Công khai giá thuốc, nhưng vẫn mỗi nơi một giá!
Cổng “Công khai giá dịch vụ của ngành Y tế” được Bộ Y tế mở tại địa chỉ congkhaiyte.moh.gov.vn. Từ đây, người dân có thể tìm thấy các thông tin công khai giá thuốc để đảm bảo minh bạch. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngày 22.11 – sau 2 ngày công khai giá thuốc – tại các tỉnh thành, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, vẫn còn tình trạng mỗi nơi mỗi giá và thường cao hơn giá niêm yết công khai từ Bộ Y tế.
Mỗi nơi một giá, có nơi giá cao hơn giá niêm yết
Ngày 22.11, tức là 2 ngày sau khi Cổng Công khai y tế được mở, phóng viên đã vào vai người cần mua một số loại thuốc để ghi nhận giá ở một số cửa hàng thuốc tại TPHCM. Chúng tôi nhận thấy, cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi có mỗi giá bán khác nhau. Bộ Y tế thông tin, thuốc Happacol 250, dạng bột có tác dụng giảm đau, hạ sốt cho trẻ được công khai giá bán lẻ là 2.468 đồng/gói. Tuy vậy, mỗi cửa hàng lại bán một giá khác nhau. Một tiệm thuốc trên đường Đồng Đen (phường 14, quận Tân Bình) bán 2.500 đồng/gói nhưng tiệm khác tại đường Cách mạng tháng 8 (Quận 10) chỉ bán giá 1.700 đồng/gói. Trong khi đó, theo khảo sát, hỗn dịch uống YumagelF 15ml, có tác dụng cải thiện các chứng bệnh: Loét dạ dày; viêm dạ dày; các chứng bệnh ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau dạ dày,… được Bộ Y tế công khai giá bán 6.300 đồng/gói nhưng giá bán trên thị trường lại cao hơn.
Cửa hàng thuốc tây lớn trên đường Đồng Đen (phường 14, quận Tân Bình) bán 7.000 đồng/gói và 1 hộp (20 gói) có giá 140.000 đồng. Cửa hàng khác trên đường Cách mạng tháng 8 (quận 10, TPHCM) bán 6.500 đồng/gói và hộp 20 gói có giá 130.000 đồng. Đặc biệt, nhà thuốc trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) bán lẻ 7.600 đồng/gói và 1 hộp được bán 145.000 đồng.
Qua so sánh đơn giản có thể nhận thấy, các cửa hàng thuốc đều bán sản phẩm này đắt hơn giá công khai từ Bộ Y tế. Chênh lệch mỗi hộp thuốc từ 4.000 đồng đến 14.000 đồng/hộp, thậm chí có nơi tăng gần 20.000 đồng/hộp.
Một loại thuốc khác là viên Acyclovir 200mg được Bộ Y tế niêm yết giá 1.243 đồng/viên. Tuy nhiên, để mua được 1 viên thuốc này, người tiêu dùng phải bỏ thêm gần 200 đồng.
Khảo sát tại tiệm thuốc trên đường Đồng Nai (Quận 10), cửa hàng này bán giá 1.400 đồng/viên. Các hiệu thuốc bán lẻ tại quận Tân Bình và Bình Thạnh cũng có giá tương tự. Phép tính thử nếu mua 1 hộp 10 vỉ x 10 viên, người dùng phải chịu mua giá cao hơn 15.000 đồng.
Một loại thuốc trị tiêu chảy, kiết lị quen thuộc là Berberine 100mg, chai 100 viên nang của Nhà sản xuất Mekophar (Việt Nam), người tiêu dùng cũng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua được thuốc so với giá niêm yết. Cụ thể, giá niêm yết trên Cổng Công khai Y tế chỉ quy định 1.000 đồng/viên nhưng nhà thuốc trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) bán 1.500 đồng viên. Như vậy, giá thuốc đã cao gấp rưỡi và nếu mua 1 hộp, có thể mắc hơn giá niêm yết đến 50.000 đồng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, tình hình cũng không khá hơn. Giá thuốc được ghi nhận tại các hiệu thuốc đều trong tình trạng “mỗi nơi một khác”. Đơn cử, đối với sản phẩm thuốc Hapocol 250 cho trẻ em có giá niêm yết là 2.468 đồng/gói thì tại nhà thuốc An Tâm – phố Đào Tấn (Hà Nội), hộp 24 gói được bán với giá 50.000 đồng/hộp – thấp hơn so với giá niêm yết; trong khi, cũng hộp thuốc 24 gói này, nhà thuốc Vân Pharmacy – tại khu chung cư An Bình City (Hà Nội) lại đang bán với giá 60.000 đồng. Hay đối với sản phẩm Yumayel F- được niêm yết trên Cổng Công khai Y tế với giá 6.300 đồng/gói thì nhà thuốc An Tâm bán với giá 100.000 đồng/hộp 20 gói hay nhà thuốc Vân Pharmacy có giá 110.000 đồng/hộp 20 gói, giá đều thấp hơn so với giá niêm yết.
Mới có 2.999 loại thuốc đã được kê khai giá bán lẻ
Ngay sau khi công khai thông tin về 5 lĩnh vực lớn trong ngành y tế là dược, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, dịch vụ y tế, thủ tục cấp phép dược – trang thiết bị y tế, người dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc minh bạch, công khai các lĩnh vực trên, đặc biệt trong lĩnh vực dược.
Khi giá thuốc được công khai, không chỉ các cơ sở y tế mà cả người dân có thể trực tiếp so sánh, giám sát giá của từng loại thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thuốc.
Ông Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược – cho hay: “Đối với việc nhấn nút công khai toàn bộ giá cả các dịch vụ trong ngành Y tế, trong đó có lĩnh vực dược. Đây là một nỗ lực rất lớn. Chúng tôi đã công khai được trên 60 nghìn các loại thuốc trên thị trường, kê khai của các doanh nghiệp. Và trên 40 nghìn thuốc trúng thầu”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, tới nay đã có 2.999 loại thuốc được kê khai giá bán lẻ. “Tới đây, chúng tôi tiếp cục công khai toàn bộ thuốc bán lẻ trên 61 nghìn cơ sở bán lẻ. Hiện chúng tôi đã tổng hợp được khoảng 50% giá thuốc bán lẻ, lộ trình cố gắng từ nay đến hết quý 1 năm 2021 sẽ đưa toàn bộ giá bán lẻ của 61 nghìn cơ sở bán lẻ trên toàn bộ hệ thống công khai y tế, trong đó có lĩnh vực dược” – ông Cường nói.
Theo ông Cường, người dân sẽ tham gia giám sát toàn bộ quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hơn đối với việc xác định cơ cấu giá của mình. Chúng tôi nỗ lực trong thời gian ngắn nhất công khai toàn bộ giá cả.
“Chế tài xử lý thì cũng đã được đưa vào nghị định 117 để xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Cùng với việc tuyên truyền cho người dân, các cơ sở hành nghề cùng với các biện pháp công khai minh bạch. Đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, tôi hy vọng rằng ngành dược sẽ có bước tiến mới trong thời gian sắp tới để cung ứng dịch vụ tốt hơn cho người dân” – ông Cường khẳng định (Lao động, trang 2).
Xử nghiêm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những ngày qua tại các địa điểm công cộng như bến xe, công viên, bệnh viện…, không khó để bắt gặp nhiều người vẫn phớt lờ biển báo cấm hút thuốc, thản nhiên nhả khói. Tại khu vực Bệnh viện Phụ sản trung ương vào 8h sáng 20-11 có rất đông sản phụ, người nhà ra, vào. Theo quan sát, bên trong khuôn viên của bệnh viện không có hiện tượng hút thuốc lá, nhưng ngay ngoài cổng bệnh viện nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá.
Tương tự, 10h sáng 20-11, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, dù trong khuôn viên bệnh viện đã bố trí rất nhiều biển báo cấm hút thuốc, nhưng vẫn có không ít người bỏ khẩu trang tranh thủ hút thuốc lá. Phía trước cổng bệnh viện có đến chục người ngồi ở các quán nước đang hút thuốc lá. Khi phóng viên nhắc nhở, anh Phạm Khắc Minh (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cười phân trần: “Tôi ngồi chờ bố khám bệnh bên trong, sốt ruột quá nên hút điếu thuốc cho bớt căng thẳng. Tôi ngồi đây khá lâu nhưng không thấy ai đến nhắc nhở hay xử phạt…”.
Gần 8h sáng 21-11, tại khu vực sảnh trước cửa Bến xe Gia Lâm, chỉ trong 10 phút, phóng viên đã đếm được có 8 người đang hút thuốc lá. Hút xong, hầu hết đều tiện tay vứt tàn thuốc xuống mặt đất, rồi dùng chân dập. Vi phạm nhiều nhưng không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) quy định rõ, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm tăng lên từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thay vì mức 100.000-300.000 đồng như trước. Tăng mức phạt là hết sức cần thiết để răn đe, song dù chế tài đã có hiệu lực được hơn một tuần, vẫn chưa có cá nhân nào bị phạt do hút thuốc ở những nơi cấm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, chế tài xử phạt đã rõ, thế nhưng hiện nay, nhiều người có trách nhiệm quản lý các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá chưa quan tâm, nhìn nhận công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá như là nhiệm vụ chính thức, thường xuyên. Thêm vào đó, do lực lượng thanh tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực, nên việc xử phạt người vi phạm rất khó thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền đi kèm kiểm tra, xử phạt
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là một trong 4 nước có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất châu Á. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyên truyền tác hại thuốc lá, cần đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định, thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như: Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo…; Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng…
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng, để xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, riêng lực lượng thanh tra y tế không thể làm được, mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng công an… Đặc biệt, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình.
Qua kiểm tra, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá thành phố đánh giá, những đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc là nhờ đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ của cơ quan; trưởng các phòng, ban chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra vi phạm. Để xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, nhất là các bệnh viện, tới đây Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm.
Hiện tại, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Dự kiến, việc ứng dụng phần mềm này sẽ được thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và quận Tây Hồ. Với các giải pháp trên, kỳ vọng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sớm xây dựng được môi trường không khói thuốc lá (Hà Nội mới, trang 5).
Siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu
Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) vẫn chưa lắng xuống khi thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận thêm số ca cấp cứu và tử vong. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.
Quản lý cồn công nghiệp chưa chặt
Trong tháng 10 và đầu tháng 11-2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 2 vụ ngộ độc rượu methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong, 1 người bị tổn thương mắt và não. Tất cả các trường hợp này được xác định có liên quan tới sản phẩm mang tên “Rượu Nếp”, “Hầm Rượu Việt” của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa có địa chỉ ghi trên nhãn mác ở phố Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên).
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, quá trình làm việc với tất cả các bên liên quan – các cơ quan chuyên môn và quản lý, cộng với các bằng chứng khoa học cho thấy, với cách nấu rượu truyền thống, lên men và ủ, chưng cất rượu truyền thống từ ngũ cốc không bao giờ gây ngộ độc methanol. Sản phẩm có nồng độ methanol cao ở “Rượu Nếp” và “Hầm Rượu Việt” chỉ có từ quá trình pha cồn công nghiệp và đóng chai thành sản phẩm rượu rởm. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, đây là sản phẩm có tên và nhãn mác, có đăng ký và cơ sở sản xuất rất rõ nên dễ gây hiểu nhầm và đánh lừa người tiêu dùng. “Người tiêu dùng thường dựa trên tiêu chí “sản phẩm có tên, thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng” để lựa chọn sản phẩm. Với sản phẩm rượu trên, nhãn mác đó có đúng hay không chỉ cơ quan chức năng kiểm tra mới biết”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Đề cập đến vấn đề quản lý rượu rởm được pha chế từ cồn công nghiệp, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, việc quản lý hóa chất cồn công nghiệp của chúng ta hiện nay chưa chặt chẽ. Cồn công nghiệp methanol không phải do người dân làm ra mà từ nhập khẩu, từ sản xuất phục vụ cho các mục đích hoàn toàn không phải để uống hay sát trùng. Tuy nhiên, hóa chất này đã bị “tuồn ra ngoài”, vào tay kẻ xấu. Sau đó, họ sử dụng hóa chất này để pha chế các loại rượu rởm, các loại cồn sát trùng rởm gây ngộ độc cho người tiêu dùng và nguy hiểm cho cả hệ thống y tế.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, ở Việt Nam, ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống rượu rởm khiến người uống không biết là uống phải rượu độc. Bởi vì lúc đầu khi uống loại rượu này cũng gây say giống như rượu uống thông thường. Thậm chí, ngộ độc rượu methanol lại có biểu hiện chậm và âm thầm. Do đó, phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt và tỷ lệ tử vong từ 30% đến 50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt…
Tăng kiểm tra đột xuất và hậu kiểm
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), những năm qua, nước ta có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế, việc lạm dụng rượu, bia, vấn đề chất lượng, an toàn và những hệ lụy của nó đã và đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như: Ngộ độc rượu, các tổn hại về sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông… Riêng các vụ ngộ độc rượu xảy ra đều do lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, tự ngâm động vật, thực vật có chứa độc tố, do gian lận trong nguyên liệu pha chế rượu, đặc biệt là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu.
Để giảm thiểu các vụ ngộ độc rượu, thời gian qua, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát các loại rượu trôi nổi, không được chứng nhận an toàn…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mong muốn, các cơ quan chức năng cần có những phương án quyết liệt hơn nữa trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp. Từ đó, ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol do uống rượu được pha chế từ cồn công nghiệp đáng báo động như hiện nay.
Từ nay đến cuối năm, trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngành Y tế Thủ đô tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu và cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên thị trường.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa các loại rượu rởm, rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý các cá nhân, các cơ sở vi phạm. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ cung cấp thông tin về các vụ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo với người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, cần hạn chế lạm dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe của bản thân (Hà Nội mới, trang 5).
Khai thác dữ liệu y tế số cần khung pháp lý
Hiện Việt Nam còn thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ…
“Nếu Chính phủ không sớm ban hành cơ chế thử nghiệm pháp lý giúp doanh nghiệp khai thác ‘‘mỏ dữ liệu y tế số’’ thì Việt Nam rất có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội trong chuyển đổi số cho một thị trường có quy mô xấp xỉ 23 tỉ USD và dân số đang già hóa” – nhận định này được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế” do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) phối hợp với Hội Truyền thông số (VDCA), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Chuyển đổi số là ‘‘miền đất hứa’’
Theo IPS, trong đại dịch, lượng người dùng thăm khám trực tuyến trên một ứng dụng tăng trưởng ấn tượng 600% so với trước dịch do phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Các ứng dụng cung cấp dịch vụ mua thuốc từ xa cũng trở nên thân thuộc hơn với người dân.
IPS cho rằng Việt Nam có đầy đủ các nhân tố tiềm năng để phát triển thị trường công nghệ y tế số. Bởi dân số Việt Nam đang sở hữu các đặc điểm nhân khẩu học phù hợp với chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy năm 2018 có khoảng 57 triệu lượt khám chữa bệnh của người cao tuổi, chiếm 34% số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng vật lý cũng sẵn sàng, với gần 50% dân số Việt Nam đang sở hữu điện thoại thông minh, quen thuộc với thanh toán điện tử, với các ứng dụng số.
Dù tiềm năng lớn nhưng số lượng start-up tại Việt Nam chỉ đạt dưới 2% trên tổng số hơn 4.000 start-up trong lĩnh vực công nghệ y tế tại châu Á, theo thống kê của BMI, quý 2-2019. Con số này rất nhỏ so với sự sôi động của giới khởi nghiệp trong thị trường công nghệ giáo dục và công nghệ tài chính. ‘
‘Lý do cho tình trạng phát triển ‘dưới tiềm năng’ này không phải vì doanh nghiệp Việt Nam thiếu năng động hay yếu kém về công nghệ, mà vì tình trạng ‘khép kín’ của ngành y tế, trọng tâm là hạn chế cơ hội tiếp cận về dữ liệu y tế – một mảng dữ liệu đặc biệt nhạy cảm, đề cao tính riêng tư’’, báo cáo nêu.
Tạo khung pháp lý cho tư nhân khai thác dữ liệu
Ông Nguyễn Quang Đồng – viện trưởng IPS – cho biết thực tế dữ liệu y tế số ở Việt Nam vừa bị “đóng”, lại vừa bị “phân mảnh” do không có chiến lược xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu y tế số. Mặt khác, thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ.
‘‘Vì bí khung khổ pháp lý cho chia sẻ dữ liệu, mỏ dầu dữ liệu y tế số mới đang bị đóng kín. Ngoài nguy cơ bỏ lỡ cơ hội khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế, thì đóng kín dữ liệu còn dẫn đến xu thế khai thác và mua bán trái phép. Vì vậy, cần cơ chế thí điểm pháp lý để khu vực tư nhân, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp, tham gia vào khai thác dữ liệu, tạo ra giải pháp cho khoảng trống dữ liệu nêu trên’’ – ông Đồng nói.
Từ đó, IPS đề xuất Bộ Y tế có trung tâm dữ liệu tiếp nhận dữ liệu từ các đơn vị cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chủ yếu là bệnh viện công. Sau khi gỡ bỏ các thông tin cá nhân định danh người bệnh (phi định danh hóa), dữ liệu này trở thành dữ liệu thứ cấp có thể chia sẻ và khai thác.
Theo ông Đồng, cần thí điểm pháp lý cho các lĩnh vực ưu tiên như nghiên cứu y khoa, dược khoa, bảo hiểm nhân thọ. Nguyên tắc tiếp cận dữ liệu nên là bình đẳng, công khai dù thu hay không thu phí với tất cả doanh nghiệp để tránh tình trạng một số nhà thầu xây dựng hệ thống, phần mềm y tế có xu thế độc quyền tiếp cận dữ liệu (Tuổi trẻ, trang 14).
81 ngày liên tiếp việt nam không ghi nhận ca mắc covid 19 tại cộng đồng
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 21-11 đến 18h ngày 22-11, nước ta ghi nhận 1 ca mắc mới, là ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh Tiền Giang.
Ca bệnh 1.307 (BN 1.307) là nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày 19-11, bệnh nhân này từ Philippines nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2527, được cách ly ngay tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 21-11 tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.
Như vậy, đã 81 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.307 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 8.475 người, trong đó có 68 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.108 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.142 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 25 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 1).