Điểm báo ngày 03/7/2019

(CDC Hà Nam)
Sử dụng khẩu trang đúng cách; Các quận phía Tây Hà Nội đang gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết; Sở Y tế Hà Nội phải khuyến cáo người dân dùng khẩu trang hợp chuẩn…

 

Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về tỷ lệ người mắc viêm gan vi rút

Ngày 2-7, nhân Tháng hành động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan (28-7), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, hiện Việt Nam có gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C. Con số này khiến Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu và thứ 2 châu Á về tỷ lệ người mắc viêm gan vi rút.

Hiện phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đang quản lý hơn 7.000 bệnh nhân viêm gan B và khoảng 3.000 bệnh nhân viêm gan C. Điều đáng bàn là ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện và phát hiện bệnh muộn dẫn tới suy gan cấp hoặc viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Nguyên nhân do người dân chưa có đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh này không có triệu chứng rõ ràng mà thường diễn biến âm thầm khó nhận biết.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, từ năm 1987, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nhờ đó, giúp giảm tỷ lệ viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 5%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trào lưu bài trừ vắc xin rộ lên khiến một bộ phận người dân “quay lưng” với vắc xin phòng bệnh viêm gan B. Việt Nam đặt ra mục tiêu, giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 1%. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của vắc xin trong việc phòng bệnh. (Hà Nội mới, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Tháng hành động hưởng ứng Ngày Viêm gan Thế giới”

 

Các quận phía Tây Hà Nội đang gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội thời điểm này đang tăng nhanh hơn, các đơn vị có số mắc cao tập trung ở những quận phía Tây thành phố như Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ ngày 24 đến 30-6), thành phố ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc SXH, tăng 52 trường hợp so với tuần trước đó. Tích lũy tổng số mắc SXH trên địa bàn từ đầu năm đến nay là 820 trường hợp, chưa có tử vong.

Ở tuần gần đây, số ca mắc SXH rải rác tại 85 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị có số mắc cao như: Quận Hà Đông ghi nhận 150 ca, quận Bắc Từ Liêm 88 ca, quận Cầu Giấy 73 ca, quận Đống Đa 69 ca, quận Nam Từ Liêm 65 ca…

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhận định, trong các tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh dần. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Kết quả giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh, trong tuần vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành giám sát 44 điểm, phát hiện 17/44 điểm có chỉ số BI ≥ 20 (38,6%), tiếp tục duy trì ở mức cao.

Về giám sát côn trùng trọng điểm, trong tuần qua, thực hiện giám sát 12 điểm thuộc 5 vùng sinh thái, phát hiện chỉ số BI cao vượt ngưỡng nguy cơ ở 4/5 điểm giám sát của thành phố (BI ≥ 23), ghi nhận nhiều ô bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước như bể hở, xô, chậu cảnh, phế liệu…

Tại các tỉnh phía Nam, trong tuần vừa qua đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh SXH dengue được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước đó và cao hơn cùng kỳ năm 2018. TPHCM là nơi phát hiện nhiều ca bệnh nhất, tiếp theo là tỉnh Đồng Nai, Bình Phước…

Đáng chú ý, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, năm nay, số ca SXH nhập viện cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018 và riêng tuần vừa qua đã có 2 ca tử vong từ địa phương khác được chuyển đến trong tình trạng nặng, trong đó 1 người lớn và 1 trẻ em. (An ninh Thủ đô, trang 6)

 

Sở Y tế Hà Nội phải khuyến cáo người dân dùng khẩu trang hợp chuẩn

Cùng với việc tập trung xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí, UBND TP yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang hợp chuẩn và phòng tránh tác hại ô nhiễm không khí trong sinh hoạt và tham gia giao thông.

UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 2597 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật đầy đủ, chính xác chỉ số đánh giá chất lượng không khí tại các điểm, các trạm quan trắc ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố tại Cổng thông tin điện tử Thành phố, Trang thông tin điện tử của Sở để người dân, các cơ quan được biết để phòng tránh, có giải pháp giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không khí; chủ trì kiểm tra, đôn đốc thay thế việc dùng than tổ ong làm nhiên liệu để phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, việc đốt rơm, rạ… và các biện pháp kiên quyết để xử lý, thực hiện.

