu cấp tính như chấn thương, chảy máu sau đẻ, nhiễm trùng…
Tuy nhiên, cách phân loại này chưa đầy đủ mà cần phải dựa theo từng nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.
Dấu hiệu nhận biết
Thiếu máu là một hội chứng hay gặp trong nhiều bệnh, nhất là các bệnh về máu. Chẩn đoán hội chứng thiếu máu, phân loại và tìm nguyên nhân phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm, nhưng chủ yếu và quyết định phải dựa vào các xét nghiệm. Vì vậy, cần phải đi khám nếu nhận thấy có các triệu chứng lâm sàng sau:
Triệu chứng cơ năng: Người bệnh có thể cảm thấy có các dấu hiệu như ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên hay khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm, nhất là khi thiếu máu nhiều. Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay. Hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim. Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, ỉa lỏng hoặc táo bón.
Triệu chứng thực thể: Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hoặc có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; hoặc có thể kèm theo xạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hóa sắt. Đặc biệt, có thể quan sát rõ ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay… hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng… Màu sắc của niêm mạc phản ánh trung thành hơn màu sắc của da.
Lưỡi màu nhợt, hoặc có thể nhợt vàng trong huyết tán, hoặc bự bẩn trong thiếu máu do nhiễm khuẩn, hoặc lưỡi đỏ lừ và dày lên trong thiếu máu Biermer. Gai lưỡi mòn hay mất làm lưỡi nhẵn bóng, có thể có vết ấn răng (thường gặp trong thiếu máu mạn và nhược sắc).
Tóc rụng, móng tay giòn, dễ gãy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy,…
Khi thiếu máu, tim sẽ phải đập nhanh và có thể có tiếng thổi tâm thu thiếu máu. Nếu thiếu máu lâu mà không được phát hiện và điều trị, có thể dẫn đến suy tim, rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, khi có các triệu chứng trên, nên đi khám bệnh để có chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân thiếu máu và giúp điều trị bệnh có hiệu quả.
BSCKII. Trương Thị Minh Nguyệt
Suckhoedoisong.vn