Điểm báo ngày 20/10/2020

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế xuất cấp khẩn 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho vùng lũ; Rà soát cơ cở y tế không an toàn, di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Bộ Y tế xuất cấp khẩn 4,2 triệu viên sát khuẩn nước cho vùng lũ

Ngày 19/10, Bộ Y tế quyết định xuất cấp cho Sở Y tế các tỉnh/thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng hóa chất khử khuẩn, khử trùng nguồn nước, mỗi tỉnh 700.000 viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg.

Số hàng này được lấy từ kho hàng phòng chống thiên tai của Bộ Y tế tại Đà Nẵng để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh đang bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Bộ Y tế yêu cầu, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế các tỉnh/thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng khẩn trương tổ chức giao nhận hóa chất khử khuẩn với danh mục và số lượng hàng theo quy định. Việc giao nhận hóa chất đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước.

Đồng thời, hướng dẫn đơn vị nhận hàng tiếp nhận, bảo quản, sử dụng hóa chất khử khuẩn theo quy định. Báo cáo Bộ Y tế và các Bộ ngành có liên quan về kết quả xuất cấp hàng.

Các Sở Y tế tỉnh/thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng khẩn trương thực hiện tiếp nhận số hóa chất khử khuẩn nêu trên và phân bổ cho các đơn vị thuộc tỉnh để phục vụ công tác khắc phục hậu quả, phòng chống thiên tai dịch bệnh. Chi phí vận chuyển viên sát khuẩn nước Aquatabs theo quy định tại Điều 1 từ kho bảo quản của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á tại Đà Nẵng về nơi sử dụng do các đơn vị tiếp nhận chi trả theo quy định.

Chỉ đạo các đơn vị bảo quản, quản lý, sử dụng hóa chất khử khuẩn được cấp phát tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, mục tiêu và chỉ sử dụng để phục vụ công tác khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hướng dẫn các đơn vị hạch toán và theo dõi số hóa chất khử khuẩn được cấp phát theo đúng chế độ kế toán.

Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á tại Đà Nẵng khẩn trương xuất cấp hàng cho đơn vị nhận theo danh mục và số lượng quy định tại Điều 1. Báo cáo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế tiến độ xuất và giao hàng để cùng phối hợp thực hiện. Thông báo cho đơn vị tiếp nhận giá trị hàng hóa theo danh mục và số lượng tại Điều 1 để làm cơ sở hạch toán theo quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 5).

 

Rà soát cơ cở y tế không an toàn, di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

gày 18/10/2020, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký Công điện số 1647/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Trung Bộ về việc triển khai công tác y tế ứng phó mưa, lũ lụt.

Công điện nêu rõ: Những ngày qua, các địa phương khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình; nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Theo dự báo, khu vực này tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu trở lại và mất an toàn các hồ đập, nhất là hồ đập nhỏ, khu vực xung yếu.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngập lụt, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Giám đốc các Sở Y tế tỉnh/thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Trung Bộ tiếp tục, khẩn trương triển khai thực hiện Công điện số 1625/CĐ-BYT ngày 14/10/2020 của Bộ Y tế về việc triển khai công tác y tế ứng phó mưa, lũ lụt và cơn bão số 7; theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của thời tiết, tình hình mưa, lũ để sẵn sàng ứng phó.

Duy trì trực chuyên môn, trực cấp cứu, các tổ đổi cơ động, sẵn sàng thu dung để cấp cứu nạn nhân do ảnh hưởng của mưa, lũ lụt gây ra; rà soát lượng thuốc, hóa chất và vật tư y tế dự trữ để kịp thời bổ sung.

Ban Quân dân y các tỉnh khẩn trương có phương án điều động các tổ cơ động tổ chức cấp cứu tại các cơ sở y tế bị cô lập, hạn chế tối đa chuyển tuyến bệnh nhân qua vùng lũ.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát các cơ sở y tế có nguy cơ mất an toàn và có phương án di dời các cơ sở y tế ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; khẩn trương khắc phục các cơ sở y tế bị ngập (điện, nước sạch …) để sớm đưa vào khám bênh, chữa bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch Covid-19

Chiều 19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 19/10, Việt Nam bước sang ngày thứ 47 liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực khi nhiều nước gặp tình trạng lây lan dịch ra cộng đồng những ngày qua và mùa Đông cận kề, một mùa Đông khắc nghiệt sẽ tạo thuận lợi cho Covid-19 lây lan rộng. Vì vậy, tinh thần quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh là không được chủ quan trong mọi trường hợp, mọi cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm cao, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và mọi người dân một lần nữa nhận thức rõ hơn nguy cơ dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép… (Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Bài viết liên quan

Thông tin văn bản luật tháng 6

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/11/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận