Điểm báo ngày 04/1/2021

(CDC Hà Nam)
Siết chặt khu cách ly, chưa có kế hoạch bay đón công dân về nước trong tháng 1; Thông tuyến tỉnh BHYT từ 1.1.2021: Cứ đi khám bệnh tuyến tỉnh thì được hưởng 100% BHYT là cách hiểu chưa đúng; Đối phó với biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện ở Việt Nam…

Siết chặt khu cách ly, chưa có kế hoạch bay đón công dân về nước trong tháng 1

Các chuyên gia y tế cho rằng, cần quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để SARS-CoV-2, trong đó có chủng biến thể mới, không lọt ra ngoài cộng đồng. Liên quan bệnh nhân (BN) 1435 (nữ, quê Trà Vinh, trở về từ Anh) mang chủng virus SARS-CoV-2 đột biến, các chuyên gia y tế cho rằng, biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh nhưng chưa làm bệnh nặng hơn. Điều quan trọng là phòng ngừa, không để biến chủng mới lọt ra cộng đồng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, việc biến chủng mới của SARS-CoV-2 là điều bình thường, đã được dự đoán. Quan trọng là cần phải phòng ngừa chặt chẽ hơn. Trên thực tế, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm luôn đột biến theo thời gian, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp nên SARS-CoV-2 biến chủng là điều dễ hiểu. Biến chủng mới của SARS-CoV-2 là dấu hiệu cho thấy chúng đang dần thuần hơn, thích nghi với con người.

“Loại biến chủng này lây lan nhiều hơn trước kia. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa thể biết được virus này có gây ra bệnh nặng hơn hay không, còn khả năng lây nhanh là điều rõ ràng. Vì thế, càng chậm phát hiện ca mới trong cộng đồng càng khó chặn và càng tốn công khoanh vùng, cách ly và phải cách ly vùng càng rộng. Do vậy, điểm cốt yếu là cần chặn không cho virus lọt ra cộng đồng”, BS Khanh nói.

TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cũng nhìn nhận, chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều so với chủng virus trước đây, nhưng độc lực không thay đổi. Cụ thể, chủng mới này có khả năng bám chặt vật chủ nhiều hơn so với chủng cũ nên khả năng nhiễm bệnh và lây truyền sớm hơn dù người bệnh có tải lượng virus thấp. Chủng SARS-CoV-2 trước đây thường mất khoảng 5 ngày để có khả năng lây bệnh, còn chủng mới chỉ mất 3 ngày.

Các chuyên gia y tế cho rằng, công tác cách ly và điều trị chủng mới không khác gì so với các bệnh nhân COVID-19 trước đó. Chỉ khác là phải quản lý chặt chẽ hơn ở khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng. Đặc biệt, những ngày cận Tết Âm lịch sẽ có nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu các trường hợp này không được phát hiện kịp thời, thì khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2.

Để kiểm soát, phòng bệnh do chủng SARS-CoV-2 mới, ông Nguyễn Trí Dũng,  Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, lưu ý người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp “5K” của Bộ Y tế là “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”. Tuy nhiên, vì khả năng lây lan của chủng mới rất mạnh nên chúng ta cần tuân thủ “5K” nghiêm túc hơn, triệt để hơn với cường độ cao hơn (ở mọi nơi) thì sẽ khống chế được chủng mới của SARS-CoV-2.

“Người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phải phối hợp với ngành y tế và các lực lượng chức năng khi cần thiết. Phải đảm bảo mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu phố, mỗi thành phố… cùng chống dịch”, ông Dũng nói.

Chưa có kế hoạch bay đón công dân về nước trong tháng 1
Ngày 3/1, nguồn tin từ Cục Hàng không Việt Nam – Bộ GTVT cho hay, tới nay, chưa cấp phép cho chuyến bay nào đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới về nước trong tháng 1. Theo Cục Hàng không, cơ quan này chỉ cấp phép bay theo lịch đưa công dân Việt Nam từ các quốc gia về nước do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới hết năm 2020, hàng không Việt Nam đã tổ chức hàng trăm chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam mắc kẹt tại nhiều khu vực trên thế giới về nước. Riêng Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 180 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 52.000 công dân Việt Nam về nước an toàn từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. (Tiền phong, trang 1).

Chạy đua chống COVID – 19 biến thể: Sắp thử nghiệm vắc-xin thứ 2

Ngày 4/1, Cục Khoa học công nghệ & Đào tạo – Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư họp cùng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) bàn cụ thể về việc thử nghiệm vắc-xin Covivac trên người. Đây là vắc-xin ngừa COVID-19 thứ 2 do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được thử nghiệm lâm sàng. Sau khi nghiên cứu thành công trên động vật, IVAC đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vắc-xin Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Theo Viện trưởng IVAC, TS. Dương Hữu Thái, rút ngắn thời gian thử nghiệm là do Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao để giảm thiểu thủ tục hành chính, chứ không phải rút ngắn quy trình công nghệ.

Nhiều tháng qua, các nhà khoa học của IVAC đã thiết lập quy trình sản xuất tương tự sản xuất vắc-xin cúm mùa, tức là sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. IVAC có giống gà nhập từ Pháp, được lấy trứng theo quy trình sạch để phục vụ nghiên cứu và đã thành công với sản xuất vắc-xin cúm mùa, đưa vào lưu hành đầu năm 2019.

IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vắc-xin COVID-19 tương tự vắc-xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. Khi nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2.

Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vắc-xin. “Với kinh nghiệm tích lũy được từ việc sản xuất vắc-xin các loại qua hàng chục năm nay, các nhà khoa học của IVAC tin tưởng vào tính khả thi của vắc xin COVID-19 mà Viện đang sản xuất”, TS. Thái nói.

Vắc-xin COVID-19 của IVAC đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ… Kết quả cho thấy, vắc-xin tạo được miễn dịch 100% trên động vật. “Vắc-xin đã được đánh giá có tính an toàn, khả năng miễn dịch hiệu lực bảo vệ trên động vật. Vì vậy, IVAC trình Bộ Y tế để thử nghiệm trên người, dự kiến vào cuối tháng 1/2021”, ông Thái thông tin. Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021.

Theo ông Thái, IVAC bắt đầu nghiên cứu Covivac hồi tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vắc-xin và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng. Theo kế hoạch, IVAC phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vắc-xin.

Vắc-xin sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua 3 giai đoạn. Dự kiến, liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Quá trình đó, IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của tình nguyện viên, nếu diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Dự kiến có 125 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1, tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vắc-xin COVID-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào khoảng cuối năm 2021. TS. Thái cho biết, sau khi thử nghiệm dò liều thích hợp mới đưa được mức giá cũng như công suất sản xuất vắc-xin trong 1 năm. Tuy nhiên, lãnh đạo IVAC nhấn mạnh, giá Covivac sẽ khá thấp để phù hợp khả năng kinh tế của người dân.

Lo ngại nếu chủng virus biến đổi lây lan ra cộng đồng

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế, ca bệnh 1435 nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 – biến thể VOC 202012/01 là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây không gây nguy hiểm cho cộng đồng vì được cách ly ngay khi nhập cảnh.

“Nếu không phát hiện sớm, cách ly kịp thời để lây ra cộng đồng thì sẽ rất nguy hiểm, vì lây lan nhanh. Dù tỷ lệ tử vong trên mắc không cao, nhưng càng nhiều người mắc thì sẽ càng có nhiều người tử vong. Đặc biệt, nếu để lây cho những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền…, lây trong bệnh viện, tỷ lệ tử vong sẽ cao”, ông Phu nói.

Vị chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh, người dân có thể yên tâm vì đây là trường hợp nhập cảnh, đã được phát hiện, cách ly ngay khi nhập cảnh. Theo ông, vì chủng mới lây lan nhanh nên cần giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, cả trái phép và hợp pháp. Vấn đề quan trọng là phát hiện, cách ly ngay các ca mắc khi nhập cảnh, không để lây ra cộng đồng.

“Điều đáng lo hiện nay chính là những người nhập cảnh trái phép. Vì thế, lúc này rất cần sự hợp tác phối hợp của cộng đồng cùng với cơ quan chức năng để kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Phu nói.

TS. Dương Hữu Thái cho hay, vắc-xin Covivac đã được đánh giá tại Mỹ và Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho kết quả rất khả quan, vì thế, nhà sản xuất và Bộ Y tế cùng dự định đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm trên người sớm hơn 1 tháng, dự kiến vào ngày 21-22/1. Thử nghiệm sẽ diễn ra tại Đại học Y Hà Nội. (Tiền phong, trang 1; Thanh niên, trang 4).

 

Thông tuyến tỉnh BHYT từ 1.1.2021: Cứ đi khám bệnh tuyến tỉnh thì được hưởng 100% BHYT là cách hiểu chưa đúng

Hiện có nhiều thông tin cho rằng từ 1.1.2021, người dân có thẻ BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh do Quỹ BHYT chi trả khi đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước. Đây là cách hiểu chưa đúng theo quy định của pháp luật.

Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% mức hưởng theo quy định

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, khi người dân đi khám, chữa bệnh thường sẽ phát sinh hai trường hợp điều trị nội trú hoặc ngoại trú. Theo quy định của Luật BHYT hiện hành, Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% mức hưởng theo quy định cho bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước dù là điều trị nội trú hay ngoại trú.

Còn nếu bệnh nhân đi khám bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước, theo quy định tại tiết b, khoản 3 và khoản 6 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13, từ ngày 1.1.2021 Quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Còn nếu người bệnh đó chỉ cần điều trị ngoại trú thì thì người đó vẫn phải tự chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Còn nếu bệnh nhân có thẻ BHYT, nhưng nếu đi khám chữa bệnh trái tuyến ở các bệnh viện tuyến Trung ương, mà phải điều trị nội trú, thì bệnh nhân cũng chỉ được hưởng 40% mức hưởng theo quy định và sẽ phải trả chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu chỉ cần điều trị ngoại trú.

Ví dụ, người dân ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, sẽ được hưởng 100% chi phí theo quy định nếu đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước kể cả điều trị nội trú hay ngoại trú. Nếu người dân đi khám bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh ở TPHCM (như Bệnh viện Đại học Y Dược hay Bệnh viện Nhân dân 115), sẽ được hưởng 100% mức hưởng theo quy định nếu phải điều trị nội trú, còn nếu chỉ điều trị ngoại trú thì vẫn phải trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Vẫn người dân đó, nếu đi khám trái tuyến ở bệnh viện tuyến Trung ương (ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy hay Bệnh viện 175 ở TPHCM), thì được hưởng 40% mức hưởng theo quy định nếu phải điều trị nội trú, còn nếu chỉ điều trị ngoại trú thì vẫn phải trả 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Như vậy, không phải tất cả mọi người có thẻ BHYT thì sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khi khám, chữa bệnh trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Do đó, bà Hằng cũng khuyến cáo người dân cần cân nhắc khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh hay Trung ương ở các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội để tránh phải chi phí không cần thiết.

Cần thời gian để đánh giá việc quá tải hay không

Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, để đánh giá được việc quá tải hay không sau khi thông tuyến tỉnh BHYT từ năm 2021 thì cần có thời gian theo dõi số lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị. Trong khi đó, mặc dù là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng những năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng hoạt động chẳng khác nào bệnh viện vùng. Số lượt bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm hơn 50% số ca bệnh điều trị tại bệnh viện.

“Thời gian qua, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người bệnh ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi nhập viện theo hướng cấp cứu và cả chuyển viện được điều trị nội trú, được hưởng BHYT tối đa. Bệnh viện cũng đã quen với áp lực và công suất hoạt động khi tiếp nhận nhiều ca bệnh từ ngoại tỉnh nên tôi cho rằng không có quá nhiều thay đổi sau khi BHYT tuyến tỉnh được thông tuyến. Tuy nhiên người dân cần chú ý để tránh sự nhầm lẫn, bởi thông tuyến trong điều trị nội trú chứ không phải ngoại trú, tức những người đi khám bệnh dịch vụ, tự nguyện vẫn phải trả phí như bình thường” – lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cho hay.

Được biết, những năm qua, để chuẩn bị cho việc thông tuyến này, các cơ sở y tế tuyến quận huyện tại Đà Nẵng đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tại nhiều trung tâm y tế như Sơn Trà, Hải Châu đã thực hiện việc đặt lịch khám online để tiết kiệm thời gian cho người dân.

Đặc biệt, đơn vị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hoà Vang được thành lập hơn 1 năm nay đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người dân chạy thận sống trên và gần địa bàn huyện Hoà Vang. Thay vì phải xuống Bệnh viện Đà Nẵng, người bệnh có thể yên tâm điều trị tại đây, vừa tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở.

Người dân mong chờ

Chị Thanh Thảo, người dân quận Hải Châu Đà Nẵng cho biết: “Ba tôi vừa phát hiện có khối u ở ức. Thông tin này khiến gia đình rất lo lắng. Cơ sở BHYT nơi ba tôi đăng ký cho biết họ có thể can thiệp được, tuy nhiên vì ba tôi lớn tuổi, hơn nữa chúng tôi tin tưởng uy tín của Bệnh viện Đà Nẵng hơn nên ngay sau đợt nghỉ lễ Tết Dương lịch, gia đình sẽ đưa ông đi nhập viện để tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Việc thông tuyến đến kịp thời khi gia đình không phải xin bệnh viện chuyển viện. Bởi việc này đôi khi gây khó cho cả hai bên, bệnh viện nơi có BHYT không đồng ý chuyển viện vì nhiều lý do, trong khi mong muốn của gia đình lại khác” – chị Thảo chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Bình, người dân quận Sơn Trà nêu thực tế, một số trường hợp muốn chuyển viện ở bệnh viện quận huyện – nơi đăng ký BHYT khám chữa bệnh ban đầu gặp nhiều khó khăn.

“Họ lấy lý do có thể điều trị được, bệnh chưa nặng… Tuy nhiên người dân thì luôn mong nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Bình thường chúng tôi phải đi trái tuyến và chấp nhận chịu chi phí nhưng nay nếu đã thông tuyến và bệnh của tôi phải điều trị nội trú thì nỗi lo viện phí cũng vơi đi ít nhiều” – ông Bình nói. (Lao động, trang 1).

 

Đối phó với biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện ở Việt Nam

Sáng 2.1.2021, Bộ Y tế phát đi thông báo phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến thể mới của  SARS -CoV -2, là một bệnh nhân nhập cảnh từ Anh ngày 22.12.2020. Các chuyên gia khẳng định, ca bệnh này không gây nguy hiểm cho cộng đồng vì được cách ly tốt. Tuy nhiên, biến chủng mới gây nhiều lo ngại trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán, sẽ là thách thức lớn cho công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Nếu biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện trong cộng đồng sẽ rất nguy hiểm

Về vấn đề này, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các Sự kiện y tế công cộng – cho biết, điều này đã được dự đoán từ trước. “Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng. Khi một cộng đồng có nhiều người cùng mắc bệnh, khả năng họ vào bệnh viện và lây nhiễm tại đây rất cao. Trong khi đó, bệnh viện là nơi khá nhạy cảm, nhiều bệnh nhân nặng, miễn dịch kém. Khi biến chủng này xuất hiện trong bệnh viện, công tác kiểm soát và điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – PGS Phu nói.

Theo ông Phu, điều may mắn là bệnh nhân mang biến chủng mới vừa được Bộ Y tế công bố đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có khả năng biến chủng này lọt ra ngoài cộng đồng.

PGS Phu khuyến cáo, việc phát hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2 phải được trải qua công tác giải trình tự gene từ cơ quan chuyên trách như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) hay Viện Pasteur TPHCM. Nếu kết quả giải trình gene phù hợp, cơ quan này sẽ thông báo về địa phương để có sự điều chỉnh trong quản lý, theo dõi bệnh nhân phù hợp.

Phó Giáo sư Trần Đắc Phu nhấn mạnh nguy cơ hiện tại của Việt Nam là các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu không được cách ly ngay, khả năng những người này làm dịch lây lan trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2 mà không được phát hiện.

Tiếp tục kiểm soát chặt hơn công tác nhập cảnh

Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhập cảnh.

Bộ Y tế nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát các điều kiện, quy trình nhập cảnh, kiểm dịch y tế nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan.

Ngành Y tế các địa phương cần xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản chống dịch cụ thể; xây dựng kế hoạch phân công lấy mẫu, điều phối xét nghiệm khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, Sở Y tế tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ; tổ chức diễn tập, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giám sát, xét nghiệm, đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch.

Các cơ sở cách ly tập trung trong giai đoạn này cần kiên quyết giám sát, theo dõi chặt chẽ, không để dịch lây lan trong các cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng. Đặc biệt, trong cách ly tại nhà, đơn vị y tế địa phương cần phối hợp chặt với chính quyền, công an để giám sát việc cách ly. Tổ chức, cá nhân đứng đầu đơn vị, cơ sở vi phạm cần được xử lý theo đúng pháp luật.

Bộ Y tế yêu cầu trong thời gian nghỉ Tết, cơ sở y tế cần phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ để theo dõi, báo cáo ngay khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thông điệp 5K.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) – cho biết: “Việc virus biến chủng là dấu hiệu cho thấy chúng đang dần thuần hơn, bắt đầu thích nghi hơn với con người. Khi đó, chúng có tốc độ lây lan nhanh hơn, khả năng lây từ người này sang người khác dễ dàng hơn nhưng không làm tăng nặng hơn tình trạng của bệnh tật”.

Chuyên gia này nhấn mạnh khi Việt Nam phát hiện biến chủng này, công tác phòng ngừa, điều trị đối với bệnh nhân không khác gì so với bệnh nhân COVID-19 khác. Theo bác sĩ Khanh, vấn đề cao nhất được đặt ra lúc này là tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ khu cách ly, quản lý chặt người nhập cảnh để virus không lọt ra ngoài cộng đồng.

Thắt chặt kiểm soát phòng dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Y tế đã thông tin về bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể mới và có đột biến. Đó là BN1435 (nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh) từ Anh về Việt Nam ngày 22.12.2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh.

Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, chống dịch. Đối với việc giám sát người từng mắc COVID-19 sau xuất viện, toàn TPHCM hiện còn 16 bệnh nhân đang trong thời gian theo dõi. Ngoài ra, còn 2.256 người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung, 125 người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Ngành Y tế thành phố sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của những trường hợp này, đồng thời sẽ tiếp tục xét nghiệm đối với bệnh nhân từng mắc COVID-19 đã điều trị khỏi bệnh sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly.

Song song đó, HCDC cho biết, sẽ tăng cường giám sát, thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định. Giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung về cư trú tại TPHCM. Ngành Y tế TPHCM tiếp tục kiểm tra, giám sát các khu cách ly tại khách sạn, tại bệnh viện, các khu cách ly tập trung của quận huyện, khu cách ly của thành phố. Thẩm định phương án làm việc của chuyên gia nhập cảnh và làm việc dưới 14 ngày. Tổ chức các lớp tập huấn nhóm giảng viên tuyến quận huyện để huấn luyện cho các tổ COVID-19 cộng đồng.

Công tác xét nghiệm COVID-19 cũng được đặc biệt lưu ý, nhất là đối với tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TPHCM. Ngành Y tế TPHCM đã lấy mẫu xét nghiệm 12.292 trường hợp, trong đó có 20 trường hợp dương tính (hiện đã điều trị và khỏi bệnh). Song song đó, các nhóm nguy cơ cao (bến xe, bệnh viện, doanh nghiệp…) cũng được giám sát chặt chẽ và hiện chưa phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19.

Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Hồng Tâm (Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế) cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, TPHCM luôn kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam. Những người đi trên các chuyến bay về nước đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. “Đây là mức phòng dịch cao nhất nên trước tình hình biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chúng tôi vẫn thắt chặt kiểm soát phòng dịch như hiện tại ở sân bay Tân Sơn Nhất” – ông Tâm nói.  (Lao động, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/12/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/11/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận