Điểm báo ngày 23/9/2020

(CDC Hà Nam)

Thêm 10 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; Việt Nam đang đặt mua vắc xin của Mỹ Nga và Anh; Mải chống Covid-19, Sốt xuất huyết gần ngưỡng cảnh báo dịch; …

Thêm 10 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Ngày 22-9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới. Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 23.725 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 384 người, số còn lại cách ly tập trung tại cơ sở khác và tại nhà, nơi lưu trú.

Trong ngày, có 10 người bệnh mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, Bệnh viện đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu, Bệnh viện đa khoa Tây Ninh được công bố khỏi bệnh. Như vậy, trong 1.068 người nhiễm Covid-19, có 957 người được công bố khỏi bệnh. Tính đến 18 giờ ngày 22-9, trong tổng số người bệnh mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 25 người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến ba lần với SARS-CoV-2.

Chiều 22-9, Bộ Y tế phối hợp Hội đồng Doanh nghiệp Vương quốc Anh – ASEAN (UKABC) và Hội đồng tư vấn Doanh nghiệp ASEAN (ASEAN BAC) tổ chức buổi đối thoại trực tuyến kết nối nhiều chuyên gia y tế và các nhà hoạch định chính sách từ Việt Nam, các nước ASEAN và Vương quốc Anh về tăng cường chăm sóc và điều trị bệnh không lây nhiễm.

Các chuyên gia y tế tập trung thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình điều trị nhóm bệnh không lây nhiễm trong khu vực ASEAN và vai trò của công nghệ trong việc cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe… Ðại diện ngành y tế Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm duy trì cung cấp dịch vụ quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm. Việt Nam đã triển khai một số hành động ứng phó như xây dựng khuyến nghị cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính về phòng, chống Covid-19, hướng dẫn chi trả khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh mạn tính… (Nhân dân, trang 5).

 

Việt Nam đang đặt mua vắc xin của Mỹ Nga và Anh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã đặt mua vaccine phòng Covid-19 của 3 nước: Nga, Mỹ, Anh.

Thông tin về tình hình sản xuất vaccine Covid-19 hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để mua và sản xuất vaccine Covid-19.

Cụ thể, Bộ Y tế đã đặt mua vaccine Covid-19 của 3 nước, gồm: Nga, Mỹ, Anh. Việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất.

Ở trong nước, Việt Nam cũng đang tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19. Hiện cả nước có 4 đơn vị nghiên cứu vaccine Covid-19, gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac, Nanogen.

Quá trình nghiên cứu của các đơn vị nêu trên đều có những tín hiệu khả quan, cố gắng cuối năm 2020 có thể đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng.

Chẳng hạn, công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Bristol của Anh nghiên cứu sản xuất vaccine theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vắc xin lớn trên thế giới sử dụng trong phát triển vaccine phòng Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thêm, dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có vaccine phòng, chống Covid-19. (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Mải chống Covid-19, Sốt xuất huyết gần ngưỡng cảnh báo dịch

Ngoài ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu toàn ngành triển khai các biện pháp phòng chống, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch

Sáng 21/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với 62 điểm cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm từng bước được kiểm soát, đặc biệt kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người. Đặc biệt, các bệnh như bạch hầu, ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc, vì vậy có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thứ trưởng yêu cầu toàn ngành triển khai các biện pháp phòng chống, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 9, Việt Nam ghi nhận 70.585 ca mắc SXH, giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng trong 3 tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Số ca mắc SXH tập trung ở Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hoà, Bình Thuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TPHCM, Hà Nội…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra phòng chống SXH tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng. Số mắc SXH có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM lưu ý, cứ 5 – 10 năm lại có một đỉnh dịch. Việt Nam là vùng lưu hành của SXH nên cần kiên quyết các biện pháp phòng chống. SXH là bệnh theo mùa nên từ nay đến tháng 12 số mắc dự báo dự sẽ tăng theo tuần.

Vi khuẩn bạch hầu có thể sống trong sữa, nước uống…

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước có 198 ca mắc bạch hầu với 4 người tử vong. Hiện ghi nhận cả ca bệnh ở người trên 65 tuổi, trẻ dưới 1 tuổi. Điều đáng lo ngại là nhiều địa phương lâu không có người mắc nên ngay cả cán bộ y tế cũng quên bệnh này không nghĩ tới bệnh nhân mắc bạch hầu. Chỉ sau khi điều trị nhiều loại kháng sinh không khỏi mới nghĩ tới bạch hầu thì bệnh đã diễn biến nặng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cảnh báo, vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng rất cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn hoặc lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

PGS.TS Trần Như Dương lưu ý, tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu là 5 – 10% kể cả điều trị tốt. Vì vậy, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh, nhưng cần lựa chọn đúng văcxin về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả. (Khoa học & đời sống, trang 3).

Theo T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/01/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/11/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận