Điểm báo ngày 14/12/2020

(CDC Hà Nam)
Hơn 2.500 người bệnh đăng ký chờ ghép tạng; Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo còn ‘thừa’ trên 81 tỉ đồng; Gom sức thắng đại dịch…

Bệnh cúm gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao

Tính từ tháng 10, đã có 820 trẻ nhập Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em – Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị vì bị cúm nặng. TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, cho biết, những ngày miền Bắc có đợt lạnh tăng cường, trẻ mắc cúm A vào viện nhiều, trong đó có những bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm não.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác đề phòng lây chéo trong bệnh viện. Những đứa trẻ, nhỏ thì 2 tháng tuổi, lớn thì 9 tuổi, nằm li bì trong vòng tay mẹ, trên giường bệnh. Cậu bé H.T.V. (9 tuổi ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) hết sốt từ sáng 13/12, nhưng gương mặt vẫn còn mệt mỏi. V. nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, thi thoảng co giật.

Xét nghiệm cho thấy V. nhiễm virus cúm A. TS Đỗ Thiện Hải cho biết, bệnh nhi nhập viện với đầy đủ biểu hiện của cúm A gây biến chứng lên não. Những ngày đầu điều trị, V. không ngồi dậy được, nhận thức cũng kém. Sau vài ngày được điều trị tích cực, hiện cậu bé đã có thể đi lại dù chưa thực sự khỏe mạnh. Phòng bên cạnh, chị M.H. đang chăm con 2 tháng tuổi mắc cúm A. Theo lời chị H., con gái lớn 5 tuổi đi học mẫu giáo về ho, sổ mũi, sau đó đến bé thứ 2 bị bệnh nhưng nặng hơn nên phải nhập viện. Ở nhà, chồng chị trông con gái lớn cũng đã lây cúm từ con.

Riêng trong tháng 11, gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện, tăng so với tháng trước đó. Theo TS Hải, bệnh cúm thường gặp ở Việt Nam và các nước trong khu vực do virus cúm A và B, có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng. Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, tim mạch thì khi nhiễm cúm có thể làm khởi phát một đợt bệnh mới. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho…

Gây biến chứng nặng, có thể dẫn tới tử vong

Bác sĩ Hải cho biết, bệnh cúm dễ biến chứng sang viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng sang viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi, đủ tuổi tiêm vắc-xin ngừa cúm nhưng hầu hết số trẻ này chưa được gia đình cho đi tiêm. Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10. Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dịch có dương tính. Hiện nay, Trung tâm còn vài bệnh nhân đang đợi kết quả xét nghiệm xem có bị biến chứng viêm não không. Tuy nhiên, những ca bệnh này đều có biểu hiện của viêm não như trẻ phản ứng chậm chạp, sốt cao, lơ mơ, li bì…

TS Hải dự báo, cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, nên số trẻ em mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Hiện có khoảng 50 bệnh nhân đang điều trị tại khoa là bệnh nhi mắc cúm. Những trẻ có bệnh cảnh nền như rối loạn chuyển hóa, viêm phổi mạn tính kéo dài, tim bẩm sinh… khi có thêm bệnh cúm biểu hiện bệnh nặng lên rất nhiều. Bác sĩ Hải cho hay, nhiều gia đình tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm cho con. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus nên sau khi đủ liệu trình vẫn có thể còn virus trong đường hô hấp. Vì vậy, thuốc Tamiflu chỉ dùng cho ca đặc biệt nặng và dùng tại bệnh viện.

Khuyến cáo tiêm vắc-xin cúm

Bác sĩ khuyến cáo, khi mắc cúm, chủ yếu chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng. Nếu thấy trẻ dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, cần đưa đến bệnh viện. Để phòng bệnh, ngoài ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, trẻ tốt nhất nên được tiêm vắc-xin cúm và đeo khẩu trang.  (Tiền phong, trang 10).

 

Thêm 2 ca mắc mới COVID-19

Tối 13/12, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca mắc mới nhập cảnh, đều được cách ly ngay tại Đà Nẵng.

Cụ thể:

Bệnh nhân 1396 (BN1396) tại Đà Nẵng: nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ngày 28/11, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN319, được cách ly ngay tại Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 12/11 dương tính với SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Đà Nẵng.

Bệnh nhân 1397 (BN1397) tại Đà Nẵng: nữ, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Ngày 1/12, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN431, được cách ly ngay tại Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 12/12 dương tính với SAR-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 1 ca dương tính với SAR-CoV-2, được cách ly ngay tại Đà Nẵng.

Đến nay tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 19.992. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong ngày có 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh: BN1252, BN1283, BN1298. Như vậy Việt Nam đã chữa khỏi cho1.241 ca. (Tiền phong, trang 3).

Nhân dân, trang 5: “Thêm 2 ca mắc COVID-19 mới”; Thanh niên, trang 3: “Hai bệnh nhân Covid-19 mới la ca nhập cảnh từ Nhật Bản, Hàn Quốc”; Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Thêm 2 người nhập cảnh mắc Covid-19”; Công an Nhân dân, trang 1: “Thêm người nhập cảnh từ Hàn Quốc và Nhật Bản về nhiễm Covid-19”

 

Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo còn ‘thừa’ trên 81 tỉ đồng

Kinh phí quỹ khám chữa bệnh người nghèo TP.HCM còn thừa của năm 2015 trên 24 tỉ đồng, năm 2016 trên 43 tỉ đồng và năm 2017 là trên 14 tỉ đồng, phải nộp về quỹ dự phòng BHYT theo quy định.

Thanh tra TP.HCM vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.

Về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT, Thanh tra TP.HCM kết luận Sở Y tế chưa chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan, thời gian triển khai thực hiện tham mưu, đề xuất chậm trễ…

Sở Y tế tham mưu, đề xuất trích kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015 để bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo TP (do Sở Y tế quản lý) số tiền 50 tỉ đồng để hỗ trợ thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, mua thẻ BHYT cho hộ nghèo nhóm 3a, hộ cận nghèo TP, là chưa phù hợp với tình hình thực tế…

Riêng kinh phí quỹ khám chữa bệnh người nghèo TP còn thừa của năm 2015 trên 24 tỉ đồng, năm 2016 trên 43 tỉ đồng và năm 2017 là trên 14 tỉ đồng, phải nộp về quỹ dự phòng BHYT theo quy định. (Thanh niên, trang 3).

 

Mối nguy hiểm từ thuốc lá điện tử

Xu hướng từ bỏ thuốc lá truyền thống chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng, nhất là ở giới trẻ. Song, thực tế thuốc lá điện tử độc hại không kém thuốc lá truyền thống, thậm chí còn ẩn chứa những mối nguy hiểm mà con người chưa hiểu hết và lường trước được.

Hiểm họa mới từ thuốc lá điện tử…

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mới tiếp nhận N.H.M (học sinh của một trường trung học phổ thông tại Hà Nội) bị ngộ độc cấp tính sau lần đầu tiên được bạn bè mời sử dụng thuốc lá điện tử. Sau khi sử dụng, M bị rơi vào trạng thái vật vã, kích thích, loạn thần, ảo giác… và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử với các dấu hiệu điển hình.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử thế hệ mới có mẫu mã đa dạng, cuốn hút nên đang trở thành một sản phẩm “hút” giới trẻ. Những loại này có sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế, đưa vào tùy thích. Đây chính là kẽ hở để thuốc lá điện tử bị “biến tướng”, trộn thêm ma túy. Từ năm 2019, bệnh viện mới bắt đầu ghi nhận các trường hợp nhập viện do ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử. Các bệnh nhân khi nhập viện đều có biểu hiện điển hình của ngộ độc ma túy, đó là bị sốc, co giật, ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, tâm thần, tim mạch…

“Điểm tên” một số thành phần có trong thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung cho hay, trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, kim loại, chì, thủy ngân…, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hệ hô hấp, tim mạch, não bộ… Đặc biệt, propylene glycol trong thuốc lá điện tử có thể tạo thành propylene oxide – một chất gây ung thư khi được đun nóng.

Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu trung ương) Vũ Nguyệt Minh thông tin thêm, thành phần nicotine có trong thuốc lá điện tử còn gây ra vấn đề rối loạn mạch máu, gây co mạch, giãn mạch bất thường và là nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa da sau ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, với những người có sẵn bệnh lý liên quan đến mạch máu, như: Xơ cứng bì, mề đay, vảy nến…, nếu dùng thuốc lá chứa nicotine sẽ khiến các bệnh này nặng lên. Do đó, với những bệnh nhân đang điều trị về da liễu, các bác sĩ đều khuyên họ từ bỏ ngay thuốc lá để phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc làm tăng nguy cơ lây truyền vi rút SARS-CoV-2. Thêm vào đó, khi sử dụng chung ống điếu, ống tẩu cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền vi rút trong cộng đồng. Thậm chí, những người hút thuốc khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.

Cần cấm kinh doanh và nhập khẩu

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015 tại Việt Nam tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi 13-17 là 1,1%. Đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lứa tuổi 13-17 đã tăng lên 2,6%. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ lên tới 7%. Điều đáng nói, để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại. Kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội, nhằm thu hút giới trẻ, như: Giá rẻ, thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhiều hương vị…

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung cho rằng, trước khi thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới tràn lan trên thị trường cần ban hành ngay quy định cấm vận chuyển và buôn bán. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, cán bộ y tế đóng vai trò then chốt trong tư vấn phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Để bảo vệ giới trẻ khỏi tác động của các sản phẩm thuốc lá điện tử, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các sản phẩm này, đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội, internet…

Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe khi sử dụng, việc lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng các chế phẩm ma túy có tác động tiêu cực đến xã hội, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, Bộ Y tế đã có đề xuất cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam. WHO cũng kêu gọi, các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối, bởi các quảng cáo đang gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe; từ đó xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Gom sức thắng đại dịch

Không phải đến bây giờ, chúng ta mới thấy hết được mối hiểm nguy của đại dịch Covid-19. Kể từ những ca mắc Covid-19 đầu tiên (tháng 12-2019) ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đến ngày 13-12-2020, toàn thế giới đã có 72.259.929 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.614.337 trường hợp tử vong. Mọi người dân trên thế giới, bằng cách này hay cách khác, vẫn đã, đang thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Ở Việt Nam, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23-1-2020, đến ngày 13-12, nước ta ghi nhận tổng số ca mắc là 1.397 ca, trong đó có 693 ca lây nhiễm trong nước. Nước ta cũng đã điều trị khỏi cho 1.241 ca, ghi nhận 35 ca tử vong. Hiện tình hình dịch Covid-19 ở nước ta vẫn cơ bản được kiểm soát tốt.

Thống kê những con số trên để thấy bức tranh toàn cảnh dịch Covid-19 ở Việt Nam đặt trong mối tương quan với tình hình dịch bệnh trên thế giới. Và từ đó có thể khẳng định, Việt Nam đã thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, giữ môi trường ổn định để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Cũng bởi vậy, Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao, trở thành “điểm sáng” về chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Đã từng có câu hỏi: Làm thế nào một quốc gia với các nguồn lực hạn chế có thể đương đầu với một đại dịch toàn cầu? Bởi đây là thách thức mà nhiều nước nghèo, nước đang phát triển trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam ta, phải đối mặt. Tưởng rằng vi rút SARS-CoV-2 có thể tàn phá những nước như vậy, nhưng thay vào đó, Việt Nam đã trở thành “ngọn hải đăng” trong việc chống dịch với nguồn lực hạn chế.

Thực tế có thời điểm, Việt Nam phải đương đầu với những thách thức vô cùng lớn, trước nguy cơ dịch Covid-19 có thể lây lan diện rộng. Trong đó, phải kể đến những “sự cố” xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở những địa phương, như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Song, tất cả đã được ngăn chặn, khống chế và kiểm soát kịp thời.

Thành công ấy bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng trên hết là chúng ta đã sớm nhận ra khủng hoảng và hành động đúng thời điểm cần thiết. Không chỉ giải quyết tốt ở tầm vĩ mô mà còn triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ những việc nhỏ nhất, với sự góp sức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Lực lượng quân đội, công an, y tế và lực lượng liên quan đã giám sát, cách ly y tế một cách nghiêm túc, kịp thời khi có yêu cầu. Mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia được huy động tổng lực. Điều đáng trân trọng, trở thành hình mẫu là những nỗ lực chống dịch Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, ngay từ mỗi người, mỗi gia đình… Đó là luôn giữ vệ sinh nhà cửa, khu dân cư, trụ sở làm việc sạch sẽ, thoáng mát; thực hiện nghiêm cách ly y tế khi có yêu cầu; đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; thực hiện giãn cách; rửa tay sát khuẩn thường xuyên; khai báo y tế… Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, ở những thời điểm cam go nhất, khi dịch xuất hiện trong cộng đồng, nhiều khu dân cư, bệnh viện… phải cách ly, người dân đã chung sức, đồng lòng đóng góp vật chất, tinh thần cùng hệ thống chính trị đẩy lùi dịch bệnh.

Ở Thủ đô Hà Nội, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song nguy cơ vẫn luôn hiện hữu. Vì thế, trong rất nhiều chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo thành phố thời gian qua luôn truyền đi thông điệp nhất quán: Cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, không được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Mới đây nhất, vào chiều 3-12-2020, tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Tổng công ty May 10 và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tiếp tục yêu cầu các đơn vị cần chú ý, chấn chỉnh công tác phòng dịch ngay từ những việc nhỏ… Mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư và cá nhân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình, làm tốt công tác phòng dịch ngay nơi mình sinh sống, làm việc. Rất đáng phê phán, nếu một ai đó ra nơi công cộng không đeo khẩu trang, không giữ gìn vệ sinh chung. Chúng ta cũng không thể chấp nhận được khi những thông tin, hình ảnh không đẹp của một số người trong khu cách ly vi phạm quy định cách ly, làm mất an toàn phòng, chống dịch bệnh…

Một đại dịch bắt đầu từ những con vi rút rất nhỏ. Nhưng, mỗi người cùng có hành động đúng, dù rất nhỏ, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.

Chống dịch từ những việc nhỏ là bảo vệ chính mình và cộng đồng. Và chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch! (Hà Nội mới, trang 2).

 

Giám sát phòng chống dịch tại cảng biển

Sở Y tế TP.HCM cùng đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, đại diện Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, bộ đội biên phòng, cảng vụ hàng hải vừa tiến hành giám sát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực giao thông đường thủy tại Cảng Sài Gòn – Khánh Hội và Cảng Cát Lái.

Cảng biển là khu vực có lưu lượng tàu thuyền nước ngoài ra vào cao nhất cả nước. Thành phố nhận định nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xâm nhập lớn nhất là từ người nhập cảnh. Theo quy định hiện nay, thuyền viên trên tàu nhập cảng không được lên bờ. Đội biên phòng được phân công giám sát quy định này.

Tại cảng Sài Gòn, thuyền viên muốn lên bờ phải sử dụng cầu thang trên mạn tàu. Cầu thang này được kiểm soát chặt chẽ bởi đội biên phòng và chỉ được hạ xuống khi được phép.

Tại cảng Cát Lái, Trung tâm An ninh tại Cảng thực hiện việc giám sát bằng một hệ thống camera để đảm bảo không có thuyền viên lên bờ. Dữ liệu camera có thể lưu trữ được 45 ngày và truy xuất được mọi khung giờ khi cần thiết. Việc xếp dỡ hàng hóa chủ yếu thực hiện cơ giới hóa. Nếu công nhân ở bờ có lên tàu làm việc thì phải có danh sách được duyệt và được cấp phép của đội biên phòng. Công nhân phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch và không được phép tiếp xúc với thuyền viên. Thức ăn, thực phẩm, nước uống tàu đã chuẩn bị đầy đủ và không cần cung cấp từ đất liền. Khi giải quyết thủ tục hành chính, Cảng đã đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử.

Qua kiểm tra, giám sát, Sở Y tế thành phố yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố biên soạn tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 dành riêng cho các tàu thuyền neo tại cảng cũng như công nhân lên tàu làm việc nhằm tăng cường việc tuân thủ đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thực hiện rà soát, tập huấn công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Tăng cường giám sát y tế đối với các công nhân làm việc tại cảng sau khi trở về. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Y tế TP.HCM: Kỳ vọng là trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu khu vực

Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nhất là trong thời gian vừa qua. Với những điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất cùng định hướng phát triển, Bộ Y tế tin tưởng TP.HCM đủ điều kiện để trở thành trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong tương lai. GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những điều này tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với UBND TP.HCM về công tác y tế trên địa bàn thành phố sáng ngày 11/12.

TP.HCM đã kiểm soát tốt dịch bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với 12 bệnh viện thuộc bộ ngành với 7.335 giường bệnh, 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố với 21.055 giường bệnh, 23 Đơn vị y tế quận, huyện với 5.297 giường bệnh, 58 bệnh viện tư nhân với 5.025 giường bệnh cùng với hơn 6000 phòng khám… góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế của người dân.

Bên cạnh đó, những ngày qua với sự chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, UBND TP.HCM… cùng sự quyết liệt trong công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, thành phố đã chủ động, tích cực và khẩn trương triển khai nhiều hoạt động, biện pháp phòng chống dịch bệnh đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình, kiểm soát tốt; cụ thể đối với các ca bệnh liên quan đến bệnh nhân 1342, thành phố đã thực hiện 3.263 mẫu xét nghiệm liên quan đến 4 ca dương tính (BN1342, BN1347, BN1348, BN1349) đều âm tính, kiểm soát được chuỗi ca bệnh này và hơn 10 ngày trên địa bàn không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại có 143 ca COVID-19 phát hiện tại TP.HCM và 1 ca chuyển viện (từ Bệnh viện Bạc Liêu (BN278). Trong đó, 32 ca nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 22,37%) và 111 ca nhiễm nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 77,62%); 114 trường hợp điều trị khỏi, 29 bệnh nhân đang điều trị (28 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, 01 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố). Hiện tại, tất cả các bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn Bộ trưởng Bộ Y tế, các lãnh đạo Vụ, Cục của Bộ Y tế đã sắp xếp thời gian làm việc với UBND TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã đánh giá cao những nổ lực của đội ngũ y tế nhất là đội ngũ y tế công tác trong các chuyên khoa liên quan đến công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh, cũng như thời gian qua ngành y tế thành phố đã có những thành tự đáng tự hào.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra các kiến nghị liên quan đến công tác y tế, khám chữa bệnh… trên địa bàn thành phố để giúp cải thiện tốt hơn điều kiện y tế, công tác quản lý… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương lân cận.

Hướng đến trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu khu vực

Cũng tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ kỳ vọng TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở y tế hiện đại, chất lượng cao ngang tầm khu vực, định hướng trở thành trung tâm y tế chuyên sâu đứng đầu của khu vực Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng nhân dân; thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, phát triển mạnh du lịch y tế, tiếp tục đẩy mạnh telemedicine, hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy…

Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn có sự trao đổi, chia sẻ, gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ Y tế với y tế TP.HCM vì mục tiêu phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đồng thời Bộ trưởng cũng lưu ý TP.HCM cần tạo điều kiện, có chính sách về quỹ đất, nguồn vốn… để ngành Y tế có thể thực hiện khu phức hợp y tế trên địa bàn với đầy đủ các trường đại học, cơ sở y tế trung ương, cơ sở y tế địa phương … cũng như các dự án khác để các dự án của ngành y tế được sớm đi vào hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

Đồng tình, nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đã chia sẻ mong muốn về sự phát triển TP.HCM trở thành trung tâm y khoa chuyên sâu hàng đầu Đông Nam Á, và mong muốn được sự hỗ trợ, tạo điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn.

Với các ý kiến, kiến nghị từ phía ngành Y tế, đồng chí Nguyễn Thanh Phong cho biết đã tiếp thu, ghi nhận… và có hướng xử lý, hỗ trợ trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng như chia sẻ những đề án liên quan đến ngành y tế của TP.HCM trong thời gian tới bao gồm phát triển nhân lực, y tế thông minh, phát triển công nghiệp dược… sẽ mang đến nhiều giá trị cho sự phát triển của thành phố cũng như chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hơn 2.500 người bệnh đăng ký chờ ghép tạng

Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, tính đến ngày 6/12, có 2.524 trường hợp đăng ký chờ ghép tạng.

Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam khá lớn, số ca ghép tạng trong nước cũng ngày càng tăng lên. Tính từ tháng 6/2013 đến ngày 30/11/2020, Việt Nam thực hiện 5.473 ca ghép tạng.

Nguồn tạng để ghép cho người bệnh chủ yếu từ người cho sống. Mỗi năm, nước ta có hơn 10.000 người chết vì TNGT, người chết não chiếm tỷ lệ không nhỏ, tạng của họ có thể cứu được rất nhiều người.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong thời gian tới, Hội đồng chẩn đoán chết não di động cần hoạt động tích cực hơn (trong phạm vi toàn quốc) nhằm phục vụ cho công tác chẩn đoán chết não tại các cơ sở y tế chưa có đủ điều kiện thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não của cơ sở, tránh bỏ sót trường hợp hiến tạng chết não tiềm năng. (Công an Nhân dân, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo 12/02/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 04/12/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận