Vì sao bữa sáng quan trọng đối với người bị tiểu đường?

(CDC Hà Nam)

Bữa ăn sáng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe, vì nó cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cả một ngày hoạt động. Nếu chúng ta bỏ bữa sáng có thể kéo dài thời gian cơ thể không được cung cấp thức ăn khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng và dinh dưỡng cần thiết.

Một số nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, tăng tỷ lệ béo phì do kháng insulin và ảnh hưởng tới sự điều tiết hormone.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện có mối liên quan giữa lượng đường trong máu và tâm trạng. Khi lượng đường trong máu giảm xuống, tâm trạng cũng sẽ bị ảnh hưởng khiến chúng ta dễ mệt mỏi, cáu kỉnh và tức giận. Vì vậy, để giữ năng lượng ở mức cân bằng, chúng ta cần phải ăn bữa sáng với những thực phẩm lành mạnh.

Người bị bệnh tiểu đường nên chọn ăn gì cho bữa sáng?

Bữa sáng tốt nhất dành cho người bị tiểu đường đường bao gồm thực phẩm giàu đạm, ít tinh bột, nhiều chất xơ và chất béo lành mạnh.

Thực phẩm giàu đạm

Chất đạm (protein) là chất dinh dưỡng giúp xây dựng mọi tế bào trong cơ thể và là một nguồn năng lượng tuyệt vời. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, ăn thực phẩm giàu protein trong bữa sáng sẽ giúp cung cấp năng lượng, hạn chế tăng đường trong máu và tạo cảm giác no lâu.

Người bệnh nên chọn nguồn protein nạc từ động vật như: thịt, cá, trứng, sữa… và protein thực vật như các loại đậu, các loại hạt, quả hạch.

Thực phẩm chứa ít carbohydrate

Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng nhanh chóng, nhưng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, nếu sử dụng không đúng cách carbohydrate có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt.

Ăn bữa sáng ít carbohydrate sẽ giảm thiểu phản ứng glucose, có nghĩa là lượng đường trong máu sẽ được cân bằng tốt hơn trong ngày.

Người bệnh tiểu đường cần hạn chế các thức ăn được làm từ sản phẩm ngũ cốc tinh chế như: ngũ cốc ăn liền, bánh mỳ trắng, đồ nếp, các loại bánh ngọt … Thay vào đó nên chọn loại tinh bột phức tạp có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Khi ăn chất xơ, cơ thể chúng ta mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do đó các chuyên gia cho rằng, những người mắc bệnh tiểu đường nên được cung cấp nhiều chất xơ hơn so với người bình thường để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Ngoài ngũ cốc nguyên hạt, người bệnh tiểu đường nên bổ sung các loại rau, củ quả và trái cây trong bữa sáng để tận dụng hiệu quả của chất xơ.

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh

Cơ thể chúng ta rất cần chất béo để duy trì hoạt động. Chất béo cung cấp năng lượng cho tế bào và các vitamin tan trong dầu như: vitamin A, D, K, E,… chỉ được hấp thu vào máu nếu có đủ dung môi là các chất béo. Vì vậy, người bệnh tiểu đường không nên kiêng hẳn chất béo mà nên lựa chọn loại chất béo có lợi.
Nghiên cứu cho thấy, chất béo lành mạnh có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu do chúng có lợi ích chống viêm, chống oxy hóa có thể giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin.

Một số nguồn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh được chứng minh tốt cho người bệnh tiểu đường bao gồm: các loại cá giàu axit béo omega-3, như: cá hồi, cá thu, cá tuyết, cá mòi, cá trích, cá cơm…; các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân và quả óc chó; chất béo từ quả bơ, dầu ô liu…

Cần lưu ý hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa chất béo xấu như chất béo bão hòa (mỡ động vật, da gà, bơ, kem…); và chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ nướng, chiên rán…

Thanh Huyền (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Phòng, chống dịch COVID-19 tại trụ sở làm việc

Ngọc Nga

Phòng bệnh bạch hầu

Ngọc Nga

Nhận biết và các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ

Ngọc Nga