UBND TP cũng giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường đối với việc che chắn khu vực thi công, cầu rửa xe khi ra vào công trường nhằm giảm tối đa lượng bụi phát sinh đối với tất cả công trường đang thi công nhất là trong khu vực nội thành;

Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy, địa điểm sản xuất gạch trên địa bàn; việc sửa chữa, cải tạo đường và các hệ thống công trình ngầm ở các đường phố.

Cần chỉ đạo duy trì công tác vệ sinh môi trường: tăng cường phun nước rửa đường vào các ngày nắng hanh khô, bảo đảm các yêu cầu vệ sinh môi trường trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại các bãi chôn lấp rác thải và bãi chứa phế thải xây dựng.

TP giao Sở Giao thông Vận tải phân luồng, cấp phép lưu hành vận chuyển phế thải xây dựng đảm bảo về thời gian, lộ trình và các yêu cầu kiểm định về tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn giao thông; xử lý nghiêm các phương tiện chở chất thải rắn không che chắn gây rơi vãi, bụi trong quá trình vận chuyển; tuyệt đối không cho phép lưu hành các phương tiện giao thông không còn thời gian lưu hành, không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm về khí thải…

Đáng chú ý, UBND TP yêu cầu Sở Y tế khuyến cáo người dân về những tác nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người, hướng dẫn, khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang hợp chuẩn (có thể hạn chế được bùi PM2,5); nghiên cứu đánh giá chuyên sâu về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân sinh sống trên địa bàn để kịp thời khuyến cáo phòng tránh trong sinh hoạt và tham gia giao thông.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân và các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia tích cực vào công tác bảo vệ môi trường không khí; vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ, rác thải, phế phẩm nông nghiệp; không sử dụng bếp than tổ ong và đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường không khí… (An ninh Thủ đô, trang 6)

 

Coi nhẹ tiêm phòng, dịch bệnh gia tăng

Cả nước đang bước vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết, tay – chân –miệng, viêm não Nhật Bản, đặc biệt bất thường hơn là những dịch bệnh thường xuất hiện vào mùa đông – xuân như sởi, quai bị, thủy đậu, cúm nhưng nay lại có quanh năm.

Di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não – màng não, sởi, ho gà rất nặng nề, thậm chí nhiều trẻ nhỏ đã phải trả giá bằng tính mạng, nhưng rất nhiều người vẫn còn chủ quan, coi nhẹ không tiêm phòng bệnh hoặc tiêm không đầy đủ trong khi đây là những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng.

Ho gà vẫn xuất hiện do không tiêm phòng

Ho gà, uốn ván, bại liệt… là những bệnh có vaccine phòng ngừa, tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh ho gà nên chủ quan không tiêm phòng cho con.

Những năm trước, rải rác vẫn có trường hợp ho gà nhập viện, nhưng năm nay tỷ lệ này tăng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ho gà vẫn tăng, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố ghi nhận 81 trường hợp mắc ho gà ở 26 quận, huyện, 68 xã phường và không có tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có gần 100 ca ho gà nhập viện từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều ca biến chứng viêm phổi nặng. Chứng kiến những đứa trẻ vật vã với cơn ho xé lòng, mặt tím tái, nước mắt giàn giụa, chúng tôi không khỏi thương cảm. Thế nhưng, dù ngay từ đầu năm, bác sĩ của bệnh viện đã khuyến cáo phụ huynh cho con tiêm phòng đầy đủ, nhưng đến nay vẫn tiếp tục có bệnh nhi vào nhập viện do mắc ho gà.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị M (Quảng Ninh) có con 1 tuổi phải nhập viện vì  ho gà đã vô cùng ân hận cho biết: “Em nghĩ bệnh ho gà không còn nên cũng chủ quan chưa tiêm cho con, ai ngờ con lại mắc, biến chứng sang phổi ngày càng nặng. Nhìn con ho rũ rượi em thật đau lòng, vô cùng hối hận”.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ mắc ho gà ở trẻ nhỏ thời gian gần đây xuất hiện nhiều với mức độ bệnh nặng. Hiện có 14 bệnh nhân đang điều trị.

Mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận điều trị cho từ 200-250 bệnh nhân ho gà, trong đó bệnh nhân nặng rất nhiều, với tình hình này thì vẫn có tỷ lệ tử vong do ho gà. Ngoài bệnh nhân chưa tiêm phòng thì còn có bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm phòng) mắc ho gà. PGS.TS Trần Minh Điển đánh giá: Do miễn dịch trong cộng đồng giảm, đặc biệt là miễn dịch của các bà mẹ không đủ truyền sang con.

Một trong những lý do khiến bệnh ho gà tăng trong thời gian gần đây là nhiều phụ huynh ngần ngại không tiêm vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho con, bỏ lỡ thời gian phòng bệnh cho trẻ.

“Tôi nghĩ với những bệnh đã có chiến lược sử dụng vaccine thì phụ huynh cho con em đi tiêm phòng. Tiêm phòng tạo miễn dịch đặc hiệu cho con chúng ta, không có lý do gì chúng ta e ngại vì tỷ lệ phản ứng ở mức độ nặng rất ít xảy ra, hầu hết phản ứng sau tiêm phòng đều ở mức độ nhẹ như sốt.

Để đảm bảo an toàn cho con, các bà mẹ khi con tiêm xong thì theo dõi theo chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ xem con có phản ứng với vaccine hay không. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường phải đưa con đến cơ sở y tế ngay, thông báo cho bác sĩ để bác sĩ phân loại, xử lý kịp thời”- ông Điển cho biết.

Chủ quan chết người

Hiện đang là thời gian cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản B, viêm màng não nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan không tiêm phòng cho con. Tới Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, chứng kiến những cháu bé bị viêm não Nhật Bản và viêm màng não đang điều trị, mới thấy hết được hậu quả khôn lường của việc các cháu không được tiêm phòng vaccine.

Có cháu bé 3-4 tháng tuổi đã mắc viêm màng não rơi vào hôn mê, co giật, tiên lượng rất xấu. Thậm chí, có cháu 14 tuổi đang đi học thì sốt cao, đau đầu, co giật, khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đã rơi vào tình thế nặng, hôn mê, phải thở máy, tổn thương thần kinh.

Đứng nhìn con ở ngoài phòng bệnh, mẹ cháu không cầm được nước mắt cho biết: “Cháu nằm đó gần 1 tháng mới có phản xạ nhưng vẫn chưa nhận biết được xung quanh. Tôi sợ sau này cháu có tỉnh lại thì cũng ảnh hưởng nặng nề tới thần kinh”.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm màng não do vi khuẩn là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ vì tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng, hậu quả nặng nề các chức năng vận động, kiểm soát tư thế, nhận thức không gian, thời gian, cảm xúc và rối loạn các giác quan… Từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 20 ca viêm màng não, trong đó có 7 ca viêm não Nhật Bản B và hầu hết bệnh nhân chưa tiêm phòng.

“Đây là bệnh phòng ngừa được bằng vaccine. Hiện đã có các loại vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB, phế cầu, viêm não Nhật Bản B và viêm màng não do não mô cầu. Do vậy, cha mẹ phải chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để làm giảm nguy cơ mắc viêm màng não và ngăn chặn các bệnh lây truyền nhiễm do virus cúm, thủy đậu, sởi, quai bị… có thể gây viêm màng não”- TS Lâm khuyến cáo.

Đánh giá về tỷ lệ người dân không tiêm ngừa vaccine, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy là mùa hè nhưng bệnh nhân bị sởi vào Trung tâm rất đông và hầu hết đều không tiêm phòng đầy đủ.

Nhiều phụ nữ mang thai bị sởi vào nhập viện rất hối hận vì không nghe theo khuyến cáo của bác sĩ tiêm phòng trước khi mang thai. Hiện, nhiều ông bố, bà mẹ không cho con tiêm chủng mở rộng mà chờ tiêm vaccine dịch vụ, thậm chí còn lặn lội từ quê lên Hà Nội để tiêm dịch vụ hay chen chúc xếp hàng từ 2h sáng để chờ tiêm dịch vụ.

Chính vì kéo dài thời gian chờ đợi nên đã bỏ lỡ “thời gian vàng” phòng bệnh cho trẻ. Đặc biệt, còn một bộ phận cha mẹ có tư tưởng “bài trừ vaccine” dẫn tới con mắc bệnh, thậm chí trẻ phải trả giá bằng tính mạng về quan niệm sai lầm này.

Để phòng chống bệnh và không để dịch bệnh lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chắm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, để không còn tình trạng đau lòng như trên, chính quyền và y tế phường, xã phải chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi tỷ lệ trẻ tiêm đủ mũi lý để quản lý, không bỏ lọt trẻ chưa tiêm phòng, tránh lây lan dịch bệnh. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Sử dụng khẩu trang đúng cách

Đa số người sử dụng khẩu trang đều không dùng đúng khẩu trang chuyên dụng, dẫn đến những tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe là nghiêm trọng.

Ô nhiễm không khí trầm trọng do bụi mịn

PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường vài Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, đeo khẩu trang khi ra đường là một hành động cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đa phần loại khẩu trang vải, khẩu trang y tế trên thị trường cũng chỉ có tác dụng chống nắng, ngăn cản chỉ một phần nào đó khói bụi. Các loại khẩu trang bằng vải hiện nay chỉ có thể ngăn được tối đa 20% bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 20 micromet (PM 20), khẩu trang y tế chỉ khoảng 50%. Trong khi đó, loại khẩu trang kỹ thuật có cấu tạo là viền khẩu trang ôm sát phần miệng và mũi người sử dụng.

Khẩu trang kỹ thuật có nhiều lớp và có một lớp than hoạt tính nhằm ngăn các loại bụi kích cỡ nhỏ. Vì thế, với các loại bụi nhỏ hơn PM 20, khẩu trang kỹ thuật có thể ngăn được tối đa 90%, đảm bảo sức khỏe con người. Đáng nói là đa số người sử dụng khẩu trang đều không dùng đúng khẩu trang chuyên dụng, dẫn đến những tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe là nghiêm trọng.

Nhận biết khẩu trang đúng chuẩn

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Khoa học Vật liệu, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc đeo khẩu trang là cần thiết để phòng tránh dịch bệnh, đặc biệt là ở những nơi có nguồn không khí ô nhiễm do sản xuất hoặc sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách thì khẩu trang rất dễ biến thành ổ vi khuẩn. Loại khẩu trang sử dụng giấy vệ sinh để làm lớp lót ở giữa, khả năng gây ra dị ứng là rất cao.

Khẩu trang y tế đúng chuẩn bắt buộc phải có 3 lớp. Lấy tay cầm lớp ở giữa của khẩu trang kéo thật mạnh nếu là khẩu trang tốt lớp ở giữa sẽ không bị rách và dai vì được làm bằng vải kháng khuẩn hoặc giấy kháng khuẩn, còn khẩu trang kém chất lượng lớp ở giữa bị rách ngay khi kéo thì lớp đó là giấy rẻ tiền không có tác dụng diệt khuẩn. Tốt nhất là không ham rẻ, chỉ mua khẩu trang của các cơ sở uy tín.

Theo các chuyên gia, do đặc tính và khả năng phòng bệnh của từng loại khẩu trang khác nhau, nên việc sử dụng khẩu trang trong phòng bệnh cũng phải phù hợp. Khẩu trang y tế giúp bảo vệ người lành, ngăn ngừa các bệnh lây truyền trực tiếp nhưng không ngăn được các bệnh lây truyền qua không khí. Nên nhớ là khẩu trang này làm bằng vải không dệt nên chỉ dùng được một lần, nếu giặt đi dùng lại thì các sợi vải bị xô lệch nên chúng sẽ không còn tác dụng phòng bệnh. Nếu khẩu trang có các dấu hiệu bất thường như mùi khó chịu, lớp vải quá mỏng, nhăn nhúm, xô lệch… thì không nên dùng. (Khoa học & Đời sống, trang 4)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 16/7/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận