Điểm báo ngày 04/12/2020

(CDC Hà Nam)
Giám sát đột xuất các khu cách ly; Hàng không tiếp tục siết chặt quy trình phòng, chống dịch COVID-19

Giám sát đột xuất các khu cách ly

Mặc dù thừa nhận cách ly y tế là một trong các biện pháp hàng đầu để ngăn chặn và cắt đứt chuỗi lây lan dịch bệnh, nhưng việc giám sát người được cách ly đang là vấn đề đau đầu, vì họ “không phải là tội phạm”.

Ngày 3.12, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết công việc phòng, chống dịch Covid-19 ở TP luôn diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay cả khi không có ca bệnh. TP vừa có 3 ca từ cộng đồng, do vậy thực hiện chỉ đạo mới nhất trong công điện của Thủ tướng là tiến hành truy vết thật nhanh, thần tốc tất cả F1, F2 để cách ly tập trung F1 và cách ly F2 tại nhà, HCDC đã truy vết gần như đầy đủ F1 tiếp xúc gần các ca bệnh và đang tiếp tục truy vết. HCDC đã lấy 2.244 mẫu, xét nghiệm được trên 2.200 kết quả và trong ngày 3.12 chưa phát hiện ca nhiễm mới.

Nâng cao vai trò của chính quyền sở tại

Nói về cách ly y tế, BS Dũng cho biết đây là một trong các biện pháp hàng đầu để ngăn chặn và cắt đứt chuỗi lây lan dịch bệnh, nên vấn đề tổ chức cách ly làm sao đúng quy định là quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Các quy định về tổ chức cách ly thì Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ, trong đó có đề cập đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý thực hiện cách ly; vai trò giám sát của những tổ chức khác, như: chính quyền địa phương, y tế; đặc biệt là trách nhiệm của những người được cách ly. “Hiện TP.HCM liên tục giám sát các điểm cách ly, kể cả khách sạn hằng tuần; xem lại các bước thực hiện và sẽ giám sát ngẫu nhiên, trích xuất camera để xem có vấn đề gì bất thường hay không. Tuy nhiên, việc tổ chức giám sát không có nghĩa thấy được hết những ẩn khuất, sai sót của người được cách ly. Việc này đòi hỏi vai trò của người đứng đầu nơi cách ly”, BS Dũng nói.

Về trách nhiệm của ngành y tế trong việc cách ly tại nhà, theo BS Dũng, Quyết định 879 ngày 12.3 của Bộ Y tế về hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 thì người có nguy cơ thấp mới cho cách ly tại nhà và đòi hỏi sự tự nguyện rất cao. “Người được cách ly tại nhà không phải là tội phạm nên không thể gác cửa 24/24, thậm chí có gác 24/24 đi nữa nhưng họ ở trong nhà, mình ở ngoài cũng không biết họ có tiếp xúc bên trong hay không, nên tính tự giác là rất quan trọng”, BS Dũng nói.

Đồng quan điểm, TS Đặng Quang Tấn, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại khách sạn, chủ khách sạn phải chịu trách nhiệm; tại gia đình, cá nhân được cách ly tại nhà phải có cam kết với chính quyền về tuân thủ các quy định phòng lây nhiễm và thời gian cách ly. Với các hình thức cách ly này, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giám sát. Một chuyên gia dịch tễ của Cục Y tế dự phòng cho biết thêm: “Cơ quan y tế dự phòng sẽ là đơn vị tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người tự cách ly tại nhà, hoặc hỗ trợ y tế khi có diễn biến sức khỏe bất thường; xử lý ổ dịch khi có ca bệnh. Việc tuân thủ cách ly trước hết do cá nhân người đang trong thời gian cách ly phải thực hiện. Chính quyền địa phương tổ chức giám sát’’.

Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn truy vết

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ban hành sổ tay hướng dẫn truy vết Covid-19, với nguyên tắc “thần tốc và triệt để”, không được để sót người tiếp xúc. Theo hướng dẫn này, cần tiến hành đồng thời truy vết F1 bằng nhiều biện pháp: hỏi người bệnh; truy vết tại cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống; truy vết tại các “mốc dịch tễ”; truy vết thông qua phương tiện thông tin đại chúng; truy vết thông qua ứng dụng Bluezone, Viet Nam Health Declaration. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả, tiến hành truy vết càng sớm càng tốt ngay khi có thông tin ca bệnh. Xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc. Sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết thật nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được. Đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian sớm nhất. Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1. Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.

Một chuyên gia phụ trách về CNTT của Bộ Y tế cho hay, năng lực truy vết hiện đã được đẩy mạnh với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ thông tin và qua khai báo y tế. Tốc độ truy vết với cùng số lượng người có thể hoàn thành trong 2 ngày, thay vì 5 – 7 ngày nếu ở giai đoạn đầu. ‘‘Tuy nhiên, vẫn cần khuyến khích người dân cài đặt phần mềm Bluezone là một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả khi cần truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần khi ca bệnh được phát hiện’’, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, lưu ý thêm. (Thanh niên, trang 5).

Hàng không tiếp tục siết chặt quy trình phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Liên quan đến hàng không, nội dung công điện cũng nêu rõ, vẫn tiếp tục có các chuyến bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài phục vụ việc thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế; các chuyến bay đến Việt Nam phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Điều này cho thấy, sẽ không có chuyện dừng toàn bộ các chuyến bay sau khi Việt Nam có thêm ca nhiễm COVID-19 từ cộng đồng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, mọi quy trình sẽ được siết chặt hơn nữa…

Chỉ cấp phép bay sau khi được phê duyệt tiếp nhận cách ly

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: “Kế hoạch tổ chức 33 chuyến bay quốc tế mỗi tuần theo phương thức trả phí trọn gói nằm trong văn bản Cục Hàng không Việt Nam gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng hoặc Ban chỉ đạo”.

Chỉ khi được chấp thuận về chủ trương mới triển khai các bước tiếp theo. Đặc biệt, các chuyến bay trong kế hoạch này chỉ được cấp phép bay sau khi có ý kiến đồng ý/phê duyệt của các cơ quan liên quan tại địa phương có chuyến bay hạ cánh hoặc địa phương tiếp nhận cách ly. Thực tế, tất cả mới dừng ở dự kiến trên cơ sở tổng hợp nhu cầu cũng như năng lực cách ly.

Ông Cường chia sẻ thêm, về cơ sở để đưa ra con số 33 chuyến bay này, ngay từ ban đầu, chúng ta đã chủ trương mở các chuyến bay thường lệ chở khách quốc tế từ 6 thị trường về Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia, thực hiện từ 15-9. Đây đều là những nơi kiểm soát dịch bệnh tốt, đặc biệt là Đài Loan.

Để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, có rất nhiều yêu cầu cụ thể được đưa ra, đảm bảo việc phòng dịch ở mức cao nhất, trong đó có việc yêu cầu hành khách phải có xét nghiệm âm tính trước khi về nước.

Hãng hàng không phải gửi danh sách hành khách trước 24 giờ trước khi thực hiện chuyến bay để thông báo cho các cơ quan có liên quan đến phòng chống dịch ở địa phương, nơi có cảng hàng không đón chuyến bay để chuẩn bị người, trang thiết bị, phương tiện vật tư để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, phân loại hành khách đưa vào khách sạn được chỉ định. Các quy trình thông thường khác về phòng chống dịch trên tàu bay cũng phải được tuân thủ, bao gồm đo thân nhiệt, đeo khẩu trang…

Để tổ chức các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam có nhu cầu bức thiết về nước trên cơ sở tự trả chi phí cách ly tại các khách sạn được chỉ định, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ GTVT tổ chức họp và thống nhất việc cần phải xây dựng một kế hoạch dài hơi báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo để có thể chuẩn bị các điều kiện, phù hợp với năng lực cách ly.

Cuộc họp đã thống nhất ngoài 12 chuyến mỗi tuần dự định tổ chức từ trước, tại 3 cảng hàng không/địa phương chưa tiếp nhận chuyến bay giải cứu (Phú Quốc, Phù Cát, Thọ Xuân), có năng lực tiếp nhận cách ly lớn sẵn sàng đón chuyến bay, mỗi ngày có 1 chuyến bay từ một trong ba quốc gia/vùng lãnh thổ tới mỗi điểm. Như vậy, tổng số chuyến bay hàng tuần từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan về 7 điểm tại Việt Nam là 33 chuyến bay/tuần.

Siết chặt các quy định, lấp “lỗ hổng” cách ly tổ bay

Liên quan đến việc cách ly các thành viên tổ bay, Cục trưởng Cục Y tế GTVT Phạm Tùng Lâm cho biết, theo quy định hiện hành, phi công trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, khi về đến Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu phi công, các thành viên tổ bay còn lại và tất cả hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì phi công được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24h trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).

Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.

Đối với các thành viên còn lại của tổ bay (tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, mặt đất, điều phối bay) trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, khi về đến Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cùng với toàn bộ các thành viên tổ bay và hành khách trên chuyến bay.

Nếu tất cả hành khách và các thành viên tổ bay có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì tiếp tục lấy mẫu lần 2 với các thành viên tổ bay (xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu lần 1). Nếu các thành viên của tổ bay có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính thì các thành viên còn lại của tổ bay được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24h trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).

Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay theo quy định. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2. Tổ bay được cách ly tại các khu cách ly tập trung do UBND các tỉnh, thành phố có các cảng hàng không, chỉ định hoặc lựa chọn cơ sở cách ly (địa điểm có thể là khách sạn, cơ sở lưu trú) gần sân bay, biệt lập với các cơ sở khác. Cơ sở cách ly được chỉ định chỉ phục vụ cách ly tổ bay.

Cũng theo ông Lâm, tại khu cách ly tập trung, theo Quyết định 878 của Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly.

Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh, thành phố có trách nhiệm huy động nguồn lực (Công an, Y tế) để thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, cưỡng chế cách ly nếu người được cách ly không tuân thủ quy định cách ly y tế. Sau khi về cách ly tại nhà, UBND xã, phường, thị trấn nơi có người được cách ly chỉ đạo, tổ chức, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly. (Công an nhân dân, trang 4).

 

Nghi vấn đường dây tuồn găng tay y tế cũ vào Việt Nam

Tờ khai hải quan ghi hàng mới 100%, nhưng kiểm tra thực tế là găng tay đã qua sử dụng, thậm chí bốc mùi. Đáng nói, xuất xứ hàng hóa đến từ những nước đang có dịch Covid-19, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an TP.HCM đã vào cuộc và đề nghị Cục Hải quan (HQ) TP.HCM phối hợp làm rõ nghi vấn 4 container chứa hàng chục tấn găng tay y tế đã qua sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia được nhập về cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Theo PC05, việc điều tra nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 từ các nước vào Việt Nam.

“Hàng mới 100%” nhưng… bốc mùi

Trong số 4 container mà PC05 đề nghị phối hợp làm rõ, có 3 container của Công ty CP sản xuất vật tư y tế Super Antibacterial Mask (gọi tắt là Công ty Super Antibacterial Mask ở Q.7) và Công ty TNHH SX và XNK thiết bị y tế Sài Gòn Trading Group ở Q.Bình Thạnh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn Trading Group) đã được Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu (Đội TTHHNK) Chi cục HQ cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục HQ TP.HCM) kiểm tra thực tế trước đó.

Cụ thể, chiều 3.11, Đội TTHHNK kiểm tra thực tế 2 container của Công ty Super Antibacterial Mask, có sự chứng kiến của ông T.Đ.T là nhân viên công ty này. Ở container thứ nhất, tờ khai HQ của công ty ghi hàng hóa là găng tay cao su không bột – size M (không nhãn hiệu) – dùng trong sơ chế thực phẩm và ngành làm móng (nail), hàng mới 100%, số lượng 2,7 tấn, xuất xứ Malaysia; thực tế là găng tay cao su không bột, găng tay nghi ngờ dùng trong y tế, đồng nhất, số lượng 2,7 tấn, xuất xứ Malaysia. Ở container thứ hai, tờ khai HQ ghi hàng hóa là găng tay cao su không bột – size M (dùng trong sơ chế thực phẩm và ngành làm móng (nail), hàng mới 100%, số lượng 9,3 tấn, xuất xứ Malaysia; thực tế là găng tay cao su không bột, găng tay nghi ngờ dùng trong y tế, không đồng nhất, nhiều màu, số lượng 9,3 tấn, xuất xứ Malaysia.

Tương tự, vào ngày 27.10, Đội TTHHNK kiểm tra thực tế lô hàng trong container của Công ty Sài Gòn Trading Group với sự chứng kiến của đại diện công ty là ông L.V.S. Tờ khai HQ của công ty ghi lô hàng gồm găng tay cao su dùng cho nhà bếp (không phải găng tay y tế, không chống cắt, không chống cách điện), không nhãn hiệu, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc; thực tế qua kiểm tra 10 thùng carton của lô hàng cho thấy là găng tay nhiều màu sắc, có lẫn chất bẩn (nghi vấn găng tay đã qua sử dụng). Do số lượng hàng hóa nhiều, trời tối, không huy động được công nhân bốc xếp, Đội TTHHNK không kiểm tra được toàn bộ lô hàng nên quyết định đưa hàng hóa vào lại container, niêm phong và kiểm tra sau.

Qua công tác nắm địa bàn, ngày 20.11 PC05 có công văn đề nghị Cục HQ TP.HCM phối hợp kiểm tra làm rõ. Ngày 24.11, Cục HQ TP.HCM có công văn phúc đáp, cho biết đã chỉ đạo Chi cục HQ cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra và phúc đáp kết quả kiểm tra cho PC05. Ngày 2.12, chi cục này kiểm tra tiếp lô hàng nói trên của Công ty Sài Gòn Trading Group, phát hiện 1.087 thùng (khoảng 6 tấn) chứa găng tay nhàu nát, bốc mùi, nghi ngờ là găng tay y tế đã qua sử dụng.

Đến chiều 3.12, Chi cục HQ cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với PC05 kiểm tra container số hiệu KOCU4021292 của Công ty Sài Gòn Trading Group. Lô hàng này Công ty Sài Gòn Trading Group không đến làm thủ tục thông quan nên chi cục HQ đã ra quyết định “khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính”. Qua kiểm tra cho thấy container chứa các găng tay nhỏ, nhiều màu khác nhau, nhàu nát, hôi thối đựng trong các bao tải, nghi là găng tay y tế đã qua sử dụng với khối lượng khoảng 20 tấn.

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Chi cục HQ cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã gửi các mẫu găng tay của Công ty Super Antibacterial Mask, Công ty Sài Gòn Trading Group đề nghị Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và Vinacontrol giám định, xác định tên hàng, chủng loại, mới hay đã qua sử dụng, có thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện hay không. Tuy nhiên, hai đơn vị này đã từ chối giám định nên các mẫu găng tay được gửi ra một trung tâm khác ở Hà Nội để giám định.

Công ty “ma” nhập khẩu găng tay y tế đã qua sử dụng

Ngày 23.11, PV đến Sở KH-ĐT TP.HCM tìm hiểu về hai công ty nhập khẩu lô hàng găng tay nói trên. Theo đó, Công ty Sài Gòn Trading Group đăng ký thành lập ngày 10.8.2020 với vốn điều lệ 300 tỉ đồng, do ông Trần Long Quân (33 tuổi, ngụ KP.4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) là người đại diện pháp luật; ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bao tay, khẩu trang, sản xuất đồ bảo hộ lao động; trụ sở chính tại số 111 đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. PV tìm đến địa chỉ đăng ký công ty thấy đây là một tòa nhà 2 lầu, cũ, không gắn bảng hiệu Công ty Sài Gòn Trading Group. Chủ nhà 111 Đinh Bộ Lĩnh khẳng định từ trước đến nay không mở công ty cũng như cho bất cứ ai thuê mướn nhà để mở công ty. “Chúng tôi đảm bảo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin này”, chủ nhà nói. Nhiều người dân ở khu vực cũng cho biết chưa hề thấy công ty nào tên Sài Gòn Trading Group hoạt động tại đây. Tương tự, đại diện UBND P.26 (Q.Bình Thạnh) khẳng định qua rà soát không có công ty nào tên Sài Gòn Trading Group đăng ký hoạt động trên địa bàn.

Xác minh nơi thường trú của ông Quân (KP.4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12), địa phương cho biết người này đã không còn ở đây và đi đâu không rõ khoảng 3 năm nay. Theo nguồn tin PV Thanh Niên, các cơ quan chức năng vẫn chưa liên lạc và làm việc được với người đại diện pháp luật của Công ty Sài Gòn Trading Group.

Trong khi đó, một nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết ngày 1.10 Công ty Sài Gòn Trading Group đã lập tờ khai HQ lô hàng găng tay cao su dùng cho nhà bếp, không nhãn hiệu, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc tại cảng Cát Lái, số lượng 11,9 tấn và 1.000 kiện. Lô hàng này đã được thông quan. Tiếp đó, ngày 14.10, Công ty Sài Gòn Trading Group lập tờ khai HQ lô hàng găng tay tương tự như trên có xuất xứ Malaysia và được thông quan tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)… (còn tiếp) (Thanh niên, trang 22).

 

Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao

Kết quả xét nghiệm hàng ngàn trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM chưa phát hiện ca nhiễm mới. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá “nguy cơ lây nhiễm rất cao”.

UBND TP yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống, khoanh vùng dập dịch triệt để. Mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và cơ sở lưu trú du lịch đã được phê duyệt. Người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế tham mưu UBND TP thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn…

Tại cuộc họp BCĐ diễn ra chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá kết quả xét nghiệm hàng ngàn trường hợp tiếp xúc với các ca nhiễm Covid-19 nhưng không có ca mới là điều đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn phải hết sức cảnh giác bởi ca lây nhiễm đầu tiên vào ngày 28.11 thì đến ngày 12.12 mới đủ 14 ngày và sắp tới không lường trước được dịch bệnh sẽ diễn ra như thế nào. Do đó, ngành y tế và các quận huyện phải đẩy nhanh truy vết, kiểm soát dịch để giữ vững thành quả phòng chống dịch và kinh tế đạt được trong thời gian qua.

Đối với các trường hợp cách ly tại nhà, chính quyền địa phương phải nắm rõ địa chỉ, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu các trường hợp này rời khỏi nhà. Sở Y tế rà soát lại các quy định về hình thức cách ly tại nhà và hạn chế thấp nhất việc cách ly này. Ông Phong cũng nhấn mạnh, nếu không đáp ứng điều kiện cách ly tại nhà thì đưa vào khu cách ly tập trung.

Sắp tới, ngành y tế TP.HCM sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở cách ly tập trung, cách ly có thu phí tại khách sạn, nếu cơ sở nào không đáp ứng thì sẽ bị đóng cửa ngay. Ông Phong cũng yêu cầu Công an TP.HCM xử lý nghiêm, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, chống người thi hành công vụ, đầu cơ, găm hàng, tăng giá…

Hà Nội chấn chỉnh cách ly sau “kinh nghiệm” của TP.HCM

Sau khi khẳng định quyết tâm bảo vệ Hà Nội trước làn sóng Covid-19 thứ 3, chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Tổng công ty May 10 và BV Đức Giang (Q.Long Biên). Cùng ngày, ông Anh cũng ra công điện mới về tăng cường kiểm tra các khu cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà, yêu cầu mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và tại một số cơ sở cách ly dân sự đủ điều kiện do các địa phương quản lý. Hà Nội cũng tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao, phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.

Rút kinh nghiệm của TP.HCM, Hà Nội cũng rất lo lắng về nguy cơ đến từ các tổ bay và những người nhập cảnh. Sở Y tế Hà Nội đã kiến nghị BCĐ và Hà Nội xem xét lại quy trình cách ly đối với tổ bay và người nhập cảnh. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị không tiếp tục đưa người cách ly về các khu chung cư, vì người dân có ý kiến không đồng tình. (Thanh niên, trang 4+5; Nhân dân, trang 8).

 

Khởi tố vụ án hình sự liên quan đến bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly

Vào lúc 12 giờ 10 phút ngày 3.12, Công an TP.HCM phối hợp Sở TT-TT TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc khởi tố vụ án hình sự “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến bệnh nhân 1342.

Bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên hãng hàng không Quốc gia Vietnam Aiirlines.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh nhân này sau khi thực hiện xong chuyến bay VN5301 từ Nhật Bản về Cần Thơ ngày 14.11 được cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (số 115 Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) từ ngày 14 – 18.11. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân 1325).

Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính và toàn bộ hành khách trên chuyến bay VN5301 được xác nhận âm tính 2 lần, bệnh nhân 1342 được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM).

Trong quá trình cách ly, người này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (32 tuổi, trú tại P.3, Q.6, TP.HCM) có tới sống cùng. Ngày 28.11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính.

Bệnh nhân 1342 được xác định là F0 của 3 ca nhiễm Covid-19 khác lây lan trong cộng đồng gồm các ca số 1347, 1348 và 1349. (Thanh niên, trang 4+5; Nông thôn ngày nay, trang 5; Tuổi trẻ, trang 1; Sức khỏe & đời sống, trang 3).

 

TPHCM: Dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát

Chiều 3-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã họp giao ban công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì cuộc họp.

849/852 trường hợp F1 đã âm tính

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tình hình sức khỏe của 4 bệnh nhân mắc Covid-19 (1.342, 1.347, 1.348, 1.349) đã ổn định, đang được cách ly điều trị. Các quận có liên quan gồm 1, 3, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú đã được ngành y tế điều tra truy vết, tìm kiếm tất cả những địa điểm đi lại và người có tiếp xúc với các bệnh nhân (F1, F2), cách ly tập trung tại cơ sở cách ly tập trung của quận – huyện đối với tất cả các trường hợp F1 và cách ly tại nhà đối với F2 trong khi chờ kết quả xét nghiệm của F1.

Tính đến chiều 3-12, đã điều tra tổng số 2.344 người (852 người thuộc diện F1; 1.492 người thuộc diện F2). Trong đó, đã có kết quả xét nghiệm của 2.196 mẫu, gồm: 849/852 mẫu F1 cho kết quả âm tính, 3 trường hợp dương tính đã công bố (bệnh nhân 1.347, 1.348, 1.349); 1.344/1.492 mẫu F2 có kết quả âm tính, 148 mẫu đang chờ kết quả.

Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện ngành y tế đã phong tỏa tạm thời nơi ở của các bệnh nhân và các căn hộ lân cận trong khi chờ kết quả xét nghiệm người tiếp xúc; tổ chức vệ sinh khử khuẩn. Tạm ngừng hoạt động những địa điểm các bệnh nhân có tiếp xúc để tiêu độc khử trùng. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường giám sát, sàng lọc tất cả trường hợp viêm đường hô hấp, nghi nhiễm, đặc biệt ở những địa điểm bệnh nhân từng đi qua để phát hiện kịp thời. Sở Y tế có văn bản đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 không cho phép tiếp viên tổ bay kết thúc cách ly tập trung sớm như quy định hiện hành, ngay cả khi chuyến bay không có người dương tính.

Thời gian tới, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị, tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly và quản lý y tế sau cách ly, xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định; quản lý, giám sát chặt chẽ việc tổ chức cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

Xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ phòng dịch

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, liên quan đến bệnh nhân 1.342 không tuân thủ các quy định phòng dịch tại khu cách ly tập trung và khi cách ly tại nhà, sau khi khởi tố vụ án, TPHCM sẽ tiến hành khởi tố bị can để làm gương, tạo sự răn đe trong xã hội. Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu Công an thành phố xử lý nghiêm, kể cả xem xét xử lý hình sự đối với những trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, mặc dù 2 ngày liên tiếp chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới nhưng các đơn vị cần hết sức cảnh giác, chủ động ứng phó với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thần tốc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta phải kiểm soát thật nhanh dịch bệnh để giữ vững thành quả phòng chống dịch của TPHCM trong thời gian qua; đồng thời giữ vững ổn định kết quả về mặt kinh tế – xã hội. Các sở – ban – ngành, quận huyện tập trung thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và công văn của UBND TPHCM về tăng cường thực hiện phòng chống dịch Covid-19; sẵn sàng ứng phó với tình huống khi có dịch bệnh lây lan rộng. Từ nay đến hết năm 2021, phải xem công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, mục tiêu đầu tiên trong năm 2021 là phải kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả tình hình dịch bệnh, có như vậy mới giữ vững được thành quả trong phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các đơn vị tự kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị mình, chỉnh đốn các tồn tại hạn chế nếu có. “Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, không khoán cho cấp phó. Chủ tịch UBND quận huyện chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM nếu người cách ly tại nhà mà ra khỏi nhà. Đối với các đơn vị cách ly tự nguyện, Sở Y tế phối hợp với từng địa phương kiểm tra thường xuyên, đóng cửa ngay nơi nào không tuân thủ quy định”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu, mỗi người phải có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân mình, của gia đình và trách nhiệm đối với cộng đồng. Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; thường xuyên rửa tay sát khuẩn, người dân không tiếp xúc, giao dịch làm việc với người không đeo khẩu trang. Đẩy mạnh cài đặt Bluezone để tiến hành truy vết, kiểm soát dịch bệnh. Nếu có dấu hiệu ốm, sốt phải ở nhà; các hội nghị, sự kiện buộc tổ chức phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, đến 16 giờ ngày 3-12, toàn thành phố đã có 8.211 học sinh nghỉ học, 623 giáo viên các trường từ mầm non đến phổ thông phải nghỉ học, trong đó có 8 trường nghỉ toàn trường; 195 trường chỉ nghỉ một số lớp. Khối ĐH, CĐ có 160.904 sinh viên, 5.796 giảng viên nhân viên phải nghỉ học do liên quan đến các ca mắc Covid-19. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Dịch COVID-19: Bít lỗ hổng quản lý cách ly

Trách nhiệm quản lý khu cách ly thuộc về hãng hàng không và đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế.

Những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm tới trường hợp bệnh nhân (BN) 1342 là nam tiếp viên hàng không được áp dụng chế độ cách ly riêng nhưng lại lây nhiễm COVID-19 cho BN 1347. Dư luận đang đặt câu hỏi có phải đã có sự chủ quan dẫn đến lỏng lẻo trong quy trình cách ly.

Trách nhiệm quản lý thuộc hãng hàng không

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết BN 1342 đã thực hiện cách ly đúng quy trình. Cụ thể là sau hai lần xét nghiệm âm tính, BN sẽ được về cách ly tại nhà hoặc khu cách ly để thực hiện cách ly đủ 14 ngày.

Đối với tiếp viên hàng không, khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines được thành lập để cách ly riêng cho nhân viên của hãng hàng không. Trách nhiệm quản lý khu cách ly thuộc về hãng hàng không và đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế.

Theo quy định, BN 1342 sau khi xét nghiệm hai lần ở khu cách ly có kết quả âm tính thì được phép về cách ly tiếp tại nơi lưu trú. Khi về cách ly ở nơi lưu trú trong vòng 14 ngày, các trường hợp này tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần ba. Trường hợp BN 1342 khi lấy mẫu xét nghiệm lần ba thì phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 chứ không phải mắc bệnh ngoài sự kiểm soát của y tế cơ sở.

Tuy nhiên, BN 1342 lại vi phạm quy định về cách ly phòng dịch COVID-19, chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không chấp hành nghiêm túc khi tiếp xúc với mẹ, bạn bè… trong thời gian cách ly.

Qua sự việc trên, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở cách ly nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hiện nay, theo chế tài tại Nghị định 117 của Chính phủ quy định các xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì các cơ quan chức năng của TP.HCM cần nghiên cứu kỹ các điều khoản trong nghị định đó và áp dụng theo điều khoản, mức độ thế nào…

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Sở Y tế TP.HCM trong thời điểm này tạm dừng đưa các tổ bay vào khu vực vừa phát hiện BN để thực hiện cách ly. Tất cả trường hợp đang cách ly ở đó sẽ đưa về khu cách ly tập trung của TP.HCM.

Vietnam Airlines lên tiếng xin lỗi

Hãng hàng không Vietnam Airlines ngày 2-12 đã lên tiếng xin lỗi vì sự việc không mong muốn khi có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 từ tiếp viên của hãng do không tuân thủ quy định cách ly.

Phía hãng cho biết: Thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 3951/CV-BCĐ của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, tiếp viên DVH của hãng sau khi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đã có kết quả xét nghiệm đủ hai lần âm tính và được phép về nơi cư trú để tiếp tục cách ly theo quy định.

Đại diện hãng thông tin, việc tuân thủ các quy định cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú luôn được Vietnam Airlines quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên.

Tuy nhiên, do công tác quản lý, giám sát của ban quản lý khu cách ly tập trung đoàn tiếp viên Vietnam Airlines phía Nam (115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) và ý thức chủ quan cá nhân, tiếp viên DVH đã vi phạm quy định cách ly là tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong quá trình cách ly tập trung và tại nơi cư trú, đã lây nhiễm virus cho người khác.

Đại diện hãng đánh giá: Hãng luôn xác định an toàn phòng, chống dịch cho hành khách, cán bộ, nhân viên, phi công, tiếp viên và cộng đồng là ưu tiên số một. Đồng thời, hãng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý tất cả cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng đó, hãng sẽ làm việc với Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và các bộ, ngành liên quan để thắt chặt, nâng cao quy trình phòng, chống dịch cho tổ bay sau khi thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. (Pháp luật TPHCM, trang 1; Phụ nữ Việt nam, trang 1).

 

Văcxin Covid-19: Công nghệ nào đi đầu?

Thời gian gần đây, hàng loạt văcxin Covid-19 được công bố phê duyệt chuẩn bị đưa vào sử dụng, với những công nghệ sản xuất khác nhau.

3 công nghệ nổi trội

Ngày 2/12/2020 Anh vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt văcxin Covid-19 do Pfizer (Mỹ) – BioNTech (Đức) sản xuất. Cũng trong ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho các quan chức y tế bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà văcxin ngừa Covid-19 do Nga phát triển trong tuần tới. Hiện nay, có hơn 230 loại văcxin đang được nghiên cứu, thử nghiệm, sau Sputnick V thì có 3 loại văcxin công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng, đó là của Pfizer, Mordena và AstraZeneca.

Văcxin Sputnik V được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, sử dụng 2 loại virus gây cảm cúm phổ biến là các chủng Adeno 5 và Adeno 26 để mô phỏng protein đột biến của virus corona trong cơ thể người. Hiệu quả của Sputnik V đạt tỷ lệ 91,4%.

Các nhà nghiên cứu BioNTech (Đức) điều chế văcxin bằng cách sử dụng các đoạn mã RNA thông tin (mRNA) hình thành nên protein đột biến trên bề mặt của virus corona. Đối với văcxin do Pfizer (Mỹ) điều chế, mRNA hướng dẫn các tế bào trong cơ thể tạo ra một đoạn protein đột biến giống của virus corona. Hệ thống miễn dịch nhờ đó phát hiện đây là thành phần ngoại lai và đề kháng với chúng trong trường hợp virus corona xâm nhập vào cơ thể. Văcxin điều chế từ mRNA có một nhược điểm là do được cấu tạo từ các phân tử nanolipit – thành phần có bề mặt rất mỏng và dễ tan chảy ở nhiệt độ thông thường, nên chúng chỉ có thể được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh, khoảng -75 độ C.

Văcxin của AstraZeneca, được điều chế bởi một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh), sử dụng loại virus cảm cúm thông thường Adeno để mang protein đột biến từ virus corona vào tế bào cơ thể người. Loại này giúp cơ thể người “tự sản xuất văcxin” bằng cách tạo ra các bản sao protein đột biến của virus corona. Virus adeno đã được sửa đổi để không thể tự tái tạo và được biến đổi gene để có protein đột biến giống với virus corona. Đây là phương thức điều chế văcxin đỡ tốn kém hơn, nhưng tốc độ chậm hơn so với việc sử dụng mRNA.

Công nghệ tương đồng Việt Nam

Trong khi văcxin của AstraZeneca được ghi nhận đạt hiệu quả 90%, thì văcxin của Moderna và Pfizer đều có tỷ lệ chống lây nhiễm virus corona tới 95% sau thử nghiệm giai đoạn 3. PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng đang ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau đểu nghiên cứu sản xuất văcxin Covid-19 trong đó có công nghệ véc tơ. Văcxin này không dùng virus SARS-CoV-2 còn sống làm cho bất hoạt hoặc làm suy yếu, mà dùng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA, để khi tiếp xúc sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng.

Với SARS-CoV-2, người ta chỉ cần tạo bản sao mRNA rồi đưa vào cơ thể người, mẫu mRNA khi vào trong tế bào người nó sẽ ra lệnh cho tế bào người sản sinh protein hình gai thuộc vỏ của SARS-CoV-2 và đồng thời cơ thể người sản sinh ra kháng thể tiêu diệt các protein này, nhờ đó tạo được sự miễn dịch với SARS-CoV-2. Công nghệ sản xuất văcxin của Việt Nam tương đồng với văcxin của AstraZeneca, không yêu cầu điều kiện bảo quản quá nghiêm ngặt nên khả năng ứng dụng cao hơn.

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, cần phải hiểu đúng về hiệu quả của văcxin. Nhiều người nghĩ rằng, con số 90% đó thường được hiểu là cứ 10 người được tiêm, thì chỉ có 1 người bị nhiễm, hay 94,5% được hiểu là cứ 100 người được tiêm, thì chỉ có 5 hay 6 người bị nhiễm. Hiểu như thế là không đúng. Lý do là vì đơn vị để xác định hiệu quả của văc in không phải là số ca nhiễm (số người bị nhiễm), mà là nguy cơ (tức xác suất) bị nhiễm. Con số 90% hay 94,5% có nghĩa là văcxin khi tiêm giúp giảm nguy cơ 90% hoặc 94,5% so với nhóm chứng. Nó hoàn toàn không có nghĩa là ngăn ngừa 90% hay 94,5% số ca nhiễm. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của hãng sản xuất Pfizer, nếu 10.000 người tiêm văcxin của hãng này thì sẽ có khoảng 4 người bị nhiễm, còn nếu không tiêm văcxin thì số ca nhiễm sẽ là khoảng 40.

Do vậy, ngay cả khi có văcxin, các biện pháp phòng dịch vẫn phải thực hiện song song. (Khoa học & đời sống, trang 3).

Hà Nội ban hành Công điện khẩn tăng cường phòng, chống COVID-19

Chiều 3/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện khẩn gửi Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Công điện nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 02/12/2020 và văn bản số 1666/TTg-KGVX ngày 26/11/2020 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, tại TPHCM đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly. Đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, bình tĩnh ứng phó với các tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

Duy trì thường trực 24/24/7 các đội phòng chống dịch cơ động, tại các cơ sở y tế bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn Thành phố; giám sát dịch chặt chẽ tại cộng đồng, luôn trong tình trạng sẵn sàng phản ứng nhanh với các thông tin để phát hiện sớm, thần tốc truy tìm “dấu vết”, điều tra, xác minh, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng. Tăng cường các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện 5K trong phòng, chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế, trước hết là đeo khẩu trang bắt buộc, khử khuẩn tại các khu vực cách ly, các khu dân cư tập trung, nơi công cộng như chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng,…trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập… (An ninh thủ đô, trang 1).

 

Cục An toàn thực phẩm thông tin về bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) thông báo Công ty Nutricia tại Anh đang thu hồi Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal cho trẻ từ 7 tháng tuổi vì có chứa mẩu nhựa nhỏ màu xanh lam

Theo thông tin của Cục An toàn thực phẩm, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) thông báo Công ty Nutricia tại Anh đang thu hồi Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal cho trẻ từ 7 tháng tuổi (Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal 7+ months) vì có chứa những mẩu nhựa nhỏ màu xanh lam.

Sự có mặt của mẩu nhựa trong sản phẩm này sẽ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ. Cơ quan FSA đã ban hành Thông tin thu hồi về sản phẩm này.

Chi tiết về sản phẩm bị cảnh báo và thu hồi:

Tên sản phẩm: Aptamil Multigrain Banana and Berry Cereal 7+ months

Bao gói: 200g

Hạn sử dụng trước ngày 07/07/2021

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên và thông báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện có sản phẩm này để được xử lý và thu hồi kịp thời.

Hình ảnh của sản phẩm Bột ngũ cốc Aptamil Multigrain Banana and Berry đang được thu hồi:

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã từng thông tin đến cộng đồng sản phẩm dinh dưỡng công thức tại Hồng Kông có chứa tạp chất gây ung thư. (Sức khỏe & đời sống, trang 3.)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/9/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/6/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận