Điểm báo ngày 02/01/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 02/01/2019

Được hưởng quyền lợi cao hơn khi tham gia BHYT 5 năm liên tục; Phòng bệnh khi rét đậm, rét hại; Bé 4 tuổi hiến tặng giác mạc giúp hai thanh niên có ánh sáng…

 

Được hưởng quyền lợi cao hơn khi tham gia BHYT 5 năm liên tục

Với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Ngày 1.1.2019, Bộ Y tế cho biết Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc (thay thế Thông tư 15/TT-BYT ngày 30.5.2018) có hiệu lực thi hành từ ngày 15.1.2019. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở y tế, đơn vị, tổ chức và cá nhân có tham gia vào quá trình KCB và thanh toán, quyết toán chi phí KCB theo chế độ BHYT. Giá các dịch vụ KCB quy định tại thông tư này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

So với các quy định hiện hành, không thay đổi cơ cấu giá KCB mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,15 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013) sang mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018).

Theo đó, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, giường/ngày tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, điều chỉnh tăng giá lần này sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, người sinh sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng… vì được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%.

Đối với người cận nghèo, chỉ phải đồng chi trả 5% (trong khi tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 3,23%) nên mức độ tác động không đáng kể. Với trường hợp có thẻ BHYT, phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì phần đồng chi trả chỉ tăng bình quân 3,23% trong số đồng chi trả 20% đó. (Thanh niên, trang 6).

 

 

Phòng bệnh khi rét đậm, rét hại

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đưa ra những khuyến cáo phòng bệnh khi rét đậm, rét hại.

Hiện nay, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khuyến cáo: Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang.

Chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, trẻ dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc để tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho trẻ; đồng thời, cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

Người già và trẻ em thường gặp các vấn đề về sức khỏe do trời lạnh như: Viêm phổi, hen suyễn, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm… cần hạn chế đi ra ngoài khi trời quá lạnh và gió mạnh, nhất là khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Không nên tắm sau 22 giờ đêm, tắm quá lâu hoặc tắm ở nơi có gió lùa dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm tới tính mạng.

Bên cạnh đó phải giữ ấm cơ thể, nhất là các vùng ngực, cổ, chân tay; ăn uống đủ chất để cơ thể có đủ năng lượng chống rét và giữ ấm… Người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín để tránh ngộ độc khí CO trong nhà. Đặc biệt, nếu dùng các lò sưởi bức xạ hồng ngoại không nên để gần trẻ nhỏ, người già dễ gây khô da, khô mũi và dễ bị bỏng, cháy.

Những người khi có các biểu hiện như: Đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay, nhất là những người ở lâu ngoài trời lạnh có các biểu hiện như: Run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, lơ mơ, buồn ngủ… cần giữ ấm cơ thể ngay và đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe, không tự ý mua thuốc về uống. Trời lạnh thường làm tăng thêm gánh nặng cho tim nên những người bị bệnh tim mạch, huyết áp nên đi khám định kỳ và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong thời tiết rét đậm, người già không nên ra ngoài vào buổi tối, nếu bắt buộc phải đi ra ngoài thì nên đi bằng phương tiện như ô tô, taxi để không bị lạnh, gió lùa. Tuyệt đối không đi tập thể dục sáng sớm trong những ngày giá rét sẽ dễ nhiễm lạnh rất nguy hiểm. Với những người già yếu đang được chăm sóc tại nhà, nếu hay đi tiểu đêm phải bố trí đi vệ sinh tại phòng, không nên dậy và đi ra khỏi phòng. (Tiền phong, trang 6).

 

 

Bé 4 tuổi hiến tặng giác mạc giúp hai thanh niên có ánh sáng

Em bé qua đời sau một tai nạn bất ngờ đúng vào ngày sinh nhật 4 tuổi, những ngày cuối cùng của năm 2018. Nén đau thương, gia đình đã quyết định hiến giác mạc của bé để giúp 2 thanh niên có ánh sáng trở lại.

Ngày đầu tiên của năm mới 2019, thông tin từ Bệnh viện Mắt trung ương cho biết bệnh viện vừa tiến hành ca ghép giác mạc cho một thanh niên 20 tuổi ở Thanh Hóa.

Nam thanh niên này bị chứng loạn dưỡng giác mạc cả hai mắt, nhìn rất mờ.

Đầu tuần tới, một ca ghép tương tự cũng sẽ được thực hiện, cho một người bệnh nữa cũng ở độ tuổi 20 và cũng bị loạn dưỡng giác mạc.

Điều đặc biệt của hai ca ghép này là người hiến tặng giác mạc cho hai người bệnh là một em bé mới 4 tuổi.

Bé sống cùng gia đình ở Phú Thọ, còn cha mẹ làm việc ở Nhật Bản. Những ngày cuối cùng của năm 2018 vừa qua, đúng vào ngày sinh nhật 4 tuổi, bé qua đời sau một tai nạn bất ngờ.

Qua mạng xã hội, gia đình bé bày tỏ nguyện vọng hiến tặng giác mạc để cứu những người đang bị mù lòa hoặc nhìn kém do bệnh lý liên quan đến giác mạc.

Thông tin đến với Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia và các cán bộ của ngân hàng mắt Bệnh viện Mắt trung ương đã tới Phú Thọ.

“Suốt chặng đường, chúng tôi đều im lặng khi nghe chuyện của bé. Trước khi giác mạc bé được hiến tặng, mẹ bé đã ôm lấy con thì thầm ‘chiến binh của mẹ, giờ con hãy tặng lại giác mạc để giúp những người khác tìm lại ánh sáng nhé, chàng trai’.

Lời thì thầm xúc động tận tâm can tôi” – giám đốc ngân hàng mắt Bệnh viện Mắt trung ương Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ.

Theo một bác sĩ tham gia ca ghép, mắt thanh niên mới được ghép giác mạc từ giác mạc của bé 4 tuổi hiến tặng đang dần hồi phục và đã bắt đầu có thể thấy lại ánh sáng, sau nhiều năm trước mắt chỉ toàn một màu đen.

6 người được nhìn thấy ánh sáng

Đây là em bé thứ 3 hiến tặng giác mạc cứu những người mù lòa trong chưa đầy một năm qua (tính từ tháng 2-2018), sau hai bé Hải An hơn 7 tuổi và Vân Nhi 12 tuổi, nhưng đây là em bé nhỏ tuổi nhất.

Sau khi được hiến tặng, giác mạc của các bé đã mang lại ánh sáng cho 5 người. Và tính đến đầu tuần tới khi ca ghép thứ 6 hoàn tất, sẽ có sáu người được những thiên thần nhỏ giúp mang lại ánh sáng. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

 

Những sai phạm ở ngành Y tế tỉnh Gia Lai kéo dài chậm xử lý

Ngày 31/12, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết: đầu năm 2019, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc sử dụng quỹ BHYT mua sắm trang thiết bị y tế – vật tư tiêu hao và công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra tại BYT và các tỉnh, thành có dư luận xã hội bất thường…

Tại tỉnh Gia Lai trong năm 2017, kiểm toán Nhà nước đã phát hiện sai phạm 67 tỷ đồng, liên quan đến ngành Y tế tỉnh, trong đó các gói mua sắm trang thiết bị y tế chênh lệch hơn 56,7 tỉ đồng. Đồng thời, Sở Y tế Gia Lai cũng đã tham mưa sai dẫn đến việc thất thoát hơn 10 tỷ đồng ngân sách… (chi tiết xem báo). (Công an nhân dân, trang 7).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận