Điểm báo ngày 09/10/2020

(CDC Hà Nam)
TPHCM: Chủ động phòng chống dịch, không để làn sóng dịch thứ 3 xảy ra; TP.HCM sẽ áp dụng mô hình cấp cứu 115 theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ; Việt Nam có ca mắc COVID-19 thứ 1.100; Hà Nội: Bổ sung thêm khách sạn bình dân để cách ly COVID-19

TPHCM: Chủ động phòng chống dịch, không để làn sóng dịch thứ 3 xảy ra

Ngày 8-10,  Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký công văn khẩn số 3856/UBND-VX về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thành ủy, UBND trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm các biện pháp đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly.

UBND TP giao ngành y tế cần chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, quyết không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “thông điệp 5K: khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế ”.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra “làn sóng dịch bệnh thứ 3” trên địa bàn TP (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

TP.HCM sẽ áp dụng mô hình cấp cứu 115 theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ

Ngày 8.10, tại lễ tiếp nhận trang thiết bị y tế (xe cấp cứu, máy xét nghiệm RT-PCR, tiền mặt) với tổng trị giá 5 tỉ đồng do nhà hảo tâm tài trợ để phòng chống dịch Covid- 19, Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có 34 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ rộng trên 24 quận huyện. Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành y tế TP xây dựng hệ thống cấp cứu 115 hoàn chỉnh theo mô hình của Mỹ, châu Âu, Úc. Đó là mô hình phối hợp, sẽ có những trạm cấp cứu 115 vệ tinh, có các trung tâm cấp cứu 115 ngoại ô; hướng đến đội ngũ y tế cấp cứu sẽ hoạt động theo mô hình vừa cấp cứu tại chỗ, vừa xử lý và cho thuốc và bảo hiểm y tế chi trả; những trường hợp nhẹ không cần phải đến bệnh viện (BV) mà về nhà điều trị, được y tế địa phương theo dõi.

Theo Giáo sư Bỉnh, nếu bảo hiểm y tế chi trả cho cấp cứu ngoại viện giống như mô hình các quốc gia khác thì công tác cấp cứu sẽ rất hiệu quả.

Trước đó, lãnh đạo SYT chỉ đạo giám đốc các BV cần xem hoạt động cấp cứu ngoại viện là hoạt động tạo niềm tin cho người dân, đầu tư nguồn nhân vật lực phù hợp tùy vào quy mô từng BV. Trong thời gian tới, Sở sẽ ban hành văn bản hướng dẫn các trạm cấp cứu vệ tinh 115 xây dựng cơ cấu giá cấp cứu ngoại viện, nêu rõ định mức giá giữa BV công lập và BV ngoài công lập. Các trạm cấp cứu vệ tinh 115 phải hoàn thành cơ cấu giá thu, gửi về Sở Y tế để thẩm định và công khai mức giá trên cổng thông tin điện tử ngành y tế để người dân được biết.

Sở Y tế cũng giao TT cấp cứu 115 tham mưu Sở xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn kết với hoạt động chăm sóc sk ban đầu tại các cơ sở y tế trong cộng đồng; triển khai giải pháp “Hệ thống điều hành thông minh” tại Trung tâm cấp cứu 115 và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tiếp nhận và xử lý cuộc gọi cấp cứu cho các điều phối viên cấp cứu ngoại viện.

Theo báo cáo của Trung tâm cấp cứu 115, trong 6 tháng đầu năm 2020 có 11.448 cuộc gọi cấp cứu có xuất xe, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân giảm một phần là tác động của dịch Covid-19 (Thanh niên, trang 17).

Việt Nam có ca mắc COVID-19 thứ 1.100

Chiều tối 8-10, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19. Đây là bệnh nhân thứ 1.100 tính từ đầu vụ dịch, bệnh nhân có tiếp xúc gần với 4 bệnh nhân khác. Bộ Y tế cho biết bệnh nhân thứ 1.100 là nam, 29 tuổi, địa chỉ ở phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay QH 9495 ngày 26-9 tại sân bay Cần Thơ, được cách ly tập trung tại ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu sau khi nhập cảnh.

Bệnh nhân này là người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân 1.091, 1.092, 1.093, 1.094. Ngày 4-10, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau họng, ho và giảm khứu giác; kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 7-10 tại Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả dương tính với  Covid- 19 và hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Đây là bệnh nhân thứ 1.100 tính từ đầu vụ dịch ở Việt Nam, đã có 1.023 người trong số này khỏi bệnh và được ra viện, 18 người khác đã có từ 1-3 kết quả xét nghiệm âm tính. Tại các bệnh viện hiện chỉ còn hơn 20 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 36 ngày qua không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 mới từ cộng đồng. Tuy nhiên, Chính phủ đang nỗ lực tìm nguồn vắc xin ngừa bệnh, trong đó Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng đề án, phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ tìm nguồn đầu tư cho phát triển vắc xin ngừa COVID-19 “made in Việt Nam”, bao gồm cả vốn ngân sách và các tổ chức, các quỹ đầu tư (Tuổi trẻ, trang 4).

Giành giật sự sống cho bệnh nhân nơi biển đảo

Vừa là chiến sĩ vừa là bác sĩ, nhiều năm qua ‘đội đặc nhiệm’ y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã giành giật lại sự sống cho cả trăm sinh mạng ngư dân, chiến sĩ… Vừa là chiến sĩ vừa là bác sĩ, nhiều năm qua “đội đặc nhiệm” y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã giành giật lại sự sống cho cả trăm sinh mạng ngư dân, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc chẳng may bị bạo bệnh.

Trong tuần qua, các y, bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Quân y 175 tại TP.HCM đã thực hiện 2 chuyến cấp cứu đường không (CCĐK), đưa 2 ngư dân bị đột quỵ não từ biển đảo về đất liền chữa trị. Những chuyến bay ấy, không chỉ gian khó là bệnh lý nặng của bệnh nhân (BN) mà còn là thời tiết, điều kiện trên máy bay mà y, BS phải vượt qua để đảm bảo sự sống cho BN về đến đất liền.

Bác sĩ đu thang dây để cứu người

Thượng úy, BS Đinh Văn Hồng, Khoa Hồi sức tích cực BV Quân y 175, kể anh đã tham gia cấp cứu và vận chuyển được 10 chuyến. Trong đó đáng nhớ nhất phải kể đến nhiệm vụ cấp cứu BN tại nhà gian DK 1 vào tháng 7.2018.

“Ngay khi nhận lệnh, chúng tôi đã xác định BN nặng nên phải mang theo nhiều trang thiết bị thiết yếu, thuốc cấp cứu như: máy thở, máy theo dõi, bình ô xy… BN cần sớm được tiếp cận, vận chuyển về đất liền điều trị. Trước khi bay, tổ bay nhận thông báo về tình hình thời tiết có thể diễn biến xấu và đúng như dự báo, trong đêm, khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống nhà giàn thì gặp phải tình huống thời tiết xấu, không thể hạ cánh. Để tận dụng giờ vàng cấp cứu BN kịp thời, chúng tôi xuống nhà giàn bằng thang dây”, BS Hồng nhớ lại.

Cũng theo BS Hồng, dù đã được huấn luyện nhiều tình huống, nhưng thực tế tổ cấp cứu chưa từng gặp tình huống này. Rất may mọi người đã xuống nhà giàn an toàn, nhanh chóng tiếp cận BN. Sau đó, tổ bay cũng hạ cánh được và vận chuyển BN về đất liền thành công. “Lần cấp cứu này là kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm quý báu cho chúng tôi về CCĐK từ biển đảo, khác rất nhiều so với cấp cứu trên đất liền. Đó cũng là động lực để chúng tôi hoàn thành tốt những nhiệm vụ tiếp theo”, BS Hồng nói.

Cũng như đồng nghiệp, đại úy, BS Phạm Trường Thanh, Khoa Hồi sức tích cực, Đội trưởng Đội CCĐK, BV Quân y 175, cho hay trong 3 năm qua, anh đi CCĐK 10 ca. Đối với anh, mỗi lần tham gia CCĐK đều là một thử thách, trải nghiệm mới vì không thể lường trước được những khó khăn, nguy hiểm bất ngờ xảy ra.

“Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là trường hợp BN L.V.T (chiến sĩ ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) được chẩn đoán đa chấn thương, chấn thương bụng kín, vỡ ruột non, vỡ gan trong bao, chấn thương khung chậu, gãy ngành ngồi mu, gãy hở độ 3 giữa xương cẳng chân phải. Nhận được lệnh đi cấp cứu, BV nhanh chóng tập hợp đội ngũ BS – kỹ thuật viên gồm 5 người, đảm bảo một kíp mổ dã chiến ngay trên đảo”, BS Thanh kể.

Tuy nhiên, khi nhận lệnh, thời tiết bắt đầu chuyển biến xấu, mưa nhiều kèm theo bão và gió giật mạnh khiến việc di chuyển bằng trực thăng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Thuyền Chài là một đảo nhỏ, nằm rất xa đất liền, trực thăng thường phải bay đợi thời tiết tạm ổn mới có thể đáp. Điều này khiến việc tiếp cận người bệnh bị kéo dài thời gian.

“Trận chiến” thời bình của người lính là bác sĩ

Theo BS Hồng, CCĐK và bay trên biển ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề cấp cứu và vận chuyển BN. Về CCĐK, khi đưa BN lên cao có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến BN, thậm chí làm nặng thêm tình trạng bệnh, như giảm áp, giảm ô xy, sự thay đổi độ cao, vấn đề rung xóc, tiếng ồn… Mặt khác, các yếu tố này còn ảnh hưởng tới sk cũng như sự phán đoán và xử trí tình huống của y, BS và phi hành đoàn. “Thực tế, trong một số chuyến bay, chúng tôi đã mổ cấp cứu, dẫn lưu khí khoang màng phổi, sốc điện chuyển nhịp, đặt ống nội khí quản và thở máy… Nhờ những kiến thức về sinh lý và sinh lý bệnh trong chuyến bay mà chúng tôi luôn đảm bảo an toàn cho BN cũng như phi hành đoàn”, BS Hồng nói.

Còn về vận chuyển bằng trực thăng qua biển, BS Hồng chia sẻ việc di chuyển đường dài bằng trực thăng trên đất liền đã khó khăn, thì trên biển càng phức tạp hơn. Chính nhờ những phi công dũng cảm của phi hành đoàn (Binh đoàn 18) mà những chuyến bay vượt biển của đoàn luôn đảm bảo an toàn. Đáng nói, hầu hết các chuyến bay của ê kíp cấp cứu là bay đêm để giành thời gian vàng cứu sống BN. Nhưng bay đêm rất khác so với bay ngày, bởi trong đêm tối, việc định vị và quan sát trong quá trình bay khó khăn, làm kéo dài thời gian vận chuyển, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến an toàn của phi hành đoàn. Thêm vào đó, trong đêm tối, việc cấp cứu BN cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề ánh sáng, sử dụng thuốc, xử trí cấp cứu, khám và nhận định tình trạng BN… Đặc biệt là sự mệt mỏi trong quá trình bay đêm, ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu BN. Tuy nhiên do được rèn luyện, ê kíp đã quen với các vấn đề trên, ê kíp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp cứu và vận chuyển BN bằng trực thăng từ biển đảo về đất liền dù ngày hay đêm.

Theo BS Thanh, để cấp cứu thành công một ca bệnh bằng đường không, BV Quân y 175 luôn đảm bảo nhân sự 100% là BS hồi sức tích cực. Đây không chỉ là những người lính tinh nhuệ, những BS giỏi về chuyên môn mà đội ngũ được lựa chọn còn phải nhạy bén trong phán đoán, xử trí cấp cứu và những tình huống ngoài chuyên môn khác.

“Mỗi lần bay ra cấp cứu và vận chuyển một BN ở biển đảo kịp thời, thành công là mỗi lần tôi cảm thấy hạnh phúc và vinh dự. Vinh dự vì ít nhiều cũng được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cũng như cấp cứu kịp thời một BN là niềm hạnh phúc của mọi BS. Bà con, mọi người hãy yên tâm công tác làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đất liền luôn là hậu phương vững chắc cho tất cả mọi người. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, không nề hà mỗi khi biển, đảo cần”, trung úy, BS Trương Xuân Bách, Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV Quân y 175 – người đã 3 lần tham gia CCĐK, chia sẻ (Thanh niên, trang 14).

Hà Nội: Bổ sung thêm khách sạn bình dân để cách ly COVID-19

Chiều 8/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tại Hà Nội từ ngày 17/8 đến nay không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng mà chỉ ghi nhận các ca bệnh từ nước ngoài trở về. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp dương tính cách ly ngay khi nhập cảnh. Đến nay tất cả các trường hợp F1, F2 tại Hà Nội đã hoàn thành việc cách ly y tế.

Ông Hạnh cho biết, theo thông báo của Bộ GTVT, tới đây, mỗi 1 ngày có khoảng 4 chuyến bay thương mại với hơn 1.000 người nhập cảnh vào Hà Nội. Nhận định đây là nguy cơ cần chú ý không để dịch bệnh lây lan ông Hạnh nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh…

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, hiện nay dễ thấy ở nơi công cộng, có không ít người dân không phải chủ quan mà hiện tại đã coi thường các biện pháp phòng dịch. Ở một số nơi việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay gần như không thực hiện. Các đơn vị cần thực hiện nghiệm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế cũng như xử phạt nghiêm các trường hợp không thực hiện.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý lưu ý quận Hoàn Kiếm sẽ có nhiều hoạt động như Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Đảng bộ thành phố, phố đi bộ…yêu cầu quận tiếp tục hạn chế các sự kiện đông người, trừ các sự kiện chính trị xã hội quan trọng.

“Ai đến khu công cộng như ở hồ Gươm phải đeo khẩu trang, xem xét đặt các điểm bán khẩu trang, tổ chức lực lượng nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang”, ông Quý nêu.

Theo ông Quý, vừa qua, trong chuyến bay thương mại thử nghiệm về Hà Nội có 89 công dân, trong đó có trẻ em, học sinh, lao động mất việc làm do dịch bệnh, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng giá khách sạn cách ly ở Hà Nội thấp nhất là 2,6 triệu/ngày (chưa kể tiền xét nghiệm); người dân được giải cứu mà vào cách ly ở khách sạn giá như vậy trong 14 ngày là khó khăn. Vì vậy khi đưa về cách ly ở khu quân đội, người dân đều làm đơn xin ở lại khu cách ly quân đội vì được chăm sóc tốt, lại chỉ mất 1,6 triệu cho cả 14 ngày.

“Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Sở Du lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý hơn để phục vụ người dân”, ông Quý yêu cầu.

Lưu ý dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, ông Quý ghi nhận các đơn vị đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Việt Nam và Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn cao bởi mầm bệnh vẫn có thể còn trong cộng đồng; người nhập cảnh trái phép; hàng hóa nhập cảnh…

“Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhận định công tác phòng chống dịch có thể kéo dài đến tận ngày này sang năm. Chỉ đến khi có vắc xin cung cấp đủ cho người dân mới hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta cần xác định rõ sống chung với dịch”, ông Quý thông tin.

Từ đó, ông Quý yêu cầu các quận huyện tiếp tục ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ lây lan dịch bệnh: tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; tăng cường kiểm tra tại trường học nhà máy xi nghiệp, chợ siêu thị, bar, karoke…

Thực hiện nghiêm quy trình về việc đón, tiếp, xét nghiệm, cách ly với người nhập cảnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép (Tiền phong, trang 3).

Theo T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 14/05/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/5/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận