Điểm báo ngày 8/8/2022

(CDC Hà Nam)
Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn; Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế: Biến chứng nặng và tử vong do cúm A…

 

Tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Theo thống kê, đến thời điểm này, tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán do các địa phương đề nghị thanh toán bổ sung (tại 28 tỉnh, thành phố, 320 cơ sở khám, chữa bệnh) tồn đọng giai đoạn trước năm 2021 là 1.601 tỷ đồng…

Ngày 2/8 vừa qua, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giai đoạn trước năm 2021.

Nhiều khó khăn từ cơ sở y tế

PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Tiến sĩ Nguyễn Trí Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) cùng bày tỏ lo ngại về những chi phí bị “treo” từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa chưa chuyển đổi hình thức sở hữu theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hiện tại theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chưa có căn cứ để thanh toán các chi phí này. Tuy nhiên, đại diện các bệnh viện đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải pháp thanh toán phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế, đề nghị sửa đổi các quy định sát với thực tế hơn để không lãng phí thiết bị y tế.

Về tình trạng “vượt trần, vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết, Nghệ An có địa bàn rộng, dân số lớn, nhưng mức đóng của phần lớn người dân lại thấp, cho nên thường gặp khó khăn từ quy định khoán chi phí khám, chữa bệnh. Ông Chỉnh cũng chia sẻ thực tế “chưa tính đúng, tính đủ” bảy yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nhưng lại yêu cầu các cơ sở y tế phải tự chủ. Hiện nay hầu hết bệnh viện ở Nghệ An (trừ bệnh viện tâm thần) đều đã thực hiện tự chủ. Ông đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện đúng việc tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm sức ép lên cơ sở y tế.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương cho biết: Quan điểm đầu tiên của đơn vị này là sẽ cố gắng cùng ngành bảo hiểm xã hội, cơ sở y tế tháo gỡ vướng mắc liên quan quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn. Cục cũng đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sửa đổi Thông tư về định mức kỹ thuật, danh mục dịch vụ kỹ thuật, rút gọn từ hơn 18.000 dịch vụ xuống còn khoảng 10.000 dịch vụ tương đương để thuận lợi cho thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Với những vướng mắc về chi phí từ máy mượn, máy đặt tại các bệnh viện công, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Lê Thành Công cho biết, Bộ đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ các máy này vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định về máy xã hội hóa theo thực tiễn hiện nay trong quá trình sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP…

Đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động tìm và triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt trong hai năm 2020, 2021 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở khám, chữa bệnh tập trung cao độ mọi nguồn lực để chống dịch. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng bước được giải quyết.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với nhóm khó khăn vướng mắc không phải xuất phát từ cơ chế chính sách, mà do phát sinh trong triển khai phối hợp thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cùng ngành y tế làm rõ, xử lý dứt điểm. Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục rà soát các chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được thanh toán trước năm 2021, bảo đảm đủ hồ sơ, điều kiện để báo cáo, đề xuất với Hội đồng quản lý đưa vào quyết toán năm 2021 và cần xử lý dứt điểm, không kéo dài; tiếp tục chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, bảo đảm tiến độ.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục của Bộ Y tế trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan những vướng mắc, bất cập thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế.

Mục tiêu lớn nhất của hai ngành hướng tới là bảo đảm nguồn kinh phí khám, chữa bệnh để tạo điều kiện tốt cho cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế, qua đó bảo đảm quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế theo đúng pháp luật. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các vụ, cục của Bộ Y tế nhanh chóng xác định danh mục công việc theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình, đặt ra thời hạn xử lý cụ thể từng vấn đề, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế, bảo đảm quyền lợi của người bệnh. (Nhân dân, trang 4).

 

Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BYT về việc thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Mục tiêu của việc thành lập 4 đoàn kiểm tra lần này, theo Bộ Y tế, là nhằm khảo sát, ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện. Bên cạnh đó, khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.

Mục tiêu của việc thành lập 4 đoàn kiểm tra lần này, theo Bộ Y tế, nhằm khảo sát, ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện. Bên cạnh đó, khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế.

Bộ Y tế đề nghị, các đoàn kiểm tra xác định khó khăn, vướng mắc mang tính khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp ngắn hạn, dài hạn cho các cấp quản lý trung ương, địa phương để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Trong hoạt động kiểm tra, các đoàn sẽ khảo sát, kiểm tra các hoạt động khám, chữa bệnh nói chung; tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực trạng các thuốc, vật tư, trang thiết bị sẵn có trong kho, đơn vị; các thuốc, vật tư đang thiếu; thực trạng việc mua sắm, đấu thầu đã triển khai trong các năm gần đây; tác động, ảnh hưởng của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị đến chất lượng chuyên môn điều trị và chất lượng dịch vụ; xác định các khó khăn, vướng mắc, rào cản chính dẫn tới các khó khăn trong việc mua sắm, đầu tư thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Lập 4 đoàn kiểm tra cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện”.

 

”Chìa khóa vàng” nâng cao chất lượng giống nòi

Từ khi Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành và nêu rõ mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, ngành Dân số của Thủ đô đã tập trung nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đây được xem là “chìa khóa vàng” giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.

Tránh hậu quả nặng nề cho trẻ

Nếu như cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của toàn thành phố Hà Nội chỉ đạt 50% và sàng lọc sơ sinh đạt 30%, thì nay đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của thành phố đạt 83,43% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85,19%; trong đó phát hiện 186 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD (bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động) và 3 trường hợp nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh (bệnh rối loạn hoặc thiếu hụt tổng hợp hormone tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ).

Để có được kết quả này, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại 579 xã, phường, thị trấn; đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc. Hằng năm, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cũng triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và cán bộ dân số các cấp…

“Khoa sản của các bệnh viện tuyến thành phố, tuyến huyện và các cơ sở y tế, dân số quận, huyện, thị xã đã thực hiện tư vấn, siêu âm, xét nghiệm thường quy về sàng lọc trước sinh. Cùng với đó, tập trung các hoạt động tư vấn, thực hiện lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh sau 24-72 giờ chuyển lên trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố và khu vực. Thành phố cũng phối hợp với một số bệnh viện trung ương trên địa bàn, như: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu trung ương triển khai các hoạt động sàng lọc khiếm thính, bệnh tan máu bẩm sinh, tim bẩm sinh…”, ông Tạ Quang Huy cho biết thêm.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có khoảng 40.000 ca đẻ/năm. Qua công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hằng tháng, bệnh viện phát hiện khoảng 400-500 trường hợp thai có bất thường, trong đó tập trung nhiều ở bệnh tim bẩm sinh, hệ thần kinh trung ương, thận, tiết niệu… Theo Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Đinh Thúy Linh, khi phát hiện những bất thường của thai nhi, các bác sĩ đã có những can thiệp kịp thời. Nhờ đó, tránh được những hậu quả nặng nề, không ít thai nhi được cứu chữa ngay từ khi còn trong bụng mẹ, hoặc vừa mới chào đời…

Nâng cao nhận thức của người dân

Theo nhiều nghiên cứu, tất cả phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ đều có 5% nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh, nhưng có hơn 70% dị tật bẩm sinh có thể ngăn chặn, chữa khỏi hoặc cải thiện từ giai đoạn trong bào thai và giai đoạn sơ sinh. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh là điều kiện tốt nhất để giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật.

Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy, chương trình sàng lọc còn gặp không ít khó khăn. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của công tác này. Do đó, người dân cần nhận thức rằng, việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, mà chính là bước đi lâu dài của ngành Dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.

Bác sĩ Dương Ngọc Vân, chuyên ngành sản khoa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, tại nhiều cơ sở y tế, tỷ lệ thai phụ đi khám thai định kỳ trong những tuần thai đầu tiên khá cao, nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ với việc khám sàng lọc và chẩn đoán dị tật thai nhi. Ngoài ra, việc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, dẫn đến thực hiện siêu âm, xét nghiệm không đúng thời điểm, rất khó phát hiện chính xác các dị tật bẩm sinh của trẻ. Nhiều trường hợp không muốn lấy mẫu máu gót chân cho con, xin xuất viện sớm hoặc lo lắng thái quá cho sức khỏe của con, sợ con đau.

“Tất cả trường hợp mang thai nên thực hiện sàng lọc trước sinh, nhất là trường hợp có nguy cơ cao, như: Phụ nữ có thai ngoài 35 tuổi; kết hôn cận huyết; tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc con bị dị tật hay mắc một số bệnh lý di truyền; từng sinh non, sinh con dị tật hoặc bị sảy thai, thai lưu không rõ nguyên nhân; mẹ bầu bị cảm cúm, rubella; bố hoặc mẹ thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường hóa chất độc hại…”, bác sĩ Dương Ngọc Vân khuyến cáo. (Hà Nội mới, trang 5).

 

An toàn cho bác sĩ cứu người

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hành vi tấn công y bác sĩ, nhân viên y tế khi họ đang cứu chữa bệnh nhân là không thể chấp nhận, cần phải lên án và có hình thức xử lý thích đáng.

Luật pháp bảo vệ danh dự, tính mạng nhân viên y tế

Theo ông Khuê, luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định về bảo vệ danh dự, tính mạng, tài sản của nhân viên y tế (NVYT), trong đó có quy định nghiêm cấm vi phạm danh dự, tính mạng, tài sản của người hành nghề… Tuy nhiên, nhận thức của người nhà bệnh nhân (BN) khi thực hiện nghĩa vụ trong khám chữa bệnh chưa đầy đủ. Thống kê từ các năm trước cho thấy, khoảng 70% trường hợp bị tấn công là bác sĩ (BS).

Một Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay, ngay khi xảy ra sự việc người nhà BN hành hung BS trong ca trực tại TP.HCM, Cục nhận thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của BS trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, NVYT khác. Vụ việc đã gây mất an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho BN khác. Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP.HCM sớm tiến hành xác minh sự việc, phối hợp với Công an TP.HCM điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm, đồng thời động viên kịp thời đối với người hành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ hành hung.

Chia sẻ về giải pháp đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho các thầy thuốc, GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết BV và công an phường, quận sở tại có sự phối hợp rất chặt chẽ. BV có hệ thống camera lắp đặt tại các khu vực thiết yếu, kết nối đến khu vực chỉ huy của lực lượng bảo vệ ngay trong BV, đồng thời kết nối với cơ quan công an trên địa bàn BV đang hoạt động. Khi có các tình huống không an toàn với NVYT, các lực lượng hỗ trợ sẽ lập tức nắm bắt thông tin, có mặt kịp thời.

Tại một số khu vực dễ xảy ra các tình huống tấn công BS, NVYT như khoa Cấp cứu, BV cũng thiết lập hệ thống nút báo động bí mật. Khi có sự việc cần thiết, NVYT có thể bấm nút để các bộ phận bảo vệ kịp thời đến hỗ trợ. “Với các đối tượng tấn công NVYT, cần phải xử lý hình sự, đủ mức răn đe. Các BV cũng nên có hướng dẫn giúp NVYT nhận biết các tình huống không an toàn để kịp thời có phản ứng phù hợp”, GS Trần Bình Giang chia sẻ.

Trang bị công cụ hỗ trợ cho bảo vệ

Theo Bộ Công an, BV không nằm trong danh mục các mục tiêu được bố trí vũ trang và canh gác, bảo vệ của cảnh sát. Tuy nhiên, trước tình hình gây rối, phá hoại tài sản, thậm chí hành hung BS, NVYT, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với ngành y tế tăng cường lực lượng và các biện pháp đảm bảo ANTT tại những địa điểm này cũng như đảm bảo an toàn cho BS, NVYT, BN và người dân.

Cụ thể, công an các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên tuần tra kiểm soát, nắm tình hình để kịp thời phối hợp ngăn chặn các hành vi gây rối, hành hung BS và NVYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở có liên quan. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Bộ Công an đã hướng dẫn ngành y tế tiến hành đánh giá thực trạng việc tổ chức công tác bảo vệ và năng lực, nâng cao kỹ năng xử lý, phản ứng nhanh với các tình huống gây gổ, uy hiếp BN và NVYT của lực lượng này tại các cơ sở khám chữa bệnh; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ tại các khu vực có nguy cơ xảy ra những vấn đề phức tạp về ANTT như khu vực cổng ra vào, các khoa cấp cứu, khoa khám chữa bệnh; lắp đặt hệ thống camera, chuông báo động hỗ trợ công tác bảo vệ, khi có đánh nhau thì thông báo cho công an cơ sở sớm ngăn chặn, xử lý.

Các nước bảo vệ an ninh phòng cấp cứu

Theo website của tổ chức Nhân viên phòng cấp cứu Mỹ (ACEP), tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ chưa có bất kỳ luật liên bang nào liên quan đến việc thiết lập bảo vệ cho nhân viên y tế tại phòng cấp cứu. Tuy nhiên, một số tiểu bang như New Jersey áp dụng luật truy tố người hành hung nhân viên y tế giống như trường hợp tấn công người thi hành công vụ là cảnh sát. Tháng 6, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ đã đệ trình Đạo luật bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế trước nguy cơ bạo lực (SAVE), đề xuất xây dựng những cơ chế ngăn chặn bạo lực tại phòng cấp cứu, cũng như truy tố tội hình sự đối với hành vi tấn công hoặc đe dọa nhân viên y tế. Tại Anh, chính quyền London đang cân nhắc khả năng thay đổi chính sách liên quan đến những kẻ tấn công y bác sĩ phòng cấp cứu. Theo đó, mức phạt tù tối đa đối với người hành hung nhân viên y tế phòng cấp cứu sẽ được nâng từ 12 tháng như hiện nay lên 24 tháng, theo trang gov.uk.

Bên cạnh việc siết chặt chính sách, các BV ở Mỹ và Singapore cũng thiết lập những quy định chặt chẽ, như không cho phép người thân ra vào phòng cấp cứu để tránh can thiệp công tác chữa trị bệnh của y bác sĩ. Mỹ cũng cho phép các BV thuê nhân viên an ninh chuyên nghiệp và được trang bị súng ngắn hoặc súng bắn điện (taser). Tạp chí Khoa học Mỹ dẫn số liệu khảo sát năm 2014 cho thấy 52% số BV tuyển nhân viên an ninh mang theo súng ngắn, trong khi 47% sử dụng súng bắn điện. (Thanh niên, trang 1).

 

Đừng lơ là, chủ quan với dịch bệnh để phải trả giá đắt

Nhiều bạn đọc kêu gọi mọi người cần tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống Covid-19 của cơ quan y tế, trong đó có việc tiêm vắc xin đầy đủ, không lơ là, chủ quan để dịch bùng phát trở lại sẽ gây thiệt hại khôn lường.

Như Thanh Niên thông tin, hôm 6.8, tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và đã bùng phát trở lại tại một số nước với sự xuất hiện của biến thể Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7.2022 thế giới đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó). Tại VN, trong tháng 7 ghi nhận trên 33.000 ca Covid-19, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày. So với tháng trước, số ca nhiễm tăng 22,4%.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảnh báo xu hướng số ca mắc đang tăng trở lại có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng…) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính…).

Nỗi đau mất mát còn chưa nguôi

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm liên tục tăng, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên kêu gọi mọi người không lơ là, chủ quan. “Còn nhớ năm ngoái giờ này ở TP.HCM thế nào không? Quá đau lòng và sợ hãi… mà không dám nhớ lại. Đừng chủ quan mọi người ơi, hãy tuân theo các hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng”, BĐ Hùng Ba kêu gọi.

Tương tự, BĐ Anh Dung viết: “Một năm trôi qua giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ, mặc dù bây giờ đã tự tin hơn rất nhiều. Lúc đó, sau đợt test nhanh đầu tiên, các nhân viên y tế và dân phòng đến giăng dây, treo biển đỏ những nhà có F0. Tôi còn nhớ bác bí thư khu phố đứng trên lầu nhà bác nhìn xuống buột miệng: “Sao xóm mình nhiều nhà bị thế?”… Bây giờ cách nghĩ về dịch, cách phòng chống dịch đã khác trước và dịch bệnh đã giảm rất nhiều. Nhưng hình như đã bắt đầu thấy sự chủ quan của nhiều người dân. Chỉ mong mọi người đừng coi thường dịch bệnh, cả Covid-19, cả sốt xuất huyết nữa”.

BĐ Đào Lê cảnh báo: “Nếu chủ quan, lơ là với dịch bệnh, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Sự đau thương, mất mát từ các đợt dịch trước để lại vẫn còn chưa nguôi. Giờ ra đường đã có nhiều trường hợp không đeo khẩu trang, còn việc sát khuẩn thì “trôi vào dĩ vãng”… Nếu chúng ta cứ ỷ y, mất cảnh giác, thiếu ý thức thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao”.

Vắc xin: Cách phòng chống Covid-19 hiệu quả nhất

Ngoài tuân thủ nghiêm quy định về phòng dịch, nhiều BĐ cũng đề nghị mọi người nhanh chóng tiêm vắc xin mũi 3, 4. “Đọc báo thấy nói nhiều nơi còn tồn vắc xin, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 còn thấp mà thấy buồn. Đến bây giờ vắc xin vẫn là một trong những cách phòng chống Covid-19 thiết thực và hiệu quả nhất, vậy mà nhiều người thờ ơ quá. Muốn dịch bệnh không bùng trở lại, cái chính vẫn là ý thức phòng bệnh của mọi người. Theo tôi, mọi người phải chung tay để phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trở lại”, BĐ Van Man ý kiến.

“Hôm rồi đọc báo thấy y tế phường có chích mũi 3, mũi 4 không cần phải lấy phiếu, thế là tôi ra ngay. Hơi bất ngờ là vắng lắm, lúc tôi đến chỉ có mấy người. Tôi trên 50 tuổi, là đối tượng ưu tiên chích mũi 4, nên vào là khai báo rất nhanh, xong chích liền. Chích cho yên tâm, vì mình có tuổi, lại có bệnh nền”, BĐ Thanh Binh chia sẻ.

“Để dịch Covid-19 không quay trở lại thì ngoài tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, người dân cần tiêm vắc xin đúng lịch. Hiện nhiều người chủ quan đã không còn đeo khẩu trang, thậm chí không muốn tiêm vắc xin mũi 3, 4 vì cho rằng dịch bệnh đã hết. Đây là sai lầm! Chúng ta cần phải ý thức rằng việc những biến chủng mới xuất hiện thì khả năng nhiễm càng cao. Do đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mọi sự chủ quan đều phải trả giá, mà có khi là chính sinh mạng của mình”, BĐ Kiều Ly cảnh báo. (Thanh niên, trang 9).

 

Biến chứng nặng và tử vong do cúm A

Khác với cảm, cúm A có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cúm có xu hướng thành dịch trong thời gian gần đây, bất cứ ai từ trẻ nhỏ đến người lớn đều không thể chủ quan. Đã có bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong sau khi mắc cúm A.

Cuối tuần qua, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết bệnh viện đang điều trị một ca bệnh cúm A nặng, nguy kịch. Đây là nữ bệnh nhân 39 tuổi (Thanh Hoá) có tiền sử suy tủy 2 năm nay, điều kiện gia đình rất khó khăn.

Mới đây, bệnh nhân mắc cúm A và được điều trị tại bệnh viện ở Thanh Hóa. Do chuyển biến nặng, biến chứng viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Tại đây, bệnh nhân phải đặt ECMO ngày 3/8 rồi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Qua một ngày đặt ECMO, bệnh nhân vẫn tiên lượng nặng. “Nếu không đặt ECMO bệnh nhân sẽ tử vong, nếu đặt thì hy vọng sống là 50-50. Bệnh nhân có bệnh nền suy tủy nên suy giảm miễn dịch, khi mắc cúm A có nguy cơ chuyển nặng”, bác sĩ Phúc nói.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân chuyển nặng vì cúm không nhiều. Tuy nhiên, bệnh viện cũng tiếp nhận một số ca nặng, cần thở máy, thậm chí tử vong, đa phần đều có bệnh nền. Trước đó bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 19 tuổi mắc cúm A, có bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, sau đó không qua khỏi.

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường, chưa ghi nhận chủng độc lực cao. TS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.

“Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với COVID-19. Đây là việc đầu tiên chúng ta phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp”, bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus – Kí sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết.

Các bệnh nhân trẻ tuổi mắc cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn. Bác sĩ Phúc thông tin thêm khi bị mắc cúm, tỉ lệ bị viêm phổi do cúm ở người lớn có thể lên tới 4-8%. Tỉ lệ tử vong khoảng 5% số ca viêm phổi, chủ yếu là người cao tuổi.

Cần thiết tiêm phòng hằng năm

“Để phòng tránh cúm A, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hằng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như: người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).

Cúm A thường lưu hành quanh năm nhưng thường tập trung vào một thời điểm, có thể rơi vào tháng 3-4 hoặc 9-10 hằng năm và thường tạm lắng vào mùa hè. Với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời tiết thay đổi thất thường kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm theo mùa phát triển và lây lan.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất thường năm nay và sự di trú mầm bệnh giữa các vùng trên cả nước, hiện nay, thời điểm giữa những tháng hè từ tháng 4-8, cúm vẫn trở thành dịch với số lượng ca mắc tăng cao, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc.

Trước đó, ngày 3/8, Sở Y tế Hà Nội ra công văn về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc bệnh cúm A hoặc B trên toàn cầu. Trong các đợt dịch cúm mùa, ước tính có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và 290.000 – 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp. (Tiền phong, trang 1).

 

Hai sinh viên tử vong vì ngộ độc rượu: Hiểm họa từ rượu không nguồn gốc

Ngày 7/8 cơ quan Công an Thành phố Thủ Đức (TPHCM) đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của 2 nam sinh viên vì ngộ độc rượu. Thông tin ban đầu được biết, can rượu không rõ nguồn gốc đã được lưu trữ tại quán nhậu từ 3 tháng trước.

K ết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng ghi nhận, khoảng 23 giờ 30 ngày 3/8, sau khi bán hàng xong, 6 nhân viên nam của nhà hàng Mr Bao Cuisine, tọa lạc trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức (TPHCM), tổ chức ăn uống trong khuôn viên của nhà hàng cùng với 2 cô gái.

Được biết, tất cả những người tham gia cuộc nhậu đang là sinh viên theo học tại các trường trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Đồ uống được dùng trong cuộc nhậu là can rượu 5 lít được lấy từ kho của nhà hàng. Cuộc nhậu bắt đầu từ khuya ngày 3/8 và kéo dài đến 4 giờ sáng ngày 4/8. Cả 8 người đã uống hết 5 lít rượu pha với nước ngọt, sau đó dọn dẹp khu vực ăn nhậu thì ra về. Khoảng 14 giờ ngày 5/8, ông Nguyễn Duy B. (sinh năm 1990, ngụ thành phố Thủ Đức), đại diện pháp luật của công ty TNHH nhà hàng Mr Bao Cuisine nhận tin báo anh N.T.T. (sinh năm 1998, là nhân viên quán) có biểu hiện mệt mỏi, tím tái. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng khi đến bệnh viện thì đã tử vong.

Khoảng 1 giờ sau, quản lý nhà hàng tiếp tục nhận thông tin nhiều trường hợp khác gồm: L.Q.K. (sinh năm 2002); N.V.C. (sinh năm 2003); T.T.Y.M. ( nữ, sinh năm 2003); V.V.Đ. (sinh năm 2003); N.V.T. (sinh năm 2003); L.T.N.H. (sinh năm 2002) và N.T.T.V ( nữ) có biểu hiện lơ mơ khó nhận thức xung quanh nên khẩn trương đưa tới bệnh viện thăm khám. Đến 15 giờ cùng ngày, N.V.C. tử vong.

Những người còn lại trong số người vừa nêu được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, hai nạn nhân là N.V.T. và L.T.N.H. có triệu chứng ói, mệt mỏi, đau đầu nhiều, môi tím tái. Kết quả xét nghiệm đều có nồng độ Methanol trong máu.

Chưa xác định được nguồn gốc rượu

Làm việc với cơ quan công an về nguồn gốc can rượu, đại diện phía nhà hàng Mr Bao Cuisine cho biết, bình rượu do nhân viên cũ của quán tên Q.T. mua. Cụ thể, T. khi mua nước suối cho nhà hàng thì nơi bán đã giao 5 bình nước suối loại 5 lít. Tuy nhiên, khi phía nhà hàng mở ra 1 bình là rượu. Sau đó, quản lý đã dán nhãn chữ “Rượu” và cất vào trong kho của nhà hàng từ tháng 5 cho đến khi các nhân viên đem ra sử dụng.

Lực lượng chức năng yêu cầu nhà hàng cung cấp thông tin về nơi mua 5 bình nước suối thì chủ nhà hàng khai chỉ có Q.T. là người biết địa chỉ. Tuy nhiên, nhân viên này đã nghỉ việc từ tháng 7 và chưa liên hệ được để xác minh. Đến nay, phía nhà hàng chưa cung cấp được thông tin hóa đơn, chứng từ của 5 bình nước suối đã mua tại tạp hóa.

BS Trần Thanh Dũ, Phó Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM cho biết, 4 trường hợp ngộ độc đã được tiếp nhận, theo dõi sát và điều trị liên tục. Hai trường hợp bệnh nhân V.V.Đ và N.T.T.V đang điều trị tại khoa Nội tiết thận, hiện sức khỏe ổn định, có thể xuất viện trong một vài ngày tới. Đến chiều 7/8, hai trường hợp còn lại khá nặng là bệnh nhân L.Q.K. đang điều trị tại khoa ICU sức khỏe có cải thiện khả quan.

Trường hợp còn lại là nữ bệnh nhân T.T.Y.M. vẫn trong tình trạng nặng, toan chuyển hoá. Hiện nồng độ Methanol đã giảm xuống còn 36 mg/dL (thời điểm nhập viện là 123.98 mg/dL) không còn chỉ định lọc máu. Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương lan tỏa cả 2 bên bán cầu não. Bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về vụ việc trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết: “Bình rượu ai mua, tại sao lại để trong kho của quán là vấn đề chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để điều tra, truy tìm. Rượu là do quán cung cấp và uống tại quán dù không mua bán nhưng chủ quán vẫn là người phải chịu trách nhiệm. Đây nhiều khả năng là loại rượu tự chế từ cồn công nghiệp Methanol”. (Tiền phong, trang 5).

 

Tăng cường giám sát hoạt động tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ

Ngày 7-8, theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, sau 5 ngày triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa các quận, huyện.

Huyện Bình Chánh cùng với TP Thủ Đức, quận Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và quận 12 tiếp tục dẫn đầu về số lượt tiêm cho trẻ em, còn huyện Nhà Bè và các quận 4, 5, Tân Bình, Phú Nhuận có số lượt tiêm rất thấp.

Hiện số lượt trẻ tham gia tiêm chủng trên địa bàn TPHCM vẫn được duy trì tương đối tốt với gần 15.000 lượt tiêm/ngày. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Sở Y tế kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, nhất là quận 4, 5, Phú Nhuận, Tân Bình và huyện Nhà Bè tăng cường công tác chỉ đạo và giám sát công tác tiêm vaccine cho trẻ em và chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM về số lượt tiêm cho trẻ em quá thấp. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Giải pháp nào ngăn bạo lực từ phòng cấp cứu?

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, hai bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã bị người nhà hành hung, tấn công trực tiếp.

Hàng loạt các vụ hành hung nhân viên y tế liên tục xảy ra, phải chăng đã đến lúc cần có biện pháp mạnh hơn để bảo vệ nhân viên y tế?

Bị dọa dẫm, đòi đánh như “cơm bữa”

Chiều 4-8 tại khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), nữ bác sĩ Tài Công Diễm Thúy đang trực thì bất ngờ một người đàn ông có dấu hiệu say xỉn, trên người có nhiều vết chém chạy tới.

Tại đây, khi được giải thích chỉ cần đợi vài phút chụp X-quang nhưng ông này vẫn hung hăng quát “mày khinh tao nghèo, không có tiền không cấp cứu cho tao” rồi sau đó chạy ra khỏi khoa cấp cứu.

Bác sĩ Diễm Thúy cho hay dù chỉ mới hành nghề được 8 tháng nhưng chị không thể nhớ nổi bao nhiêu lần cùng các êkip trực bị chửi bới, hăm dọa đòi đánh… khiến chị ngày nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ.

Bác sĩ Diêu Hà Lam, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh – người có 20 năm gắn bó với khoa cấp cứu, cho biết việc nhân viên khoa cấp cứu bị hành hung thường xảy ra, nhẹ thì quát tháo nặng thì dọa chém, dọa giết, cầm dao rượt xung quanh bệnh viện.

Sau nhiều năm công tác ở khoa cấp cứu, bản thân ông cùng các đồng nghiệp của mình từng bị người nhà bệnh nhân cầm dao rượt chém, sau mỗi lần như vậy người xin nghỉ, người xin chuyển khoa.

“Tôi dám khẳng định một điều là hầu hết các bệnh viện đều có tình trạng thiếu bác sĩ khoa cấp cứu, vì nhiều người chỉ làm được 1 – 2 năm là chuyển ngành hoặc nghỉ việc do khoa cấp cứu quá nhiều áp lực lại nguy hiểm, đặc biệt là các đồng nghiệp nữ.

Cách đây vài năm, tôi từng chứng kiến đồng nghiệp là một nam bác sĩ khi đang sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân thì bất ngờ bị người nhà cầm dao chém thẳng vào mặt một đường, sau đó vị bác sĩ này đã xin nghỉ việc”, bác sĩ Lam nhớ lại.

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 160 – 180 trường hợp cần cấp cứu. Số trường hợp bệnh nhân to tiếng, dọa dẫm, đòi đánh bác sĩ cũng là chuyện “như cơm bữa”.

Cũng theo bác sĩ Chức, đa phần xảy ra mâu thuẫn tại khoa cấp cứu là người nhà bệnh nhi. Tâm lý chung của mọi người khi vào cấp cứu là phải được ưu tiên, không quan tâm đến việc cấp cứu ra sao, nặng nhẹ như thế nào, cứ đòi hỏi các bác sĩ phải thăm khám luôn cho mình.

Do vậy, nhiều người thường nôn nóng, muốn được thăm khám nhanh dễ dẫn đến nổi nóng với các y bác sĩ.

Nên triển khai cảnh sát ứng trực khẩn cấp?

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho rằng để tránh chuyện hành hung y bác sĩ tại khoa cấp cứu, quan trọng nhất vẫn là khâu sàng lọc, phần luồng và giải thích rõ cho người bệnh. Tuy nhiên nếu khoa cấp cứu có thêm lực lượng công an, các bác sĩ có thể an tâm làm việc. Vấn đề này còn tùy thuộc vào các lực lượng của địa phương.

Một giải pháp đáng chú ý khác là việc các bệnh viện cần thiết lập hệ thống Code grey (hệ thống phản ứng khẩn cấp an ninh, trật tự, khi có trường hợp khẩn cấp). Với hệ thống này, khi có sự cố xảy ra ở phòng cấp cứu, nhân viên y tế chỉ cần bấm nút đỏ, lực lượng công an và bảo vệ sẽ có mặt nhanh nhất có thể để can thiệp.

Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ khi xây dựng “Quy trình phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự – Code grey” vào năm 2019 đến nay đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình với sự phối hợp của địa phương.

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy việc triển khai lực lượng cảnh sát ứng trực khẩn cấp ngay trong bệnh viện cũng mang đến hiệu quả.

Ở Mỹ, vào năm 2020, chính quyền tiểu bang West Virginia (TP Charleston) áp dụng một dự luật cho phép các bệnh viện tư nhân được thành lập lực lượng cảnh sát túc trực tại chỗ 24/24 giờ.

Theo đó, mục đích của dự luật này là để bảo vệ các y bác sĩ tại các bệnh viện trước các hành động hành hung của bệnh nhân và người nhà. Trước đó, các nhà lập pháp tại tiểu bang Indiana (TP Indianapolis) cũng đã thông qua một dự luật cho phép các bệnh viện thành lập lực lượng cảnh sát tư nhân của riêng mình từ năm 2014.

Theo đó, lực lượng cảnh sát ở các bệnh viện thuộc tiểu bang West Virginia và Indiana được trao quyền hạn tương tự như cảnh sát TP nhưng không yêu cầu họ báo cáo dữ liệu về tội phạm, ngân sách sử dụng hay chi tiết về thời điểm họ sử dụng vũ lực để trấn áp các loại tội phạm tại bệnh viện.

Trong khi đó, từ năm 2020, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật bảo vệ cấp trung ương dành cho các bác sĩ. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các bang và vùng lãnh thổ duy trì lực lượng cảnh sát túc trực để đảm bảo an toàn cho các bác sĩ và nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện hoặc trung tâm sức khỏe. (Tuổi trẻ, trang 5).

 

Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ hiện đang lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng tới các quốc gia khác trên thế giới. Bộ Y tế nhận định nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, vì vậy, bên cạnh việc giám sát dịch bệnh từ cửa khẩu, các cơ sở y tế trên cả nước cần chủ động giám sát, phát hiện ca bệnh sớm.

Hầu hết các ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại các cơ sở y tế

Thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch đậu mùa khỉ; ban hành các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng, chống dịch và chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh…

“Nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ song nhiều quốc gia trong khu vực đã có ca bệnh. Ấn Độ đã có bệnh nhân tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ. Điều này đặt cho hệ thống y tế cần có sự chủ động quyết liệt hơn, làm sao đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch đi trước, chủ động tình huống xảy ra trong quá trình chống dịch, ngăn dịch xâm nhập vào trong nước” – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Vì vậy, việc chủ động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế là hết sức cần thiết.

“Trước hết, cần phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ đậu mùa khỉ để cách ly, điều trị kịp thời. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc ứng phó với các dịch bệnh mới xuất hiện. Hầu hết các ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh. Để phát hiện sớm ca bệnh, cần phải nắm vững các triệu chứng lâm sàng, để gợi ý sau chẩn đoán và có xét nghiệm phù hợp. Thứ 2 là chủ động ứng phó, tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị sẵn phương tiện cần thiết, thuốc men, nơi cách ly, vật tư… Thứ 3 là phòng lây nhiễm, bảo vệ nhân viên y tế khỏi lây nhiễm đậu mùa khỉ”- ông Nguyễn Trọng Khoa nói.

Cơ sở y tế tuyến xã, huyện hoàn toàn có thể cách ly, điều trị ca bệnh nhẹ

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, sở đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tại Cảng hàng không để phát hiện những trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý, xét nghiệm, phòng, chống dịch. Cùng với đó, triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành.

“Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập phối hợp với CDC Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện thị xã tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong”- ông Vũ Cao Cương cho hay.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, hầu hết các ca bệnh đậu mùa khỉ là nhẹ, có một số trường hợp có thể có biến chứng. Trong phân tuyến điều trị, hoàn toàn tuyến xã, huyện có thể thực hiện được việc cách ly, điều trị các ca bệnh nhẹ, không nhất thiết phải đưa bệnh nhân lên tuyến tỉnh hay tuyến trung ương. Đối với tuyến xã, quận, huyện, ngoài việc phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ thì cần quản lý các ca bệnh nhẹ, không triệu chứng, cách ly tạm thời, hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và chuyển viện khi có dấu hiệu chuyển nặng, có biến chứng trong nhóm nguy cơ cao. Cần phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở y tế tuyến trên để truyền thông, giám sát nguy cơ và điều trị.

Trong khi đó, cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến trung ương, cần tăng cường cảnh giác các bệnh nhân đến khám và phối hợp y tế tuyến dưới trong việc điều trị các ca bệnh đầu tiên. “Biểu hiện trên da của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thường đến sớm, dễ thấy, vì vậy các cơ sở da liễu, liên quan đến bệnh ngoài da cần chú ý vì có thể nhầm lẫn bệnh ngoài da hoặc thủy đậu”- ông Khoa nói.

Để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, Bộ Y tế ban hành sớm hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh để khoanh vùng những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng đã sớm phân tuyến điều trị, tránh dồn bệnh nhân về tuyến trên. Cụ thể, tại y tế xã, phường; quận, huyện tiếp nhận điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường. Còn tuyến tỉnh, trung ương điều trị các ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng, gồm: Trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai; ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị, đó là: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Liên quan đến vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam, hiện nay WHO đang làm việc với đối tác để xem có cơ chế tiếp cận vaccine đậu mùa khỉ.

“Có 4 loại vaccine đậu mùa. Nhưng công nghệ sản xuất vaccine đậu mùa thế hệ 1 đã lạc hậu, chúng tôi không khuyến cáo dùng. Vaccine thế hệ 2 của Nhật Bản, hiện nay được Nhật Bản, Mỹ cấp phép, dùng riêng cho đậu mùa, nếu sử dụng phòng ngừa đậu mùa khỉ sẽ thuộc dạng dùng mà không có chỉ dẫn trên nhãn. Hiện 3 thế hệ vaccine đều thiết kế chủ yếu để tiêm chủng phòng đậu mùa, tuy nhiên, do cùng họ, các nghiên cứu gần đây, các vaccine này được cấp phép dựa trên bắc cầu miễn dịch. Thế hệ mới nhất hiện nay sản xuất ở Đan Mạch, đã đăng ký ở Mỹ, Canada…”- đại diện WHO nói. (Lao động, trang 1).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/10/2019

CDC Hà Nam